FED tăng lãi suất, có nên lạc quan vào đà tăng trưởng?

Thứ Hai, 21/12/2015, 10:45
Ngày 16-12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định lịch sử - nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng địa ốc xảy ra cách đây gần 8 năm. Đây là một cột mốc mới cho nền kinh tế Mỹ nhưng hệ quả từ động thái này có thể sẽ lan truyền ra ngoài lãnh thổ Mỹ.

Lãi suất được nâng lên thêm 0,25% và giờ đây sẽ có biên độ dao động từ 0,25% - 0,5%, đó là quyết định có sự nhất trí của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của FED sau 2 ngày nhóm họp tại Washington. FED cũng cam kết rằng, mức tăng này sau đó sẽ đi theo "từng bậc" để tăng đến 1,4% vào cuối năm 2016. Đây quả là một sự kiện lịch sử. Từ sau cuộc khủng hoảng địa ốc năm 2008 rồi đến suy thoái 2009, lãi suất chủ đạo được duy trì gần 0%, đồng thời 3.500 tỉ USD được bơm thêm vào hệ thống tài chính.

"Nếu không có các biện pháp tiền tệ linh động và mức lãi suất thấp, rất có thể đã có thêm 2-3 triệu người thất nghiệp" - Dean Baker, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, giải thích.

Quyết định trên của FED dựa trên sự hồi phục kinh tế Mỹ. Thị trường lao động "đã có sự cải thiện đáng kể" trong năm nay với tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 5%, và "đáng tin cậy" đối với mức lạm phát hàng năm gần 0 sẽ tăng lên trong trung hạn đến mục tiêu 2%.

Giám đốc Janet Yellen của FED.

Năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt 10% nhưng đã hạ xuống 5% trong năm 2015. Sau khi thoát khỏi suy thoái, thị trường lao động tạo ra thêm 13,5 triệu việc làm và Nhà Trắng rất hài lòng. Thế nhưng, sự quay về với chính sách tiền tệ bình thường này có vẻ như được làm một cách yếu ớt, nhưng dưới đây là các lý do để FED phải tỏ ra thận trọng:

- Các số liệu mới nhất về việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 211.000 việc làm trong tháng 11. Con số này vượt quá mức mong đợi sau khi 300.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 10. Tỉ lệ thất nghiệp đứng ở mức 5%, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2008, trước cuộc khủng hoảng tài chính.

"Các xí nghiệp của chúng ta đã thêm 13,5 triệu việc làm trong vòng 69 tháng" - Jason Furman, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, cho biết. Ngành xây dựng dẫn đầu trong số các lĩnh vực góp phần gia tăng việc làm trong tháng 11 cũng như ngành ăn uống nhà hàng (32.000 việc làm) trong khi ngành buôn bán lẻ chuẩn bị cho mùa lễ cũng tạo thêm được 31.000 việc làm mới.

- Nền kinh tế Mỹ đã vượt ra khỏi suy thoái từ năm 2010. Trong 4 năm qua, tỉ lệ tăng trưởng không vượt quá 2,5% và phải tăng 2,1% trong năm nay. Lãnh đạo Ngân hàng Natixis nhận định: Giai đoạn tăng trưởng đã bắt đầu từ năm 2010. Nhưng liệu đã có dấu hiệu báo trước rằng giai đoạn tăng trưởng sắp kết thúc không? Quả thật có nhiều dấu hiệu dường như cho thấy mọi việc đang theo đường hướng đó: sổ sách đặt hàng của các xí nghiệp không mấy tốt đẹp, mức độ sử dụng khả năng sản xuất đang xuống thấp, cũng như việc làm trong công nghiệp, lợi tức của các xí nghiệp…

"Ít ra Mỹ cũng đang đi xuống, ít nhất là cho đến năm 2016. Trong năm 2017 thì chưa rõ ràng. FED có thể cho tăng lãi suất hôm nay để rồi ngày mai lại hạ xuống" - nhà kinh tế Christopher Dembik của SaxoBanque phân tích.

Dù bà Janet Yellen có cái nhìn bi quan hay lạc quan về nền kinh tế, bà cũng buộc phải hành động thận trọng. Một quyết định quá mạnh tay có thể gây bất ổn cho đà tăng trưởng. "Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tiền tệ. FED sẽ xem xét kỹ hơn tỉ giá euro/USD" - chuyên gia Xavier Timbeau cho biết. Thế nhưng nếu FED càng tăng lãi suất, đồng đôla càng có nguy cơ trở nên quá đắt và gây nặng nề cho ngành xuất khẩu của Mỹ.

"Sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới cũng như sức mạnh của đồng USD có một hệ quả tiêu cực rất lớn đến ngành công nghiệp Mỹ. Hệ quả này chẳng những có thể lan tràn sang các ngành nghề khác mà còn tiếp tục một thời gian nữa. Quả thật Ngân hàng Nhật, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đều muốn giữ đồng tiền của họ thấp" - chuyên gia kinh tế Marc-Antoine Collard khẳng định. 

Sau công nghiệp, thị trường chứng khoán cũng hưởng lợi lớn từ sự rộng rãi tiền tệ, với các chỉ số của Mỹ đã tăng hầu như gấp 3 kể từ năm 2009. Thời kỳ tiền bạc "miễn phí" đã thúc đẩy những sự đầu tư mang tính rủi ro và sự hình thành của các bong bóng đầu cơ. Sự tăng giá trị của những tên tuổi như Facebook, Twitter, Uber hay Airbnb là ví dụ.

Kinh nghiệm đã cho thấy rằng sẽ rất nguy hiểm nếu đột ngột đâm vỡ những quả bóng đó. Hệ quả của sự tăng lãi suất này có thể sẽ lan truyền ra ngoài nước Mỹ. Định hướng mới này đi ngược với việc gia tăng hoạt động của các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật, có thể tạo nên những xáo động mạnh trên thị trường thế giới vì đã kết thúc kỷ nguyên "tiền rẻ", đồng thời làm mất ổn định các quốc gia mới nổi vì lo sợ những nhà đầu tư sẽ đổ xô vào đồng đôla.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.