G7 đã lỗi thời?

Thứ Năm, 04/06/2020, 15:09
Ngày 30-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng G7 - nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, không đại diện chính xác cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Đối với chủ nhân Nhà Trắng, G7 là một nhóm quốc gia rất lỗi thời, do đó ông tuyên bố lùi ngày tổ chức thượng đỉnh của nhóm này và có ý định mời thêm các cường quốc khác tham gia.

Trả lời báo giới từ chuyên cơ Air Force One, Tổng thống Mỹ cho biết ông hoãn Hội nghị vì không còn cảm thấy G7 đại diện đầy đủ cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Ông muốn Úc, Nga, Hàn Quốc và ẤËn Độ tham gia thượng đỉnh G7 mở rộng. Ngày 1-6, Tổng thống Nga Putin và ông Trump đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại để thảo luận về nhiều vấn đề.

“Tổng thống Mỹ đã thông báo cho nguyên thủ Nga về ý tưởng mời Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh G7”, đại diện báo chí của Điện Kremlin cho biết.

Ban đầu, thượng đỉnh G7 được dự kiến tổ chức tại Mỹ vào cuối tháng 6 nhưng ông Trump muốn dời thượng đỉnh đến tháng 9, có thể là trước hoặc sau Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, thậm chí là đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mà ông hy vọng sẽ tái đắc cử. Theo AFP, ông Trump nói đến cuộc gặp G-10 hoặc G-11 và cho biết ông đã đề cập sơ lược về chủ đề cuộc họp với 4 nước được mời nói trên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Alyssa Farah, thông báo Tổng thống Donald Trump muốn đưa các đồng minh của mình, bao gồm cả liên minh tình báo Five Eyes và một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào nhóm họp này để bàn về “tương lai của Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn họp G7.

Tuyên bố về chủ đề này được đưa ra trong bối cảnh SARS-CoV-2 làm tăng tốc “chiến tranh lạnh” Mỹ-Trung. Mỹ đòi Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm” về tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Bắc Kinh tố cáo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói dối khi khẳng định con virus độc hại đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mới đây Washington đe dọa “sẽ phản ứng rất mạnh” nếu Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong.

Tại Biển Đông, các chiến hạm Mỹ thách thức Trung Quốc. Về kinh tế, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 coi như bị chìm xuồng. Mới đây Washington còn cấm các nhà sản xuất chip điện tử trên thế giới có làm việc với Mỹ cung ứng sản phẩm cho Huawei, một dạng bóp nghẹt kinh tế đối với tập đoàn này. Bắc Kinh trả đũa bằng cách lần đầu tiên từ tháng 3-2018 đã hạ giá đồng nhân tệ 15% so với đô la, dấu hiệu tiên khởi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Thông báo của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29-5 là lãnh đạo đầu tiên của các nước thành viên G7 chính thức từ chối lời mời đến Mỹ họp thượng đỉnh. Một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết việc Thủ tướng Merkel quyết định không dự thượng đỉnh là do tình hình đại dịch. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng từ chối vì những nguy cơ về y tế. Còn Tổng thống Pháp cho biết có thể đến Mỹ dự thượng đỉnh G7 nếu tất cả các lãnh đạo G7 có mặt.

Vậy thực sự, G7 có vai trò gì? Đầu tiên G6 được hình thành năm 1975 trên cơ sở của nhóm G5 không chính thức (Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Anh và CHLB Đức). Người chủ trì cuộc họp đầu tiên là Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing khi ông mời đến lâu đài Rambouillet (ngoại ô Paris) 4 nhà lãnh đạo các nước giàu nhất thế giới thời kỳ đó, cùng với Italy, để “hình thành mối liên hệ trực tiếp giữa các nhà cầm quyền”, “thoát khỏi sự ì ạch của Liên Hiệp Quốc”.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 gần đây nhất được tổ chức tại Pháp, năm 2019.

Thực vậy, thế giới lúc ấy vừa trải qua cú sốc dầu lửa năm 1973 khiến nền kinh tế thế giới chao đảo và buộc phương Tây phải điều hòa các chính sách tài chính. Năm 1976, Canada gia nhập nhóm và G7 chính thức hình thành. Vào năm 1997, Nga gia nhập khối: G7 trở thành G8. Nhưng sau đó, Nga lại “bị mời” rút khỏi khối, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Mục tiêu của khối G7 là thống nhất với nhau về những định hướng lớn, hơn là đưa ra những quyết định cụ thể. G7 không phải là một định chế quốc tế, đó là một nhóm phi chính thức đóng vai trò định hướng và thúc đẩy chính trị. Các nước thành viên thống nhất để thúc đẩy các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh, quản trị toàn cầu hóa và quản lý tài sản công thế giới.

Tuy nhiên, theo thời gian, xuất hiện nhiều vấn đề mới như trật tự kinh tế tự do và chống khủng bố... cỗ máy G7 mất dần hiệu quả. Thêm vào đó, “cùng với những phái đoàn chính thức ngày càng cồng kềnh và vài trăm nhà báo tham gia ngày hội truyền thông này, khả năng hành động đã biến mất”, theo phân tích của ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng khối G7 không còn phản ánh đúng tình hình thế giới hiện nay. Thực vậy, khối 7 nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới hiện nay chiếm 45% GDP toàn cầu, thấp hơn hẳn so với 62% GDP thế giới năm 1975 và chỉ chiếm 10% dân số.

Trước sự trỗi dậy của khối G20, được thành lập năm 1999, câu lạc bộ thu hẹp G7 dần mất ảnh hưởng. Khối G20 hiện chiếm đến 85% GDP thế giới (nhưng không gồm một số quốc gia trong số 20 nước giàu nhất thế giới, như Thụy Sĩ hoặc Iran). Chỉ riêng 3 nền kinh tế Trung Quốc - thứ hai thế giới, Ấn Độ - nước đứng thứ 7 và Brazil, quốc gia xếp thứ 9, đã chiếm 21% tài sản toàn cầu.

Giáo sư Christian Lequesne, thuộc trường Khoa học Chính trị Pháp (Sciences Po), cho rằng về mặt quan hệ quốc tế, từ giờ G20 “là một cơ cấu chính đáng hơn” và phù hợp hơn so với G7.

Moscow đã không ít lần thể hiện sự thờ ơ trở lại G8. Tổng thống Putin từng khẳng định, Nga không cần G8. Mặc dù cho biết Nga “không từ chối bất kỳ tiếp xúc nào” nhưng ông Putin cũng đề cập thêm một câu rằng: Nga không đặt ra điều này là “mục tiêu chính”.

Trả lời báo giới ngày 1-6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nói: “Chúng tôi chưa biết chi tiết về đề xuất này và chúng tôi cũng không biết liệu nó có chính thức hay không. Có rất nhiều câu hỏi: trong khả năng nào Nga sẽ được mời, chương trình nghị sự sẽ là gì, thành phần của nó ra sao...”.

Ông Peskov lưu ý rằng Tổng thống Vladimir Putin “ủng hộ một cuộc đối thoại toàn diện nhưng, trong trường hợp này, chúng tôi cần có thêm thông tin để chúng tôi không phải hối tiếc”. Ông nói thêm rằng có các cơ chế đối thoại hiệu quả khác, bao gồm G20, cho phép các nền kinh tế lớn trên thế giới thảo luận về các vấn đề trong chương trình nghị sự.

Giáo sư Christian Lequesne cho rằng G7 không còn có ích cho ổn định tập thể đối thoại giữa các nền dân chủ tự do... Ngoài ra, các nền dân chủ tự do cũng đang mất hiệu quả khi mà họ cũng bầu ra các nhà lãnh đạo dân túy. Thế giới xưa mà G7 là đại diện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hiện đại và, với sự hỗ trợ của người dân, đang đẩy họ theo khuynh hướng chống tự do.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.