G7 - ít đồng thuận, nhiều chia rẽ

Thứ Tư, 28/08/2019, 17:05
Mặc dù đã bị loại ra khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới từ năm 2014, nay Nga lại trở thành chủ đề “gây chia rẽ” trong Hội nghị G7 diễn ra tại Pháp. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ gần như “một mình chống lại” 6 nước trong nhiều chủ đề như khí hậu và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trang Sputnik của Nga còn gọi đây là thượng đỉnh G6+1.

2 trong số các chủ đề nóng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 của Nhóm các quốc gia phát triển (G7) diễn ra từ ngày 24 đến 26-8 tại Biarritz, Pháp, là cháy rừng Amazon và cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc. Nhưng, 2 vấn đề bất ngờ chen ngang, nổi bật tại hội nghị lần này là cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh và đề xuất Nga trở lại G7 của Mỹ.

Khi Hội nghị G7 diễn ra, vụ cháy rừng Amazon đã lan trên một diện tích rất rộng và vượt quá khả năng khống chế của bất cứ quốc gia Nam Mỹ nào. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa vấn đề này ra bàn với các lãnh đạo G7 ngay trong những cuộc gặp đầu tiên.

Đối với ông Macron, đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò của Pháp cũng như của cá nhân ông như là nhà lãnh đạo tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là mục tiêu mà ông đã theo đuổi trong suốt 2 năm qua, thể hiện qua việc Pháp từng đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu “Một hành tinh” vào cuối năm 2017 hay việc Pháp luôn tích cực vận động cho Thỏa thuận Paris 2015 về khí hậu.

Nhưng, chính việc đưa vấn đề nhạy cảm ra thảo luận lại không được Washington nhiệt tình tham gia bởi Mỹ trước đó đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 cũng như thực thi các chính sách không thân thiện về môi trường.

Mặc dù không phản đối ra mặt nhưng rõ ràng ai cũng có thể hiểu được hiệu quả phiên thảo luận về việc bảo vệ rừng Amazon khi phái đoàn Mỹ cho là “không xứng tầm”. Báo chí Mỹ chỉ trích Pháp cố tình chọn các chủ đề chính thức như chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, hợp tác với châu Phi... để “làm khó” Mỹ, thay vì bàn về các chủ đề quan trọng hơn như kinh tế toàn cầu hay an ninh quốc tế.

Chủ đề nóng thứ hai là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề này gây chia rẽ mạnh nhất trong G7. Tất cả các nước G7, trừ Mỹ, đều bày tỏ lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới, thậm chí có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái. Thực tế thì điều này đã và đang diễn ra.

Các nhà lãnh đạo G7.

Ngày 25-8, Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, công bố kết quả tăng trưởng âm trong quý II/2019, với sản lượng sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh và đứng trước nguy cơ chính thức suy thoái ngay trong tháng 9. Các nền kinh tế khác trong G7 cũng hứng chịu hậu quả của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ở cấp độ khác nhau.

Cho đến khi kết thúc Hội nghị G7, không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ra sao, vì một bên là đa số các nước, nhất là các nước châu Âu, lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến này và bên kia là Tổng thống Donald Trump muốn chứng minh quyết định leo thang thương mại của mình với Trung Quốc là đúng đắn.

Nhưng vì G7 chỉ là một tập hợp không chính thức của các quốc gia phát triển nên không có bất cứ văn bản nào mang tính ràng buộc pháp lý được đưa ra. Thượng đỉnh G7 chỉ là nơi các nước phát triển thể hiện quan điểm, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong các đường hướng phát triển lớn.

Ngoài chia rẽ về cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc, nguy cơ Mỹ gây chiến thương mại với châu Âu cũng đang rình rập. Mặc dù nói các đồng minh trong G7 “hòa hợp”, ông Trump vẫn đe dọa lãnh đạo nước chủ nhà Pháp, rằng Mỹ sẽ đánh thuế rượu vang Pháp “theo cách chưa từng có trước đây” trừ khi Paris bỏ một sắc thuế nhằm vào các công ty công nghệ của Mỹ.

Một chủ đề bất ngờ gây chia rẽ thêm giữa các nước G7 là đề xuất đưa Nga trở lại tổ chức này của Tổng thống Trump. Tờ báo Anh Guardian cho biết Tổng thống Mỹ đã tranh cãi quyết liệt với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm, khăng khăng đòi tái kết nạp Nga. Tổng thống Mỹ cho rằng Nga phải có mặt trong nhóm để cùng thảo luận về các vấn đề của Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên.

Trước đó, ông Trump đã đồng ý với đề nghị của Tổng thống Pháp Macron là sẽ mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020 tại Mỹ nhưng các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác đã không ủng hộ ý tưởng của ông Trump. Kết quả là đã nổ ra một cuộc tranh luận căng thẳng.

Theo Guardian, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn giữ quan điểm trung lập trong vấn đề này. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đồng ý với Tổng thống Mỹ, còn các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, phản đối mạnh mẽ việc Nga trở lại để nhóm này trở thành G8.

Về phần mình, Tổng thống Putin nói rằng Nga không loại trừ việc nối lại định dạng G8 nhưng cho đây không phải là “mục đích chính yếu”. Được biết, Nga không còn được mời tham dự các cuộc họp của 8 quốc gia hàng đầu thế giới sau các sự kiện ở Crimea và Ukraine năm 2014.

Tổng thống Putin đã khẳng định nhiều lần từ năm 2014 rằng Nga đã rời khỏi G8 và ông nhận thấy Moscow quan tâm đến mạng lưới đa dạng các khu vực hơn, chẳng hạn như G20 - nơi tập hợp cả các nền kinh tế mới nổi quan trọng khác như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trước khi Nga bị loại khỏi G8, những thành viên còn lại của nhóm này thường bất đồng với Tổng thống Putin trong hầu hết các vấn đề.

Sự tham gia của Nga trong các cuộc thảo luận không khiến phương Tây thay đổi lập trường tại nhiều khu vực trên thế giới, đáng chú ý nhất là ở Iraq và Libya. Hơn nữa, trở lại G7 không khiến Nga nhận được lợi ích thực tế nào, chẳng hạn như chấm dứt các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Khách quan mà nói, Hội nghị G7 lần này cũng đã đạt đoàn kết cũng như sự đồng thuận hỗ trợ tài chính, kĩ thuật chữa cháy rừng Amazon, manh nha cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran... Sự xuất hiện bất ngờ của Ngoại trưởng Iran tại Pháp đúng thời điểm Hội nghị G7 đang diễn ra đã được truyền thông quốc tế đưa đậm.

Ngày 25-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bất ngờ xuất hiện bên lề hội nghị và có cuộc đối thoại với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian rồi rời Pháp ngay trong đêm. Báo chí Pháp cho đây là động thái đầy tính toán của Tổng thống Pháp Macron khi ông tìm cách xoa dịu tình trạng đối đầu giữa Tehran và Washington.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.