Giá dầu sẽ tăng 100USD/thùng?

Thứ Ba, 02/05/2006, 15:00

Những khủng hoảng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran đang khiến cho giá dầu lửa thế giới tăng vọt. Theo đánh giá của các nhà phân tích kinh tế ở phố Wall thì chỉ trong vòng 1 tháng tới, giá dầu lửa có thể sẽ lên tới 100 USD/thùng.

Chỉ riêng trong ngày 29/4, khi báo cáo của Giám đốc Cơ quan  năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed El Baradei đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, giá dầu đã tăng 1,2 USD/thùng. Trong 3 ngày qua, giá dầu luôn dao động ở mức trên 72 USD/thùng, chịu thiệt nhất trong cơn sốt giá dầu chính là người tiêu dùng.

Thống kê chưa đầy đủ từ các quốc gia đang phát triển cho thấy mỗi người tiêu dùng đều phải bỏ thêm ít nhất 50 USD cho việc sử dụng dầu trong một tháng. Tuy nhiên, không vì thế mà người tiêu dùng lại quay lưng lại với dầu.

Ông Lord Browne, Giám đốc điều hành hãng BP cho biết, mặc dù giá dầu ở Anh tăng 1 bảng Anh/thùng nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2006, công ty của ông đã thu lợi về 5,27 tỷ USD. Còn hãng Shell thì đạt được con số cao hơn 5,57 tỷ USD.

Nhà kinh tế học ở Ngân hàng Deutsche tại New York (Mỹ), ông Adam Sieminski cho biết, hiện tại, mức tiêu thụ dầu trên thế giới là 85 triệu thùng/ngày, trong khi đó Iran góp 2 triệu thùng/ngày. Vì vậy, nếu LHQ ra lệnh cấm vận đối với Iran thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt dầu. Hơn nữa, khi mà vấn đề Iran chưa được giải quyết thì giá dầu vẫn có thể sẽ tăng cao hơn mức hiện nay.

Cũng phải nói thêm rằng, giá dầu tăng cũng dẫn đến việc giá gas tăng 3 USD/gallon. Giá các kim loại cũng bắt đầu nhích lên. Chẳng hạn, giá đồng trên thế giới đã lên đến 6.940 USD/tấn (tăng thêm 110 USD/tấn, gấp 5 lần so với giá 1.400 USD/tấn hồi tháng 11/2001). Riêng tại thị trường Trung Quốc, giá đồng giao dịch trên thị trường đã lên tới 7.794 USD/tấn. Kẽm, thép cũng gia tăng với mức khoảng 76%.

Manouchehr Takin, nhà phân tích dầu lửa tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng toàn cầu ở London (Anh) nhận định, trong mùa hè năm nay, giá dầu không những tăng cao mà còn xảy ra tình trạng khan hiếm dầu trên phạm vi rộng. Nguyên nhân trực tiếp không chỉ do vấn đề khủng hoảng hạt nhân ở Iran mà còn phụ thuộc cả vào tình hình chính trị - xã hội tại Nigeria vì quốc gia này mỗi ngày cũng xuất khẩu tới 500.000 thùng và khả năng khai thác dầu ở Iraq.

Kể từ sau khi xảy ra chiến tranh, Iraq chưa khôi phục được vị trí quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 2 thế giới và vẫn sản xuất ở mức độ thấp do sự phá hoại của các nhóm quân nổi dậy và sự thiếu đầu tư đồng bộ cho công việc sản xuất dầu.

Nhiều nhà phân tích kinh tế của Mỹ thì cho rằng, Mỹ sẽ là nước chịu nạn khan hiếm dầu đầu tiên bởi lẽ trong thời gian qua, khi Nga, Trung Quốc, Venezuela, Cuba, Bolivia xúc tiến việc mở rộng quan hệ, ký kết giao thương trong vấn đề cung cấp dầu và gas thì Mỹ vẫn chỉ "đứng im" và bằng lòng với "nguồn vàng đen dự trữ" của mình

Sông Thương
.
.