Giá dầu tăng, OPEC mất uy tín
40USD, 50USD và bây giờ là trên 61 USD/thùng dầu thô khiến cả thế giới lo ngay ngáy về nguy cơ khan hiếm năng lượng. Giới phân tích nhận định, với cách quản lý của OPEC và mức tiêu thụ dầu lửa hiện nay của thế giới thì ngưỡng 70USD/thùng dầu thô trong thời gian tới là chuyện không có gì lạ.
Cho dù tổ chức sản xuất và xuất khẩu dầu lửa thế giới luôn đưa ra lời hứa giữ giá dầu thô thế giới dao động từ 30 đến 35USD/thùng từ nhiều tháng qua, nhưng với mức trên 61USD/thùng như hiện nay xem ra tổ chức này ngày càng mất niềm tin với các nhà tiêu thụ dầu. Bất chấp lời Chủ tịch của OPEC mới đây tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 1/7, nhưng giá dầu thế giới vẫn leo thang để thấy rằng, tổ chức này ngày càng bất lực.
Có thể nói, chưa bao giờ giá dầu thế giới có mức tăng đột biến như hiện nay. Mới tháng trước giá 48 USD/thùng, các nước tiêu thụ nhiều dầu bắt đầu cảm thấy tín hiệu mừng, nhưng những ngày cuối tháng vừa qua đã tăng thêm 12USD/thùng, một sự dao động không thể lường trước được. Chỉ tính từ tuần trước đến đầu tuần này giá dầu cũng đã tăng 9% tương đương với 5USD/thùng. Giá dầu giao trong tháng 7 cũng đã leo tới mức 59.37USD/thùng tại
Tại Mỹ, giá xăng cũng đã tăng trung bình 2,13USD/gallon, mức tăng đã quá 40% trong khi nhu cầu thực cũng chỉ tăng 3% so với một năm trước đó. Giá dầu tăng phi mã khiến các chuyên gia về dầu lửa đã nói một câu hài ước rằng, Chủ tịch của khối OPEC Sheik Ahmed Fahd Al Ahmed Al Sabah tuyên bố là sẽ nhanh chóng chấm dứt giá dầu cao “trong vòng tuần này”, “nhưng tuần này” không biết là tuần nào và lời hứa này được đưa ra đã rất nhiều lần.
Theo tạp chí của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng toàn cầu (CGES), càng hứa, OPEC càng mất niềm tin và có lẽ họ đang “diễn xiếc” tầm quan trọng của họ đối với người tiêu dùng thế giới? Mới tháng 1/2005, họ hứa trong tháng sẽ đưa mức giá dầu thế giới xuống 25USD/thùng, nhưng lời nói gió bay. Chỉ tính từ tháng 1 tới nay giá dầu thế giới đã tăng 35%. Trong số 11 thành viên của OPEC chỉ có mỗi Arập Xêút là có thiện chí sản xuất quá khả năng để nhằm ổn định giá dầu, còn lại các thành viên khác vẫn "như người ngoài cuộc".
Một điểm bán xăng trong những ngày giá cả tăng vọt ở Indonexia
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân giá dầu tăng là do sự bất ổn ở Nigeria, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 6 của khối, chiếm 10% lượng dầu xuất khẩu vào Mỹ, tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở chỗ đó. Mới đây, Tổng thống Chavez của Venezuela, nước sản xuất dầu lớn thứ 5 thế giới với trên 3 triệu thùng dầu/ngày cũng cho rằng, việc giá dầu thế giới giảm thêm 10 USD/thùng trong thời gian tới là không có và cũng không nên nghĩ về giá dầu như đã từng xảy ra trong quá khứ.
“Sốt” đầu tư vốn vào khai thác dầu
Việc giá dầu thế giới lên xuống như trò ú tim, OPEC hứa nhiều và thất hứa cũng nhiều đã gây ra khó khăn rất lớn cho các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khổng lồ của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Mỹ, nước nhập khẩu già nửa số dầu tiêu thụ của thế giới, các công ty năng lượng độc lập đã không ngần ngại tung tiền mặt ra với khối lượng lớn để lập các dự án khai thác dầu với mong muốn kéo giá dầu thế giới xuống và giảm phụ thuộc vào OPEC. Mới đây, Tổng thống W.Bush đã trình Quốc hội Mỹ dự thảo tăng cường dùng năng lượng hạt nhân và năng lượng sạch để thay thế việc nhập khẩu dầu.
Với mức tiêu thụ dầu cao như hiện nay, Trung Quốc cũng chẳng mặn mà gì với cái tên “công xưởng của thế giới”. Để phục vụ cho nhu cầu kinh tế, năm 2003 nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã tăng 10% và năm 2004 là 16% với trên 6,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, và sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới. Trước thực trạng đó, nước này một mặt hạn chế tăng trưởng kinh tế, một mặt đa dạng hóa nguồn năng lượng, đẩy mạnh tiết kiệm nhiên liệu sạch. ấn Độ, Hàn Quốc, Lào cũng đã tìm mọi biện pháp tiết kiệm năng lượng trong đó có những biện pháp đáng chú ý là kêu gọi công chức đi xe buýt và xe đạp.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn phải... thở dài
Các chuyên gia phân tích về vốn và đầu tư của Tập đoàn Tài chính PNC ở Anh cho hay, giá dầu tăng cao, nhu cầu cắt giảm chi phí lớn, các doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm nhiều nhân công và bị giải thể, doanh nghiệp lớn cũng giảm nhân công và sẽ phải giới hạn phạm vi kinh doanh. Chuyên gia năng lượng McCarthy thì thừa nhận rằng, giá dầu trong thời điểm hiện nay chẳng khác nào sự lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng của năm 1970, khi đó các hoạt động sản xuất bị đình trệ, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và nhiều lĩnh vực khác cần nhiều năng lượng...
Tuy giá dầu hiện nay chưa vượt quá mức của 17 năm trước nhưng nó cũng là cú đòn giáng mạnh vào túi người tiêu dùng và đối với doanh nghiệp thì đây như là một khoản thuế mới. Giá tăng cao cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ lạm phát bắt đầu tăng ở nhiều quốc gia dẫn tới việc lan ra toàn cầu. “Dầu tăng cao, đồng tiền trượt giá, việc lạm phát là tất yếu” - các chuyên gia nghiên cứu ở viện Merrill Lynch khẳng định