Mỹ - Trung gia tăng đối đầu ở Biển Đông

Thứ Hai, 25/05/2015, 11:45
Việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo các đảo họ chiếm được ở Biển Đông bị cả thế giới phản đối. Mỹ, quốc gia có tiềm lực quân sự lớn nhất, đã lên tiếng bác bỏ những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ trong một tuần qua, Washinhton đã có những hành động kiên quyết hiện thực hóa tuyên bố trên.

Trung quốc có quyền tham gia giám sát trên vùng trời và vùng biển quốc tế?

Sự kiện tàu hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay do thám của Mỹ là đề tài thời sự quốc tế nổi bật trong vài ngày qua. Một bản tin của Đài truyền hình CNN, Mỹ ngày 20/5 cho hay Hải quân Trung Quốc hôm 19/5 đưa ra cảnh cáo 8 lần đối với một máy bay do thám của Mỹ, đang bay thấp xuống trên quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang xây dựng và bồi đắp một số đảo.

CNN cho biết, lần đầu tiên, Lầu Năm Góc cho một số phóng viên của họ được đi trên các chuyến bay do thám này, để tạo sự chú ý của công luận về những thách thức trong khu vực Biển Đông và phản ứng ngày càng gia tăng của Mỹ.

Trên chiếc máy bay P8-A Poseidon, loại máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm tối tân nhất của Mỹ, các phóng viên của CNN nhanh chóng nhận ra thái độ xem Biển Đông là… “ao nhà mình” của Trung Quốc.

“Đây là Hải Quân Trung Quốc... Đây là Hải Quân Trung Quốc... Làm ơn đi khỏi chỗ khác... để tránh hiểu lầm”, một giọng nói bằng tiếng Anh nghe lốp bốp qua radio trên chiếc máy bay do thám của Mỹ, theo tường thuật của CNN.

Đây cũng là lần đầu tiên Lầu Năm Góc công khai băng video cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc và cho nghe những âm thanh thách thức máy bay Mỹ. Lúc đó, chiếc P8-A Poseidon đang bay ở độ cao 4.500m, tức là thấp nhất.

Máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ.

Công việc do thám của Mỹ hôm 19/5 đặc biệt theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trên 3 hòn đảo mà cách đây vài tháng chỉ là những rặng san hô, không trồi lên khỏi mặt nước biển. Bây giờ, những đảo này đã được bồi đắp và đều có các công trình xây dựng mà Mỹ lo ngại sẽ được sử dụng như các vị trí quân sự sau này.

Chỉ huy trưởng đội máy bay tuần tra của Mỹ ở châu Á, Mike Parker, tham gia chuyến bay hôm 19/5, cho phóng viên CNN biết, lệnh xua đuổi của Hải quân Trung Quốc rất có thể đến từ một trạm radar cảnh báo sớm đặt trên đảo Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một chỉ huy của Mỹ gần đây cho Hãng tin Reuters biết là các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập, kể cả đường băng dài 3.000m, có thể sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay.

Trong đoạn video do camera của máy bay P8-A Poseidon ghi lại, có thể thấy cùng với hệ thống radar cảnh báo sớm, bãi Đá Chữ Thập hiện đã là căn cứ của nhiều cơ sở đồn trú quân sự, một tháp canh rất cao và đường băng đủ dài để tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc có thể hoạt động.

Trên khắp bãi đá Chữ Thập và tiếp đó là bãi Đá Vành Khăn, nhiều đội tàu thuyền của Trung Quốc tham gia việc xây dựng, bồi đắp đảo trái phép.

Chỉ huy không đội máy bay giám sát P8 và P3 đang triển khai tới châu Á, Mike Parker đang chỉ cho phóng viên CNN hình ảnh các hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông theo quan sát từ máy bay P8-A Poseidon.

Trên đây là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung tại Biển Đông. Vào tuần trước, một quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét phương án điều máy bay quân sự và chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc để bảo đảm sự tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông.

Hãng tin Bloomberg News hôm 20/5 trích lời nữ Đô đốc Michelle Howard, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nhận định là tàu tác chiến tuần duyên USS Fort Worth gần đây đã gặp một tàu quân sự của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Trường Sa.

Đô đốc Howard nói rằng Mỹ đã thỏa thuận với Trung Quốc về việc sử dụng các quy tắc ứng xử cho những cuộc gặp bất ngờ trên biển để tránh xảy ra đụng độ giữa hai bên. Những quy tắc đó đã được hai tàu tác chiến nói trên sử dụng khi gặp nhau trong lúc tuần tra.

USS Fort Worth là chiếc tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ được điều đến Biển Đông để tuần tra tại vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa. Nhưng nữ Đô đốc Mỹ không nói rõ là chiếc USS Fort Worth đã đi vào phạm vi 12 hải lý (22 km) chung quanh quần đảo Trường Sa hay không.

Những quy tắc ứng xử khi gặp nhau bất ngờ trên biển chắc chắn là sẽ được sử dụng nhiều hơn, bởi vì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chủ trương mở rộng tuần tra trên vùng Biển Đông, kể cả khu vực trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Kế hoạch này là nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và là một chiến dịch mà Mỹ thường xuyên tiến hành.

Năm 2014, Mỹ đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải đối với 19 quốc gia, trong đó có Indonesia, Philippines... Theo Bloomberg News, bà Đô đốc Howard cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải giải thích rõ mục tiêu của các công trình bồi đắp, mở rộng đảo ở Biển Đông.

Phản ứng sau vụ hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay do thám Mỹ hôm 19/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 21/5, cho biết: “Trung Quốc có quyền tham gia vào việc giám sát trên vùng trời và vùng biển để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và ngăn ngừa các tai nạn liên quan trên biển”.

Hình ảnh của máy bay P8-A Poseidon ghi lại cho thấy cùng với hệ thống radar cảnh báo sớm, bãi Đá Chữ Thập hiện đã là căn cứ của nhiều cơ sở đồn trú quân sự, một tháp canh rất cao và đường băng đủ dài để tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc có thể hoạt động.

Ông Hồng Lỗi cũng không quên “lặp lại” luận điệu quen thuộc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Bắc Kinh ở khu vực quần đảo Trường Sa, đồng thời kêu gọi các nước liên quan “tôn trọng”.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục giám sát và cảnh giác trên vùng trời và vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo mà nước này đang ra sức bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông.

Vẽ vạch lại hải phận là làm xói mòn lòng tin cậy lẫn nhau

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21/5 (giờ Mỹ) tại Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, chuyến bay do thám của của Mỹ là “hoàn toàn phù hợp”.

Ông Russel cũng tuyên bố lực lượng Hải quân Mỹ cùng các máy bay quân sự của nước này sẽ “tiếp tục thực hiện đầy đủ” các quyền hoạt động trên vùng trời và vùng biển quốc tế.

Nhà ngoại giao hàng đầu về khu vực nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ đi xa hơn để đảm bảo duy trì quyền tự do lưu thông hàng hải, hàng không trong vùng biển và vùng trời quốc tế của mọi quốc gia.

“Việc ngăn chặn hoạt động chính đáng của Hải quân Mỹ không phải là một lựa chọn tốt… Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia và tất cả các thành phần dân sự đều có quyền đi lại không bị trói buộc trong vùng trời và vùng biển quốc tế” - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo.

Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo ở Jakarta, Indonesia, ông Antony Blinken, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, cảnh cáo rằng “hành động của Trung Quốc làm đảo nhân tạo ở Trường Sa đe dọa tự do hàng hải và sự ổn định, có nguy cơ gây căng thẳng dẫn đến xung đột tại khu vực Biển Đông”.

Ông Blinken nói: “Khi Trung Quốc đang muốn xây dựng chủ quyền lãnh thổ từ các lâu đài cát và vẽ vạch lại hải phận, họ làm xói mòn lòng tin cậy lẫn nhau ở khu vực và tổn hại niềm tin của giới đầu tư”.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh khuyến cáo Trung Quốc nên hành động giảm bớt sự căng thẳng. Tuy nhiên, qua phản ứng của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ chủ trương xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và lợi ích của họ tại đó “cứng như đá”.

“Chúng ta cần quản lý các tranh chấp tuyên bố chủ quyền bằng phương thức ngoại giao. Chúng tôi (Mỹ) không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng chống đối mạnh mẽ các hành động nhằm lấn át các nước khác bằng vũ lực hay đe dọa” - ông Blinken nói.

Washington lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở quân sự mà Trung Quốc đang xây cất trái phép trên bãi Đá Chữ Thập để tạo lợi thế cho việc củng cố các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông trước các đối thủ yếu hơn và nhãn tiền là việc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở vùng biển này.

Dù chưa thông báo chính thức sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh được cho là đang “tập” thực thi một vùng phi quân sự ở khu vực xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

Gần đây, một tư lệnh quân đội Philippines đã tố cáo Trung Quốc thường xuyên phát cảnh báo yêu cầu máy quân sự của Philippines rời khỏi khu vực này. Vụ việc của P8-A Poseidon vừa qua càng làm dấy lên nghi ngờ trong cộng đồng quốc tế về ý đồ đó của Trung Quốc, cũng như tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh với toàn bộ khu vực.

Bình luận về việc Hãng CNN công bố video việc Trung Quốc cải tạo trái phép các bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc Hải quân Trung Quốc 8 lần cảnh báo máy bay giám sát Mỹ, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/5/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Biển Đông là nơi có những tuyến hàng hải, hàng không quan trọng của thế giới.

Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích, cũng như nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, không làm phức tạp thêm tình hình”.

Cuối tháng 4/2015, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã nêu rõ trong thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh thường niên. Bản thông cáo cảnh báo: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của một số lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Nhận định về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong vùng này, các chuyên gia cho rằng, Mỹ gia tăng các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong vùng. Mục đích là tăng cường khả năng phát hiện các tàu chiến Trung Quốc hiện diện khu vực có tranh chấp.

Các chuyên gia về an ninh nhấn mạnh đến tính toán mạo hiểm của Washington khi đi xa hơn, dẫn đến mối nguy hiểm xảy ra một cuộc xung đột quân sự có giới hạn, nhưng đối đầu trực tiếp.

Nếu như các sáng kiến của Mỹ không thành công trong việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, thì Washington sẽ phải đối mặt với một loạt các giải pháp tồi tệ: hoặc là phải lùi bước và làm mất đi sự tin cậy của các đồng minh trong vùng hoặc là chấp nhận leo thang với nguy cơ lao vào xung đột công khai với Bắc Kinh.

Kim Xán Vinh, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh báo trước là nếu Mỹ đưa các máy bay tiêm kích và chiến hạm đến vùng 12 hải lý, điều này “sẽ buộc Quân đội Giải phóng nhân dân tính tới một hành động quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông”.

Căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Mỹ gây lo ngại là cuộc tranh đua giữa Washington và Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trong vùng, như lời Michael Morell, cựu Phó giám đốc CIA, nói với phóng viên Erin Burnett của CNN rằng sự đối đầu này cho thấy hoàn toàn có thể có “hành động leo thang” giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.