Giấc mơ độc lập của Scotland bao giờ thành hiện thực?

Thứ Bảy, 29/10/2011, 17:45

Bản đồ châu Âu trong thời gian tới rất có thể sẽ xuất hiện một quốc gia độc lập mới. Bắt đầu từ ngày 24/10/2011, Scotland đã chính thức bước vào chiến dịch chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về khả năng giành độc lập tách ra khỏi Vương quốc Anh của xứ sở này. Tuy nhiên, có không ít chuyên gia đã bày tỏ sự nghi ngờ về cơ hội giành độc lập hoàn toàn của Scotland.

Dựa theo kết quả cuộc họp của đảng Dân tộc cầm quyền tại Scotland (Scottish National Party - SNP) vừa diễn ra tuần qua đằng sau những cánh cửa đóng kín tại thành phố Inverness, Chủ tịch đảng này đồng thời là đương kim Thủ tướng Alex Salmond đã chính thức tuyên bố bắt đầu một "chiến dịch vô tiền khoáng hậu" đòi quyền độc lập. Lãnh đạo chiến dịch mới được bổ nhiệm này là Angus Robertson cũng tuyên bố về quyết tâm của các đảng viên SNP sẵn sàng "ghé từng nhà, tới từng con phố" để thuyết phục mọi người dân - bất kể đảng phái, khả năng kinh tế và nguồn gốc - tham gia ủng hộ cho vấn đề chủ quyền của Scotland.

Còn nhớ chính ý tưởng tổ chức trưng cầu dân ý đã giúp cho SNP giành được chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007. Khi đó, giới chức lãnh đạo đảng này thậm chí còn đưa ra thời gian dự kiến trưng cầu dân ý vào năm 2010. Tuy nhiên, bản thân Chủ tịch Alex Salmond về sau đã phải thừa nhận, cuộc trưng cầu này đã phải tạm hoãn lại vì những lý do của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như vì đảng này không giành được đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp. Phải tới sau chiến thắng tương đối thuyết phục trong cuộc bầu cử tháng 5/2011 (SNP giành được 69 trên tổng số 129 ghế trong Quốc hội), đảng này mới tiếp tục tuyên bố về tham vọng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người dân Scotland ủng hộ cho khả năng độc lập tách ra khỏi Anh. Vào thời điểm hiện tại đã có khoảng 49% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch giành độc lập, trong khi cũng ý tưởng này cách đó không lâu mới chỉ có được 35% số người ủng hộ. Chính cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tác động tệ hại của nó lên nền kinh tế chung của Scotland cùng với sự giảm sút uy tín chung của các lực lượng chính trị khác (Công đảng, Bảo thủ và Dân chủ tự do) khiến chủ nghĩa dân tộc được dịp trỗi dậy.

Những người ủng hộ kế hoạch độc lập của Scotland đã nhấn mạnh các vấn đề kinh tế làm cơ sở cho những luận điểm đầu tiên của mình. Theo họ, Scotland từ lâu cần phải "ngừng tài trợ cho toàn bộ Vương quốc Anh". Trong hội nghị vừa qua của SNP, Bộ trưởng Tài chính John Sweeney đã tuyên bố, một nước Scotland độc lập có thể chiếm vị trí thứ sáu trong danh sách các quốc gia giàu có nhất thế giới, vượt mặt chính "quốc mẫu" Anh cả chục điểm. Những dự đoán lạc quan như vậy được các chính trị gia từ SNP đưa ra dựa trên việc huy động các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên lãnh thổ của họ (trước tiên phải kể tới các mỏ dầu trên khu vực thềm lục địa Biển Bắc).

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia, những luận điểm được SNP đưa ra xét về nhiều khía cạnh chủ yếu chỉ mang tính chất "mị dân", do tiềm lực kinh tế của riêng Scotland vẫn còn khá nhỏ bé so với cả Vương quốc Anh, chưa kể tới khả năng họ có thể huy động được bao nhiêu phần trăm những nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. 

Còn một chi tiết đáng chú ý nữa là đảng cầm quyền hiện vẫn chưa nêu chính xác ngày tháng tổ chức trưng cầu dân ý (nhiều khả năng sẽ chỉ được tiến hành không sớm hơn giai đoạn 2014-2016). Những người chống lại ý tưởng trưng cầu dân ý trên thì cho rằng, chính quyền cố tình trì hoãn thời điểm bầu cử chỉ bởi lý do họ lo ngại phần lớn người dân Scotland phản đối. Như thủ lĩnh Công đảng Yan Grey đã chỉ trích đầy mỉa mai rằng, nếu như Alex Salmond thực sự tin tưởng vào khát vọng độc lập của người dân, ông ấy "chẳng ngại tuyên bố tiến hành trưng cầu dân ý ngay ngày mai"

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.