Chuyến công du thứ 7 của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông:

Giấc mơ về Nhà nước Palestine còn xa vời

Thứ Bảy, 27/10/2007, 17:05
Với kết quả nghèo nàn của chuyến công du Trung Đông, dường như triển vọng về một nhà nước Palestine độc lập vẫn còn rất xa vời. Dù không thể phủ nhận những nỗ lực và cố gắng của Washington, nhưng rõ ràng vấn đề hòa bình Trung Đông khó có thể là một thành công đối ngoại thực sự như mong đợi của Tổng thống Bush.

Hôm 17/10, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã kết thúc chuyến công du Trung Đông với mục tiêu nhằm xóa bỏ những bất đồng chính trong quan điểm của cả hai phía Palestine và Israel ngay trước Hội nghị quốc tế về giải quyết xung đột Israel - Palestine dự tính sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, chuyến công du đã không đạt được mục đích như mong đợi. Hơn thế nữa, Bộ Ngoại giao Mỹ còn tuyên bố về khả năng dời Hội nghị thượng đỉnh trên vào một thời điểm muộn hơn.

Cần phải nhắc tới những nỗ lực đáng kể từ phía Washington nếu biết rằng, đây đã là chuyến đi thứ bảy của Ngoại trưởng Condoleezza Rice tới Trung Đông kể từ đầu năm nay. Trong những ngày có mặt tại đây, bà Rice đã chạy qua lại như con thoi giữa Jerusalem, Ramalha và cả Cairo với hy vọng đạt được những mục tiêu đã định của mình.

Trước đó, chuyến công du này được nhìn nhận như một bước chuẩn bị hoàn tất cuối cùng cho Hội nghị thượng đỉnh Israel - Palestine được ấn định vào ngày 26/11 tới tại Annapolis (Maryland - Mỹ). Hội nghị này, theo dự định của Washington, sẽ giúp đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn đối đầu thù địch và đẫm máu trong suốt nửa thế kỷ qua giữa Israel và Palestine, đồng nghĩa với một “thắng lợi chính trị” cuối cùng của Tổng thống Bush trước khi rời khỏi Nhà Trắng vào năm sau.

“Sáng kiến trên (ý nói về Hội nghị thượng đỉnh) là một nỗ lực chính trị nghiêm túc nhất từ trước tới nay để có thể chấm dứt cuộc xung đột từ rất nhiều năm - Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố như vậy ngay sau cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine - Đã đến lúc cần phải xây dựng được một nhà nước riêng cho người Palestine”.

Thật ra, ý tưởng về Hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa trên được ủng hộ không chỉ tại Israel mà cả trong thế giới Arập. Nhưng vấn đề lại ở chỗ, mỗi bên nhìn nhận các mục tiêu của nó theo những cách khác nhau.

Phía Israel cho rằng, cuộc gặp tại Annapolis chỉ có ý nghĩa tạo tiền đề cho một tiến trình hòa giải lâu dài. Trong khi người Palestine lại đòi hỏi Hội nghị thượng đỉnh này phải vạch ra được một kế hoạch hòa giải chi tiết với các điểm mốc chính xác về thời gian tương ứng với mỗi bước triển khai cụ thể của từng bên.

Các quan chức Palestine cho rằng, trước khi tới dự cuộc họp thượng đỉnh, các bên cần phải đưa ra được một thông cáo chính thức, trong đó liệt kê tiến trình và biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp nhất như vấn đề đường biên của quốc gia Palestine trong tương lai, quy chế của Jerusalem, số phận của các điểm dân cư người Do Thái cũng như quyền của những người Palestine.

Trong khi tại Israel lại cho rằng, chưa thể vội vàng bàn bạc về những “vấn đề nhạy cảm” như trên vào lúc này. Chính vì vậy, bà Rice tỏ ra không được tự tin về kết quả đợt công du này với phát biểu trước chuyến đi: “Tôi không mong đợi bất cứ một kết quả đặc biệt nào có ý nghĩa đột phá trên các văn bản giấy tờ".

Lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ tại Trung Đông đã được sắp xếp khá dày đặc ngay từ trước. Bà Rice có cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Israel Ehud Olmert tại Jerusalem, sau đó là hội kiến với Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine ở Bờ Tây.

Tiếp đó, bà Rice bay tới Ai Cập để gặp Tổng thống Hosni Mubarak, trước khi hội đàm với nhà vua Abdullah của Jordan tại London.

Khi dừng chân tại Israel, Ngoại trưởng Rice cũng gặp gỡ với người đồng nhiệm là Bộ trưởng Ngoại giao Tzipi Livni và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak. Nhưng kết quả cuối cùng của chuyến đi đúng như dự đoán, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã không thể thuyết phục được Thủ tướng Ehud Olmert của Israel nhượng bộ theo những đòi hỏi của người Palestine.

Nhiều nhà quan sát ngay từ trước chuyến công du của bà Rice đã dự đoán về thất bại của Hội nghị thượng đỉnh tại Annapolis. Theo họ, Washington đã quá vội vàng ép các bên ngồi vào bàn thương lượng, trong khi lại không quan tâm đến việc điều chỉnh quan điểm của họ trở nên gần gũi với nhau hơn từ trước đó.

Phía Israel cho rằng, Mỹ đã hứa hẹn quá nhiều với ông Mahmoud Abbas, khiến cho giới lãnh đạo Palestine đặt kỳ vọng vào hội nghị sắp tới. Chính vì vậy, Tel-Aviv chắc chắn sẽ không có những nhượng bộ đáng kể, như các chuyên gia đã bình luận.

Washington còn có tham vọng lôi kéo càng nhiều quốc gia Arập tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh trên, nhưng triển vọng này dường như cũng khó đạt được. Chẳng hạn như phía Syria đã tuyên bố sẽ không tham dự, nếu như những yêu sách riêng của mình về cao nguyên Golan không được đưa vào chương trình nghị sự. 

Tính chất phức tạp của tiến trình hòa bình Trung Đông cuối cùng cũng được Washington nhận thức ra. Ngay từ thời điểm các cuộc đàm phán của bà Condoleezza Rice tại Israel và Palestine vẫn chưa kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra thông báo về khả năng dời lại Hội nghị thượng đỉnh Annapolis.

Theo như giải thích từ Washington, cần phải có thêm thời gian để đạt được một số thỏa thuận về quan điểm giữa các bên. Ngay sau đó, bản thân Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng xác nhận về khả năng này. “Tôi không nghĩ rằng, chúng ta cần phải có một lịch trình cụ thể hoàn tất một việc X vào thời gian Y nào đó để có thể đạt được những mục tiêu đã định” - bà Rice tuyên bố như vậy, đồng thời cũng hé lộ khả năng hội nghị sẽ phải dời lại tới tháng 12.

Với kết quả nghèo nàn của chuyến công du Trung Đông, dường như triển vọng về một nhà nước Palestine độc lập vẫn còn rất xa vời. Dù không thể phủ nhận những nỗ lực và cố gắng của Washington, nhưng rõ ràng vấn đề hòa bình Trung Đông khó có thể là một thành công đối ngoại thực sự như mong đợi của Tổng thống Bush

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.