Giải mã lời tố cáo bảo trợ khủng bố của Phó Tổng thống Mỹ

Thứ Hai, 13/10/2014, 09:00

Giữa lúc liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu đang rất cần sự đoàn kết thì đột nhiên Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại lên tiếng tố cáo một số thành viên trong liên minh bảo trợ cho khủng bố. Rồi lại chính ông này lên tiếng xin lỗi. Thật ngây thơ khi tin rằng đó là một sự “vạ miệng” của chính khách hàng đầu nước Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard ngày 2/10, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác trong khu vực muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nên đã hậu thuẫn các nhóm khủng bố cực đoan như Al-Qaeda và mặt trận Al-Nusra. Hướng tới các cử tọa, ông Joe Biden giải thích rằng, Mỹ đã vất vả biết mấy bởi các đồng minh Trung Đông. Họ cố gắng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, gửi hàng trăm triệu USD và hàng chục nghìn tấn vũ khí cho bất cứ ai sẵn lòng chiến đấu với lực lượng chính phủ Syria.

Và thậm chí Phó Tổng thống Mỹ còn dẫn ra một đoạn từ cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói rằng Ankara lấy làm tiếc vì đã cho quá nhiều chiến binh vượt qua biên giới, và số này xung vào hàng ngũ IS.

Đây được đánh giá là cáo buộc nặng lời nhất mà một quan chức cấp cao của Washington đưa ra nhằm vào Ankara, liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ từng lên tiếng ủng hộ phe đối lập Syria chống lại chính quyền Tổng thống Al-Assad, song bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố khi cho rằng, các nhóm này đang gây ra mối đe dọa lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay lập tức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản đối. “Ngay cả khi tôi từng là Thủ tướng hay bây giờ thì chúng tôi cũng không bao giờ hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức khủng bố nào, bao gồm cả IS... Việc có những cáo buộc chống lại Thổ Nhĩ Kỳ như vậy là không phù hợp. Nếu ông Biden đã có những bình luận như vậy tại Harvard thì ông ấy nên xin lỗi vì điều đó” – ông Tayyip Erdogan nói.

Trước sự giận dữ của Ankara, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Erdogan để làm rõ những bình luận của ông và ngỏ lời xin lỗi vì “bất cứ sự ám chỉ nào liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh cũng như các đối tác khác trong khu vực”.

Thực ra lời cáo buộc của Washington với Ankara không phải là đầu tiên. Khi Mỹ đứng ra thành lập liên minh chống IS thì Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng theo nhưng chưa xác định có cho liên minh này dùng không phận để oanh kích quân IS ở Iraq hay không. Lý do được Ankara đưa ra khi đó là họ đang có công dân bị IS bắt giữ, nên nếu nhiệt liệt ủng hộ Mỹ đồng nghĩa với việc các con tin của họ sẽ bị đe dọa.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu của ông Biden tại Đại học Harvard còn cáo buộc các đồng minh khác của Mỹ như Arập Xêút, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã có các trợ giúp vô điều kiện về tài chính và quân sự để hỗ trợ thành phần giáo phái Sunni lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad. Chính phủ UAE cũng đã lên tiếng đòi ông Biden phải chính thức làm sáng tỏ những lời tuyên bố này. Đây là những quốc gia đã sát cánh với Mỹ trong các cuộc không kích IS trên lãnh thổ Syria.

Lời cáo buộc hỗ trợ khủng bố của Phó tổng thống Mỹ với các đồng minh đã phát tán trên hàng nghìn phương tiện truyền thông và Internet, điều này có tác động lớn hơn rất nhiều so với mấy câu xin lỗi riêng qua điện thoại. Đặc biệt là gây ảnh hưởng với công chúng trong nước. Đây cũng chính là điều mà Nhà Trắng đã tính đến. Bởi sẽ thật ngây thơ nếu tưởng rằng một chính trị gia cấp cao đầy kinh nghiệm như Phó Tổng thống Joe Biden mà lại có thể quá lời thốt ra những nhận định nóng nảy thiếu bình tĩnh về những quốc gia khác. Mỗi câu nói của ông Biden tại Đại học Harvard đã được tính toán kỹ lưỡng và nhắm tới mục đích cụ thể: Đó là đẩy lui những cáo buộc về việc Chính phủ Mỹ tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Còn nhớ cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ và phiên làm việc của Đại hội đồng LHQ, nơi các nước Trung Đông và Mỹ Latinh nêu câu hỏi chất vấn: Ai đã tài trợ cho IS và nhằm mục đích gì? Và để xoay chiều phán xử tránh khỏi bản thân mình, lãnh đạo Mỹ cần phải thanh minh và xoay mũi dùi về phía các đối tác của họ. Để làm như vậy, thậm chí chẳng cần phát minh ra bất cứ cái gì, mà chỉ đơn giản là nói ra sự thật. Điều chính yếu là chọn đúng thời điểm và lựa chỗ nhấn hợp lý.

Với mạng lưới rộng lớn các đại diện ngoại giao, tình báo và tổ chức phi chính phủ mà thực chất là làm công việc do thám, Mỹ biết rõ những gì các đồng minh của họ đang tiến hành. Vì vậy, chiêu thức cáo buộc chống lại các quốc gia Arập và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết kế chủ yếu nhằm làm giảm nhẹ hệ quả từ những hoạt động sai lầm của chính người Mỹ. Bởi Mỹ cũng đang cung cấp vũ khí, tài trợ tiền bạc cho phe đối lập Syria. Mà trong điều kiện của cuộc nội chiến, không một ai kiểm soát nổi những dòng cung cấp này. Những thứ đó vào tay lực lượng chiến binh có thể di chuyển từ nước này sang nước khác. Do đó, Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm y như Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.

Như thường thấy, nếu nhiều đối tượng có lỗi, thì chẳng còn biết hỏi tội riêng ai. Hơn thế nữa, khi mà Thổ Nhĩ Kỳ và UAE ban đầu có phật ý vì người Mỹ, nhưng lại lập tức tha lỗi. Bởi khi chiến binh IS hoành hành trên các mặt trận làm tất cả lo sợ thì đã chẳng phải là lúc bực dọc lẫn nhau vì những lời “nói linh tinh” của một cá nhân chính khách

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.