Giải phóng Fallujah, IS sắp bị đẩy ra khỏi Iraq?
- Iraq quét sạch khủng bố tại Falluja
- Mỹ dùng tên lửa dẫn đường mới diệt khủng bố ở Iraq và Afghanistan
- Lo ngại cho dân thường khi quân IS chặn đứng quân đội Iraq tại Falluja
“Hôm nay chúng tôi tuyên bố từ trung tâm quận Golan, là đã hoàn toàn quét sạch IS và thông báo tin mừng cho người dân Iraq hay rằng trận chiến Fallujah đã chấm dứt”, Trung tướng Abdul Wahab al-Saidi, chỉ huy chiến dịch giải phóng Fallujah của quân đội Chính phủ Iraq, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Iraq ngày 26-6.
Chiến dịch giải phóng thành phố Fallujah khỏi IS đã được quân đội Iraq khởi động cách đây một tháng. Fallujah là thành trì quan trọng thứ hai của IS, sau Mossul ở phía bắc Bagdad.
Trong suốt mấy tuần qua, lực lượng Iraq, được yểm trợ bởi những cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu và một đạo quân mạnh bao gồm những dân quân người Hồi giáo Shia, đã giao tranh ác liệt để đánh bật những chiến binh cực đoan ra khỏi thành phố.
Người dân tháo chạy khỏi điểm nóng Fallujah. |
Theo truyền thông Iraq, có ít nhất 1.800 tay súng IS bị giết trong cuộc hành quân tái chiếm Fallujah, số còn lại đã bỏ chạy. Chưa có báo cáo rõ ràng cho biết bao nhiêu binh lính thuộc lực lượng an ninh Iraq tử vong hay bị thương trong trận chiến giành lại thành phố này. Nhưng thành phố bị tàn phá trên diện rộng.
Cũng trong những ngày này, 85.000 thường dân, những người lo sợ thiệt mạng trong làn đạn giao tranh, đã lũ lượt rời khỏi Fallujah và những khu vực lân cận, khiến các nỗ lực trợ giúp của các cơ quan nhân đạo và của Chính phủ Iraq bị quá tải. Nhiều người thất tán hiện không có chỗ nương náu, sống trong cảnh màn trời chiếu đất dưới cái nóng gay gắt từ 45 độ C trở lên của mùa hè và trong những cơn bão cát dữ dội.
Bộ trưởng Quốc phòng Iraq cho biết hầu hết khu vực Fallujah an toàn và có thể vào sống được. Nhưng ông Karl Schembri thuộc Hội đồng Người tị nạn Na Uy, người đang trên đường từ Baghdad tới những trại tản cư gần Fallujah do tổ chức này điều hành, cho biết vẫn còn quá sớm để xác định liệu hơn 80.000 thường dân chạy lánh chiến sự có thể trở về nhà được hay chưa.
Quân đội Iraq tiến vào Fallujah ngày 26-6. |
Ông Schembri nói: “Nhiều khu vực có bẫy mìn và chúng tôi không biết còn thiết bị nổ nào chưa phát nổ hay không. Chúng tôi không biết chính xác mức độ tàn phá nhưng có vẻ không nghiêm trọng bằng ở Ramadi. Điểm mấu chốt là thường dân cần phải đưa ra quyết định sau khi họ nắm được tình hình. Họ không nên bị thúc ép phải quay về. Họ đã trải qua quá nhiều khổ sở rồi. Chúng tôi không muốn đẩy họ vào chốn nguy hiểm nữa”.
Ông Schembri cho biết có những tín hiệu lạc quan là nguồn quỹ trợ giúp đang đổ tới dù từ đầu năm tới nay chỉ mới 30% nhu cầu của 3,6 triệu người Iraq tản cư được đáp ứng. Ông nói, điều hết sức thiết yếu là gia tăng nguồn ngân quỹ để ứng phó với nhu cầu hết sức to lớn của những người đang cần được giúp đỡ.
Với chiến thắng ở Fallujah, mục tiêu tiến công kế tiếp là chiếm lại thành phố Mosul, theo lời Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi. Hadi Al Amersi, một viên chỉ huy dân quân Shia, nói: “Chúng tôi sẽ không dừng lại sau Fallujah. Chúng tôi sẽ tham gia giải phóng Mosul, bất kể là những người khác có muốn làm như vậy hay không. Chúng tôi sẽ góp phần vào việc giải phóng Mosul và những người không thích việc này có thể đập dầu vào tường. Đây là lời nói cuối cùng”.
Liên Hiệp Quốc cho biết những cuộc tấn công quân sự sắp tới nhắm vào IS, trong đó có Mosul, kế cận với một con đập chiến lược, có thể làm cho 2 triệu người phải tản cư, trong khi số người tản cư hiện nay đã lên tới 3,5 triệu người.
Suốt mấy tuần qua, những quan chức tình báo của Mỹ nhận định rằng IS đang “ở điểm yếu nhất kể từ sau khi họ bành trướng nhanh chóng”. Tổng thống Barack Obama trong một cuộc họp báo mới đây nói rằng nhóm này “đang bị áp lực nhiều hơn bao giờ hết” và IS đã mất các thủ lĩnh chính yếu. Cho đến giờ, chúng ta đã triệt hạ hơn 120 thủ lĩnh và chỉ huy cấp cao của IS. IS tiếp tục mất thế đứng ở Iraq vì đã mất phân nửa lãnh thổ có cư dân mà họ từng kiểm soát”.
Một khu vực bị tàn phá tại làng al-Azraqiyah, tây bắc Fallujah. |
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc ngày 17-5-2016, IS đang tiếp tục mất thêm lãnh thổ từng chiếm được ở Iraq và Syria, gồm cả khoảng một nửa những gì đã có ở Iraq. Bộ Quốc Phòng Mỹ trước đây ước tính IS mất 40% lãnh thổ chiếm đóng ở Iraq và chừng 10% ở Syria. Các con số này tăng lên trong mấy tuần trở lại đây, theo ông Peter Cook, phát ngôn viên Lầu Năm Góc. “Con số hiện nay là khoảng 45% ở Iraq và ở Syria là từ 16% đến 20%”- ông Cook nói trong cuộc họp báo ở Washington. Các tay súng IS cũng mất thành phố Ramadi, Heet và Fallujah tại Iraq mới đây nhưng vẫn còn kiểm soát thành phố quan trọng Mosul.
Lực lượng IS ào ạt chiếm đóng nhiều nơi ở Iraq và Syria hồi đầu năm 2014, gặp rất ít sự kháng cự từ lực lượng an ninh Chính phủ Iraq và họ rất biết cách khai thác tình trạng hỗn loạn ở Syria. Kể từ năm 2014, Mỹ đã chỉ huy một liên minh quân sự quốc tế nhằm chống lại IS qua các cuộc không kích cùng huấn luyện và vũ trang cho các lực lượng địa phương.
Tháng 9-2015, nhận lời cầu cứu của chính quyền Damascus, Nga đã mở chiến dịch quân sự ở Syria nhằm đánh đuổi các lực lượng khủng bố trong đó có IS. Nhờ đó cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Assad đã giành lại nhiều phần lãnh thổ từ tay IS. Hiện IS vẫn kiểm soát thành phố Raqa, ở Syria. Đây là tổng hành dinh của IS.
Ngoài việc mất quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria, IS còn mất rất nhiều thủ lĩnh và chiến binh. Một phần do bị bắn hạ, phần khác do đào ngũ. Trong một năm trở lại đây, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đều nhằm vào các cơ sở tài chính của IS, trong đó có các nhà máy dầu, đường ống dẫn dầu. Do đó, các khoản thu nhập của tổ chức này đã sụt giảm nhanh chóng, khiến chúng phải chật vật để chi trả lương cho các thành viên. Bên cạnh đó, các nguồn thu của IS như thuế, tiền chuộc bắt cóc, tiền buôn người và thuốc phiện, tiền thu từ chiến lợi phẩm đều không còn nhiều như trước.
Theo nhiều nhà phân tích, IS đã đến thời điểm cạn tiền và chẳng bao lâu nữa sẽ phải dừng những cuộc tấn công tốn kém, các tay súng cũng sẽ lần lượt rời bỏ tổ chức cực đoan này vì không có tiền. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ giới chức tư pháp Iraq nói rằng, việc giá dầu giảm mạnh đã khiến tình hình tài chính của IS trở nên kiệt quệ, buộc nhóm này phải chuyển sang làm đại lý xe hơi và cả bán cá.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng mặc dù IS thua “đáng kể”, song nhóm này vẫn tồn tại. Patrick Martin, một nhà phân tích về Iraq tại Viện Nghiên cứu chiến tranh, nói: “Bộ máy tuyên truyền của IS có thể sẽ tìm cách tiếp tục tuyển mộ tân binh và xúi giục tiến hành những cuộc tấn công đơn lẻ bất chấp thất bại tại Fallujah”.