Gian nan cuộc chiến với quyền lực của thế giới ảo

Thứ Hai, 01/03/2021, 21:28
Một cách ngắn gọn, gã khổng lồ truyền thông - mạng xã hội Facebook đã buộc phải chấp nhận “mở két”, đồng thời đưa các tin tức báo chí tại Australia trở lại với nền tảng của mình. Tuy nhiên, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng sau tiền lệ này, những quyền lực của thế giới ảo trong tương lai chắc chắn phải quy hàng trước các thiết chế của thế giới thực.


Sự va chạm giữa hai thế giới

Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020, thuật ngữ “Big Tech” (chỉ 4 ông lớn công nghệ toàn cầu Facebook, Google, Amazon và Apple) - dù đã xuất hiện cả thập niên - mới trở nên thật sự quen thuộc với dư luận toàn thế giới. Chỉ cần theo dõi diễn biến cuộc bầu cử ấy và những xáo trộn ngoại vi của nó, bất cứ ai cũng có thể hình dung được quyền lực của những đại gia trong không gian mạng đã trở nên khủng khiếp như thế nào, khi hoàn toàn đủ sức thách thức các thiết chế quyền lực thực tế.

Một thí dụ điển hình: Không cần quan tâm đến những lời phàn nàn và sự phẫn nộ (chưa thể được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học) của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc các Big Tech cũng như giới truyền thông cánh tả nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Dân chủ đã bóp nghẹt mọi lưu lượng thông tin có lợi cho ông chủ cũ của Nhà Trắng, chỉ riêng chuyện hàng loạt trang mạng xã hội (và hơn thế là toàn bộ Big Tech) mà dẫn đầu là Facebook từ chối cung cấp dịch vụ cho ngài Donald Trump cũng đã đủ để khiến cả thế giới chấn động.

Cuộc tranh chấp giữa chính phủ Australia và Facebook thực sự là một lời cảnh báo về nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ tương tự.

Trong thời đại mà sức lan tỏa thông tin trên mạng xã hội vượt xa mọi loại hình truyền thông khác, việc ông Donald Trump không thể đưa những phát ngôn và thông điệp của mình đến những người ủng hộ ông cũng có thể ví với việc ông - khi đó vẫn còn là đương kim Tổng thống Mỹ - bị bịt miệng. Năm 2016, nếu chính ông Donald Trump là người tiên phong trong việc sử dụng mạng xã hội (cụ thể là Twitter) để phục vụ thành công chiến dịch tranh cử, với chi phí thấp hơn nhiều so với các đối thủ vẫn còn trung thành với các hình thức vận động truyền thống (như trên các mặt báo hay phát thanh, truyền hình) thì đến năm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ông đã bị đánh quỵ bởi chính thứ vũ khí ưa thích đó.

Không phải ngẫu nhiên, trong dư luận những cử tri trung thành của đảng Cộng hòa và cá nhân ông Donald Trump, ý tưởng tẩy chay Big Tech đồng thời ủng hộ ông Donald Trump kiến tạo một mạng xã hội của riêng mình hoặc tìm những lựa chọn thay thế cho Facebook hay Twitter, đã được đưa ra một cách rõ ràng và nghiêm túc.

Cũng không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel xem chuyện Big Tech cũng như các trang mạng xã hội cấm Tổng thống Mỹ truy cập vào tài khoản của chính mình để đưa ra những tuyên ngôn là “không thể chấp nhận được”. Theo các nhà quan sát quốc tế cũng như những nhà lãnh đạo các quốc gia phương Tây - vốn trước đó có quan điểm khá cởi mở với các tập đoàn công nghệ, quản trị quốc gia nên là việc của các nhà nước, chứ không phải bị đặt dưới luật lệ của các tập đoàn toàn cầu.

Rõ ràng, những “đại gia” công nghệ - những kẻ nắm luật chơi trong thế giới ảo - đã khiến các chính quyền thực tế buộc phải cảm thấy lo ngại, khi thể hiện một tầm ảnh hưởng quá lớn, quá tách biệt. Và mới đây, đầu năm 2020, một giọt nước đã tràn ly.

Trong ngày 18-2, đáp lại việc Chính phủ Australia thúc đẩy dự luật mới (nhằm buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho việc sử dụng nội dung do các hãng truyền thông và các nhà báo Australia đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và chi phí để sản xuất, biên tập và thẩm định nội dung), Facebook bóp nghẹt mọi lưu lượng thông tin báo chí trên nền tảng của mình, trong phạm vi quốc gia đó.

Cựu Tổng thống Donald Trump, một “nạn nhân” của các thiết chế quyền lực ảo.

Theo dữ liệu thu được từ Chartbeat của Nieman Lab, lưu lượng truy cập từ Facebook vào các trang tin tức của Australia đã “bốc hơi” gần như hoàn toàn (không hết hẳn vì có một vài cách khác mà người dùng Facebook vẫn được chuyển hướng đến các trang này, ví dụ như qua địa chỉ URL của trang). Đồng thời, theo dữ liệu từ Nielsen, sự “bốc hơi” lượng truy cập từ Facebook đã dẫn tới sụt giảm trong tiêu thụ tin tức, với tần suất người Australia truy cập các trang tin tức và thời gian dành cho các trang này giảm hơn 10% ngay trong ngày 18-2, thời điểm Facebook bắt đầu áp dụng việc hạn chế tin tức.

Nói cách khác, mọi hãng tin tức tại Australia đều không còn khả năng đăng nội dung lên trang Facebook của mình và người dân sống tại Australia cũng không thể thông qua các đường dẫn để truy cập vào các bài báo từ các trang tin tức của Australia hay quốc tế. Ảnh hưởng từ sự việc này cũng đã lan tới trang Facebook của một số tổ chức phi tin tức, bao gồm trang của các cơ quan y tế tiểu bang, dịch vụ cứu hỏa và cấp cứu Tây Australia, trang của lãnh đạo phe đối lập tại Tây Australia, trang của một số tổ chức từ thiện hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình và các trang công đoàn.

Cuộc chiến còn tiếp tục

Đến ngày 23-2, Chính phủ Australia thông báo Facebook sẽ dỡ bỏ biện pháp hạn chế người dùng tại nước này chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Australia.

Về phần mình, Facebook cho biết sau các cuộc thảo luận, Chính phủ Australia đã chấp thuận thực hiện một số thay đổi và đảm bảo giải quyết những mối lo ngại chính của công ty, đặc biệt là về các thỏa thuận thương mại phải thừa nhận giá trị mà nền tảng xã hội này mang lại cho các hãng truyền thông.

Trước Australia, EU cũng đã phán quyết Facebook sẽ phải trả tiền bản quyền cho các nội dung hiển thị trên nền tảng của mình.

Theo đài ABC, những sửa đổi bổ sung đối với bộ quy tắc bao gồm điều khoản cho phép Facebook và các cơ quan báo chí thực hiện quá trình hòa giải trong vòng 2 tháng nếu xảy ra tranh chấp để đạt một thỏa thuận riêng. Nếu sau 2 tháng hòa giải không đạt kết quả, Chính phủ Australia mới được chỉ định một bên trọng tài can thiệp. Việc đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài phân xử là vấn đề cả Google và Facebook đều phản đối.

Một điểm nữa, Chính phủ Australia sẽ phải thông báo trước cho một nền tảng công nghệ nếu quyết định áp dụng bộ quy tắc đối với nền tảng này và phải xem xét tất cả các thỏa thuận mà công ty sở hữu nền tảng này đã ký kết và thực hiện.

Dù cũng phải chịu sự điều chỉnh của bộ quy tắc nhưng Google đã có cách ứng phó mềm dẻo hơn. Cho đến nay, công ty này đã đàm phán và ký kết thỏa thuận nội dung tin tức với hơn 50 hãng truyền thông lớn của Australia, trong đó có Seven West Media, Nine, News Corp và Guardian, để hiển thị tin tức trên sản phẩm Google News Showcase.

Facebook cũng có ý định triển khai dịch vụ Facebook News tương tự như News Showcase ở Australia nhưng cho đến nay chưa ký bất kỳ thỏa thuận nào với các cơ quan báo chí nội địa nào do vẫn còn những lo ngại về Bộ quy tắc.

Có thể hiểu rằng sau “điểm sôi” cả hai phía đều đã đánh giá lại tình hình, để cố gắng tìm kiếp một điểm thỏa hiệp cần thiết. Và cho dù phải chấp nhận trả tiền cũng như cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để hỗ trợ báo chí trong 3 năm tới, Facebook vẫn còn đang ấm ức. Nói như Đại diện Facebook về các vấn đề toàn cầu Nick Clegg: “Những lời khẳng định - được lặp đi lặp lại rộng rãi trong những ngày gần đây - rằng Facebook ăn cắp hoặc sử dụng tin tức báo chí gốc vì lợi ích của riêng mình luôn là sai lầm. Chúng tôi không lấy, cũng không yêu cầu nội dung mà chúng tôi được yêu cầu phải trả một cái giá có thể cắt cổ”.

Bên cạnh đó, Facebook tin rằng mình mang lại cho các công ty tin tức nhiều lợi ích hơn so với những gì nền tảng này nhận lại từ họ. Theo Will Easton, người đứng đầu Facebook tại Australia và New Zealand, các nội dung tin tức chiếm chưa tới 4% tổng lượng nội dung mà người dùng nhìn thấy trên News Feed của mình; trong khi đó, có tới 5,1 tỷ lượt truy cập vào các trang web tin tức của Australia thông qua Facebook trong năm 2020. Con số này đã không được xét đến trong các cuộc đàm phán xây dựng dự luật. Và khi “hành động quá giới hạn”, họ chỉ chứng minh với các công ty truyền thông rằng tin tức chẳng có mấy ý nghĩa với Facebook - cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng tới lưu lượng truy cập các trang tin tức trong trường hợp bị chặn đột ngột.

Big Tech - những kẻ nắm luật chơi trong một thế giới song song.

Vì sao Facebook “xuống thang”? Vì Chính phủ Australia đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các chính phủ thân cận như Anh, Canada và nhiều quốc gia khác cũng quan ngại về quyền lực quá lớn của các nền tảng công nghệ cũng như các loại hình truyền thông phi chính thống. Canada hay Liên minh châu Âu (EU), đánh giá rằng sự phát triển của các mạng xã hội bóp chết báo chí truyền thống, trước mắt cổ vũ cho việc Canberra đòi hỏi Facebook phải “mở két”.

Nhưng khác với Trung Quốc (đã cấm sự xuất hiện chính thức của cả Facebook, Google lẫn Amazon trên internet trong phạm vi lãnh thổ và thay bằng các mạng xã hội nội địa là Weibo, Taobao), những quốc gia phương Tây ấy chưa có được những hình thức thay thế Facebook hay toàn bộ Big Tech. Không chỉ vậy, Big Tech còn đang thống trị khuynh hướng lĩnh vực thương mại thông qua mua sắm online của thị trường, thí dụ như ở Mỹ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 này.

Người ta cũng nói đến chuyện Australia “làm căng” với Facebook, với một trong những nguyên nhân là sự thúc đẩy của Microsoft - một ông lớn công nghệ, một đối thủ cạnh tranh khác của Facebook cũng như Google. Song, chỉ riêng lợi ích kinh tế thu được từ thương mại điện tử cũng đã đủ để Australia hay bất cứ chính phủ nào cũng phải cân nhắc. Và ngược lại, đủ để Facebook cùng Big Tech có đủ tự tin. Họ, không nghi ngờ gì nữa, sẽ gấp rút tìm kiếm các biện pháp phản kháng mới, để chứng minh rằng nếu có xung đột xảy ra, họ sẽ không phải là phía duy nhất chịu thiệt hại.

Mây Linh
.
.