Gian nan hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Thứ Năm, 07/05/2020, 10:21
Loạt súng nổ ở khu phi quân sự (DMZ) sáng ngày 3-5 làm phá tan bầu không khí im lặng chứa đầy những lời đồn đoán về sự vắng mặt khó hiểu suốt 3 tuần liền của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Đó cũng là những phát súng nhắc mọi người nhớ rằng Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thật sự yên bình.

Giới chức quân sự Hàn Quốc hôm 3-5 đã khẳng định với báo chí quốc tế rằng chuyện xảy ra ở khu DMZ chỉ là “sự cố” nhỏ do “vô tình” hơn là cố ý của binh sĩ CHDCND Triều Tiên. 11 phát súng từ phía Bắc và 2 phát bắn trả từ phía Nam không đủ làm mồi lửa cho bạo lực bùng nổ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nói rằng vụ nổ súng là do “vô tình”. Hiện Bộ chỉ huy Liên quân của Liên Hợp quốc (LHQ) làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang kiểm tra để đánh giá tính chất và mức độ của vụ việc.

Giới quan sát cho rằng loạt súng nổ hôm 3-5 có thể mang ý nghĩa là phát pháo hiệu nhắc mọi người hiểu rằng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa “rời cuộc chơi” và vẫn đang kiểm soát tình hình. Sau nhiều ngày vắng mặt gây đồn đoán, thuyết âm mưu, Chủ tịch Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại. Hình ảnh ông Kim cười tươi đi kiểm tra một nhà máy sản xuất ở Bình Nhưỡng đã làm cho những lời đồn về sức khỏe của ông tạm thời lắng xuống.

Loạt súng nổ như lời cảnh tỉnh để mọi người nhớ rằng Bán đảo Triều Tiên hiện tại vẫn chưa thật sự bình yên. Cách đây khoảng 3 tuần, CHDCND Triều Tiên cũng khiến thế giới quan tâm giữa cơn bùng phát của đại dịch COVID-19 khi cho phóng thử loạt tên lửa xuống biển. Xa hơn nữa là những vụ thử vũ khí hạt nhân, thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa...

Về nguyên tắc, Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thật sự hết chiến tranh. Sau cuộc chiến 1950-1953, hai bên chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn, chưa ký hiệp định hòa bình. Mỹ và LHQ hiện vẫn đang áp lệnh cấm vận nhiều mặt đối với CHDCND Triều Tiên để buộc nước này dỡ bỏ chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Những đợt nóng lạnh liên tục diễn ra làm cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, hòa giải dân tộc lúc thăng lúc trầm. Cho đến nay, đàm phán phi hạt nhân hóa hầu như đang giẫm chân tại chỗ, các bên chưa thể quay lại bàn đàm phát.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trở lại trước công chúng sau 3 tuần vắng mặt.

Từ khi ông Moon Jae-in lên làm Tổng thống Hàn Quốc, hy vọng về một nền hòa bình, hòa giải dân tộc đã được thắp lên. Kỳ Đại hội thể thao Olympic mùa đông 2018 đã trở thành cột mốc hòa giải khi hai miền Nam và Bắc Triều Tiên cử chung đoàn thể thao thi đấu tại đại hội. Sau kỳ đại hội đó, quan chức hai miền Nam - Bắc bắt đầu xúc tiến một tiến trình hòa bình.

Tháng 4-2018, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in gặp nhau tại khu liên hợp an ninh trên lãnh thổ Hàn Quốc, đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo miền Bắc đặt chân lên lãnh thổ miền Nam kể từ sau chiến tranh 1953. Sau cuộc gặp, CHDCND Triều Tiên đã điều chỉnh múi giờ cho trùng khớp với miền Nam, một hành động mang ý nghĩa thống nhất liên Triều.

Tháng 5-2018, ông Kim và ông Moon tiếp tục gặp nhau lần thứ hai để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc mở lại văn phòng liên lạc chung ở Kaesong và tái đàm phán hợp tác quân sự và Chữ thập đỏ, đồng thời thảo luận việc tổ chức cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump tại Singapore.

Cuộc gặp cấp cao Trump-Kim ngày 12-6-2018 tại Singapore đã đi vào lịch sử là cuộc gặp đối thoại đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên kể từ sau chiến tranh. Cuộc gặp ngắn ngủi, hai bên đã trao đổi một số điều kiện và hứa hẹn sẽ gặp lại nhau lần nữa.

Sau cuộc gặp Singapore, Chủ tịch Kim đã gửi thư cho Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng Tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore được thực thi và tái khẳng định thiện chí cải thiện quan hệ giữa hai nước. Cùng với đó là những chuyến đi CHDCND Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để đàm phán xúc tiến việc thực thi các thỏa thuận.

Sau những cuộc đàm phán, Bình Nhưỡng bắt đầu tiến hành một loạt động thái thực hiện lời hứa tại Singapore, như việc tháo dỡ một địa điểm phóng thử tên lửa gần Tonchang (ngày 24-7), việc trao trả 55 bộ hài cốt lính Mỹ (27-7). Đặc biệt là việc tháo dỡ cơ sở vật chất tại trạm phóng tên lửa và vệ tinh Sohae vào ngày 7-8-2018 được đánh giá là động thái quan trọng nhất trong thực thi cam kết của Chủ tịch Kim, bởi đây là trạm phóng thử tên lửa lớn nhất của CHDCND Triều Tiên.

Cùng thể hiện thiện chí, ngày 23-6-2018 Hàn Quốc thông báo dừng kế hoạch tập trận chung với Mỹ dự kiến vào tháng 9. Tiếp đến, ngày 1-7, hai miền Triều Tiên nối lại liên lạc vô tuyến giữa các tàu quân sự hai bên đường biên giới biển (NLL) trên Hoàng Hải. Ngày 17-7, hai miền Triều Tiên nối lại liên lạc quân sự ở vùng phía Tây bán đảo.

Sau nhiều sàng lọc, địa điểm được chọn cho cuộc gặp Trump-Kim lần hai là Hà Nội, Việt Nam. Thời gian diễn ra vào cuối tháng 2-2019. Khác với cuộc gặp tại Singapore, cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim diễn ra chóng vánh, hai bên không đạt thỏa thuận nào, cũng không ra tuyên bố chung. Chủ tịch Kim đã quay về ngay mà không nêu lý do. Về sau, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng lý do rút ngắn cuộc gặp Hà Nội là do bất đồng về việc dỡ bỏ cấm vận.

Ngày 30-6-2019, ông Trump, ông Moon và ông Kim bước vào cuộc họp thượng đỉnh tay ba tại khu DMZ. Đây được xem là một cột mốc lịch sử với việc lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đặt chân lên đất CHDCND Triều Tiên. Kết quả của cuộc gặp lịch sử đó là hai bên Mỹ-Triều đồng ý nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Để tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán thuận lợi hơn, Nga và Trung Quốc đã đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị ách lại vô thời hạn, khiến cho tiến trình đàm phán cũng giẫm chân tại chỗ.

Ngày 10-9-2019, ông Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vì ông này quá cúng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, gây cản trở tiến trình đàm phán. Ngày 5-10-2019, đàm phán nối lại tại Stockholm, Thụy Điển nhưng sau đó hai bên tuyên bố “đổ vỡ” vì phía Mỹ “thiếu linh hoạt”.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.