Gian nan kế hoạch gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 14/12/2020, 15:59
Vào ngày 8-12, trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary, Péter Szijjártó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu đã có bài phát biểu nhằm xoa dịu mối quan hệ giữa EU và Ankara.

“Hợp tác có thể có những cơ sở tích cực. Để đặt nền móng này, chúng ta phải gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và có những bước đi tích cực. Chúng tôi muốn phát triển quan hệ của mình với EU trên những cơ sở này. Chúng tôi không nói điều đó vì Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ sớm diễn ra và vấn đề trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thảo luận ở đó”, Ngoại trưởng Cavusoglu nói khi đề cập đến khả năng Hội đồng châu Âu sẽ được thảo luận trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì những hành vi của họ ở Địa Trung Hải.

“Chúng tôi luôn nói điều đó. Chúng tôi luôn muốn phát triển quan hệ của mình với triển vọng trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu. Chúng tôi đã đạt được điều đó? Chưa. Chúng tôi mong đợi EU sẽ có những bước đi hợp lý và cân bằng”, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.  

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Pháp Macron.

Nỗi ám ảnh gia nhập EU của Ankara

Kể từ năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thực sự từ bỏ kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu. Và điều này vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả khi Hội đồng EU ngày nay cho rằng các cuộc đàm phán đang “bế tắc”. “Chúng tôi không gặp nhau ở bất cứ đâu ngoài châu Âu và chúng tôi dự định xây dựng tương lai của mình với châu Âu”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan giải thích trong một hội nghị truyền hình được tổ chức vào ngày 21-11 với các thành viên của đảng Công lý và Phát triển (AKP), đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay do ông lãnh đạo.

Hơn nữa, một nguồn thạo tin về vấn đề nói với kênh Sputnik của Nga rằng ý chí hội nhập đến từ cả hai bên: “EU đang làm mọi thứ để hội nhập Thổ Nhĩ Kỳ”. Và cần nói thêm rằng, đối với Brussels, tắc nghẽn duy nhất vào thời điểm hiện tại là “Thổ Nhĩ Kỳ có một nền kinh tế đang bị chi phối bởi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế”. 

Alexandre Del Valle, nhà phân tích địa chính trị chuyên về Thổ Nhĩ Kỳ, lại không cho rằng bế tắc hiện nay giữa Ankara và  Brussels chỉ có vậy. “Chương trình nghị sự kinh tế không liên quan gì đến chương trình nghị sự thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đã có một liên minh thuế quan và nhiều hiệp định ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ với EU, vì vậy sẽ không còn miếng bánh để chia sẻ nữa”, ông Del Valle nói với Sputnik France. Ông thậm chí còn so sánh vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Sĩ. Liên bang Thụy Sĩ không phải là thành viên của EU, nhưng hoàn toàn hội nhập vào nền kinh tế của khối này.

Theo Alexandre Del Valle, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập không phải vì lý do kinh tế: “Ở Brussels, các quan chức nói theo quan điểm toàn cầu hóa, thậm chí theo quan điểm Âu châu, với logic này kéo dài đến vô tận. Đó là một định đề chính trị và tư tưởng”. Theo ông, việc Thổ Nhĩ Kỳ hội nhập EU sẽ là một điều không tưởng.

“Khi ông Erdogan và các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vẫn có thể trở thành thành viên của EU, chúng ta có thể an tâm nói rằng họ đang nói dối. Họ đã ngăn cản việc gia nhập EU của chính mình bằng cách ngăn chặn tất cả các quyền và nghĩa vụ ràng buộc đối với các quốc gia thành viên. Đặc biệt là cuộc xâm lược đảo Síp, điều đó ngăn cản mọi thứ”.

Đối với ông, lập trường này của Ankara “là một hình thức khiêu khích, trước tất cả những hành động gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các thành viên EU trong những năm gần đây”. Alexandre Del Valle đặc biệt đề cập đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp, Síp hay thậm chí cả Ý và Pháp.     

Những hoài nghi của châu Âu

Một điểm nghẽn khác, “cặp đôi” Pháp-Đức, thường được coi là động cơ của châu Âu, phản đối ý tưởng về việc Ankara hội nhập EU. “Thổ Nhĩ Kỳ không được trở thành thành viên của Liên minh châu Âu”, Thủ tướng Angela Merkel chỉ ra vào tháng 9-2017 trong cuộc tranh luận trên truyền hình nhân dịp bầu cử lập pháp.

Vào tháng 1-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần phải “thoát khỏi thói đạo đức giả khi suy nghĩ rằng một sự tiến triển tự nhiên để mở ra các chương mới là có thể thực hiện được, điều đó không đúng”. 35 chương của trong quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên EU yêu cầu một quốc gia phải đáp ứng trước khi đăng ký làm thành viên.

Trong một bài đăng trên Twitter ngày 5-1-2018, ông Macron viết: “Tôi không nghĩ rằng quá trình gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành công trong vài năm tới. Nhưng ý muốn của tôi là duy trì sự gắn kết của Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu”.

Đặc biệt, với gần 83 triệu dân vào năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia đông dân thứ hai trong EU sau Đức. Trong trường hợp gia nhập, nước này sẽ trực tiếp đóng một vai trò ưu tiên trong Liên minh, vì các thể chế châu Âu dành một vị trí quan trọng đối với trọng lượng nhân khẩu học của các nước thành viên.

Thổ Nhĩ Kỳ, ngọn hải đăng của Hồi giáo thế tục?

Liên quan đến lý do tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ, vì di sản Hồi giáo thế tục của mình, luôn coi mình như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa Hồi giáo. Đây là lập luận được đưa ra bởi những người ủng hộ việc Ankara gia nhập EU. “Ông Macron, giống như Tổng thống Sarkozy trước đây, có một bài diễn thuyết gay gắt về đạo Hồi để thu hút các phiếu bầu của phe cánh hữu.

Về phần mình, ông Erdogan có bài phát biểu bảo vệ Hồi giáo và lăng mạ ông Macron để huy động cử tri cho mình. Chúng ta không nên nhìn mối quan hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ qua lăng kính tôn giáo, mà phải qua lăng kính kinh tế và địa chính trị”, thẩm phán Riadh Sidaoui, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính trị và xã hội Arab (CARAPS), cho biết. 

Ngày nay, khó bảo vệ quan điểm Hồi giáo thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán gia nhập EU sau năm 2005. Nhiều nhà phân tích và nhân vật chính trị coi Erdogan là người ủng hộ cho Hồi giáo chính trị và chủ nghĩa dân tộc theo Ottoman. Sự ủng hộ của ông, không bao giờ bị phủ nhận bởi các nhóm thánh chiến ở Libya và Syria, chỉ là một ví dụ về sự lệch lạc về Hồi giáo bị bộ máy truyền thông-chính trị Pháp và châu Âu tố cáo.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.