Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran: Gian nan thực hiện

Thứ Năm, 09/04/2015, 16:15
Phải vất vả vô cùng Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) mới đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, kết thúc 8 tháng đàm phán con thoi gần như liên tục và hơn cả là phá vỡ tình thế bế tắc kéo dài suốt 12 năm qua về vấn đề gây tranh cãi này.

Không thể phủ nhận những cái được đem lại cho các bên sau khi văn bản pháp lý này có hiệu lực. Song, cũng không thể khẳng định nó hoàn toàn có lợi mà không có hại gì. Trung Đông, chảo lửa vốn nóng bỏng nhiều năm qua có lẽ ít được lợi nhất từ kết quả này.

Khó có thể giúp ổn định tình hình Trung Đông

Có thể nói việc Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran là thắng lợi lớn không chỉ đối với nhóm các nước tham gia đàm phán mà nó còn giải tỏa tâm lý cho cả cộng đồng quốc tế về tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, trong cái may vẫn có cái rủi, trong khi các nhà đàm phán hy vọng một thỏa thuận hạt nhân sẽ đưa Iran trở lại kênh ngoại giao, thì giới chuyên gia vẫn đang tranh cãi không biết thỏa thuận đó có giúp dập tắt "chảo lửa" ở Trung Đông hay không.

Phái đoàn Mỹ và Iran tại hội nghị đàm phán cuối cùng.

Đã từ lâu, mặc dù phải chống chọi với các biện pháp trừng phạt và sự cô lập về ngoại giao, kinh tế song ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông không ngừng gia tăng khi Tehran vẫn can dự sâu sắc vào các vấn đề khu vực. Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ lâu dài với chế độ Syria và lực lượng Hezbollah ở Liban, Iran còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, đồng thời là quốc gia hậu thuẫn chính cho cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi ở Yemen.

Khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu năm 2013, nhiều người hy vọng rằng một thỏa thuận hạt nhân có thể sẽ mở đường cho sự hợp tác lớn hơn về vấn đề an ninh, song một số nhà phân tích cho rằng thời điểm đó dường như đã trôi qua. David Hartwell, Giám đốc điều hành của tạp chí "Nội bộ Trung Đông" có trụ sở ở London, khẳng định: "Mọi việc đã thay đổi quá nhiều. Trong vài tháng gần đây, thậm chí là vài tuần trước, hạt nhân từng là vấn đề quan trọng nhất trong khu vực, nhưng hiện nay cuộc tranh luận về an ninh đã bắt đầu được bàn tới".

Trong khi một số người hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy Iran và các đối thủ của Tehran ở Trung Đông ngồi lại đàm phán cùng nhau. Chuyên gia Bernard Hourcade làm việc tại Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu khoa học tại Paris cho rằng: "Cho đến nay, Iran vẫn đang can thiệp vào các vấn đề khu vực dù không được yêu cầu, và điều này sớm muộn cũng sẽ làm nảy sinh chiến tranh. Một thỏa thuận đồng nghĩa với việc Iran phải bắt đầu một cuộc chơi mang tính ngoại giao hơn".

Hasni Abidi, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về thế giới Arập và Địa Trung Hải có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), nhận định kết quả của việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể sẽ khiến Iran ngày càng đi theo chủ nghĩa can thiệp và họ sẽ sử dụng vũ khí mua bằng tiền thu về từ các tài khoản được dỡ bỏ lệnh đóng băng. Vậy liệu sự công nhận của thế giới có khiến nước này bớt hung hăng hơn không hay giảm bớt sức ép của họ (lên các nước đối thủ trong khu vực) hay không? Cho đến nay chưa ai dám khẳng định.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng, thỏa thuận được nhất trí hôm 2/4 "sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực".  Tuy nhiên, tuần trước, đối thủ chính của Iran là Arập Xêút đã thành lập một liên minh quân sự Arập gồm 10 nước để kiềm chế phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen, đồng thời tiến hành không kích trên khắp Yemen.

Nhiều người lo ngại rằng, khu vực này đang bên bờ một cuộc chiến tranh toàn diện, chứ không phải các mối quan hệ ở khu vực này đang được hòa giải, với việc các cường quốc hàng đầu khu vực không muốn hợp tác ngay cả trong các lĩnh vực mà họ có chung lợi ích. Chuyên gia Hartwell nói: "Gần như không có bằng chứng nào cho thấy Arập Xêút hay nước nào khác bằng lòng với sự can thiệp của Iran vào cuộc chiến chống IS. Họ cũng không sẵn sàng hợp tác với Iran trong mọi vấn đề".

Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán.

Arập Xêút và Israel - vốn được những nghị sĩ diều hâu ở Washington hậu thuẫn - cho rằng Iran đang tìm cách thiết lập sự kiểm soát các vùng rộng lớn ở Trung Đông. Nếu được gỡ bỏ kiềm chế về tài chính, Iran sẽ tăng cường các cuộc xâm lược và khởi động cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực. Quốc vương Arập Xêút đã thẳng thừng cảnh báo Đại sứ Mỹ hồi năm 2009 rằng: "Nếu họ có được vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi cũng sẽ có vũ khí hạt nhân".

Bên cạnh đó, vẫn có một số quan điểm khác cho rằng Iran đang hành động trong thế yếu. Flynt Leverett, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Penn State, Mỹ, cho biết: "Không phải Iran đang ngồi đó và âm mưu làm cách nào để kiểm soát Trung Đông, mà họ đang dành thời gian suy nghĩ về việc làm cách nào để ngăn chặn các nước khác thực hiện điều đó".

Song, chuyên gia Ali Vaez của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế cho rằng bị bao vây bởi các đồng minh của Mỹ và bị gạt ra khỏi các hợp tác an ninh, Tehran phải sử dụng chiến tranh ủy nhiệm và các cuộc can thiệp để bảo vệ vị thế của họ. Có thể một thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp Iran cảm thấy bớt bị đe dọa hơn và sẽ sẵn sàng làm việc qua kênh ngoại giao hơn, song các vấn đề thường không đơn giản như vậy ở một khu vực mà không một cuộc xung đột nào chấm dứt một cách hòa bình trong nhiều thập kỷ qua. Ông Vaez nói: "Quan hệ của Iran với các nước láng giềng vẫn đầy rẫy những hiểu lầm và các cơ hội bị bỏ lỡ".

Tác động đến nhiều nước

Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 hồi tuần trước đã bị Thủ tướng Israel và các đồng minh chỉ trích kịch liệt, xem đó là một thỏa thuận mang nhiều rủi ro, đặc biệt là tạo ra nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của Nhà nước Do Thái. Đối với Arập Xêút, thỏa thuận đó đang giúp cho Iran có điều kiện mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực, cạnh tranh trực tiếp vị thế cường quốc khu vực của Riyadh.

Tổng thống Iran Hassan Rowhani.

Nhà Trắng đã tuyên bố, Tổng thống Barack Obama sẽ không đồng ý ký kết thỏa thuận nào gây bất lợi cho đồng minh của Mỹ. Đích thân Tổng thống Obama cũng đã khẳng định thỏa thuận khung vừa đạt được là cơ hội duy nhất để giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Iran.

Đó là một bước tiến lịch sử không chỉ trong việc giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran mà còn có tác động đến chương trình nghiên cứu hạt nhân của các quốc gia khác trên thế giới, như Nam Phi, và nhất là CHDCND Triều Tiên. Bước tiến đó đã tạo ra một “tiền lệ tích cực” góp phần quan trọng làm cho những nỗ lực thực thi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trở nên thuận tiện hơn.

Cụ thể, thỏa thuận hạt nhân Iran nhìn chung sẽ tác động tiêu cực đối với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, làm chậm lại tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Có dư luận quan tâm cho rằng, liệu CHDCND Triều Tiên có vì thỏa thuận lịch sử này mà cắt quan hệ với Iran hay không? Dù sao thì CHDCND Triều Tiên cũng không thể vì ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân mà “trở mặt” với Iran, bởi quan hệ hợp tác Bình Nhưỡng và Tehran không chỉ có vấn đề nghiên cứu hạt nhân mà còn nhiều lĩnh vực vũ khí khác, như tên lửa và các loại vũ khí thông thường khác.

Mặt khác, thỏa thuận này cũng là một cách tốt nhất để giúp Bình Nhưỡng có điều kiện làm chủ công nghệ hạt nhân tương tự như Iran mà không phải đàm phán trầy trật năm lần bảy lượt với Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng cũng đi theo con đường thỏa thuận như Iran thì cái lợi có khi còn nhiều hơn, sau khi được gỡ bỏ các chế tài, cấm vận.

Thỏa thuận khung đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt cho việc làm giàu uranium, cấm tái chế plutonium và thiết lập một cơ chế thanh tra quốc tế đối với các chương trình hạt nhân. Đặc biệt, thỏa thuận khung được ký kết vào thời điểm này trùng hợp với thời gian hội nghị xem xét lại Hiệp ước NPT dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này. Đây là cơ hội để mở rộng phạm vi áp dụng một số điều khoản quan trọng ra toàn cầu.

Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo thế giới có cơ hội thử khả năng chuyển một số quy định nghiêm ngặt trong thỏa thuận hạt nhân Iran thành mô hình chế tài quốc tế để áp dụng trong tương lai. Iran là một nước tham gia ký kết và phê chuẩn NPT, vì vậy cuộc khủng hoảng chương trình hạt nhân Iran bấy lâu nay cần phải được các lãnh đạo xem xét như một điển hình bộc lộ những thiếu sót cơ bản của NPT.

Khi ngày càng có nhiều quốc gia theo đuổi công nghệ hạt nhân để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực Trung Đông – như Ai Cập, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ - đang lăm le theo đuổi chương trình hạt nhân như Iran sau khi Iran đạt được thoà thuận khung với phương Tây – thì cộng đồng quốc tế càng cần phải xây dựng một “lá chắn” vững chắc để ngăn giữa việc sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình và quân sự. Vì thế, thỏa thuận khung vừa được ký giữa Iran và phương Tây có thể được xem như một “chuẩn mực hữu ích cho tương lai”.

Thỏa thuận khung vừa đạt được chỉ mới là bước đầu cho việc đi đến ký kết thỏa thuận cuối cùng toàn diện về chương trình hạt nhân Iran vào ngày 30-6 tới. Từ đây đến đó hơn 2 tháng còn nhiều việc phải giải quyết, nhất là việc chi tiết hóa, cụ thể hóa ngôn ngữ chung chung của thỏa thuận khung, và giải pháp nào để có được một thỏa thuận hợp lý nhất, được tất cả các bên đồng tình, kể cả Israel và Arập Xêút.

Tổng thống Iran đối mặt với những khó khăn và công kích từ nhiều phía

Không thể phủ nhận thỏa thuận khung lịch sử mà các bên vừa đạt được sẽ hòa giải Mỹ-Iran, hâm nóng quan hệ hai nước vốn đã nguội lạnh 35 năm qua sau khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran qua sự kiện Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công. Và cũng không thể phủ nhận nếu cấm vận quốc tế được hủy bỏ, Iran với 78 triệu dân sẽ trở thành vùng đất thiên đàng đối với các nhà đầu tư, hiện đã nhăm nhe xí phần.

Chính vì vậy, cũng không thể phủ nhận thỏa thuận khung đạt được đã thể hiện chiến thắng ngoại giao và chính trị giòn giã của Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Về đối nội, ông đã tạo được cho người dân Iran viễn ảnh thay đổi cuộc sống tốt hơn. Các nhà hoạch định kinh tế Iran sẽ bắt đầu nghiên cứu các dự án hợp tác. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuẩn bị sẵn sàng đổ bộ vào Iran.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hồ sơ hạt nhân Iran vẫn là một "câu chuyện dài kỳ" khi có quá nhiều trở ngại và công kích từ trong và ngoài nước nhằm vào Tổng thống Hassan Rowhani ngăn cản việc triển khai thỏa thuận khung, thậm chí cả khi đạt được thỏa thuận toàn diện.

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Hassan Rowhani nhận được sự ủng hộ quan trọng đầu tiên trong nước, đó là trong buổi lễ cầu nguyện ngày 3/4, các giáo sĩ hàng đầu ở Tehran và các thành phố khác đều lên tiếng ca ngợi thỏa thuận này. Tờ Thời báo Tài chính (Anh) đã đưa ra những nhận định không mấy khả quan về ông Rowhani, cho rằng vẫn còn vô vàn thách thức lớn trong những tháng tới, không chỉ trong việc đưa ra những chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận mà ông Rowhani còn phải chống chọi với những lời chỉ trích ở trong nước và tạo điều kiện cho những nhân vật theo đường lối cải cách tiếp tục phát huy những “thành tích” đã đạt được.

Phe bảo thủ cũng đang nóng lòng tìm cách hạn chế những lợi thế chính trị của ông Rowhani do lo ngại rằng những lợi thế này sẽ trở thành những lá phiếu ủng hộ cải cách trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới. Vị thế đa số ở Quốc hội có thể giúp phe cải cách thực hiện những cải cách kinh tế và tiếp tục xây dựng cơ sở ủng hộ của mình trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017 - một kịch bản mà phe bảo thủ ở Iran lâu nay vẫn lo ngại. Do đó, nhiệm vụ của phe bảo thủ sẽ là gây khó khăn cho ông Rowhani.

Sau nhiều năm chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và những khó khăn kinh tế chồng chất, thỏa thuận vừa đạt được mở ra hy vọng rằng Iran đang đứng trước bước ngoặt quan trọng.

Với việc quá nhiều người dân Iran đang nóng lòng muốn nhìn thấy những thành quả ngay lập tức của thỏa thuận, ông Rowhani sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục họ phải chờ đợi trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Những đối thủ của ông có thể sẽ tìm cách kích động kỳ vọng của dân chúng và những nhận thức sai lệch về thỏa thuận hạt nhân chắc chắn một lần nữa gây khó khăn cho Tổng thống Rowhani.

Bảo Trân - Văn Trương (tổng hợp)
.
.