Giằng co đàm phán thương mại Mỹ – Trung

Thứ Ba, 15/10/2019, 14:28
Trả lời phóng viên báo chí ngày 10-10, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang “cố gắng tìm ra giải pháp nhằm có được một thỏa thuận lớn hơn bằng việc đạt được tiến bộ đối với vấn đề tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ trong một số lĩnh vực quan trọng”.

Ông Brilliant cũng bày tỏ tin tưởng rằng hai bên thậm chí có khả năng đạt được một thỏa thuận tiền tệ và điều này giúp chính quyền Mỹ sẽ không áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15-10 tới.

Phát biểu trên của ông Brilliant được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán  Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại cấp cao tại Washington DC với hy vọng tháo gỡ được căng thẳng thương mại cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang gây quan ngại cho các nhà đầu tư trong hơn một năm qua.

Mới đây, Tổng thống Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15-10. Đáp lại, Ủy ban Thuế vụ Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông báo sẽ hủy bỏ việc áp thuế bổ sung đối với hai mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao.

Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt căng thẳng thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng và tùy thuộc vào cách căng thẳng kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, vòng đàm phán có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để tìm ra cách thoát khỏi tình trạng hỗn loạn về thương mại, công nghệ và kinh tế vốn đang nhấn chìm cả hai quốc gia. Nếu không đạt được điều đó, thế giới nên bắt đầu chuẩn bị cho cú trượt dốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo Wall Street Journal, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 19-9 báo cáo rằng “nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, với các hoạt động thương mại và đầu tư kinh doanh sẽ bị cản trở vì tranh chấp leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn trong những năm tới”.

Nguy cơ thực sự ở đây là Mỹ sẽ trượt sâu vào suy thoái và nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến cơn địa chấn lớn hơn mà sẽ làm tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở cả 2 nước cũng có thêm cơ hội để khẳng định rằng xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4-2017 yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ điều tra xem liệu nhập khẩu thép và nhôm có gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không là một đòn tấn công mạnh. Tháng 2-2018, mức thuế 30% nhìn bề ngoài có vẻ vô hại đã được áp đặt với những mặt hàng nhỏ như pin mặt trời và máy giặt.

Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán thương mại cấp cao mới ở Washington DC., ngày 10-10.

Một tháng sau, mức thuế đánh vào hàng hóa trị giá 10 tỷ USD đã tăng lên 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ và 10% đối với nhôm. 18 tháng tiếp theo đó Mỹ liên tục đưa ra các biện pháp thuế bổ sung và bức tường thuế quan ngày càng lớn. Mỹ đã áp thuế nặng đối với khoảng 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 185 tỷ USD.

Như vậy đến nay hai bên đã đánh thuế đối với lượng hàng hóa của nhau tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD. Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục mở rộng quy mô chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ngày 7-10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố đưa 28 đơn vị an ninh và doanh nghiệp Trung Quốc vào “danh sách đen” với cáo buộc liên quan đến các hoạt động trấn áp và xâm hại nhân quyền. Tuy nhiên, việc làm này của Mỹ trên thực tế là nhằm đối phó với ngành khoa học kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo đang dần chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc.

Theo các nguồn tin truyền thông tin cậy, Nhà Trắng đang tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp ngăn chặn nguồn vốn của Mỹ chảy vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, giải pháp khả quan hiện đang được Washington áp dụng là yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ hạn chế hợp tác theo mô hình cổ phần với các đối tác Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Quỹ Hưu trí của Chính phủ Liên bang cắt giảm hoạt động đầu tư tại Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đã tấn công một cách có chiến lược nhằm vào những điểm yếu nhất của Tổng thống Trump - đó là đánh thuế vào bộ phận các cử tri làm nông nghiệp ủng hộ ông Trump ở các bang dao động như Iowa và Wisconsin, vốn đóng vai trò quan trọng trong hy vọng tái đắc cử của ông. Khối cử tri quan trọng thứ hai - những bà mẹ phải lo chi tiêu trong gia đình - đối mặt với việc giá các đồ dùng trên các kệ hàng tăng lên vì thuế, những hàng hóa này do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc do các nhà máy của Mỹ hoặc một nước châu Á khác sản xuất nhưng được lắp ráp ở Trung Quốc.

Phạm vi kết quả cuộc gặp tối 10-10 theo giờ Mỹ không được đề cập nhưng các nguồn tin thương mại cho biết Trung Quốc nhắm đến một mục tiêu khá hạn chế, không phải là thỏa thuận sâu rộng về trợ cấp cho ngành công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ, những vấn đề mà Mỹ lo ngại

Có thể nói viễn cảnh về một thỏa thuận thương mại ngày càng ảm đạm. Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên công khai bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại lớn và mang tính toàn diện với Trung Quốc. Ngược lại, một số diễn biến gần đây cũng cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc thu hẹp các hạng mục thảo luận trong cuộc đàm phán tới đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có động thái rất cứng rắn khi yêu cầu Washington không đề cập đến vấn đề trợ cấp cho các doanh nghiệp của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại cấp cao lần này.

Cáo buộc Trung Quốc trợ cấp bất hợp pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc 7 ngành công nghiệp khác nhau là sản phẩm của Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington. Do đó, mọi người dễ dàng nhận thấy, nếu không đề cập đến nội dung kể trên, cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung lần này sẽ khó thể đi xa hoặc đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Nam Sơn
.
.