Giằng xé Đông – Tây

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:25
Kể từ thập niên 90 thế kỷ trước, sự phân cực Đông – Tây tại các nước thuộc Liên bang Xôviết giờ lại “hồi sinh” mạnh mẽ. Sau Ukraina, Gruzia và giờ là Moldova.

Cuộc bầu cử Quốc hội Moldova hôm 30/11 được thế giới quan tâm bởi sự kiện này được đánh giá mang tính quyết định đối với tương lai của đất nước nhỏ bé và nghèo nhất châu Âu này, vốn đang bị giằng xé giữa hai phe: thân Liên minh châu Âu (EU) và phe thân Nga.

Áp phích tranh cử của Đảng Xã hội miêu tả hoạt động gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu này mới thật trớ trêu: Đảng Xã hội thân Nga dẫn đầu nhưng lại khó có khả năng điều hành đất nước bởi không đủ số phiếu tuyệt đối, trong khi các đảng về 2, 3 và 4 đều là thân EU. Với 89% số phiếu được kiểm, đảng Xã hội thân Nga dẫn đầu với 21% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Tự do Dân chủ, thân EU chỉ đạt 19,3%.

Tính toàn cục thì 3 đảng chủ trương đưa Moldova gia nhập EU chiếm 44% phiếu bầu. Đối lại là phe thân Nga có được 40% phiếu. Nếu đảng Xã hội muốn lập chính phủ thì họ buộc phải liên minh với 3 đảng thân EU, điều này chẳng bao giờ xảy ra. Như thế, mặc dù không về nhất nhưng phe thân EU vẫn giành chiến thắng chung cuộc và có quyền lập chính phủ mới, điều hành đất nước.

Cuộc bầu cử tại Moldova lần này thu hút sự chú ý của dư luận bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước láng giềng Ukraina đang lâm vào cảnh xung đột sâu sắc, xuất phát từ quyết định từ chối ký kết thỏa thuận thương mại tự do và liên kết với EU của cựu Tổng thống Yanukovych. Cũng gần giống như Ukraina, Moldova bị giằng co trước sự lựa chọn một bên là EU và bên kia là Nga. Moldova cũng gặp phải vấn đề đòi ly khai lãnh thổ, như trường hợp vùng đất Transistria.

Transistria, với dân số khoảng 500.000 người, đã chiến đấu đòi độc lập tách khỏi Moldova hồi thập niên 90 thế kỷ trước, khi Liên bang Xôviết sụp đổ. Nga là nước duy nhất thừa nhận đây là một nước độc lập, và cũng như các vùng ly khai khác ở Gruzia, Nga đã đóng quân ở đó với tư cách là gìn giữ hòa bình. Hiện tại đất nước Moldova đang được EU lãnh đạo, nhưng các đảng đối lập chủ yếu (đảng Cộng sản, đảng Xã hội) vẫn chủ trương thắt chặt hợp tác với Nga và hủy thỏa thuận liên kết vừa ký hồi tháng 6/2014 với EU mà Nga đã lên tiếng phản đối, đồng thời cấm nhập khẩu nông sản từ Moldova.

Cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili phát biểu trước đám đông biểu tình qua một màn hình lớn.

Tình hình chính trị tại Gruzia cũng đang hỗn loạn do liên quan tới chuyện chính quyền nước này chia rẽ vì thân phương Tây hay “chơi” với Nga. Ngày 15/11 vừa qua, hàng chục nghìn người Gruzia đã biểu tình phản đối Nga, cáo buộc Moskva tìm cách thôn tính các khu vực ly khai của nước này, đồng thời lên án chính quyền Tbilisi không nỗ lực hơn để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Người biểu tình chỉ trích chính quyền Tbilisi đã phản ứng thụ động với một kế hoạch liên minh quân sự giữa Nga và nước Cộng hòa ly khai Abkhazia. Họ nói thỏa thuận chưa được ký kết là một bước tiến tới việc Nga sáp nhập Abkhazia.

Lãnh đạo đối lập đồng thời là cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili nói chuyện với đám đông người biểu tình qua một màn hình lớn. Ông cáo buộc Chính phủ Gruzia cúi đầu trước “con gấu” - ám chỉ nước Nga.

Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili đã nói, ông nhận thức được mối đe dọa gây nên bởi thỏa thuận chưa được ký kết. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng có thể hàn gắn quan hệ với Nga, đồng thời muốn liên kết Gruzia chặt chẽ hơn với các nền dân chủ phương Tây.

Nga công nhận Cộng hòa Abkhazia độc lập vào năm 2008 sau một cuộc chiến tranh ngắn với Gruzia về Nam Ossetia, một vùng ly khai thân Nga khác.

Gruzia cảnh báo Nga chớ có thêm những bước đi nhằm sáp nhập khu vực ly khai Abkhazia, cho rằng hành động đó sẽ tạo thêm các vấn đề an ninh mới tại châu Âu. Cuộc biểu tình trên là diễn biến mới nhất trong chuỗi những bất ổn chính trị gần đây tại Gruzia. Ngày 5/11, Bộ trưởng Ngoại giao Gruzia đã từ chức để phản đối việc Bộ trưởng Quốc phòng thân phương Tây của nước này bị sa thải một ngày trước đó, trong khi bất đồng rõ ràng về đường hướng chính trị của đất nước đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.

Bộ trưởng Ngoại giao Maya Panjikidze và 3 cấp phó của bà từ chức sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Irakli Alasania bị sa thải. Bà Panjikidze nói rằng, việc Thủ tướng Irakli Garibashvili bãi chức ông Alasania là có động cơ chính trị và khiến cơ hội gia nhập NATO và EU của Gruzia gặp khó khăn. Bộ trưởng Hội nhập châu Âu Aleksi Petriashvili cũng từ chức ngày 3/11.

Tất cả các bộ trưởng từ chức đều là thành viên của đảng Gruzia của chúng ta – Người Dân chủ Tự do, và ông Alasania là lãnh đạo đảng. Đảng này hôm 4/11 đã rút khỏi liên minh cầm quyền. Ông Alasania đã chỉ trích Thủ tướng Garibashvili vì những vụ bắt giữ một số quan chức Bộ Quốc phòng, những vụ việc mà ông nói có mục đích làm suy giảm những người ủng hộ quan hệ tốt với phương Tây.

Thủ tướng Garibashvili bác bỏ những cáo buộc này là "những võ đoán vô trách nhiệm" và cho biết định hướng thân phương Tây của Gruzia là "không thể đảo ngược". Gruzia đã ký Hiệp định liên kết với EU vào tháng 6/2014.

Những thành viên khác của chính phủ đã đe dọa sẽ từ chức và một số nhà lập pháp cho hay họ có thể chuyển sang phe đối lập, và việc này có thể sẽ khiến liên minh cầm quyền của ông Garibashvili mất thế đa số ở Quốc hội. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Garibashvili nói, ông bãi chức ông Alasania để tránh việc chính trị hóa lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng của Gruzia và mở đường cho một cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc tham nhũng nhắm vào các quan chức Bộ Quốc phòng. Trong khi ông Alasania gọi những cáo buộc tham nhũng có động cơ chính trị và là do đảng của ông có quan hệ chặt chẽ với phương Tây.

EU và Mỹ bày tỏ lo ngại về những diễn biến chính trị tại Gruzia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay, Washington rất lo lắng trước tình trạng cách chức và từ chức hàng loạt trong nội các Gruzia nhưng hy vọng nước này vẫn duy trì tiến trình tiến tới tương lai hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương. Ngày 7/11, người phát ngôn bộ phận phụ trách ngoại giao của EU ủng hộ sự phản đối của các vị Bộ trưởng vừa rời bỏ vị trí của mình trong Chính phủ Gruzia, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng ở Gruzia có thể phá vỡ tiến trình tiến tới phương Tây của nước này và đẩy Gruzia trở lại vòng ảnh hưởng của nước láng giềng Nga.

Sau khi Liên bang Xôviết tan rã, các nước thuộc 30 cộng đồng SNG đã một lần chia rẽ vì lựa chọn Đông - Tây. Hơn 20 năm trôi qua, sự chia rẽ đó tiếp tục sống lại. Tuy nhiên, mọi quyết định chính trị đều có hậu quả của nó. Tại Moldova hay Gruzia, hậu quả của những chọn lựa chính trị này mới chỉ bắt đầu nhưng “quyết tâm theo Tây” của chính quyền Kiev đang khiến Ukraina tan đàn xẻ nghé, bạo lực tràn lan. Liệu có đáng?

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.