Bắt cóc con tin, giáo sĩ “hàn gắn tinh thần” gây kinh động Australia

Thứ Sáu, 19/12/2014, 14:10
22 giờ 49 phút ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), sau hơn 16 giờ đồng hồ, cảnh sát Australia tuyên bố kết thúc chiến dịch giải cứu con tin tại quán café Lindt Chocolat trên phố Martin Place, trung tâm Sydney.

Nguồn tin cảnh sát giấu tên cho biết, nghi phạm là giáo sĩ cực đoan Sheik Man Haron Monis, có tên khai sinh là Manteghi Bourjerdi. Khi cuộc tấn công giải cứu kết thúc, ngoài Man Haron Monis bị bắn chết, còn có 2 con tin thiệt mạng-một người đàn ông 34 tuổi và một phụ nữ 38 tuổi. 4 người khác bị thương, trong đó có một cảnh sát bị đạn bắn trúng mặt.

Cảnh sát Australia cũng chẳng lạ gì Haron Monis. Năm 1996, tên này trốn sang Australia từ Iran. Tại đây, hắn tự xưng là giáo sĩ và thường tự nhận mình là một thủ lĩnh Hồi giáo thực hiện vai trò của “người hàn gắn tinh thần” và trên website của mình, Monis thường đăng tải các hình ảnh trẻ em thiệt mạng trong chiến tranh và cáo buộc các cuộc không kích của Mỹ và Australia gây ra thảm cảnh này. Monis từng bị cáo buộc là tòng phạm trong một vụ giết người xảy ra vào năm 2013, nhưng được bảo lãnh tại ngoại, đồng thời đối mặt với hàng chục cáo buộc tấn công tình dục.

Nghi phạm Man Haron Monis.

Hồi năm 2012, Monis từng gây sự chú ý cho giới truyền thông Australia sau khi phát động phong trào “thư thù hận”, với mục đích phản đối sự hiện diện quân sự của binh sĩ Australia tại Afghanistan. Monis và người cộng sự là Amirah Droudis đã gửi những lá thư bày tỏ sự căm phẫn tới gia đình của những người lính Australia đã tử trận tại Afghanistan, gọi những người lính này là “sát nhân” và là những kẻ giết trẻ con.

Bên cạnh đó, Monis cũng là nhân vật có “số má” trong việc tấn công các chính trị gia, bao gồm cả Thủ tướng Tony Abbott và người tiền nhiệm của ông Kevin Rudd, trên mạng xã hội. Trong một bức thư gửi Thủ tướng Abbott vào ngày 1/11/2013, Monis nêu rõ hắn tấn công Thủ tướng Australia vì trong chuyến thăm căn cứ quân sự Tarin Kowt vào tháng 10 năm đó, ông Abbott đã tuyên bố sẽ để lại khoảng 300-400 chuyên gia huấn luyện tại Afghanistan, sau khi sứ mệnh của Lực lượng phòng vệ Australia (ADF) ở Afghanistan chấm dứt. Hắn lập luận rằng, chính sách của Australia ở Afghanistan “đóng vai trò quan trọng trong việc gây nguy hiểm tới an ninh và hòa bình thế giới, đặc biệt là ở Australia”.

Con tin thứ 2 trốn thoát khỏi quán café Lindt Chocolat.

Trong thư, hắn thách thức Thủ tướng Abbott tranh luận về cuộc chiến ở Afghanistan và hứa sẽ hỗ trợ các chính sách của Chính phủ nếu hắn thua trong cuộc tranh luận này.

Theo người đứng đầu chương trình nghiên cứu khủng bố tại Đại học Curtin (Australia), bà Anne Aly nêu quan điểm: “Rõ ràng đây là hành động của một kẻ bắt cóc đơn lẻ và tên này không hề chuẩn bị kỹ càng. Ngoài ra, những đòi hỏi của hắn trong vụ bắt cóc con tin cũng rất kỳ cục vì thông thường những kẻ bắt cóc con tin thường đòi những lợi ích về vật chất hoặc những đòi hỏi mang tính chất chiến lược liên quan trực tiếp đến một nhóm cụ thể nào đó”.

Cảnh sát phong tỏa khu vực xảy ra vụ bắt cóc.

Phát biểu trước giới truyền thông, Thủ tướng Abbott tuyên bố: “Đây là một vụ bắt cóc rất kinh khủng. Tôi kinh hoàng khi nhận thấy nhiều người vô tội bị những kẻ có vũ trang bắt làm con tin với động cơ chính trị”. Ông nói thêm rằng: “Mục đích của các vụ bạo lực mang động cơ chính trị là khiến mọi người sợ hãi. Australia là một đất nước thanh bình, cởi mở và rất rộng lượng và không điều gì có thể thay đổi được những đức tính đó”.

Cộng đồng Hồi giáo Sydney nhân sự kiện này đã bày tỏ mối lo ngại về việc một cá nhân có thể lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị sai lầm. Ông Aftab Malik, một học giả tại Hiệp hội Hồi giáo Lebanon tại Lakemba, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng cộng đồng Hồi giáo đang phải đối mặt với những tin dữ. Họ rất lo ngại về việc một lần nữa tôn giáo của họ lại bị “kéo xuống bùn đen” bởi những cá nhân chỉ đại diện cho bản thân chúng”.

Trước khi danh tính của nghi phạm được công bố, và chỉ được biết vụ bắt cóc con tin được cho là do một phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành, ngay trong ngày 15/12, Hội đồng lãnh tụ Hồi giáo Australia đã ra tuyên bố cho biết các thành viên “dứt khoát chỉ trích hành vi phạm tội này” và chờ đợi thông tin thêm về danh tính cũng như động cơ của thủ phạm. Cộng đồng Hồi giáo tại Australia cũng ra tuyên bố chung lên án hành động nói trên và cho biết đây là rõ ràng hành động vi phạm pháp luật. Hội đồng Giáo chức Hồi giáo Australia tuyên bố: “Những hành động này đáng bị lên án trong thế giới đạo Hồi”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã miêu tả vụ bắt cóc con tin ở trung tâm thành phố Sydney của Australia là “vô nhân đạo”. Ngay khi nhận được tin về vụ bắt cóc con tin, tòa lãnh sự Ấn Độ đã buộc phải sơ tán nhân viên để đề phòng bất trắc. Nữ phát ngôn viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Sydney cho biết, họ cũng đã sơ tán nhân viên lãnh sự ở thành phố này. Ngoài ra, Lãnh sự quán Mỹ cũng ban bố cảnh báo khẩn đối với các công dân nước này ở Sydney, khuyến cáo họ “luôn giữ cảnh giác cao độ và có những biện pháp thích hợp để đảm bảo an ninh cá nhân”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.