Giàu như Mỹ cũng lo vỡ nợ?

Thứ Năm, 17/10/2013, 10:35

Mỹ - siêu cường số 1 thế giới sẽ vỡ nợ nếu Quốc hội nước này qua ngày 17/10 không nâng trần nợ cho giới hành pháp đi vay thêm. Tại sao lại có chuyện giàu như Mỹ lại bị vỡ nợ? Và nếu điều đó xảy ra kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng gì và các chủ nợ của Mỹ sẽ mất trắng?

Nhà càng giàu, càng ôm nợ nhiều!

Nước Mỹ đang đối mặt với 2 chuyện liên quan đến ngân sách và nợ công. Trước hết là chuyện Chính phủ Mỹ bị đóng cửa bước sang tuần thứ 3 do hai đảng trong Quốc hội không thống nhất được với nhau về các điều kiện của mỗi bên nhằm đi tới việc duyệt chi ngân sách cho chính phủ hoạt động trong năm tài khóa mới. Cuộc khủng hoảng ngân sách này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thỏa hiệp.

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục "làm căng" với nhau và không biết đến khi nào mới kết thúc. Sự ngưng trệ của Chính phủ Mỹ đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới đời sống của người dân nước này. Vài ngày qua, làn sóng biểu tình chống đối chuyện này đang dâng cao.

Hôm 13/10, những cuộc biểu tình tại các thành phố lớn và những thị trấn nhỏ đã diễn ra. Đám đông hàng nghìn người ở Washington đã giật đổ các rào cản dựng lên tại những đài kỷ niệm bị đóng cửa ở Quảng trường Quốc gia. Họ mang một số rào cản đến Nhà Trắng cùng với những biểu ngữ chỉ trích Tổng thống Barack Obama.

Những người biểu tình cũng đến Điện Capitol để nói lên tiếng nói của họ, chỉ trích Quốc hội vẫn không đạt được thỏa thuận về ngân sách và phải lệ thuộc vào những nghị quyết tạm thời để tiếp tục tài trợ các hoạt động của chính phủ trong nhiều năm. Những cuộc biểu tình trước đó đã thu hút hàng nghìn công nhân viên chức liên bang tại các thành phố như Chicago, Boston và Atlanta, và cư dân tại Plano, Texas; Newton, New Jersey và Springgattsbury, Pennsylvania. Nhiều cuộc biểu tình khác được dự trù diễn ra trong tuần này.

Cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội đang đẩy nước Mỹ tới bờ vực khánh tận.

Trong bối cảnh đó, một mối nguy hiểm to lớn hơn, đáng sợ hơn đang rình rập nước Mỹ. Đó là nợ công. Mức nợ hiện giờ của Mỹ đã "đụng trần" theo quy định của Quốc hội, đi vay thêm là phạm luật. Nhưng nếu không được vay nợ thêm thì nước Mỹ có thể sẽ lâm vào cảnh "vỡ nợ". Cũng như một cá nhân hay doanh nghiệp đang vay nợ, khi đáo hạn là phải trả tiền lãi và vốn. Một chính phủ với các món nợ khổng lồ, phải liên tiếp vay nợ các khoản mới để trả các món nợ cũ, chưa kể việc đi vay để chi tiêu vì ngân sách thiếu hụt (thu ít, chi nhiều). Đến ngày 17/10, nếu không được phép vay nợ thêm, Chính phủ Mỹ sẽ không hoàn trả được nhiều món nợ đáo hạn, theo định nghĩa là vỡ nợ.

Trong ngôn ngữ bình dân có câu: càng giàu càng nợ nhiều. Điều này quả đúng với nước Mỹ hiện nay. Thâm hụt ngân sách của chính quyền Mỹ trong năm 2011, lần đầu tiên từ năm 1945 phá kỷ lục: lên tới 1.500 tỉ USD, tương đương với 10%  GDP của siêu cường kinh tế số 1 trên thế giới. Cùng lúc, tổng số nợ của nhà nước đã lên tới 15.000 tỉ USD tức là vừa bằng 100% GDP của nước Mỹ.

Việc nâng mức trần của tổng số nợ quốc gia không phải là một hiện tượng mới mẻ. Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống W. Bush, Quốc hội Mỹ đã đồng ý nâng mức nợ quốc gia lên tất cả 7 lần. Thật ra, nếu ngân sách không thiếu hụt nặng như hiện nay, thì chỉ cần ảnh hưởng của lạm phát khiến đồng tiền mất giá không thôi, bình thường người ta vẫn phải nâng mức nợ tối đa lên. Nếu lạm phát khiến giá cả tăng 3% thì mức nợ tối đa cũng phải tăng 3% mới giữ đúng mức trần cũ, nếu không thì coi như cái trần nhà đã bị hạ thấp xuống 3%. Và nếu tính từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Giới hạn trần nợ của Mỹ là tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời. Những nghĩa vụ này gồm an sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại. Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới. Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý…

Bóng đen đại suy thoái

Nhưng tại sao vấn đề có thể coi là bình thường này bỗng dưng trở nên trầm trọng như vậy? Câu trả lời nằm ở những tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ về duyệt chi ngân sách cho chính phủ, mà bế tắc này đang khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa gần 3 tuần qua. Phe Cộng hòa nói nếu đảng Dân chủ của ông Obama muốn họ thông qua ngân sách cho chính phủ hoạt động thì phải "thò chai rượu", tức là phải hoãn thực thi đạo luật bảo hiểm y tế, Obamacare, trong một năm. Phe Obama đời nào chịu!

Chính vì chuyện cũ vẫn chưa giải quyết xong nên nhiều nhà phân tích dự báo vấn đề nâng mức trần nợ công sẽ khó mà được hai phe trong Quốc hội Mỹ thông qua. Nguy cơ vỡ nợ treo trên đầu nước Mỹ. Điều này như được khẳng định bởi tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner: "Tôi có thể để Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu Tổng thống Obama không tán đồng một thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu của chính phủ liên bang".

Biếm họa trên báo chí Mỹ về gánh nặng nợ công của Mỹ sẽ khiến kinh tế thế giới lao đao.

Một số nhà kinh tế dự đoán rằng, tình trạng vỡ nợ đang đe dọa Mỹ sẽ là nặng nề hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008 và sẽ gây ra thảm họa toàn cầu. Để khắc phục hậu quả của vụ vỡ nợ này sẽ phải mất nhiều thập niên. Klaus Larres, giáo sư giảng dạy môn Quan hệ quốc tế của Đại học North Carolina, nói rằng sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại đối với thế giới đang chật vật hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng vụ đại suy thoái sẽ quay lại với cường độ lớn hơn nhiều, và chúng ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và tài chính. Vì vậy, tôi chỉ có thể cảnh báo là không nên để vấn đề trần nợ kèm theo việc chính phủ đóng cửa".

Giáo sư Larres cho rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ có những tác động tức thời trên khắp thế giới. Ông nói rằng điều này có thể phương hại tới vị trí vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD và thậm chí còn ảnh hưởng tới vai trò của nền kinh tế mạnh nhất thế giới của Mỹ. Ông nói: "Một nước lớn như Mỹ, với vị thế của một siêu cường hàng đầu, mà bị vỡ nợ vì lý do kỹ thuật là một việc chưa từng xảy ra".

Tác động dây chuyền

Không chỉ bản thân Mỹ mà các nền kinh tế khác cũng có thể bị ảnh hưởng nếu Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trung Quốc cảm thấy lo ngại về khoản tiền hơn 1.300 tỉ USD mà họ đầu tư ở Mỹ và đang hối thúc nước này nâng trần nợ. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu khuyến cáo Mỹ nhanh chóng phòng ngừa việc vỡ nợ có thể gây ảnh hưởng tồi tệ tới kinh tế Trung Quốc và toàn cầu với "các bước đi kiên quyết và đáng tin cậy".

Theo ông Chu, Bắc Kinh, với tư cách chủ nợ lớn nhất của Washington, "đương nhiên quan ngại về các diễn biến trong khó khăn tài chính của Mỹ" và "điều này quan trọng không chỉ cho kinh tế Mỹ mà còn cho kinh tế toàn cầu và chúng tôi hy vọng Mỹ hiểu được bài học lịch sử" (ngụ ý tới một vụ việc tương tự xảy ra hồi tháng 8/2011 đã khiến Mỹ lần đầu tiên bị Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hạ thấp mức xếp hạng vàng từ AAA xuống AA+).

Đám đông giật đổ các rào cản dựng lên tại những đài kỷ niệm bị đóng cửa. Họ mang một số rào cản đến Nhà Trắng cùng với những biểu ngữ chỉ trích Tổng thống Obama, ngày 13/10/2013.

Mặc dù có khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ kém Trung Quốc, nhưng Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn Bắc Kinh nếu Mỹ phá sản. Nhật giữ khối lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 1,1 nghìn tỉ USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso mới đây nêu ý kiến rằng, Tokyo nên cân nhắc các tác động khả năng nếu Mỹ phá sản.

Giới chuyên gia cho rằng sở dĩ có chuyện cả Bắc Kinh và Tokyo cùng lúc nhắc nhở con nợ về trách nhiệm là vì hai quốc gia lớn này đang cấp tín dụng và trợ cấp nền kinh tế Mỹ. Mặc dù quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lúc này không phải là tốt đẹp nhất, nhưng có vẻ họ đang hành động khá nhịp nhàng. "Trung Quốc sẽ không "nhấn chìm" Mỹ bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc, họ e ngại sự biến động mạnh của đồng USD. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ" - một chuyên gia của WB nói. Washington và Bắc Kinh bị trói buộc chặt chẽ. Lúc này, Trung Quốc rất cần yếu tố bảo hiểm trước khả năng khủng hoảng ngân sách ở Mỹ.

Chuyên gia trên nhận định: "Không chỉ Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, mà Mỹ cũng đầu tư vào Trung Quốc. Trong thực tế, đó là các hoạt động cho vay lẫn nhau. Sẽ không có việc Trung Quốc đơn phương rút tiền. Đến lượt mình, Mỹ cũng có thể rút vốn từ Trung Quốc. Đây là quá trình song phương, Trung Quốc mong có yếu tố bảo hiểm trước những vấn đề tương tự như đã từng xảy ra ở Mỹ, khi các ngân hàng thi nhau phá sản năm 2008. Trung Quốc hy vọng Chính phủ Mỹ cung cấp thêm sự đảm bảo. Trung Quốc thực sự lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ".

Trước khủng hoảng của Mỹ, Trung Quốc sẽ dễ vượt khó khăn hơn Nhật Bản. Trung Quốc đã thấy trước tình huống này và nỗ lực giải phóng bớt chứng khoán Mỹ. Hai năm trước, Trung Quốc đã quyết định tái định hướng vào thị trường trong nước. Giới chuyên gia cho đây là một quyết định đúng đắn. Cùng các vấn đề kinh tế nội bộ, tình huống khả năng đối với Nhật Bản sẽ xấu hơn Trung Quốc. Nhật Bản ràng buộc nhiều hơn với Mỹ. Trung Quốc nắm khối lượng sản xuất khổng lồ, không đối mặt với gánh nặng như "hậu quả" Fukushima và sở hữu một nền kinh tế đa dạng hơn Nhật Bản.

Theo các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc và Nhật Bản đã đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều hơn so với con số 2,4 nghìn tỉ USD. Bắc Kinh mua trái phiếu Mỹ thông qua các trung gian. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn giữ 3,5 nghìn tỉ tài sản được định giá bằng USD, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi phá sản. Đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào các tài sản của Chính phủ Mỹ chiếm tỉ lệ không nhỏ. Do đó, không mấy ai dám dự báo về mức độ khủng hoảng ở Mỹ sẽ tác động tới các chủ nợ.

Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ không chỉ khiến các chủ nợ lo lắng, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng cho mọi người biết mối quan ngại của mình trước viễn cảnh siêu cường kinh tế số 1 thế giới sẽ lâm vào cảnh không có tiền trả nợ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo USA Today, ông Jim Yong Kim nói rằng, Washington phải nhớ bài học "tranh cãi nợ trần hồi 2011 đã gây trở ngại cho nền kinh tế toàn cầu", đặc biệt ảnh hưởng đến những quốc gia đang phát triển "phải mất một thời gian dài sau đó mới thoát khỏi những trở ngại" do vụ tranh chấp chính trị xảy ra giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng nói đến "mối lo âu của tôi và của nhiều quốc gia khác", đồng thời chỉ biết mong mỏi "chuyện sẽ được giải quyết càng sớm càng tốt để mọi người an tâm".

"An tâm" cũng là điều các nhà kinh tế Mỹ nói đến trong những ngày vừa qua. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, đại diện cho Hiệp hội Ngân hàng Mỹ là ông Frank Keating đưa ra hình ảnh thật ảm đạm nếu chính phủ không tăng mức nợ trần. Hình ảnh đó bao gồm chuyện kinh tế xuống dốc, giới hoạt động thương mại sẽ phải vay tiền với mức lời cao hơn, ngân hàng ngần ngại không muốn cho giới tiêu thụ vay tiền, chứng khoán tụt dốc, con số việc làm sẽ giảm bớt.

"Những bất lợi này bao trùm mọi sinh hoạt kinh tế của quốc gia và ảnh hưởng đến mọi người. Ảnh hưởng sẽ sâu đậm trong một thời gian dài, rất khó sửa chữa, kinh tế quốc gia sẽ xuống dốc, mọi nỗ lực kích cầu đã được thực hiện trong những năm qua trở thành đổ sông, đổ biển" - ông Keating nói thêm

Mộc thạch (tổng hợp)
.
.