Gió đang đảo chiều?

Thứ Hai, 08/01/2018, 13:59
Đang có những tín hiệu “lạ” từ Bán đảo Triều Tiên. Không khí hừng hực bởi những lời đe dọa chiến tranh từ cả Mỹ và Triều Tiên nhanh chóng tạm lắng sau khi Triều Tiên thông báo sẽ mở lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016 và tiến hành đàm phán theo đề nghị từ phía Hàn Quốc.

Sự đảo chiều bất ngờ này được nhìn nhận theo cả hướng tích cực và cả nghi ngờ về một đòn ly gián. Phải chờ tới ngày 9-1 mới rõ thực hư của sự “đảo chiều”.

Cành oliu đã chìa ra

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng ông "để ngỏ khả năng đối thoại" và sẽ gửi một đội đến dự Thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc ít ngày nữa. Như vậy, kể từ khi hai miền Triều Tiên không hội đàm cấp cao từ tháng 12-2015 và cắt đứt liên lạc với nhau vào năm 2016, trong đó có cả đường dây nóng quân sự, sau một loạt tranh cãi về khu công nghiệp chung Kaesong, hai bên đã chính thức nối lại liên lạc trong cả mừng vui và cả những nghi kỵ.

Động thái trên của Triều Tiên diễn ra giữa lúc quan hệ liên Triều có nhiều tín hiệu tích cực. Trước đó, ngày 1-1, trong thông điệp chào mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc sẵn sàng tham gia Olympic Pyeongchang, dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 25-2 tới. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lập tức lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Triều Tiên về việc mở lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước, gọi đây là bước đi "có ý nghĩa rất quan trọng" hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên Bán đảo Triều Tiên.

Một sĩ quan Hàn Quốc điện đàm với phía Triều Tiên gần khu phi quân sự. Ảnh tư liệu năm 2005 của AFP.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ sự sẵn sàng cho phép các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội lần này. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu Bộ Thống nhất và Bộ Văn hóa Thể thao nhanh chóng tìm biện pháp để khôi phục đối thoại hai miền.

Theo Reuters, Tổng thống Moon cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ liên Triều gắn chặt với vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng kêu gọi các nước đồng minh và cộng đồng quốc tế hợp tác để cùng Hàn Quốc giải quyết cùng lúc cả hai vấn đề trên.

Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Yoon Young-chan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết kế hoạch này của Triều Tiên phát đi tín hiệu về động thái hướng tới một môi trường, trong đó liên lạc sẽ có thể được thực hiện vào mọi thời điểm.

"Chúng tôi hy vọng hai bên có thể ngồi đối diện nhau và thảo luận về việc Triều Tiên tham dự Olympic tại Pyeongchang cũng như những vấn đề liên quan đến lợi ích song phương và quan hệ hai miền trên Bán đảo Triều Tiên", Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon nói trong cuộc họp báo.

Tuyên bố của cả hai nhà lãnh đạo trên Bán đảo Triều Tiên nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của phía Hàn Quốc. Đây được ví như “món quà năm mới”, “một cành oliu” cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres “mừng ra mặt”, coi việc Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại liên lạc là một “diễn tiến tích cực”.

Ông Antonio Guterres hy vọng sẽ có thêm sáng kiến ngoại giao để giải quyết căng thẳng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên khôi phục đường dây nóng.

Nỗ lực hàn gắn

Nhận thấy rõ đây là cơ hội khó lặp lại, trong bước đi tích cực, Hàn Quốc đang chạy đua với thời gian để đạt được kết quả tích cực nhất trong hội đàm với Triều Tiên ngày 9-1. Hàn Quốc cũng nêu rõ quan điểm gắn đối thoại liên Triều với nỗ lực giải trừ hạt nhân.

Ngày 4-1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuyên bố nước này sẽ duy trì phối hợp chặt chẽ với Mỹ để tìm cách đối thoại với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định các cuộc đàm phán liên Triều sẽ không tách biệt với những nỗ lực giải trừ hạt nhân của liên minh Seoul-Washington.

Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng nhắc lại yêu cầu của Tổng thống Moon Jae-in đối với Bộ Ngoại giao là "phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo rằng các bước đi của Triều Tiên - Hàn Quốc diễn ra đồng thời với nỗ lực giải quyết những vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng".

Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận phát biểu của lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên là những "tin tốt lành". Thông điệp về đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể coi là tín hiệu hết sức tích cực và mang tính thiện chí.

Nhất là trong bối cảnh năm qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên thực sự đã bị đẩy lên nấc thang mới, với những hành động cũng như tuyên bố cứng rắn chưa từng thấy của cả phía Mỹ và Triều Tiên, trong đó có việc Washington đưa Triều Tiên trở lại cái gọi là danh sách “các nước bảo trợ khủng bố”.

Có lẽ nhận thức rõ cơ hội quý giá này, chính quyền Hàn Quốc đã nhanh chóng hoan nghênh thông điệp đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn là người chủ trương thúc đẩy đối thoại liên Triều, đã lập tức đề xuất tiến hành đối thoại ngay. Là người ủng hộ “Chính sách Ánh dương”, vốn được các đời tổng thống tiền nhiệm của Hàn Quốc thực thi từ năm 1998-2008, chính ông Moon đã nhiều lần đưa ra các đề xuất đàm phán quân sự liên Triều, đối thoại Hội Chữ thập đỏ, và đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên... song không nhận được sự hưởng ứng của Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt thời gian qua, dù cứng rắn đến mấy, vẫn luôn bị coi là phản tác dụng, Hàn Quốc có lý do để hưởng ứng tích cực thiện chí của Triều Tiên. Seoul cho biết có thể đối thoại với Triều Tiên “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới mọi hình thức”.

Trong lịch sử, phương thức "ngoại giao thể thao" đã từng được sử dụng và phát huy hiệu quả trong việc "gỡ nút thắt" cho các mối quan hệ chính trị căng thẳng. Sự kiện Olympic Pyeongchang có thể lại là một dấu mốc mới của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên khi nó đóng vai trò là cái cớ, là cầu nối để hai miền đi tới các cuộc đàm phán lâu dài hơn nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng hiện nay.

Canh bạc lớn?

Trái với sự mừng vui của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, ngày 3-1 đã đưa ra lời cảnh báo rằng Washington sẽ không công nhận bất cứ cuộc đàm phán nào giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nếu Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân. Bà Haley cũng nói với các phóng viên, Hoa Kỳ đang nhận được những thông báo rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử nghiệm một tên lửa mới.

"Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng nếu có, chúng ta phải đưa ra những biện pháp khắc nghiệt hơn để chống lại Triều Tiên", bà Haley nói. “CHDCND Triều Tiên có thể đối thoại với bất cứ ai mà họ muốn, nhưng Hoa Kỳ sẽ không công nhận cho đến khi Triều Tiên chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân”, bà Haley cho biết thêm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Heather Nauert cũng tuyên bố: "Chúng tôi rất hoài nghi về việc ông Kim Jong-un chân thành muốn đối thoại".

Các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, những nghi ngờ của nước Mỹ là có cơ sở khi Triều Tiên trước đó vài ngày, vào ngày 30-12 vẫn ra tuyên bố tiếp tục chính sách phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa trong năm 2018, đồng thời khẳng định nước này là một "cường quốc hạt nhân có trách nhiệm".

Báo chí Mỹ dẫn lại nguồn tin của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) viết rằng,  Triều Tiên là "một lực lượng chiến lược mới không thể tranh cãi". Theo KCNA, năm 2018, Triều Tiên không dự định thay đổi chính sách phát triển hạt nhân và tên lửa. KCNA đồng thời nêu những sự kiện mà Triều Tiên cho là minh chứng của sự phát triển thành công của các loại vũ khí mới, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới lãnh thổ trên đất liền của Mỹ.

Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu phi quân sự ở Panmunjom. Ảnh: Amusing Planet.

KCNA khẳng định các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế chống Bình Nhưỡng về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và trên các lĩnh vực khác "không thể ngăn chặn bước tiến của Triều Tiên".

Tuy cả hai bên đều cứng rắn như vậy, nhưng giới chức Mỹ cũng khẳng định vai trò của ngoại giao trong hồ sơ Triều Tiên. Các nhà ngoại giao là những yếu nhân đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định các nhà ngoại giao vẫn đang ở tuyến đầu trong hồ sơ gai góc này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận nước này và Nga đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết hồ sơ Triều Tiên.

Trong khi đó, theo Viện Chiến lược an ninh quốc gia (INSS), trực thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, nếu đàm phán diễn ra, phía Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nối lại các dự án kinh tế liên Triều và cung cấp viện trợ để đổi lấy việc Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang 2018.

INSS cũng dự đoán rằng trong các cuộc đàm phán sắp tới, phía Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, cũng như Washington phải ngừng triển khai thường xuyên các loại vũ khí chiến lược đến Bán đảo Triều Tiên - điều mà Mỹ và Hàn Quốc bấy lâu nay vẫn phản đối.

Cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa nếu điều kiện của họ không được chấp thuận. Vấn đề hiện nay là Seoul và Washington sẽ chấp nhận nhượng bộ đến đâu và liệu các bên có tận dụng tối đa cơ hội "vàng" để giải quyết căng thẳng bằng con đường ngoại giao.

Nghi ngờ phủ bóng

Leon Sigal, Giám đốc Dự án An ninh Hợp tác Đông Bắc Á, trụ sở New York, nói rằng nếu Mỹ muốn tận dụng trong việc giảm thiểu căng thẳng, Mỹ cần phải hạ bớt yêu cầu của mình về điều kiện đàm phán. Ông nói: “Bước đi nhượng bộ quan trọng nhất là thu hẹp, chứ không chỉ tạm hoãn các cuộc tập trận chung vào mùa xuân. Nếu không làm như vậy, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển vũ khí của mình”.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, giáo sư Robert Kelly, hiện đang làm việc tại Đại học Quốc gia Pusan Hàn Quốc, cho rằng việc các vận động viên và quan chức Triều Tiên xuất hiện tại những sự kiện của Olympic có thể tạo ra những thời khắc khó xử. Ông được Reuters dẫn lời nói: “Điều này sẽ đẩy Hàn Quốc vào tình thế khó bởi chắc chắn tình huống ấy sẽ làm nảy sinh căng thẳng đối với Mỹ và Nhật Bản, những nước đã có nhiều biện pháp để cô lập Triều Tiên”.

Giáo sư Robert Kelly nhận định, sau một năm liên tục đưa ra những lời đe dọa và đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ lợi dụng Thế vận hội mùa đông sắp tới tại Hàn Quốc làm cơ hội để giảm bớt sức ép từ cộng đồng quốc tế đồng thời bảo toàn kho hạt nhân của mình.

Trong một diễn biến khác, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đặt ra giả thiết, Triều Tiên có thể “đang tìm cách gây chia rẽ” Mỹ và Hàn Quốc. Lo ngại đang chồng chất. Giới phân tích cho rằng những phát biểu từ lãnh đạo Triều Tiên nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa Seoul và Washington, bởi Mỹ luôn ủng hộ một chiến lược gây sức ép tối đa, đồng thời khẳng định rằng mọi lựa chọn, kể cả giải pháp quân sự, luôn được tính đến.

Các nhà phân tích này lo ngại rằng, thiện chí trên chưa đủ cơ sở khi trước đó Triều Tiên từng tuyên bố sẽ dành năm 2018 để “sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo” nhằm “đẩy mạnh nỗ lực triển khai các vũ khí này”. Nhà nghiên cứu cấp cao Joshua Pollack, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại California, cho rằng điều này đồng nghĩa với việc gần như chắc chắn Triều Tiên sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa và tập trung hơn vào các cuộc diễn tập giả định chứ không còn chỉ đơn thuần là các vụ thử nghiệm để phát triển vũ khí thông thường.

Thật khó để “canh bạc” này làm hài lòng tất cả. Những người theo đường lối cứng rắn ở Hàn Quốc và một số quan chức chính quyền Trump lo ngại rằng nếu như đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên chỉ giúp căng thẳng tạm thời lắng dịu, bởi bên nào cũng có lập luận để bảo vệ chiến lược của mình.

Nhưng dù gì, những tín hiệu tích cực, những “cơn gió lành” từ hai miền Triều Tiên đang giúp tạo ra một khoảng lặng cần thiết; làm “nguội” bớt những lời đe dọa chiến tranh; khởi động các cuộc đàm phán, không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên; và ở phạm vi rộng hơn, mở ra các cuộc đàm phán mới với Mỹ, Trung Quốc và Nga... để đưa tiến trình đàm phán hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên trở lại quỹ đạo.

Đường dây nóng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được thiết lập vào năm 1972. Năm 1976 dừng hoạt động. Đường dây nóng được mở lại vào năm 1980. Năm 2010, dừng hoạt động liên quan tới sự kiện tàu hộ tống Cheonan bị đánh chìm. Kênh liên lạc được khôi phục vào năm sau đó nhưng lại bị cắt đứt vào năm 2013. Sau khi được khôi phục, đường dây nóng một lần nữa bị ngừng vào tháng 2-2016.
Nguyễn Hòa
.
.