“Gót chân Achilles” của Trung Quốc ở châu Phi

Thứ Ba, 05/05/2020, 09:52
Châu Phi đang được coi là “gót chân Achilles” trong đại dịch COVID-19. Từ tháng 3 đến nay, dịch đã nhanh chóng lây lan ra nhiều quốc gia châu Phi, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, nền kinh tế khu vực bắt đầu bị tác động, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-châu Phi cũng bị ảnh hưởng.

Đại dịch tấn công

Đại dịch COVID-19 đã và đang tấn công vào nền kinh tế yếu ớt của các nước khu vực này. Các lĩnh vực hàng không, du lịch và thương mại bị tấn công trước tiên. Các công ty hàng không của Nam Phi, Kenya, Maroc đã tạm dừng hoặc giảm các chuyến bay. Ủy ban Kinh tế Liên Hợp quốc về châu Phi cho rằng đại dịch sẽ khiến ngành du lịch châu Phi chịu thiệt hại 7,2 tỷ USD, khoảng 80% người sẽ bị mất việc tạm thời, nhiều người phải kiếm sống từng ngày.

Các quốc gia châu Phi đang kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ kinh tế. Cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước châu Phi đề xuất cộng đồng quốc tế xóa bỏ cho các nước châu Phi 44 tỷ USD tiền lãi của các khoản nợ đáo hạn vào năm 2020.

Mặc dù luôn tự hào với ngoại giao “đồng nhân dân tệ” tại châu Phi, trong bối cảnh này, Trung Quốc cũng chịu tác động bởi những gián đoạn trong trao đổi kinh tế thương mại với khu vực. Nhiều nền kinh tế châu Phi phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, trong đó Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất. Trong thời gian chống dịch, nhu cầu nhập khẩu quặng của Trung Quốc giảm sút, lượng xuất khẩu khoáng sản năng lượng của Angola, Zambia cho Trung Quốc sụt giảm, thương mại Trung Quốc - châu Phi giảm xuống.

Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, châu Phi là thị trường xuất khẩu quan trọng nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc sang thị trường châu Phi cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhu cầu thị trường giảm, việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Covid-19 khiến kinh tế châu Phi gặp khó khăn lớn.

Hiện Trung Quốc và châu Phi đã triển khai hợp tác chặt chẽ trong công tác chống dịch. Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến với gần 300 quan chức và các chuyên gia của 24 quốc gia châu Phi và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi về công tác phòng chống dịch, chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm liên quan đến chống dịch. Quỹ từ thiện Jack Ma và Quỹ từ thiện Alibaba đã quyên góp viện trợ vật tư y tế cho 54 quốc gia châu Phi.

“Tuần trăng mật” chấm dứt

Trung Quốc đã trở đối tác phát triển cơ sở hạ tầng, đường bộ, đường sắt, nhà máy, sân bay,... lớn nhất của châu Phi, do đó, cũng đã vượt mặt Ngân hàng Thế giới trở thành “chủ nợ” lớn nhất của châu Phi. Theo Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi thuộc Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến Johns Hopkins (Mỹ), Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho châu Phi vay hơn 150 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2018.

Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi lên tới xấp xỉ 132 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2019 và khoảng 306 tỷ USD từ năm 2005-2019. Trong năm 2015 và 2018, Chính phủ Trung Quốc đã công bố 60 tỷ USD viện trợ tài chính cho lục địa này.

Hệ thống đường sắt là lĩnh vực mà Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư tại châu Phi. Nigeria, Angola, Kenya, Ethiopia và Djibouti đều đã nhận được tài trợ cho hệ thống đường sắt của họ. Vào cuối năm 2019, Chính phủ Nigeria đã ký hợp đồng với Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc về việc đặt 440 km đường sắt kết nối trong nước.

Trong những năm gần đây, tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã phần nào hạ nhiệt. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, mối quan hệ này sẽ có nhiều thay đổi. Bắc Kinh ngày một lo ngại những dự án hạ tầng hàng tỉ USD đã được khởi công tại các nước như Zimbabwe nay sẽ phải dừng lại bởi dịch bệnh. Không chỉ là chuyện các công nhân, kĩ sư Trung Quốc chưa thể quay lại công trường mà còn do nguyên vật liệu xây dựng dần cạn kiệt khi nguồn cung khan hiếm.

Không dừng lại ở đó, quan hệ hai bên còn đang vướng phải một cuộc khủng hoảng, xuất phát từ sự tức giận về cách Trung Quốc cư xử với người châu Phi đang sinh sống tại Trung Quốc và sự không hài lòng của châu lục đối với quan điểm của Bắc Kinh trong dãn, xóa nợ để giúp các nước chống lại dịch bệnh.

Hiện chưa thể nói chắc những diễn biến mới xung quanh dịch COVID-19 sẽ có tác động như thế nào đối với quan hệ chính trị, thương mại Trung Quốc-châu Phi. Ở cấp độ chính thức, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy vụ việc sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên tại Liên minh châu Phi nhận xét, một khi vấn đề đã liên quan tới Trung Quốc thì sẽ phải tính đến các yếu tố dài hạn. Trung Quốc đầu tư trên khắp châu lục, họ hiện diện khắp nơi. Nên xét một cách thực tế, cả hai bên sẽ phải hiểu căn nguyên của những diễn biến và cùng nhau giải quyết.

Nhưng, cũng có dấu hiệu cho thấy không thể sớm bỏ qua hay làm ngơ vụ Trung Quốc cư xử với người châu Phi. Cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại AU để bày tỏ quan ngại về vụ việc.

Ở cấp độ song phương, Nigeria và Ghana đã cho triệu hồi Đại sứ Trung Quốc để nghe giải thích. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng việc cư xử tệ với công dân châu Phi đang sống tại Trung Quốc là không phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai khu vực, tính từ thời điểm Trung Quốc hậu thuẫn châu Phi trong cuộc chiến đấu chống thực dân hóa.

Một quan chức giấu tên tại AU cho biết, giới chức Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm trước phản ứng của công chúng, dư luận tại châu Phi khi vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng, nhiều nước trong khu vực phần nào cũng có thể hài lòng khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 12-4 cho biết những quan ngại của phía châu Phi là hợp tác và chính đáng.

Rõ ràng COVID-19 đang khiến “tuần trăng mật” của Trung Quốc tại châu Phi không còn những ngọt ngào và đặt mối quan hệ lợi ích giữa hai bên vào thử thách.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.