"Grexit" liệu có tác động lớn tới Trung và Đông Âu?

Thứ Năm, 25/06/2015, 17:45
Nguy cơ Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ phá sản hay không bị rời khỏi Eurozone vẫn là điều chưa thể khẳng định khi giới chức Eurozone chưa thảo luận về vấn đề này do thời gian quá gấp gáp.

Cho đến nay, EC, IMF và ECB vẫn chưa muốn giải ngân các khoản tiền vay nằm trong gói cứu trợ tài chính tổng thể trị giá 240 tỉ euro dành cho Hy Lạp, cho rằng nước này chưa đưa ra được những biện pháp cải cách làm hài lòng các thể chế tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgan Schaeuble cũng bi quan khi đưa ra đánh giá về kế hoạch cải cách mới do Hy Lạp đệ trình trước cuộc họp thượng đỉnh, cho rằng những biện pháp này không có nhiều yếu tố mới, để có thể dẫn đến một thỏa thuận giải ngân tiếp theo. Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijssebloem thừa nhận rằng nhóm "bộ ba" chủ nợ khó có thể đưa ra được đánh giá cuối cùng về những đề xuất cải cách của Hy Lạp.

Các nhà đầu tư đang đưa ra những dự đoán về hậu quả đối với các nước thành viên khác của khu vực nếu Hy Lạp rơi vào vỡ nợ. Theo đó cho rằng các nền kinh tế gần gũi hơn với Hy Lạp về mặt địa lý ở Trung Âu và Đông Âu sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn nhất, với ước tính việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ "xóa sổ" tới 20% giá trị tiền tệ của các nước Đông Âu như đồng forint của Hungary hay đồng zloty của Ba Lan so với đồng USD. Các nền kinh tế của Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu sang EU - sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất về mặt thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói nước ông đã đưa ra một đề xuất cải cách bao quát.

Ông William Jackson, thuộc Hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London (Anh), lưu ý rằng cuộc khủng hoảng đồng euro giai đoạn 2011-2012 đã đẩy phần lớn khu vực vào suy thoái. Nhiều nước hiện nay đã ở tình trạng tốt hơn nhiều so với thời điểm đó nhưng sự phục hồi còn rất mong manh. Ông Jackson nhấn mạnh: "Toàn bộ khu vực Trung và Đông Âu có quan hệ kinh doanh và giao dịch ngân hàng rất lớn với Eurozone. Nếu Hy Lạp rơi vào hỗn loạn, các doanh nghiệp ở Đông Âu sẽ dừng đầu tư và người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu".

Mặc dù không có nhiều mối liên kết trực tiếp giữa Hy Lạp và các thị trường đang nổi, các liên kết cụ thể nhất là các chi nhánh ngân hàng Hy Lạp hoạt động ở các nước Đông Âu như Romania và Bulgaria, nhưng ngay cả các chi nhánh như vậy cũng đã đóng cửa hoạt động tại các nước này trong những năm gần đây.

Những người bi quan nhìn nhận rằng tác động của "Grexit" (từ để chỉ việc Hy Lạp có thể rút khỏi EURO) là gián tiếp: Đó là một sự đình đốn đột ngột đối với các nền kinh tế eurozone mà sẽ tác động tới các đối tác thương mại trong thị trường đang nổi, đặc biệt không chỉ ở Trung và Đông Âu. Các thị trường đang nổi với ít liên kết đáng kể hơn như Mexico, Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ sự không ổn định của thị trường do các nhà đầu tư sẽ quay lưng với các tài sản rủi ro cao. Tình hình cũng khiến bộ tài chính của các thị trường đang nổi và các nhà đầu tư "trở tay không kịp".

Trong vài năm qua, các nhà hoạch định chính sách ở thị trường đang nổi mải mê đối phó với sự giảm nhu cầu từ Trung Quốc cũng như khả năng Mỹ tăng lãi suất, dự kiến vào cuối năm nay, mà không chú ý tác động của cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Mặc dù vậy, một số người lạc quan cho rằng mọi việc đang bị thổi phồng vì mối liên lạc trực tiếp giữa Hy Lạp và các nền kinh tế thị trường đang nổi là rất hạn chế mà sự bất ổn gần đây trên thị trường tài chính các nền kinh tế đang nổi nhiều khả năng xuất phát từ mối lo ngại về các hành động của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) và ECB hơn là do cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Ông Luis Oganes, phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường đang nổi ở Ngân hàng JPMorgan, nói: "Chúng tôi đã nhìn thấy các dòng tiền ra trong vài tuần gần đây, bởi vậy chắc chắn điều gì đó đã thay đổi. Nhưng tôi có thể nói rằng 80-90% nguyên nhân là do các lãi suất then chốt và dự báo của FED chứ không phải vấn đề Hy Lạp".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.