Guantanamo: Bài toán lớn cho quan hệ Mỹ - Cuba

Thứ Hai, 16/02/2015, 11:05
“Tái thiết lập quan hệ ngoại giao là bước khởi đầu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ - Cuba, song tiến trình này không thể tiến triển nếu như còn tồn tại lệnh cấm vận đơn phương của chính quyền Washington và sự chiếm đóng bất hợp pháp của căn cứ hải quân Mỹ trên Vịnh Guantanamo”, Chủ tịch Raul khẳng định như vậy trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) lần thứ III, diễn ra tại Costa Rica.

Rào cản mang tên Guantanamo

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, theo sau là cuộc trao đổi một tù nhân Mỹ để đổi lại 3 nhân viên tình báo Cuba bị giam giữ tại Mỹ, đánh dấu thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ song phương nhiều thập niên qua.

Sự kiện ngày 17/12/2014, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong tương lai không xa được giới phân tích đánh giá là thiện chí của cả hai bên nhằm phá băng cho mối quan hệ "thù địch" hơn nửa thế kỷ qua. Báo chí Mỹ và thế giới cũng tốn không ít giấy mực ca ngợi những nỗ lực từ nhiều phía và gọi đây là "bước chuyển mình thế kỷ".

Biểu tình trước Nhà Trắng đòi đóng cửa nhà tù Guantanamo.

Thoạt nhìn, quyết định này có vẻ là một thắng lợi lớn của Cuba với việc Mỹ cuối cùng cũng phải từ bỏ nỗ lực cô lập hòn đảo này. Tuy nhiên, các bước đi này lại không được đánh giá cao, bởi trên thực tế giới phân tích cho rằng đây chưa phải là sự kết thúc lệnh cấm vận của Mỹ vốn chỉ Quốc hội mới có thể dỡ bỏ. Tuyên bố mới nhất của Mỹ sẽ không bàn vấn đề trao trả căn cứ hải quân trên Vịnh Guantanamo cho Cuba trong cuộc đàm phán cải thiện quan hệ, trong khi Havana coi đây là điều kiện tiên quyết cho quyết định lịch sử này lại càng đẩy tiến trình bình thường hóa hoàn toàn trở nên gian nan hơn.

Thừa nhận cuộc đối thoại song phương bình thường hóa quan hệ là một tiến trình dài và khó khăn, song các nhà phân tích vẫn cho rằng hai bên cần dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa cho các vấn đề phức tạp. Việc tạo điều kiện nhằm cải thiện trao đổi thông tin, mở rộng sự giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian qua chỉ được xem là những bước hỗ trợ cho các quyết định mang tính lịch sử. Nếu Chính phủ Mỹ không xóa bỏ các "kế hoạch tiêu cực" nhằm vào đảo quốc này, trong đó có lệnh cấm vận kinh tế và trao trả căn cứ quân sự tại Vịnh Guantanamo, tiến trình đàm phán cho vấn đề này sớm muộn lại lâm vào ngõ cụt.

Địa bàn chiến lược khó từ bỏ?

Vịnh Guantanamo, nơi có trại giam giữ nghi can khủng bố nhiều tai tiếng, được Mỹ kiểm soát và đặt căn cứ quân sự từ hơn một thế kỷ qua là một trong những vấn đề được cho là ngại trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực tái lập quan hệ giữa Cuba - Mỹ. Từ nhiều năm qua, Mỹ luôn khẳng định quyền thuê vĩnh viễn khu vực này từ Cuba theo các hiệp ước Mỹ - Cuba năm 1903 và 1934, trong khi chính quyền Havana liên tục đòi Mỹ giao trả kể từ năm 1959, sau khi Cách mạng Cuba thành công, cho rằng các hiệp ước trên được thiết lập dựa trên sự đe dọa sử dụng vũ lực và vi phạm luật pháp quốc tế.

Một cổng vào căn cứ Guantanamo.

Với diện tích 117,6km², và cách bờ biển bang Miami của Mỹ khoảng 1.300km, Guantanamo là một hải cảng nước sâu tự nhiên, có thể tiếp nhận tàu cỡ lớn. Người châu Âu đặt chân lên đây sớm nhất là nhà thám hiểm Christopher Colombus (1451 - 1506).

Ba thế kỷ sau, người Anh đổ bộ và xây dựng căn cứ tại Guantanamo, nhưng về sau, Guantanamo cùng toàn bộ quốc đảo Cuba trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm 1903, Tổng thống Cuba khi đó và Chính phủ Mỹ ký "Hiệp định của các Bến than và Hải quân", theo đó Mỹ được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Guantanamo. Năm 1934, Cuba và Mỹ lại ký hiệp ước, cho phép căn cứ quân sự Guantanamo của Mỹ tồn tại vô thời hạn, theo hình thức thuê đất, nếu Cuba muốn thu hồi phần lãnh thổ này của mình thì phải đàm phán với Mỹ.

Toàn cảnh khu nhà tù Guantanamo từ trên cao.

Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ ngày 3/1/1961 theo quyết định của Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower, ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống kế nhiệm John F. Kennedy vào ngày 20/1/1961. Căn cứ Guantanamo được chia làm hai phần riêng biệt: một sân bay và một căn cứ chính với sứ mệnh là phục vụ như một căn cứ hậu cần chiến lược cho Hạm hội Hải quân của Mỹ ở Đại Tây Dương và hỗ trợ các hoạt động chống buôn bán ma túy ở khu vực Caribe. Một lý do lớn nữa là việc Mỹ giành Cuba từ Tây Ban Nha và thiết lập quyền kiểm soát hữu hiệu đối với đảo quốc này là do vị trí chiến lược của nó. Cuba nằm ở đường vào phía bắc của vùng Caribean.

Nếu để một cường quốc bên ngoài nào kiểm soát được Cuba thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ vì điều đó sẽ đe dọa các tuyến thương mại ra vào cảng quan trọng New Orleans.

Nguy cơ các cường quốc khác (như Anh, Pháp vào thế kỷ XIX, Đức vào thế kỷ XX) thách thức Mỹ đã khiến mối quan ngại này trở lên rõ ràng hơn. Vì thế, việc bảo đảm sự kiểm soát đối với Cuba, như Mỹ đã làm sau Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898, là cần thiết để bảo đảm sự vươn lên về chính trị và quân sự của Mỹ. Do đó, việc có một căn cứ hải quân ở đây giúp triển khai sức mạnh quân sự vào vùng Caribean và ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào khác muốn chiếm vị trí chiến lược này, có thể đe dọa đến lục địa Mỹ.

Với lợi thế chính trị quá lớn, Vịnh Guantanamo vẫn được coi là tài sản quan trọng về mặt chiến lược đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Vì vậy để đưa ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động của Mỹ tại khu vực mang lại nhiều lợi ích này là khó có thể xảy ra. Không khó để có thể nhận ra rằng, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba nhằm tái thiết lập quan hệ chính trị và mở rộng hoạt động thương mại vừa qua đang ở giai đoạn quá sơ khai.

Những vấn đề phức tạp như bồi thường đối với các tài sản của Mỹ mà Chính phủ Cuba đã tịch thu trước đây, việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế cũng như trao trả căn cứ hải quân trên Vịnh Guantanamo khó có thể được đàm phán một cách thực chất.

Ngoài vấn đề trao trả Vịnh Guantanamo, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba còn vấp phải nhiều thách thức, trở ngại như sự phức tạp chính trị trong nội bộ Mỹ. Một bộ phận trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba (hiện có khoảng 2 triệu người) vẫn chống lại việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba một cách khá quyết liệt. Một số cá nhân thậm chí còn cho rằng, quyết định của Tổng thống Obama là một "sự phản bội" đối với cộng đồng người Mỹ gốc Cuba.

Nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa và nghị sĩ Mỹ gốc Cuba chỉ trích quyết định của Tổng thống Obama và cho biết sẽ ngăn cản chính quyền Mỹ bằng cách không thông qua ngân sách để mở Đại sứ quán và đề cử Đại sứ Mỹ tại Cuba. Đó là chưa kể đến việc các nghị sĩ Dân chủ cũng có ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Một số nhân vật độc lập dù không chống lại việc bình thường hóa quan hệ, cũng tỏ ra khá bất ngờ trước những diễn biến gần đây; và điều này cho thấy nội bộ Mỹ chưa có dấu hiệu thống nhất cao đối với vấn đề này. Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục là một thách thức đối với tiến trình này nói chung và với các nỗ lực của chính quyền Mỹ nói riêng trong bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.