Hà nội “mới” ngày đầu hợp nhất

Thứ Sáu, 08/08/2008, 14:00
Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 330 nghìn hécta; phía đông giáp với tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên; phía tây giáp với Hòa Bình và Phú Thọ; phía nam giáp Hà Nam, phía bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Mở rộng Hà Nội lần này không chỉ đơn thuần về mặt cơ học, mà thực sự sẽ là một cuộc hợp nhất về sức lực, trí tuệ và đồng lòng của hơn 6 triệu nhân dân.

Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) Công an TP Hà Nội, hợp nhất Hà Nội đồng nghĩa với việc có khoảng 20 nghìn con dấu các loại phải thay đổi. Tất nhiên, với số lượng nhiều như vậy, sẽ có một số cơ quan, sở, ngành phải tiếp tục dùng con dấu cũ hoặc một phần được thay mới và sẽ được thay toàn bộ trong thời gian sớm nhất. Riêng hai đơn vị là cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội sẽ buộc phải thay dấu ngay và sử dụng bắt đầu từ 1/8. Đối với các đơn vị có dấu Quốc huy cũng buộc phải thay ngay khi Hà Nội mới đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cho biết đã trình Bộ Công an cho phép Hà Nội quản lý luôn biển số 33 trước đây do Hà Tây quản lý. Như vậy là các biển số xe cơ giới của Hà Nội hiện nay sẽ là từ 29 đến 33. Riêng các phương tiện xe cơ giới đăng ký ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc trước đây mang biển kiểm soát 88 và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình mang biển kiểm soát 28 sẽ được làm thủ tục để đổi về biển số do Công an TP Hà Nội quản lý.

Cùng với đó, về vấn đề hộ khẩu, Công an TP Hà Nội cũng đã trình lên Bộ Công an phương án đính chính hộ khẩu chứ không thay mới để tiết kiệm chi phí, thời gian... Theo đó, các sổ hộ khẩu hiện có sẽ được sửa phần sau, thay dòng địa phương Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tây thành Hà Nội. Phần tên, địa chỉ, thôn xóm, phường (xã), quận (huyện) sẽ vẫn giữ nguyên. Những sổ hộ khẩu mới được cấp sau ngày 1/8 sẽ được cấp theo địa giới hành chính mới. Như vậy, thống kê sơ bộ của Công an TP Hà Nội cũng cho biết sẽ có gần 650 nghìn quyển sổ hộ khẩu phải đính chính.

Tương tự là các vấn đề liên quan đến chứng minh thư nhân dân. Ngoài ra, trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ phải có phương án đặt lại tên đường, tên phố cho phù hợp bởi có khá nhiều đường phố ở Hà Đông đang trùng tên với đường phố của Hà Nội (cũ) nên việc tìm kiếm, đi lại của nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thành Phố Hà Đông nay thuộc Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, người vừa được bổ nhiệm Giám đốc Công an TP Hà Nội (mở rộng) khẳng định các lực lượng Công an thủ đô đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Toàn bộ hoạt động của Công an thành phố sẽ được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, của Thành ủy và UBND thành phố với quyết tâm cao nhất. Công an thành phố sẽ giữ vững ổn định về an ninh chính trị, đảm bảo TTATXH trong mọi tình huống. Hiện tại Công an Hà Nội đang thực hiện việc báo cáo Thành ủy, lãnh đạo thành phố về việc hợp nhất Đảng ủy Công an thành phố: lựa chọn và báo cáo Bộ Công an về việc bổ nhiệm thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng cũng có nghĩa là Công an thành phố sẽ có nhiều việc phải làm hơn, công tác quản lý và đảm bảo ANTT trên địa bàn phải đi vào chiều sâu nhiều hơn. Điều này đòi hỏi toàn thể cán bộ, chiến sĩ phải tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một trong những mảng nóng mà chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xác định trong thời gian tới là các vấn đề an ninh nông thôn khi Hà Nội hợp nhất; vấn đề va chạm trong lĩnh vực đất đai, giữa các làng nghề vốn tập trung nhiều trên địa bàn Hà Tây trước đây.

Cùng với Lực lượng Công an, nhiều sở, ngành khác cũng đang bắt tay vào làm quen với điều kiện mới. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, số lượng biên chế các cấp sẽ giữ nguyên đối với các huyện và các xã để đảm bảo tính ổn định trong công tác điều hành bộ máy Hà Nội “mới”. Ngoài ra, bộ máy chính quyền thành phố sẽ được tăng cường thêm 1 Phó bí thư và 1 Phó chủ tịch tại các quận, huyện cần thiết. Phó bí thư mới này sẽ phụ trách công tác cơ sở Đảng và Phó chủ tịch mới sẽ phụ trách đô thị để thực hiện tốt hơn các chủ trương quản lý, quy hoạch của thành phố.

Mặc dù đã được thông báo về việc chuyển địa điểm song nhiều cán bộ, công chức thành phố vẫn còn một số băn khoăn với việc di chuyển. Theo Thông báo số 5086 của UBND TP Hà Nội cho hay Thanh tra Nhà nước TP Hà Nội (mới) sẽ tiếp nhận và sử dụng trụ sở làm việc của Thanh tra tỉnh Hà Tây ở số 100 Tô Hiệu, Hà Đông và trụ sở của Hội Nông dân tỉnh Hà Tây ở số 29 Hoàng Diệu, Hà Đông.

Công an TP Hà Nội (mới) ngoài những trụ sở hiện tại sẽ tiếp nhận thêm trụ sở của Thanh tra Nhà nước thành phố tại số 62 phố Trần Quốc Toản. Hội Nông dân thành phố sẽ làm việc tại trụ sở Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hà Tây, hiện ở số 1 phố Quang Trung, Hà Đông. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội ngoài trụ sở hiện tại sẽ tiếp nhận và quản lý thêm trụ sở làm việc của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tây ở số 12 đường Nguyễn Trãi, Hà Đông. Ban Thi đua khen thưởng thành phố sẽ được bố trí tại địa điểm làm việc cũ của Ban Tôn giáo thành phố ở 34 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ngoài trụ sở hiện tại ở số 4 phố Tây Sơn, Sở Y tế sẽ tiếp nhận và tạm thời quản lý trụ sở của Sở Y tế Hà Tây nằm ngay trên mặt đường Quang Trung, Hà Đông.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Phí Thái Bình từng cam kết thì nhân dân có thể yên tâm là sẽ không để công việc đình trệ, không để người dân, doanh nghiệp, mọi đối tượng của xã hội phải mất công, mất việc về quá trình hợp nhất.

Quá trình hợp nhất cho đến bây giờ vẫn diễn ra rất suôn sẻ. Xem ra thì cam kết của ông Phó chủ tịch Thường trực không phải là không có lý. Tuy nhiên, cũng theo ông Phí Thái Bình, do những xáo trộn, thay đổi nhất thời về nơi làm việc, về bộ máy nên cũng khó tránh khỏi những sai sót, bất cập. Đối với những người trực tiếp trong cuộc, là các cán bộ, chuyên viên các cơ quan có tên trong danh sách di chuyển đợt này cũng còn ngổn ngang lắm.

Đến chiều ngày 31/7, tại Sở GTVT Hà Tây mọi việc vẫn diễn ra khá bình thường, mặc dù khách khứa ra vào có vẻ ít tấp nập hơn mọi khi. Đây là một trong số những cơ quan sẽ phải chuyển đi để nhường chỗ cho đơn vị khác chuyển về đóng tại Hà Đông.

Ngược lại, tại các đơn vị có tên trong danh sách di chuyển từ Hà Nội sang Hà Đông, tâm trạng nhiều người có vẻ băn khoăn. Sở Tư pháp Hà Nội có quá nửa là cán bộ nữ. Chuyển trụ sở làm việc đồng nghĩa với nhiều sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Bên cạnh những chuyện tắc đường, kẹt xe, giá cả leo thang, xăng tăng giá... thì nhiều công chức, viên chức nhà nước lại có thêm những lo âu khác.

Một cán bộ nữ ở Sở Tư pháp (xin được giấu tên) tâm sự: "Con mình năm nay 4 tuổi, học lớp mẫu giáo lớn. Giờ nhận trẻ nhà trường quy định từ 7h30’ đến 8h kém 15’. Bây giờ chuyển trụ sở vào mãi tận Hà Đông thế kia, mình thực chẳng biết làm thế nào. Có muốn đi sớm để tránh tắc đường, kẹt xe cũng chẳng được, vì chẳng nhẽ đưa con đến lớp từ 7h sáng? Sáng sớm ra lớp đâu có ai, trẻ con để nó ngồi chơi một mình trong lớp thế, mình làm sao yên tâm được? Còn chuyển trường cho con gần nơi mình đi làm thì con lại phải đi học xa, bất tiện lắm. Mà thực tế muốn chuyển trường bây giờ cũng không phải dễ".

Một cán bộ của Sở GTVT cũng đang chuẩn bị di dời thì nhẩm tính: Nhà anh ở mãi tận Gia Lâm. Bây giờ chuyển sang trụ sở mới, đường đi làm phải qua tới 4 cây cầu, tính cả đi cả về quãng đường ngót ngét 30 cây số. Với tình hình đường sá giao thông đi lại như hiện nay, cộng với thời tiết nóng bức cũng như giá xăng đắt đỏ, chắc anh sẽ phải tính "nước" xách cặp lồng cơm đi mỗi sáng.

"Tính đi tính lại, cũng chẳng còn cách nào hơn thế, dù cũng sẽ thêm lích kích, lỉnh kỉnh cả nhà dậy sớm nấu cơm thay vì quà sáng nhanh gọn như trước. Mới về bên ấy (Hà Đông) chưa biết thế nào, cơm hàng cháo chợ chẳng biết ra sao, thôi thì cứ mang cặp lồng đi cho chắc. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo sạch sẽ trước tình hình tiêu chảy cấp và bệnh lợn tai xanh đang tái phát, mà có khi lại bỏ được cái thói "tạt tụt" vài cốc bia hơi buổi trưa. Biết đâu lại dôi ra được vài đồng cuối tháng về nộp cho bà xã phấn khởi...", anh nói.

Cũng theo Phó chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình, thì mặc dù thành phố đã cố gắng tính toán để việc di chuyển các sở, ngành theo hướng ít thay đổi nhất, ít xáo trộn nhất nhưng có sự xê dịch là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, việc bố trí địa điểm làm việc của các sở, ngành còn phải tính đến đảm bảo tránh sự gia tăng sức ép dân cư vào nội đô, phù hợp với hướng mở rộng đô thị của Hà Nội trên thực tế

V.A.
.
.