Hạ viện Mỹ cấm can thiệp vào Libya

Thứ Bảy, 02/07/2011, 14:55

Mặc dù không bỏ phiếu từ chối cắt ngân sách để tài trợ cho chiến dịch quân sự của Mỹ tại Libya nhưng Hạ viện Mỹ ngày 24/6 vừa qua lại bác bỏ nghị quyết cho phép Nhà Trắng can thiệp quân sự tại Libya. Hiểu cho đúng thì đây là "một cú" cảnh cáo mà các nghị sĩ Mỹ dành cho Tổng thống Obama về tội đem quân tham chiến tại một quốc gia khác nhưng không xin phép trước Quốc hội.

Ngay sau khi Mỹ tham gia chiến dịch không kích Libya ngày 19/3/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị đảng Cộng hòa và cả một số nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ trích là không có một chiến lược rõ ràng và không tham khảo Quốc hội trước khi ra lệnh tấn công lực lượng của nhà lãnh đạo Gaddafi. Nữ Nghị sĩ Dân chủ Diane Feinstein cho biết Mỹ vẫn chưa giải quyết xong trận chiến Iraq và Afghanistan, chưa kể đến những khó khăn đang phải đương đầu tại Pakistan "nên Mỹ không có lý do gì để phải nhảy vào can thiệp cuộc nội chiến đang diễn ra ở Libya cả".

Không chỉ phản đối tất cả mọi ý kiến nên đưa quân vào tham chiến để ủng hộ lực lượng nổi dậy, bà nghị sĩ đại diện cho tiểu bang California này còn phản đối cả chuyện áp đặt lệnh cấm bay trên không phận Libya, xem đó là "một hành động chiến tranh". Chữ "chiến tranh" đang được nói tới dọc theo các hành lang Thượng và Hạ viện Mỹ. Lý do: Hiến pháp Mỹ quy định khi mở cuộc chiến với một nước khác, Tổng thống phải xin phép và phải được Quốc hội chấp thuận trước khi đưa quân tham chiến.

Các luật gia chuyên về Hiến pháp cũng nói ngoại trừ trường hợp an ninh của nước Mỹ bị trực tiếp đe dọa, Tổng thống bắt buộc phải ra trước Quốc hội giải thích tại sao lại đưa quân đánh một nước khác. Nhưng ông Obama đã không làm điều này, tự động gửi hải quân và không quân tham dự vào các cuộc oanh kích những cứ điểm quân sự của Libya.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình MSNBC, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Webb nói rằng, mặc dù ông hiểu Tổng thống Obama phải quyết định thật nhanh "vì muốn bảo vệ sinh mạng của người dân Libya" nhưng "hệ thống làm việc của nước Mỹ không làm việc như thế", ám chỉ dù có cấp bách đến đâu đi chăng nữa, ông Obama cũng phải hỏi qua Quốc hội một tiếng cho đúng quy định của Hiến pháp. Tỏ vẻ bực dọc nhất là dân biểu Dennis Kuchinic của tiểu bang Ohio, cho rằng hành động xem thường Quốc hội của Tổng thống Obama đủ để lưỡng viện tính đến chuyện bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo nước Mỹ. Dân biểu Ron Paul đang được cảm tình của nhóm đảng Trà (Tea Party) không đi xa như vậy, nhưng cũng tính đến chuyện buộc Tổng thống phải ra Quốc hội giải thích tại sao không xin phép mà đã gửi quân ra chiến trường.

Mãi 4 ngày sau khi ra lệnh cho quân đội tham chiến tại Libya, Tổng thống Obama mới gửi thư cho Quốc hội, giải thích cặn kẽ những lý do tại sao ông quyết định góp quân với liên minh để khống chế quân đội trung thành với lãnh đạo Gaddafi. Trong thư, ông viết Mỹ tham gia công tác trong vai trò "yểm trợ cho nỗ lực của quốc tế để thi hành quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" và mục tiêu đặt ra để "bảo vệ dân thường Libya", đồng thời để chặn đứng "những mối đe dọa an ninh và hòa bình thế giới" mà cuộc chính biến Libya gây nên. Những gì ông Obama trình bày trong lá thư gửi Quốc hội đã không làm hài lòng dân cử Thượng và Hạ viện Mỹ.

Hậu quả là với 295 phiếu chống và 123 phiếu thuận, ngày 24/6 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ nghị quyết cho phép Nhà Trắng can thiệp quân sự tại Libya. Cụ thể, Hạ viện đã bác bỏ một dự luật cho phép Mỹ có một số hành động quân sự hạn chế trong vòng một năm ở Libya nhưng không được sử dụng các lực lượng trên bộ. Trong bài phát biểu giải trình trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Obama đã viện cớ là Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương một cách giới hạn, nên đã không chờ có được sự đồng thuận của bên lập pháp. Lập luận trên đây của Nhà Trắng đã không đủ sức thuyết phục các dân biểu Mỹ, ngay cả trong hàng ngũ của đảng Dân chủ. Các nghị sĩ cho rằng, nếu chỉ là hỗ trợ thì có cần phải gấp gáp đến thế không, trong khi Hiến pháp Mỹ chỉ cho phép Tổng thống làm điều đó trong trường hợp vô cùng khẩn cấp.

Trên thực tế, có lẽ là các dân biểu của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều bực mình vì thái độ của ông Barack Obama và muốn tặng cho chủ nhân Nhà Trắng một bài học. Tổng thống Mỹ đã không tham khảo ý kiến của Quốc hội lưỡng viện trước khi đồng ý tham gia vào chiến dịch quân sự của NATO ở Libya. Các dân biểu Mỹ chỉ trích ông Obama vi phạm Điều luật 1973, theo đó Tổng thống chỉ được quyền tiến hành chiến dịch quân sự một khi đã được Quốc hội lưỡng viện bật đèn xanh.

Ngày 27/6, các thẩm phán Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, con trai ông là Seif cùng quan chức đứng đầu cơ quan tình báo nước này. Tòa án đã buộc tội 3 nhân vật kể trên phạm tội ác chống lại nhân loại và đứng sau các cuộc tấn công nhằm vào dân thường trong một cuộc nổi loạn chống lại ông hồi giữa tháng 2/2011.

Thực ra quyết định này của ICC chả có gì ngạc nhiên vì hôm 16/5, Chưởng lý ICC, Moreno-Ocampo, hù dọa rằng ông đã đề nghị các thẩm phán của Tòa phát lệnh truy nã nhắm vào 3 nhân vật kể trên. Và động thái mới nhất của ICC cũng chỉ nằm trong số rất nhiều "chiêu thức" mà phương Tây đưa ra hòng sớm kết thúc cuộc chiến tốn kém tại Libya.

Các nghị sĩ cũng phản đối việc chính quyền Obama đổ quá nhiều tiền cho các hoạt động nhân đạo và quân sự ở Libya trong khi nền kinh tế trong nước đang khó khăn. Ước tính các chi phí này của Mỹ tại Libya đã lên tới 800 triệu USD (tính đến ngày 3/6) và có thể tăng lên khoảng 1,1 tỉ USD cho đến hết ngày 30/9 tới, thời điểm NATO dự kiến chấm dứt chiến dịch quân sự tại Libya.

Tổng thống Obama cho biết ông "thất vọng về cuộc bỏ phiếu này". Vố đau này dành cho ông Obama diễn ra đúng lúc tỉ lệ ủng hộ ông sụt giảm mạnh, điều nguy hiểm đối với chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông vào năm sau.

Theo kết quả cuộc thăm dò do Hãng tin AP và Tổ chức Các vấn đề xã hội và truyền thống (GfK) phối hợp thực hiện trong các ngày từ 16 đến 20/6 với sự tham gia của 1.001 người trưởng thành trên toàn nước Mỹ, ông Obama đang vấp phải sự chỉ trích của cử tri đối với cách thức ông giải quyết các vấn đề kinh tế nói chung và nạn thất nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người phản đối những chính sách về hệ thống y tế và thâm hụt ngân sách liên bang trước đây của ông.

Lần đầu tiên trong năm, thăm dò dư luận do AP và GfK thực hiện cho thấy tỷ lệ những người ủng hộ ông Obama đã giảm xuống dưới 50%, chỉ còn ở mức 47-48%. Có 59% dân chúng Mỹ không ủng hộ cách thức ông Obama giải quyết các vấn đề kinh tế và nạn thất nghiệp. Tỉ lệ ủng hộ giảm xuống nhanh nhất ở nhóm đối tượng có thu nhập trên 50.000 USD/năm. Nếu như hồi tháng 5/2011, 53% công chúng Mỹ ủng hộ những nỗ lực của ông Obama nhằm giải quyết nạn thất nhiệp thì con số này đã giảm xuống còn 36% vào tháng 6. Tỉ lệ công chúng ủng hộ Tổng thống Obama giảm song vẫn ở mức cao hơn tỉ lệ ủng hộ Quốc hội. Có tới 76% dân chúng Mỹ không đồng tình với những quyết định của Quốc hội Mỹ - tỉ lệ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong một diễn biến khác liên quan tới tình hình Libya, Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma cảnh báo NATO chớ nên dùng sức mạnh quân sự để hạ sát nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi. Ông Zuma lên tiếng tại Pretoria hôm 26/6 trong lúc một ủy ban cấp cao của Liên hiệp châu Phi thảo luận về những phương sách nhằm chấm dứt vụ xung đột kéo dài đã 4 tháng giữa ông Gaddafi và phe nổi dậy có căn cứ ở miền Đông Libya. Ông Zuma nói rằng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép NATO hành động để bảo vệ nhân dân Libya, chứ không phải để theo đuổi "sự thay đổi chế độ hay ám sát vì lý do chính trị"

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.