Hai bàn tay tạo nên tiếng vỗ

Thứ Tư, 20/02/2019, 11:17
Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ hơn chục ngày nữa là tới thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ hai. Giống như lần hội nghị trước ở Singapore, mọi thông tin liên quan đều được giữ bí mật. Một lần nữa sự đặc biệt của cả hai nhà lãnh đạo này luôn khiến thế giới hồi hộp.

Trước khi hội nghị có thể diễn ra theo dự kiến, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là những kết quả cụ thể nào sẽ đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - CHDCND Triều Tiên lần hai? Hay nói cách khác, những mục tiêu cụ thể hai nhà lãnh đạo đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này là gì?

Nhìn vào mặt chưa làm được kể từ hội nghị lịch sử ở Singapore hồi tháng 6/2018, hai bên vẫn chưa thể nhất trí việc phi hạt nhân hóa là như thế nào bởi có nhiều điều kiện hai bên vẫn chưa thỏa mãn cho nhau.

Nói như vậy không phải phủ nhận kết quả từ hội nghị tại Singapore. Hai bên đã đạt được nhiều thứ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên. Như việc đình chỉ các vụ thử nghiệm tên lửa của CHDCND Triều Tiên và việc trao trả một phần hài cốt của lính Mỹ hy sinh trong Chiến tranh Triều Tiên 1953. Bước tiến tích cực nhất như cả thế giới đều thấy đó là từ cơ sở lòng tin có được sau cuộc gặp tại Singapore, cuộc gặp thượng đỉnh lần hai đã được tổ chức để hai nhà lãnh đạo Mỹ và CHDCND Triều Tiên có cơ hội hiểu nhau hơn nữa, tiến thêm một bước tới những quyết định mạnh mẽ hơn, phá vỡ thế bế tắc mà các bên đang mắc phải. 

Điều này có thể xảy ra khi thiện cảm mà hai nhà lãnh đạo dành cho nhau ngày một lớn hơn. Sau cuộc họp lần thứ nhất, ông Trump tiếp tục dành nhiều lời khen ngợi cho ông Kim Jong-un, trao đổi những lá thư mang nhiều thiện chí. Về vấn đề hạt nhân, CHDCND Triều Tiên cũng đã có những hành động cụ thể để tháo dỡ 2 địa điểm thử nghiệm hạt nhân là bãi thử Tongchang-ri và Punggye-ri.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Các chuyên gia Mỹ nhận định, đây là việc làm cần thiết và đúng hướng để biến kết quả các hội nghị thượng đỉnh thành những kết quả cụ thể. Trên cơ sở những kết quả tốt đẹp này, cho dù vẫn trong vòng bí mật nhưng sự chuẩn bị tích cực của cả hai bên cho thấy họ đều không muốn lãng phí thời gian trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

Nếu nước Mỹ muốn tìm kiếm “các kết quả cụ thể” từ hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam và trong một tương lai không xa là một “tuyên bố toàn diện” về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thì về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn muốn có tuyên bố hòa bình và các cuộc đàm phán để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tất nhiên, mong muốn và kết quả thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi còn rất nhiều chông gai để Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể đạt được kết quả thực chất.

Cơ hội này có làm nên lịch sử hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự thành tâm và những tính toán của hai bên. Việc thay đổi cả một mối quan hệ đối nghịch chồng chất từ những cuộc đấu khẩu khắc nghiệt, những lời đe dọa hạt nhân và mối hiểm nguy của một cuộc chiến tranh liên Triều lần thứ hai có thể sát hại hàng triệu người sẽ không phải điều dễ dàng. Điều này chỉ có thể đạt được với tài khéo léo, một tư duy khác biệt và những nhân tố “đột biến” mà hai nhà lãnh đạo có thể đem tới bàn đàm phán.

Và đó cũng mới chỉ là những bước đầu tiên, bởi lịch sử cho chúng ta thấy, đàm phán Mỹ - Triều Tiên chưa bao giờ dễ dàng. Thành công chỉ có thể được đảm bảo nếu như cả hai bên cùng có những nhượng bộ thực thụ, có thể kiểm chứng và không bị coi là một sự mất mát đối với bên chấp nhận nhượng bộ.

Nhìn lại những biến cố từ những thập niên trước, kịch bản khả thi nhất của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này có thể là CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon - điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đưa lên bàn đàm phán để đổi lấy một số lệnh nới lỏng trừng phạt. Mặc dù Washington không muốn giảm bớt áp lực cực đại mình đặt ra trước khi sự phi hạt nhân hóa toàn diện được tiến hành, song cách tiếp cận “có qua có lại” này dường như là con đường thực tế nhất. Chỉ có đạt được những bước tiến nhỏ mới có thể tiếp tục với những hứa hẹn quan trọng, từ đó gây dựng được những thỏa hiệp ngày càng khó khăn hơn nữa.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên diễn ra ở Singapore. Ảnh: Bloomberg.

Trên đà thắng lợi này, biết đâu dư luận thế giới lại được chứng kiến một điều gì đó đặc biệt xảy ra. Rất có thể một khoảnh khắc lịch sử sẽ đến nếu ông Trump và ông Kim nhất trí kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, đó sẽ là một khoảnh khắc lịch sử thực thụ. Mặc dù một hiệp ước hòa bình có lẽ là điều bất khả thi đối với Mỹ, bởi nó cần sự phê chuẩn của Thượng viện, song một bản tuyên bố hòa bình cũng đủ để người ta hiểu rằng sẽ không còn tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Lời tuyên bố này sẽ thể hiện một mong muốn rõ ràng là thay đổi mối quan hệ và tạo ra một nền tảng vững chắc để thực hiện những công việc khó khăn hơn hướng tới phi hạt nhân hóa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump quyết định giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc hoặc tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên? Mặc dù một hiệp ước hòa bình vướng phải những phức tạp về mặt pháp lý, song đây chắc hẳn sẽ là một nhượng bộ “vĩ đại”. Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu các cuộc đối thoại này chưa mang lại kết quả cụ thể? Cần phải đặt mọi lựa chọn lên bàn đàm phán để hướng tới một sự thỏa hiệp mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận.

Gạt những lời lẽ hoa mỹ sang một bên, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai có thể thành công hay không phụ thuộc vào những gì hai bên sẵn sàng nhượng bộ. Hai bàn tay phải vỗ cùng một nhịp mới có thể tạo ra tiếng vỗ đánh thức hòa bình.

Hoa Huyền
.
.