Hàn Quốc: Chính trường xáo trộn vì thảm họa chìm phà
Hàng loạt sai sót trong hệ thống quản lý an toàn hàng hải và cứu hộ trong thảm họa chìm phà Sewol đã được các nhà điều tra phát hiện, làm dấy lên làn sóng dân chúng phản đối chính phủ. Trong khi đó, chính trường Hàn Quốc cũng đang có những xáo trộn lớn do ảnh hưởng từ thảm họa chìm phà, trước mắt là những thay đổi trong thành phần nội các.
Ngày 28/4, công tố viên Hàn Quốc tại Incheon Song In-Taek đã thông báo thêm 3 nhân sự làm việc tại Văn phòng Incheon của Hiệp hội Tàu biển Hàn quốc (KSA), bao gồm Giám đốc văn phòng và 2 nhân viên dưới quyền do bị nghi ngờ đã thủ tiêu bằng chứng liên quan đến cuộc điều tra đối với công ty Chonghaejin - công ty chủ quản của chiếc phà Sewol bị chìm vào ngày 16/4 vừa qua.
Bên cạnh đó, Văn phòng Công tố tại thành phố Mokpo cũng phát lệnh khám xét đối với Trung tâm điều hành cứu hộ khẩn cấp của tỉnh Jeolla Nam và Bảo vệ Bờ biển ở thành phố Mokpo do cáo buộc sao nhãng nhiệm vụ.
Trung tâm Điều hành Cứu hộ khẩn cấp tỉnh Jeolla Nam là nơi cung cấp dịch vụ cứu hộ, cấp cứu qua đường dây nóng 119 ở Hàn Quốc, và sự chậm trễ của công tác cứu hộ ngay sau khi chiếc phà bị chìm là do sự tắc trách của nhân viên trực tổng đài trung tâm này.
Trước đó, 15 người gồm Thuyền trưởng Lee Joon-seok cùng các thuyền phó và nhân viên làm việc trên phà Sewol đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra về trách nhiệm gây ra vụ chìm phà. Theo các nhà điều tra, Thuyền trưởng Lee đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm hết sức tệ hại, ông ta đã không có mặt tại buồng lái khi phà gặp sự cố.
Đã thế, ông ta còn tìm cách thoát khỏi chiếc phà đang chìm trong khi hàng trăm hành khách còn đang mắc kẹt và kêu cứu (một đoạn video ghi bằng điện thoại di động) được công bố hôm 28/4 cho thấy Thuyền trưởng Lee đã tháo chạy khỏi phà chìm khiến dư luận càng thêm phẫn nộ).
Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã nộp đơn xin từ chức vì cảm thấy không thể tiếp tục điều hành chính phủ sau khi xảy ra thảm họa chìm phà Sewol. Trong lời xin lỗi gửi đến thân nhân những nạn nhân chìm phà, ông Chung thừa nhận mình chịu trách nhiệm cao nhất cho những vấn đề nghiêm trọng như quy định lỏng lẻo về an toàn giao thông đường thủy và việc phản ứng chậm chạp khi chiếc phà gặp tai nạn và cả sau khi phà đã chìm.
Ngay sau đó, Tổng thống Park Geun-hye đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Chung, nhưng ra điều kiện: ông Chung phải tiếp tục tạm thời điều hành Chính phủ Hàn Quốc cho đến khi nào giải quyết xong các vấn đề còn lại của thảm họa chìm phà mới được bàn giao công việc.
Hành động "nhận trách nhiệm" của ông Chung đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía đảng đối lập, Liên minh Chính trị mới vì Dân chủ (NPAD). Ahn Cheol-soo, đồng lãnh đạo NPAD chỉ trích ông Chung "thiếu trách nhiệm" khi đưa ra quyết định từ chức trong lúc các nỗ lực giải quyết hậu quả thảm họa chìm phà Sewol còn đang tiếp diễn, thân nhân những nạn nhân mất tích hiện vẫn còn chờ đợi, mong ngóng tin tức người thân của mình.
Ông Ahn cũng phê phán bà Tổng thống Park Geun-hye, cho rằng đáng lẽ bà phải đứng ra xin lỗi dân chúng Hàn Quốc trước về những sai sót, yếu kém của Chính phủ rồi sau đó mới đưa ra quyết định cho các quan chức Chính phủ thôi việc. Việc bà Park nhanh chóng chấp nhận đơn từ chức của ông Chung, đồng thời đang xem xét cho ngưng chức một số bộ trưởng có trách nhiệm liên quan trong vụ chìm phà được dư luận hiểu theo một hướng khác: bà đang toan tính cho vấn đề an toàn trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới. Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Park đang tụt giảm mạnh, chủ yếu do sự phản đối của dân chúng sau vụ chìm phà Sewol.
Vụ chìm phà Sewol xảy ra vào ngày 16/4 được xem là thảm họa giao thông hàng hải lớn thứ hai sau thảm họa phà Namyoung chìm vào năm 1970 làm chết 323 người. Nhưng thảm họa lần này để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Điều tra về nguyên nhân chìm phà Sewol, các nhà điều tra đã phát hiện ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc bảo đảm an toàn trên chiếc phà.
Thân nhân các nạn nhân chìm phà đang mong chờ tin tức người thân của mình trên đảo Jindo. |
Trước hết, bản thân chiếc phà Sewol do Nhật sản xuất vào năm 1994, được công ty quản lý phà Chonghaejin mua lại và cải tiến nâng tải trọng lên 6.825 tấn với thiết kế chiều dài 146 mét, 5 tầng boong, có sức chở lên đến 920 người, 180 xe cộ và 152 thùng hàng hóa. Khi gặp nạn hôm 16/4, phà Sewol chở 476 người từ đảo Incheon đi đảo Jeju nằm trong biển Hoàng Hải, Tây Nam Hàn Quốc. Chiếm số đông nhất trong hành khách đi trên chuyến phà định mệnh ngày 16/4 là 339 học sinh và giáo viên trường Trung học Danwon, gần Seoul.
Điều khiến thân nhân các nạn nhân chìm phà tức giận nhất chính là phản ứng quá chậm chạp của các cơ quan chức năng khi phà gặp sự cố và sau khi phà chìm. Các nhân chứng sống sót cho biết, thời gian từ khi phà gặp sự cố cho đến lúc chìm hẳn là khá lâu, gần 2 giờ, đủ để có thể triển khai mọi biện pháp cứu hộ cần thiết. Chỉ có những ngư dân đánh cá gần nơi phà chìm ứng cứu sớm nhất. Một đoạn video của một nam sinh ghi lại những hình ảnh cuối cùng khi phà lật nghiêng cho thấy nhiều người đã mặc áo phao sẵn sàng để thoát nạn, nhưng họ lại được loa phát thanh trên phà yêu cầu ở yên tại chỗ trong khi chiếc phà đang chìm dần…
Theo các quan chức cứu hộ, cơ quan tìm kiếm cứu hộ phà chìm đã huy động 500 thợ lặn, 169 tàu thuyền và 29 máy bay để tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ, nhưng đến nay, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong chiếc phà chìm Sewol đang bị chậm lại và gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết giông bão, dòng hải lưu chảy mạnh và tầm nhìn dưới nước hết sức hạn chế, các thợ lặn chỉ có thể nhìn thấy trong gang tấc. Ngoài ra, độ lạnh của nước biển (trên dưới 11 độ C) cũng góp phần làm hạn chế hoạt động của các thợ lặn