Hàn Quốc: Dạy viên chức cung cách làm việc

Thứ Năm, 14/06/2007, 14:30
Không phải tham nhũng mà sự lười nhác trong công việc mới chính là một trong những trở ngại chủ yếu của sự phát triển nền kinh tế - xã hội Hàn Quốc. Có lẽ vì nhận thức được điều đó nên chính quyền Seoul đang thực hiện một chiến dịch chấn chỉnh công chức, tăng cường hoạt động của bộ máy công quyền.

Giáo dục lại viên chức

Được Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon khởi xướng, chiến dịch cải tổ hệ thống hành chính đã được toàn dân hưởng ứng đặc biệt là với phương pháp treo thưởng những viên chức mẫn cán và xử phạt nghiêm minh đối với những người chỉ biết ăn chơi.

Các tỉnh thành đều rất hồ hởi với phương cách mới này và họ hy vọng sẽ có những bước tiến trong công tác quản lý để từ đó dần dần triệt tiêu được cả nạn tham nhũng trong giới viên chức nhà nước.

Theo thống kê mới nhất thì toàn Hàn Quốc có khoảng 957.200 viên chức và 8% trong số này bị đánh giá là lơ là với công việc.

Vì thế, ngày 12/6, Bộ Nội vụ Hàn Quốc tuyên bố sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn nữa cung cách làm việc, sự bảo đảm về giờ giấc cũng như chất lượng công việc của viên chức trong các cơ quan hành chính.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan Trung ương của nước này thực hiện biện pháp mạnh. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chọn ra 64 nhân viên trong tổng số 2.800 viên chức của mình để đưa vào khóa đào tạo mới. Sự phân loại được xây dựng dựa theo tiêu chí hiệu quả công việc, tình trạng nợ nần tài chính, điều kiện sức khỏe và cả những lần lái xe trong lúc đang uống rượu. Họ sẽ được chuyển công tác, đi khám sức khỏe và điều trị về tâm lý…

Sau 3 tháng được trải qua khóa huấn luyện đặc biệt này, 17 người sẽ bị sa thải nếu như không có chuyển biến nào theo chiều hướng tốt. Những người bị coi là chưa đạt được tiêu chuẩn sẽ phải lao động công ích ngoài công sở một thời gian như nhặt rác, dọn vệ sinh, thu dọn tàn thuốc lá, hướng dẫn đỗ xe… Kết quả làm những công việc phạt này như thế nào sẽ quyết định đến tương lai của họ.

Trò "chấm điểm" thầy

Phải nói rằng, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia chịu khó chuyển đổi cách quản lý và giáo dục đạo đức cho viên chức nhà nước. Cách đây hơn một năm cũng chính Seoul đã cho thực hiện thí điểm chương trình đánh giá thầy, cô giáo dựa theo sự nhìn nhận của học sinh và phụ huynh.

Mặc dù vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các giáo viên song Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực Hàn Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu này và cho thí điểm phương pháp "trò chấm điểm thầy" tại 48 trường tiểu học, THCS và THPT ở 16 tỉnh, thành.

Với hệ thống này, các giáo viên sẽ được đánh giá dựa vào chương trình giảng dạy, sự chuẩn bị bài giảng và nội dung bài giảng.

Kết quả là hầu hết giáo viên đều phải thay đổi cách dạy và luôn tự hoàn thiện mình để không bị chấm điểm loại B. Đối với những giáo viên không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực Hàn Quốc tạo cho họ thêm cơ hội để được đào tạo và rèn luyện bản thân.

Trên thực tế, có không ít ý kiến phản đối những cách làm kiểu này vì họ cho rằng quá cứng rắn, xúc phạm cá nhân nhưng đa số lại nhất trí vì nó mang lại hiệu quả cao.

Trong buổi tiếp xúc với báo giới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hàn Quốc Choi Yang-sik khẳng định: "Ưu tiên của chúng tôi là giáo dục lại những viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải là đuổi họ".

Đương nhiên, với những người vi phạm nhiều lần thì cũng không thể nào "nương tay" mãi được. Chính vì có biện pháp quản lý mạnh, thống nhất từ trên xuống dưới cho nên hai năm qua, ít nhất 2 quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã tự nguyện từ chức sau khi bị phát hiện đi chơi golf trong khi công việc còn đang bề bộn.

Đó là Thủ tướng Lee Hae-chan, người phải hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía phe đối lập vì chơi golf trong lúc đáng lẽ phải chỉ đạo công tác đối phó với một cuộc biểu tình của ngành đường sắt.

Tư lệnh không quân Kim Seong Il cũng chịu hình phạt tương tự vì có quá nhiều tai nạn xảy ra trong lúc binh sĩ tập luyện và việc ông đánh golf với bạn đúng vào thời điểm Hàn Quốc để tang một binh sĩ thiệt mạng tại Afghanistan

Huyền Chi
.
.