Hàn Quốc nỗ lực vượt khủng hoảng quyền lực
- Ngán Triều Tiên, Hàn Quốc đóng tàu ngầm 3.000 tấn
- Hàn Quốc kịch liệt lên án cuộc tập trận của CHDCND Triều Tiên
Đảm bảo an ninh quốc gia là ưu tiên số một
Trong khi Hàn Quốc đang tìm “lối thoát” sau vụ bê bối chính trị liên quan đến tổng thống vừa bị tạm thời đình chỉ chức vụ Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil dẫn tới những xáo trộn trong chính quyền tại Seoul, ngày 11-12, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chỉ đạo một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhằm "phá hủy các mục tiêu đặc biệt của đối phương", trong đó có Dinh Tổng thống Hàn Quốc làm dấy lên những quan ngại cho người dân và lãnh đạo Hàn Quốc.
Ngày 12-12, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kịch liệt lên án Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận giả định nhằm vào Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cáo buộc động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng kiêm quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn khi tới thăm Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc đã ra lời kêu gọi các binh sĩ nước này cần cảnh giác cao độ, đảm bảo an ninh quốc gia, trong bối cảnh tình hình chính trị khó đoán định sau khi Quốc hội nước này thông qua việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn nhấn mạnh: “Một lỗ kiến nhỏ có thể làm sụp đổ cả một con đê lớn...".
Theo ông, Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình hình an ninh nghiêm trọng, trong đó có những động thái gây hấn từ phía Triều Tiên. Ông cho rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện thêm các hành động gây căng thẳng vào bất kỳ lúc nào, tùy thuộc vào quyết định của ban lãnh đạo Triều Tiên.
Thủ tướng kiêm quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: The Japan Times. |
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, ông Hwang nhấn mạnh không được để xuất hiện bất kỳ lỗ hổng nào trong an ninh quốc gia cũng như sự cần thiết phải giáng trả nếu Triều Tiên tiến hành bất kỳ hành động khiêu khích nào "trên cơ sở những tính toán sai lầm”. Ông nêu rõ: “Trách nhiệm mà tôi được giao phó là cố gắng hết sức ngăn ngừa bất cứ vấn đề nào đối với an ninh quốc gia bằng cách duy trì tình trạng sẵn sàng vững chắc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Ku đã tổ chức phiên họp qua truyền hình với các tư lệnh trong toàn quân đội Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên nếu có. Tương tự, người đứng đầu lực lượng lục quân Jang Jun-kyu và lực lượng lính thủy đánh bộ Lee Sang-hoon cũng đã kêu gọi các binh sĩ sẵn sàng và nhanh chóng đáp trả mọi cuộc tấn công bất ngờ.
Thoát nhanh bê bối chính trị để kinh tế không bị nhấn chìm
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc có thể đối mặt với áp lực sụt giảm mạnh hơn do tình hình chính trị. Ngày 8-12, Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng, được gọi là “Sách Xanh”, nhận định rằng tình hình chính trị hiện nay ở nước này nhiều khả năng sẽ tạo ra sức cản lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong thời gian sắp tới.
Bản báo cáo trên được xây dựng trên cơ sở các chỉ số mới nhất của những yếu tố chủ chốt như sản lượng, xuất khẩu, tiêu thụ và đầu tư của doanh nghiệp. Báo cáo cho rằng tốc độ phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc đã phần nào chậm lại do sản xuất và đầu tư trì trệ, tình trạng khó đoán định đang gia tăng xuất phát từ việc chuyển giao chính quyền ở Mỹ, cũng như khả năng Mỹ tăng lãi suất cơ bản.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho rằng tất cả những yếu tố trên sẽ làm gia tăng áp lực sụt giảm đối với tiêu dùng và đầu tư của nước này, đồng thời tuyên bố chính phủ sẽ tăng cường giám sát các rủi ro trong và ngoài nước và sẽ có hành động nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
Theo báo cáo trên, sản lượng chế tạo công nghiệp trong tháng 10/2016 vừa qua của Hàn Quốc đã giảm 1,7% so với tháng trước đó, chủ yếu là do việc Hãng Samsung Electronics Co. phải ngừng sản xuất dòng điện thoại di động thông minh Galaxy Note 7, trong khi ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự sụt giảm 2 tháng liên tiếp với mức giảm 0,2% trong tháng 11.
Ngoài ra, đầu tư vào các cơ sở sản xuất và công trình xây dựng cũng giảm lần lượt 0,4% và 0,8% trong tháng 10, còn doanh số của các trung tâm thương mại và cửa hàng hạ giá lớn trong tháng 11 được ghi nhận giảm lần lượt 1,6% và 3,9%. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng trước đã gia tăng trở lại lần đầu tiên trong 3 tháng qua.
Nợ hộ gia đình đã gia tăng lên mức cao kỷ lục trong khi tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp cũng cán mốc kỷ lục 12,5% vào tháng 2-2016 và duy trì ở mức 8,5% trong tháng 10-2016. Chênh lệch giữa mức lương cho lao động toàn thời gian, chuyên viên và các việc làm theo hợp đồng ngày càng nới rộng, trong khi tăng trưởng hằng quý chỉ đạt dưới 1% trong cả năm qua.
Hàn Quốc đang vật lộn với một loạt vấn đề kinh tế trong khi vụ bê bối chính trị đang lên tới đỉnh điểm và nó đồng nghĩa rằng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ chậm lại trong năm tới. Trong bối cảnh bà Park Geun-hye đối mặt với mối đe dọa bị buộc tội trong vụ bê bối này, người kế nhiệm của bà sắp tới có lẽ sẽ phải thừa hưởng một nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang vật lộn để tìm ra những giải pháp không hề dễ dàng gì.
Bất đồng nội bộ
Liên quan tình hình chính trị tại Hàn Quốc, ngày 12-12, hàng chục nghị sỹ trong đảng Saenuri cầm quyền phản đối Tổng thống Park Geun-hye vừa bị tạm thời đình chỉ chức vụ đã kêu gọi 8 nhân vật chủ chốt trong nhóm các nghị sỹ trung thành với bà, trong đó có Chủ tịch đảng Lee Jung-hyun, rời khỏi đảng.
Nhóm phản đối bà Park Geun-hye, vốn đóng một vai trò chủ chốt trong việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội tổng thống ngày 9-12 vừa qua, tuyên bố những người ủng hộ bà cần phải chịu trách nhiệm vì đã không có hành động gì khi xảy ra vụ bê bối chính trị liên quan đến bà và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil.
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Chủ tịch Lee Jung-hyun thông báo sẽ từ chức vào ngày 21-12 tới như đã cam kết, nhưng tuyên bố những nhân vật lãnh đạo khác của đảng không liên quan đến việc ông từ chức. Còn trong ngày 11-12, một nhóm khoảng 50 nghị sỹ ủng hộ bà Park Geun-hye đã quyết định thành lập một tổ chức riêng và tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại những người phản đối bà.
Trong khi nội bộ đảng cầm quyền bất đồng, các chính đảng tại Hàn Quốc cũng không thống nhất được về cơ quan tham vấn chính sách. Cho dù trước đó chính giới nước này đã nhất trí về sự cần thiết phải thành lập một cơ quan đặc biệt để bình thường hóa các vấn đề nhà nước sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 9-12 thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye.
Tuy nhiên, sự nhất trí này ngày 12-12 đã bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt với việc các quan chức lãnh đạo của đảng Saenuri cầm quyền, hầu hết là những người trung thành với bà Park, bác bỏ ý kiến trên và bày tỏ nghi ngờ các đảng đối lập, trong khi đảng Dân chủ đối lập chính cũng không chấp nhận ban lãnh đạo hiện tại của Saenuri là đối tác.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn phát biểu của Chủ tịch đảng Dân chủ Choo Mi-ae tại một cuộc họp của các nghị sĩ đảng này, cho rằng Saenuri đã đánh mất vị thế là đảng cầm quyền vì vụ luận tội bà Park, đồng thời nhấn mạnh Saenuri cần từ bỏ quyền của đảng cầm quyền, khai trừ Tổng thống Park và xin lỗi người dân.
Hệ thống THAAD triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: Global Research. |
Ngoài ra, tại cuộc họp trên, bà Choo đã đề nghị thành lập một nhóm tham vấn bao gồm Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun, lãnh đạo các chính đảng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Yoo Il-ho. Đề nghị này của bà Choo được cho là thể hiện không công nhận quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn là đối tác.
Liên quan tới nội dung luận tội Tổng thống Park Geun-hye, theo hãng tin Reuters, ngày 12-12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cho biết vẫn chưa ấn định ngày tiến hành phiên điều trần công khai về nội dung luận tội Tổng thống Park Geun-hye tại Quốc hội. Một người phát ngôn tòa án cho biết, 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đã gặp nhau để thảo luận về vụ này.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phải đưa ra quyết định có tán thành bản luận tội Tổng thống Park mà Quốc hội đã thông qua hôm 9-12 hay không. Tiến trình này có thể kéo dài tới 180 ngày. Nếu tòa án này tán thành bản luận tội, bà Park sẽ trở thành nhà lãnh đạo được bầu đầu tiên của Hàn Quốc bị bãi nhiệm.
Tương lai hệ thống THAAD
Sau khi có các quyết định quan trọng từ Quốc hội Hàn Quốc, Nhà Trắng đã tuyên bố Mỹ đang duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Hàn Quốc và tiếp tục là một đồng minh vững chắc với Hàn Quốc. Trả lời báo chí, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nêu rõ: "Mỹ tiếp tục là một đồng minh trước sau như một, một người bạn và đối tác của Hàn Quốc... và chúng tôi mong chờ làm việc chặt chẽ với ông Hwang Kyo-ahn trên cương vị mới là quyền tổng thống".
Sau tuyên bố trên, các chuyên gia nhận định, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chịu ít ảnh hưởng. Xem xét hiện trạng của quan hệ Mỹ-Hàn, dù cục diện chính trị biến động ra sao, chỉ cần mối đe dọa Triều Tiên còn tồn tại, Hàn Quốc sẽ không rời bỏ Mỹ. Sau khi Donald Trump lên nắm quyền, nếu ông giảm bớt nghĩa vụ thực hiện đối với đồng minh như cam kết trong chiến dịch tranh cử, Mỹ và Hàn Quốc sẽ đối mặt với chủ đề mới trong việc triển khai THAAD.
Mặt khác, theo kế hoạch, Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng tìm cách chuyển đổi đất đai để tăng tốc triển khai THAAD bởi những lợi ích mang tính răn đe mà nó mang lại.
Những ứng cử viên vị trí Tổng thống Hàn Quốc
Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, trong số những người dự kiến kế nhiệm bà Park có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) sắp mãn nhiệm, một thị trưởng nhiều tham vọng được so sánh với cả Donald Trump, cùng một chính trị gia từng thất bại trước bà Park trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm và một số cái tên nổi bật khác. Ông Ban Ki-moon là một nhà ngoại giao kỳ cựu, được nhiều người xem là nhân vật phù hợp cho vị trí tổng thống. Ông có thể là hy vọng lớn nhất của giới bảo thủ trong việc giành lại quyền kiểm soát Nhà Xanh cho đảng Saenuri cầm quyền sau khi bà Park ra đi.
Ông Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm làm Tổng Thư ký LHQ vào cuối năm nay. Dù nhiều lần được hỏi về vấn đề này song ông chưa bao giờ chính thức tuyên bố về việc tham gia cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống cũng như phủ nhận việc quan tâm với vị trí này.
Ông Lee Jae-Myung, thị trưởng nổi tiếng thẳng thắn của thành phố Seongnam và là thành viên của đảng Dân chủ, đảng đối lập chính, đã công khai phản đối Tổng thống Park Geun-hye. Sự ủng hộ của ông ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây khi vụ bê bối của bà Park bùng lên mạnh mẽ.
Trong khi báo chí liên tục nhắc tới ông Ban Ki-moon và ông Lee Jae-Myung thì các cuộc thăm dò dư luận cho thấy trên thực tế ông Moon Jae-in, người từng về thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 mới là ứng cử viên được yêu thích nhất. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Moon Jae-in là 23,5%, dẫn trước ông Ban Ki-moon với 18,2%.
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ có thể là cuộc cạnh tranh giữa ông Moon Jae-in và ông Lee Jae-Myung, người hiện đang có được 16,6% sự ủng hộ của dân chúng. Cựu Chủ tịch đảng Nhân dân Ahn Cheol-soo, từng là một doanh nhân, kêu gọi tiến hành các cải cách kinh tế để tạo ra nhiều việc làm và cũng ủng hộ cách đối phó với Triều Tiên một cách linh hoạt hơn.
Park Won-soon, Thị trưởng Seoul và là một trong những nhân vật chỉ trích Tổng thống Park Geun-hye rất gay gắt, có thể cũng sẽ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Xanh và khiến cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ trở thành cuộc cạnh tranh tay ba cực kỳ quyết liệt.
Nếu ông Ban Ki-moon không đại diện đảng Saenuri ra tranh cử, cựu chủ tịch đảng này Yoo Seong-min, một trong những nhân vật phản đối bà Park Geun-hye, có thể sẽ ra tranh cử. Ông Yoo Seong-min được xem là người đấu tranh vì lợi ích của tầng lớp nhân dân lao động.