Hạn ngạch di dân - Con dao hai lưỡi

Thứ Tư, 03/06/2015, 14:05
Để giải bài toán “làm thế nào để ngăn chặn làn sóng di dân từ châu Phi đồng thời dung nạp số người đã đến châu Âu”, Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất những giải pháp tạm thời nhằm giải tỏa gánh nặng người nhập cư tại cửa ngõ phía nam châu lục, đồng thời tăng cường biện pháp ngăn chặn làn sóng di dân này.

Vừa đề xuất đã bị… ném đá

Đề xuất hạn ngạch di dân đã được Ủy ban châu Âu thông báo chính thức vào ngày 13/5, là một phần trong Chương trình nghị sự về Di dân của châu Âu. Nội dung cốt lõi của đề xuất này là tất cả 28 quốc gia thành viên của EU sẽ phải chia sẻ gánh nặng di dân với các quốc gia ở khu vực Nam Âu, như Italia, Malta, Hy Lạp.

Các quốc gia này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận một định mức, tức hạn ngạnh, người nhập cư để giải tỏa tình trạng dồn ứ người nhập cư, gây bất ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội cho các nước cửa ngõ.

Theo thống kê, tình trạng di dân qua Địa Trung Hải đã gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2015 này. Người ta ước tính có gần 2.000 người chết trong tổng số khoảng 60.000 người tìm cách vượt biển sang châu Âu.

Việc áp dụng hạn ngạch di dân sẽ góp phần giải quyết sự mất cân đối giữa các quốc gia trong việc tiếp nhận người nhập cư. Vì thế, những quốc gia gặp vấn đề khó khăn do di dân như Đức, Pháp, Italia, Malta… thì nhiệt tình ủng hộ đề xuất hạn ngạch.

Theo tính toán của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), có những quốc gia như Pháp, Đức và Italia mỗi năm tiếp nhận số lượng người xin tị nạn nhiều hơn gấp đôi những nước còn lại. Chẳng hạn, năm 2014, nước Anh tiếp nhận 31.945 đơn xin tị nạn, chỉ bằng 1/6 của Đức. Năm 2015, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 450.000 đơn.

Tuy nhiên, đề xuất hạn ngạch nhập cư cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số quốc gia, nhất là các quốc gia rất ít đón nhận người nhập cư, như Anh, Ailen và một số quốc gia Đông Âu...

Người di cư trên Địa Trung Hải được tàu cứu hộ Italia giải cứu vào đầu tháng 5 vừa qua.

Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh nói rằng, nước Anh sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn khi cần thiết, nhưng không chấp nhận hạn ngạch. "Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ đề xuất hạn ngạnh nào không mang tính tự nguyện".

Lãnh đạo các nước Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Estonia cũng bác bỏ đề xuất hạn ngạch. Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả đề xuất đó như là một "ý tưởng điên rồ".

Đó là chưa kể một số chuyên gia còn cho rằng hệ lụy nguy hiểm của đề xuất hạn ngạch di dân là nó có thể sẽ tạo ra một "điểm nhấn" để các nhóm, đảng phái chống người nhập cư dựa vào đó đẩy mạnh chiến dịch. Các đảng chống nhập cư đã thể hiện rõ quan điểm của họ là chống lại đề xuất hạn ngạch.

Steven Woolfe, một nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Độc lập Anh (UKIP), cáo buộc EU "đang chuẩn bị lợi dụng tình hình khủng hoảng di dân qua Địa Trung Hải để phục kích các quốc gia thành viên bằng "kế hoạch tị nạn chung". Tương tự, đảng Mặt trận Quốc gia (FN) của Pháp cũng công kích đề xuất hạn ngạch.

Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini giải trình về đề xuất sử dụng quân đội ngăn chặn di dân.

Hạn ngạch di dân sẽ được mang ra thảo luận và biểu quyết tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào cuối tháng 6/2015. Tình hình chia rẽ trong EU hiện nay quanh vấn đề này là dấu hiệu dự báo một cuộc tranh cãi nảy lửa sẽ diễn ra tại hội nghị, và sẽ khó thông qua theo nguyên tắc đồng thuận.

Biện pháp quân sự liệu có khả thi?

Song song với đề xuất hạn ngạch gây tranh cãi, EU cũng đồng thời vạch kế hoạch sử dụng vũ lực quân sự để ngăn chặn và phá hủy các tàu thuyền được bọn buôn người sử dụng để vận chuyển người trái phép.

Phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York vào ngày 13/5, Ủy viên phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini giải trình trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ rằng, đề xuất mang tính chất "bất thường" này là một giải pháp ứng phó cần thiết cho tình trạng gia tăng đột biến di dân đến châu Âu qua Địa Trung Hải.

Theo bà Mogherini, quan điểm của EU là đề xuất sẽ cho phép EU triển khai quân đội trong lãnh thổ Libya nhằm bắt giữ và tiêu diệt các nhóm vận chuyển người trái phép, đồng thời tịch thu và tiêu hủy các phương tiện vận chuyển được sử dụng cho mục đích di dân. Giới chức EU xem giải pháp này là một bước đi thiết yếu để ngăn chặn làn sóng vượt biển nguy hiểm.

Tuy nhiên, cho đến nay đề xuất sử dụng quân đội chưa nhận được tín hiệu đồng ý hay không của HĐBA. Một khả năng thất bại có thể thấy trước đó là việc nước Nga - Ủy viên thường trực HĐBA - đã lên tiếng không đồng tình với giải pháp này.

Các thuyền chở người Rohingya vượt biển Andaman.

Đại diện Nga cho rằng, việc dùng quân sự chống bọn buôn người không bảo đảm an toàn cho dân thường Libya; đồng thời, trong nhiều trường hợp người chủ của những chiếc thuyền mà bọn buôn người sử dụng không biết tài sản của mình được sử dụng vào mục đích vượt biển, do đó không thể tiêu hủy tài sản của họ.

Ngay chính người dân và chính quyền tại những nơi được coi là điểm nóng di dân của Libya cũng bày tỏ phản đối phương án dùng vũ lực của EU. Người dân ở gần cảng Zuwara của Libya cho rằng nếu sử dụng quân sự EU sẽ không thể bảo đảm an toàn cho họ. EU đã cho thấy sẽ không triển khai bộ binh vào Libya vì tính chất nhạy cảm và tốn kém chi phí cao.

Một chiến dịch trên không sẽ dễ dẫn đến những vụ nhầm lẫn tai hại, và khi đó nguồn sinh kế từ biển của nhiều ngư dân Zuwara bị cướp mất. Mặt khác, cho dù được HĐBA đồng ý, chiến dịch quân sự của EU cũng chưa chắc tiêu diệt hết bọn buôn người, kể cả phương tiện vận chuyển của chúng.

Trong khi đó, đất nước Libya kể từ sau chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cũng do EU tiến hành đến nay vẫn chưa ổn định về an ninh, chính trị, đất nước còn chia năm xẻ bảy, các nhóm phiến quân vũ trang vẫn còn cát cứ nhiều nơi. Người ta lo sợ rằng thêm một chiến dịch của EU nữa tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

Cuộc khủng hoảng Rohingya của Đông Nam Á

Không riêng gì châu Âu, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cũng đang đối mặt với khủng hoảng di dân. Người di cư ở Đông Nam Á chủ yếu xuất phát từ Bangladesh và cộng đồng người Rohingya của Myanmar. Họ đi trên những chiếc thuyền gỗ vượt biển Andaman trong Ấn Độ Dương để đến Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Cũng như những người nghèo ở châu Phi, người Bangladesh và Rohingya ở Myanmar cũng rời bỏ quê hương để chạy trốn cuộc sống nghèo khó.

Người di cư Rohingya mệt lả vì đói khát.

Trong nhiều thập niên qua, cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar đã chịu nhiều thiệt thòi do bị đối xử kỳ thị. Họ bị xem là dân nhập cư trái phép từ Bangladesh, sống chen chúc trong các trại tị nạn ở ngoại ô thành phố Sitwe, tỉnh Rakhine, không được hưởng các điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm như người bình thường ở Myanmar. Và họ trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột tôn giáo trong vòng 3 năm qua ở Myanmar.

Trong nhiều năm qua, người di cư trên các thuyền vượt biển đã trở thành vấn đề thường xuyên của các quốc gia ven biển Andaman. Theo dự án phi lợi nhuận Arakan, chỉ tính từ giữa năm 2012 đến nay, đã có khoảng 120.000 người từ Myanmar và Bangladesh vượt biển để đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Vấn đề bỗng trở thành mối bận tâm quốc tế sau khi Cảnh sát Thái Lan phát hiện những ngôi mộ tập thể chôn người di cư trên các vùng rừng núi ở miền Nam nước này vào ngày 1/5 vừa qua. Sau đó, cơ quan chức năng Thái Lan đã bắt giữ một số người liên quan đến một đường dây đưa người nhập cư trái phép, trong đó có cả một quan chức chính quyền.

Khoảng 50 cảnh sát ở miền Nam Thái Lan cũng bị điều tra. Do bị động, đường dây bị chặt đứt nên bọn buôn người đã tháo chạy bằng thuyền máy cao tốc, mang theo tất cả phương tiện, bản đồ cần thiết, bỏ lại những chiếc thuyền chở đầy người di cư mất phương hướng, lênh đênh trên biển.

Vài ngày sau, khoảng 1.300 người được Indonesia cứu vớt từ những chiếc thuyền mong manh vượt biển. Tuy nhiên, sau đợt này, hàng ngàn người khác lại bị từ chối cập cảng ở cả 3 nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Người Thái chỉ giúp họ sửa chữa máy móc và cung cấp lương thực, nước uống để họ đi tiếp, còn người Malaysia thì từ chối thẳng, không cho cập cảng.

Chính quyền Malaysia cho rằng, họ không thể tiếp nhận thêm người di cư là vì họ hiện cũng đang cưu mang hơn 150.000 người di cư nước ngoài, trong đó có 45.000 người Rohingya.

Hiện nay, theo các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế, có khoảng 8.000 người Rohingya và Bangladesh vẫn đang lênh đênh trên vùng biển từ Andaman đến eo biển Malacca của Indonesia.

Những câu chuyện mà những người di cư được cứu thoát trong các trại tị nạn kể lại nghe thật kinh khiếp: có khi hàng tuần liền họ không có gì để ăn; những người chết vì đau ốm hoặc vì đói bị ném xuống biển; và do thiếu thức ăn nên họ giết lẫn nhau để tranh những miếng ăn ít ỏi còn sót lại.

Vấn đề người Rohingya di cư cũng trở thành đề tài gây bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, khi Thái Lan lên tiếng chuẩn bị tổ chức một hội nghị quốc tế để tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng người Rohingya di cư (dự kiến diễn ra vào ngày 29/5), Chính phủ Myanmar đã lên tiếng chỉ trích việc Thái Lan mở hội nghị về người Rohingya là nhằm mục đích "che đậy" vấn đề tội phạm buôn người di cư của mình, và tuyên bố: "Tổng thống Thein Sein sẽ không đến dự nếu trong giấy mời có chữ Rohingya".

Cho đến nay, tuy hội nghị chưa diễn ra, nhưng đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Nước Mỹ cũng tuyên bố sẽ tham dự. Tổng thư ký Ban Ki-moon rất quan tâm vấn đề người Rohingya di cư, và ông đã lên tiếng kêu gọi 3 nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia mở cửa các cảng biển trong Ấn Độ Dương để cứu vớt những người di cư còn đang lênh đênh trên biển.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.