Hàng không thế giới điều chỉnh sau thảm họa máy bay Đức

Thứ Ba, 07/04/2015, 16:10
Các báo đưa thông tin cơ phó Andreas Lubitz từng điều trị trầm cảm, thất tình, dùng thuốc chống suy nhược, có vấn đề về thị giác, thậm chí bạn gái mới chia tay của phi công này còn nói rằng anh ta cho máy bay đâm vào núi vì cảm thấy bế tắc!?...

Các công tố viên Đức cho rằng Cơ phó trên chuyến bay 4U 9525 của của Hãng Germanwings lao vào núi đã giấu tình trạng bệnh lý với công ty, sau khi phát hiện giấy chứng nhận ốm bị xé trong nhà người này.

Cảnh sát thành phố Dusseldorf, Đức đã thu thập được giấy tờ y tế từ hai căn hộ của Andreas Lubitz ở Dusseldorf, một trong những tờ giấy này bị xé rách, vứt vào sọt rác, cho thấy "tình trạng bệnh lý đang tiếp diễn và việc điều trị y tế thích hợp" cùng với khuyến cáo của bác sĩ là anh ta không nên đi làm vào ngày 24/3.

Theo BBC thì "trong số các tài liệu được tìm thấy, có những giấy chứng nhận của bệnh viện về tình trạng bệnh lý, có hiệu lực đến ngày máy bay rơi. Như vậy phi công này không đủ sức khỏe để làm việc vào ngày xảy ra tai nạn và anh ta đã cố tình giấu bệnh của mình.

Hãng Germanwings cho biết họ không nhận được những giấy tờ báo ốm của Lubitz nhưng truyền thông Đức cho biết, tài liệu hàng không gợi ý Lubitz đã từng bị trầm cảm.

Báo The Guardian đưa tin, Lubitz từng phải tạm dừng khóa huấn luyện phi công cách đây 6 năm vì "những vấn đề về tâm lý", còn tờ Bild nói là nghỉ một năm rưỡi để điều trị trầm cảm.

Bệnh viện Đại học Dusseldorf cho biết Andreas đã đến khám tại đây hồi tháng 2 và gần nhất là hôm 10/3, tuy nhiên không tiết lộ anh ta khám mắt hay chữa trầm cảm. Hiện chưa rõ vấn đề về mắt của Lubitz nghiêm trọng đến mức nào và có liên quan đến tâm lý của anh ta hay không?

Một quan chức điều tra nói rằng không loại trừ khả năng vấn đề thị giác có thể gây ra căng thẳng thần kinh. Nhưng rõ ràng Lubitz cũng đã không báo với Hãng Germanwings về "những vấn đề" của anh ta. Hãng Hàng không Đức nói với CNN rằng mùa hè năm ngoái Lubitz đã qua được đợt kiểm tra sức khỏe phi công hằng năm.

Tuy nhiên, một quan chức của Lufthansa, công ty mẹ của Hãng Hàng không giá rẻ Germanwings, cho biết các đợt kiểm tra hằng năm chỉ kiểm tra sức khỏe thể chất, chứ không đảm bảo về tâm lý và nếu anh ta có vấn đề về thị lực thì họ đã phát hiện ra.

"Chúng tôi không tin được điều đó, nếu mắt anh ta có vấn đề thì chúng tôi đã biết qua kỳ kiểm tra", quan chức này khẳng định.

Tờ Die Welt dẫn lời một điều tra viên cấp cao giấu tên cho hay, Cơ phó Lubitz mắc chứng căng thẳng thần kinh nghiêm trọng và cảnh sát tìm thấy đơn thuốc chữa bệnh này tại nhà anh ta, nhưng không nói rõ tên thuốc là gì?

Kênh truyền hình Pháp iTELE tiết lộ Andreas Lubitz và W. Maria sống chung tại căn hộ ở Dusseldorf. Họ đã yêu nhau 7 năm và dự định làm đám cưới vào năm 2015, tuy nhiên, một ngày trước vụ tai nạn, Maria chia tay Andreas.

Cô cho rằng nếu Andreas cố tình lao máy bay xuống đất, thì có lẽ vì anh ấy hiểu rằng với tình trạng sức khỏe của mình, giấc mơ lớn về một công việc ở Hãng Lufthansa, làm một phi công đường dài và một cơ trưởng là điều không thể! Hình như từ lâu anh ấy đã dự định làm một việc gì đó ghê gớm.

"Một ngày nào đó, anh sẽ làm việc có thể thay đổi toàn bộ hệ thống, rồi tất cả sẽ biết và nhớ đến tên anh", đó là câu mà Lubitz nói với cô vào năm ngoái. Cô rất sợ hãi vì bạn trai ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường như từng bật dậy giữa đêm hét lớn: "Chúng ta đang rơi"!?

Maria nói với tờ Bild của Đức: "Tôi không hiểu ý anh ta nhưng giờ thì đã rõ". "Lubitz biết cách che giấu người khác điều thực sự đang diễn ra bên trong con người mình".

Ngược lại, trong mắt hàng xóm, Lubitz là người có thể lực tốt. "Anh ấy không hút thuốc và thực sự quan tâm chăm sóc bản thân mình. Lubitz hay chạy bộ và rất khỏe mạnh". Người dân trong thị trấn biết Lubitz đều nhận xét phi công này yêu công việc ở Hãng Germanwings và có vẻ rất hạnh phúc?

Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên sườn núi.

Hiện thời chưa tìm được bằng chứng xác thực về hành vi được cho là cố tình lao máy bay xuống đất, nên căn cứ vào các tình tiết và tài liệu thu thập được, trong đó dữ liệu hộp đen không giúp được nhiều, chỉ có thể đưa ra những giả thiết, nghi ngờ có ít nhiều logic…

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Lufthansa, Carsten Spohr cho biết, các cuộc kiểm tra sức khỏe phi công hằng năm của Germanwings không có phần kiểm tra tâm lý và đương nhiên Cơ phó Andreas Lubitz cũng theo thông lệ này, không kiểm tra tâm lý trước khi bay nhưng Germanwings vẫn khẳng định Cơ phó "100% đủ điều kiện bay", trong khi hầu hết phi công của mọi hãng bay trên thế giới đều phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về thể chất, tinh thần thường niên.

Với Hãng Qantas, Australia, mỗi năm, phi công phải kiểm tra tâm lý bắt buộc cho đến 40 tuổi, sau 40 tuổi là 6 tháng một lần. Tương tự, ở Mỹ, phi công phải khám sức khỏe mỗi năm hoặc 6 tháng một lần, tùy thuộc độ tuổi.

Mỗi lần khám, họ phải cập nhật đầy đủ tình trạng thể chất và tâm lý hiện tại của mình. Nếu bị phát hiện giấu giếm điều gì, phi công sẽ phải chịu án phạt đến 250.000USD. Tuy nhiên, một số phi công tiết lộ mình không được hỏi đầy đủ về vấn đề này.

"Họ kiểm tra mắt, tai, tim, những thứ bắt đầu kém đi theo tuổi tác, nhưng họ không làm bất cứ điều gì với cái đầu của bạn", Bob Kudwa, một cựu phi công của American Airlines cho biết!

Tại châu Âu, để có giấy phép bay, phi công phải kiểm tra tâm thần thường xuyên do Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu giám sát, cũng 6 tháng một lần  đối với phi công từ 40 tuổi và một năm với phi công trẻ.

Theo Scott Shappell, giáo sư Khoa Nhân tố con người, Đại học Hàng không Embry-Riddle, từng là phi công và nhà điều tra tai nạn hàng không, thì phi công thường ít khi tiết lộ những sự không bình thường về sức khỏe tâm thần, như lo lắng, căng thẳng thậm chí cả trạng thái trầm cảm, vì điều đó có thể làm họ không được phép bay, ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp. Phi công bị đình chỉ bay khi họ bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm và từ năm 2010, nếu sử dụng chúng thường xuyên sẽ bị cấm bay vĩnh viễn.

Theo Tiến sĩ William Sledge, Giám đốc y tế của Bệnh viện Tâm thần Yale-New Haven, người kiểm tra phi công cho Cục Hàng không Liên bang (FAA), Mỹ, thì khoảng 40% phi công mà ông gặp có vấn đề liên quan đến rượu, 1/3 bị trầm cảm hoặc lo âu. Nhưng chỉ khoảng một nửa tự khai báo vấn đề của mình, nửa còn lại chỉ nói ra khi đã xảy ra sự cố.

Có hai mức độ về sức khỏe tâm thần của phi công, nếu chỉ là lo âu, căng thẳng (stress) do đời sống hay áp lực công việc không phải bệnh lý là cấp độ thấp, mặc dù không phải không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu là trạng thái trầm cảm hay bệnh trầm cảm, nghĩa là bệnh lý thì rất nguy hiểm. Bởi những người này luôn cảm thấy bi quan về tiền đồ, bế tắc trong cuộc sống, vô dụng, mặc cảm tội lỗi dù hoàn toàn không có căn cứ.

Đó là chưa kể nếu có hoang tưởng hay ảo giác chi phối, ra mệnh lệnh mà nguy hiểm nhất là hoang tưởng hư vô hay tự buộc tội. Họ tin rằng mình phạm phải nhiều tội lỗi nghiêm trọng không thể sửa chữa được, chỉ có cái chết mới có thể gột rửa được. Động cơ đó dẫn người trầm cảm đến tự hủy hoại hay ý tưởng và hành vi tự sát mà họ thực hiện bằng được hoặc giết người thân rồi tự sát.

Vì thế ý tưởng và hành vi tự sát là cấp cứu số 1 trong chữa trị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, một khó khăn cố hữu là những người này thường giấu bệnh do không thừa nhận mình bị "điên" mà bệnh lý tâm thần gọi là triệu chứng phủ định bệnh.

Vì thế nói như ông Carsten Spohr: "Nếu ai đó tự lấy đi mạng sống của chính mình nhưng lại muốn kéo theo sinh mạng của 149 con người cùng đồng hành thì chúng ta phải sử dụng từ ngữ khác để nói về nó, không thể là tự sát được", không phải là cách nói của thầy thuốc tâm thần bởi nếu quả đúng Lubitz mắc bệnh trầm cảm thì động cơ hành động của anh ta là "để cứu họ thoát khỏi thế giới tội ác".

Trước nay đã xác định được 5 vụ phi công lái máy bay chở khách tự sát, thuộc các hãng hàng không: LAM Mozambique Airlines;  EgyptAir; SilkAir của Indonesia; Hãng Hàng không quốc gia Maroc; Japan Airlines. Kết quả điều tra những vụ này cho thấy cơ trưởng có nhiều vấn đề cá nhân nghiêm trọng hay gặp rắc rối trong quan hệ tình cảm; nhiều rắc rối trong hôn nhân lại thêm con trai chết; phi công Gamal al Batouti (EgyptAir) đã lẩm bẩm nhiều lần câu "con phó thác mình cho thánh thần" bằng tiếng Arập trước lúc máy bay rơi; Hãng Japan Airlines thừa nhận Cơ trưởng Katagiri "mắc bệnh tâm thần" từ cuối năm 1980 nhưng đã được kiểm tra và "vẫn đủ điều kiện" bay!?

Các vụ rơi máy bay được cho là do phi công cố tình gây ra tuy ít nhưng không thể không đặt ra vấn đề về stress và bệnh lý tâm thần của phi công.

Sau vụ 11-9, các hãng hàng không thiết kế cửa buồng lái máy bay dân dụng kiên cố để chống xâm nhập nhưng không ngăn cản được phi công có hành vi tự sát. Trước đây, Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ quy định một thành viên phi hành đoàn phải ngồi trong buồng lái khi một phi công ra ngoài, nhưng châu Âu lại không có quy định này.

Sau thảm họa, Canada, Anh, Na Uy, Iceland và Đức… đã quy định ngay lập tức các hãng hàng không phải liên tục có 2 người trong buồng lái.

Ngày 27/3/2015, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ ban hành chỉ thị về quy tắc tăng cường an ninh theo hướng tăng cường kiểm tra phi công và đưa tiếp viên trưởng vào buồng lái khi một phi công ra ngoài. Tuy nhiên, để ngăn chặn tối đa các vụ việc tương tự phải có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt sức khỏe tâm thần phi công.

Trần Kiên (tổng hợp)
.
.