Hành động ác ý tại Biển Đông
- Thượng nghị sĩ Mỹ lên án hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
- Duy trì hoà bình ở Biển Đông là lợi ích và nhiệm vụ của các nước
Cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ sự phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về cách hành xử của Bắc Kinh, lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung nguồn lực đối phó với dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục tham vọng áp đặt chủ quyền một cách phi pháp đối với vùng biển có nhiều tuyến hải thương quan trọng của thế giới.
Dư luận quốc tế quan ngại
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) ngày 8-4 bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ việc tàu đánh cá của Việt Nam bị đâm chìm ở Biển Đông. Manila khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng và lưu ý rằng những sự cố như trên sẽ hủy hoại khả năng có được mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Manila nhấn mạnh, với động lực tích cực từ các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều quan trọng là phải tránh những sự cố tương tự và bất đồng cần phải được giải quyết thông qua việc thúc đẩy đối thoại và tin cậy lẫn nhau.
Đến ngày 9-4 (theo giờ Mỹ), Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ: “Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Kế tiếp, ngày 11-4, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch cùng 3 Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Cory Gardner và Ed Markey đã lên án hành động ngang ngược này của Bắc Kinh. Tuyên bố của các Thượng nghị sĩ nhấn mạnh vụ việc trên cùng những hoạt động khác của Trung Quốc tại các thực thể cải tạo trái phép trên Biển Đông gây lo ngại sâu sắc và làm suy yếu sự ổn định tại khu vực trong lúc cộng đồng quốc tế cần cùng nhau hợp tác để đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19.
Các Thượng nghị sĩ chỉ trích hành động của Trung Quốc gây chia rẽ và căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ có hành động để đảm bảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy hoạt động hòa bình trên Biển Đông.
Cứu nạn thuyền viên bị đau ruột thừa trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. |
Việt Nam không đơn độc!
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ: “Chúng tôi cũng từng có trải nghiệm tương tự và hoàn toàn hiểu niềm tin về tình hữu nghị đã bị xói mòn như thế nào sau vụ việc này; và lòng tin đã được tạo dựng nhiều như thế nào khi Việt Nam có hành động nhân đạo là trực tiếp cứu sống các ngư dân Philippines. Chúng tôi sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam. Chúng tôi luôn ghi nhớ hành động đó và đó là lý do để chúng tôi đưa ra tuyên bố thể hiện tình đoàn kết này”.
Manila còn khẳng định: “Như chúng tôi đã nói, việc tạo ra những thực tế mới sẽ không bao giờ đáp ứng quyền hợp pháp ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào”.
Nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 cho thấy rõ hơn “tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu tập trung đối phó với đại dịch” hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản. Lầu Năm Góc đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay “tạo điều kiện cho chúng ta cùng giải quyết mối đe dọa chung theo cách minh bạch, tập trung và hiệu quả”.
Giới chuyên gia cũng lên tiếng phê phán hành động đáng bị lên án của Trung Quốc. Chuyên gia Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á-Âu của Nga nhấn mạnh vụ việc diễn ra trong bối cảnh gia tăng bất ổn trên phạm vi toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng những hành động tương tự sẽ được giới nghiên cứu lưu tâm và cần phải lên án tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế về Biển Đông.
Trong khi đó, tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên gia của Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), cho rằng đàm phán COC đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Theo ông, một trong những điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các bên liên quan phải tin tưởng nhau để đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế có thể đi đến thành công.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò quan trọng trong đàm phán COC và điều quan trọng là các nước ASEAN phải đoàn kết trong vấn đề này. Khi đạt được sự đồng thuận, các nước ASEAN có thể đàm phán với Trung Quốc, giống như việc các nước ASEAN đã soạn ra Hiệp ước ASEAN để các nước khác có thể ký kết và tham gia. ASEAN cần xây dựng một hệ thống chính sách an ninh bền vững, trong đó có sự tham gia của không chỉ những các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, mà cả các nước như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Có thể nói, việc tiếp tục củng cố mối quan hệ khu vực là điều đặc biệt thiết yếu trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đã có cam kết chung về việc cùng nhau xử lý cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, như được đề cập trong Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về ứng phó dịch bệnh COVID-19 ngày 20-2 vừa qua. Việc ASEAN ủng hộ Trung Quốc tại hội nghị này là sự kiện được toàn thế giới chứng kiến.
Trong khi đó, hành động ngang ngược mới nhất trên Biển Đông của Bắc Kinh cho thấy sự thiếu thiện chí và đã đi ngược lại các tuyên bố muốn hợp tác vì an ninh, ổn định và phát triển với các nước trong khu vực, gây hậu quả đáng lo ngại cho tình hình châu Á-Thái Bình Dương về lâu dài.