Hậu Brexit: Anh mất nhiều hơn được?
Tuy nhiên, trước thời điểm hai bên khởi động đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tuyên bố quốc gia này sẵn sàng “chịu mọi hậu quả” của việc rời đi mà không có thỏa thuận nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung. Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel, trên cương vị Chủ tịch luân phiên của EU trong nửa cuối năm 2020, cũng thể hiện hoài nghi về quyết tâm đạt thỏa thuận đúng hạn của London.
Từ ngày 29-6, EU và Anh đã bắt đầu 5 tuần đàm phán quan trọng về một thỏa thuận xác định quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi EU). Vòng đàm phán mới tại Brussels này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Với việc đàm phán sẽ diễn ra luân phiên tại Brussels và London trong suốt 2 tháng tới, các cuộc đàm phán tới đây được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tháo gỡ những mâu thuẫn vốn đã cản trở tiến trình đàm phán trong suốt nhiều tháng qua.
Cho tới nay, dù Anh đã chính thức rời “ngôi nhà chung” ngày 31-1 nhưng những điều khoản chính trong quan hệ song phương vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Vậy nên, trong thời gian này, hai bên phải nỗ lực đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo không gián đoạn hoạt động giao thương sau giai đoạn chuyển tiếp.
Ngược lại, nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì hoạt động thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian phong tỏa vì dịch bệnh COVID-19. Mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson kiên quyết bảo vệ quan điểm không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp. |
Tuy nhiên, trước khi bước vào đàm phán, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson một mặt vẫn nhấn mạnh London tin tưởng có thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU trước cuối giai đoạn chuyển tiếp, song một mặt vẫn tái khẳng định rằng nước Anh sẵn sàng rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Nửa năm cuối của giai đoạn chuyển tiếp đã qua đi, song quá trình đàm phán vẫn chưa có gì mới mẻ.
Giới phân tích cho rằng 4 năm sau cuộc trưng cầu dân ý (6-2016), người Anh không “hối hận” về việc đã bỏ phiếu, dù thực tế cho thấy họ đang bị cô lập hơn và phần nào nghèo đi. Tất cả cuộc thăm dò cho thấy 90% những người đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ đưa ra lựa chọn tương tự, cho dù ủng hộ hay chống Brexit. Trong khi đó, những người không bỏ phiếu trong năm 2016 giờ đây rõ ràng đã đứng về phía châu Âu. Hiện có quá nửa công dân Anh (khoảng 55%) cho rằng việc rời khỏi EU là một sai lầm. Theo ông John Curtice, chuyên gia khảo sát tại Đại học Strathclyde của Anh, xu hướng này hầu như ổn định kể từ mùa hè năm 2017.
Rõ ràng chưa có gì thay đổi nhưng mọi thứ đã khác trước. Brexit chắc chắn sẽ để lại những hậu quả sâu rộng dù chậm. Chẳng hạn, về vấn đề nhập cư, trong vòng 15 năm qua, những người châu Âu đến Anh định cư là ổn định. Song, 4 năm sau Brexit, số người châu Âu đến Anh giảm mạnh, với 50.000 người trong năm 2019, chỉ bằng 1/4 so với năm 2016.
Có thể trên thực tế, quan hệ thương mại giữa London và Brussels vẫn chưa thay đổi nhưng đầu tư nước ngoài đã giảm do tình hình bất ổn. Các viện kinh tế ước tính rằng nước Anh đã mất khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 4 năm qua. Giờ đây vẫn còn phải xác định các mối quan hệ thương mại trong tương lai bắt đầu kể từ ngày 1-1-2021. 5 tuần đàm phán sẽ kéo dài đến hết tháng 7 giữa London và Brussels nhưng không ai có thể tin chắc họ sẽ đạt thỏa thuận trước tháng 9. Kịch bản không thỏa thuận dẫu không phải tình huống có khả năng cao nhất nhưng nó không thể bị loại trừ.
Nhưng, vấn đề này dường như không còn quan trọng nữa. Người Anh từ lâu đã từ bỏ hoàn toàn thương mại thông suốt với EU. Bây giờ, họ tuyên bố tiêu chuẩn và chính sách thương mại của riêng mình. Đó hoàn toàn là quyền của nước Anh nhưng hậu quả của việc kiểm soát biên giới đối với hàng hóa sẽ không thể tránh khỏi. Các công ty sẽ phải thực hiện khai báo xuất nhập khẩu. Vấn đề duy nhất còn lại là liệu thuế quan hay hạn ngạch sẽ được đưa ra hay không.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với phương án không thỏa thuận, Vương quốc Anh sẽ mất 9% GDP trong 10 năm. Nhưng, ngay cả khi có thỏa thuận thì con số hao hụt vẫn lên tới 6%. Sự khác biệt giữa 2 kịch bản là không thể xem nhẹ nhưng đó vẫn chưa phải là điểm mấu chốt. Đòn giáng vào kinh tế cần thời gian để có thể lượng hóa nhưng dần dần nhiều bộ phận của một số ngành công nghiệp sẽ bị phá nát hoặc buộc phải tái cơ cấu - đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ô tô.
Một vấn đề không thể không kể đến là người Anh không còn có thể ngăn chặn tiến độ xây dựng EU. Cho đến năm ngoái, không nghi ngờ gì khi Anh phản đối đề xuất quỹ kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro, đang được thảo luận tại Brussels. Vương quốc Anh có lẽ sẽ là tiên phong trong số các quốc gia ngăn chặn bất cứ sự tái phân phối nào ở cấp độ châu Âu.
Mặc dù vậy, những người ủng hộ châu Âu sẽ sai lầm khi vui mừng quá nhanh. Đầu tiên, quỹ kích thích chưa tồn tại và các cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài. Tiếp đó, quỹ chỉ sẽ có thể được phân phối vào năm 2021 hoặc thậm chí vào năm 2022 và 2023, rất muộn trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong thời gian đó, Vương quốc Anh tất nhiên sẽ không được hưởng lợi từ quỹ kích thích kinh tế nhưng sẽ được tự do thực hiện chính sách tài khóa và kinh tế mà họ muốn.