Hậu Brexit: Sự nuối tiếc muộn màng hay bài học lợi ích quốc gia?

Thứ Sáu, 01/07/2016, 16:30
Đứng trước nguy cơ tan dã, người dân Vương quốc Anh giờ đây dường như mới bừng tỉnh và ý thức được sự mất mát quá lớn đằng sau quyết định tưởng chừng không mấy ý nghĩa của chính mình?

Giới đầu tư tài chính toàn cầu vừa trải qua cú sốc lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. 2.100 tỷ USD - là số tiền đã bị thổi bay trên thị trường tài chính toàn cầu một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử  (hôm 23/6) với phần thắng nghiêng về phe ủng hộ Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.

Quyết định gây sốc của cử tri Anh thậm chí còn dẫn đến một cơn khủng hoảng chính trị từ trong nước. Lãnh đạo Scotland đe dọa phản đối Brexit và tách khỏi Anh để gia nhập EU.

Đứng trước nguy cơ tan dã, người dân Vương quốc Anh giờ đây dường như mới bừng tỉnh và ý thức được sự mất mát quá lớn đằng sau quyết định tưởng chừng không mấy ý nghĩa của chính mình?

Từ "Brexit" đến "Regrexit"

Cho đến nay, “đi hay ở” vẫn luôn là vấn đề dai dẳng chưa có lời kết. Sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử của người Anh với kết quả là ủng hộ việc ra khỏi EU, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một thứ gì đó gọi là "Brexit" sẽ sớm diễn ra.

Châu Âu đã thất bại trong việc giữ nước Anh ở lại. Có lẽ cách đây 2 năm, khi bắt đầu công bố ý tưởng về trưng cầu dân ý, Thủ tướng David Cameron không bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay bởi ông cho rằng tư tưởng hoài nghi châu Âu không thể thắng thế ở Anh, nhưng giờ đây điều đó đã thành hiện thực. Tại sao phong trào muốn ra đi từng bước thắng thế? Các nhà phân tích lần dở lại để tìm hiểu nguyên nhân thực sự.

Trước thực tế chỉ có 25% số người độ tuổi từ 18-24 muốn Anh rời khỏi EU, 44% những người từ 25-49 muốn ra đi, trong khi đó 61% số người trên 65 tuổi muốn rời EU. Câu trả lời cho câu trả tại sao phe rời EU bất ngờ thắng trong cuộc trưng cầu dân ý đã phần nào được giải đáp rằng những cảnh báo về tác động kinh tế bị phản tác dụng, người dân bị nhồi vào những suy nghĩ rằng họ sẽ nghèo đi nếu Anh rời khỏi EU. Trong khi đó, những người chọn rời đi không cảm nhận được lợi ích sau hơn 4 thập kỷ Anh chung mái nhà với EU.

Theo tính toán của những người ủng hộ Brexit, việc rời EU sẽ giải phóng được khoảng 350 triệu euro/tuần, là số tiền đóng góp cho EU. Khoản này được hứa hẹn dành cho hệ thống y tế của Anh. Về vấn đề nhập cư, khủng hoảng di cư châu Âu khiến người Anh lo lắng phải chia sẻ gánh nặng với toàn bộ lục địa. Bên cạnh đó họ cũng lo lắng về những tác động dài hạn trong xã hội của mình.

Tuy nhiên, sau Brexit người dân Anh lại hết sức bàng hoàng với cảnh nền kinh tế trong nước lẫn các thị trường tài chính toàn cầu tan tác, nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit vừa hối hận vừa đổ lỗi cho phe ra đi đánh lừa họ. Thậm chí họ không thực sự nghĩ Anh sẽ rời EU?

Một cử tri có quan điểm chống Brexit.

Có lẽ đến lúc này những người bỏ phiếu rời EU mới hiểu rằng lá phiếu của mình có tác động thế nào. Họ đã quá vội vã trong việc quyết định mà không tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra? Minh chứng cho điều này có thể nhận thấy trên mạng xã hội Google. Số lượng người tìm kiếm những vấn đề liên quan đến trưng cầu dân ý tăng vọt, cho thấy trước đó sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của đại bộ phận người dân.

Giới phân tích cho rằng một sự thay đổi hy hữu chỉ có thể xảy ra nếu quốc hội đưa ra quyết định hủy kết quả trưng cầu và tiến hành một cuộc trưng cầu lần thứ hai. 

Còn lại những thủ tục mơ hồ

Nói gì lúc này không thể đảo ngược được, "cuộc hôn nhân” giữa Anh và EU đã “đứt gánh”.  Tâm lý ngoài nghi vốn dồn nén suốt 43 năm qua đã được thể hiện qua lá phiếu của đa số cử tri Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu; những mối lo ngại về an ninh - khủng bố và sự chán nản cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến nhiều cử tri Anh cảm thấy có lý do chính đáng để lựa chọn ra khỏi EU.

Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn EU. Nó thậm chí mở ra khoảng trống trong nhiều mối quan hệ quốc tế và làm nảy sinh nguy cơ mới với châu Âu.

Hiệu ứng Domino?

Thế nhưng để trả lời câu hỏi tại sao Anh ra đi? Không thể phủ nhận rằng nước Anh rời EU là chiến thắng của đảng Vương quốc Anh độc lập, đảng theo đường lối bài ngoại của Anh. Dự đoán EU có thể tan vỡ còn xa vời nhưng chắc chắn nó đã ảnh hưởng đến các nước khác. Thụy Điển, giống Anh, mặc dù là thành viên EU, nhưng sử dụng đồng tiền riêng và cả với các chính sách của EU.

Việc Anh rời EU khơi dậy chủ nghĩa dân tộc của các đảng cực hữu ở các quốc gia. Tại Đan Mạch, đảng Phong trào nhân dân chống EU đã kêu gọi trưng cầu tương tự vào năm tới. Tại Pháp và Hà Lan, chủ tịch các đảng cực hữu có những phát ngôn tương tự. Thủ tướng Na Uy lại cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không chỉ là thông điệp của cử tri Anh mà còn là thông điệp của cử tri các quốc gia khác, những người cảm thấy EU không còn đủ sức đối phó với những khó khăn của họ. Thủ tướng Hungary cho rằng EU cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân và đây là bài học lớn nhất. Tuy nhiên đối với phần còn lại của châu Âu và thế giới, việc Anh rời EU vẫn gây sốc cho tất cả.

Scotland tuyên bố, Endingburg muốn thảo luận ngay lập tức với EU để bảo vệ vị trí của mình. Ngoại trưởng Pháp cho rằng đây là quyết định đáng buồn khi người Anh lựa chọn rời “mái nhà chung” châu Âu, đồng thời cho rằng châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin trong khối này. Đây là sự lựa chọn đau đớn.

Thủ tướng Áo cho rằng sẽ không có hiệu ứng domino trưng cầu dân ý, khẳng định Áo không tổ chức sự kiện tương tự như London. Ngoại trưởng Ba Lan cho rằng đây là tin buồn đối với châu Âu, nhưng chưa phải dấu chấm hết với EU.

Hiện châu Âu muốn hành động ngay lập tức để ngăn chặn hiệu ứng xấu lan truyền. Chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxambua đã có cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Berlin của Đức nhằm thảo luận về kế hoạch B nhằm duy trì sự hợp tác và phát triển của EU sau cú sốc Brexit.

Trong dự thảo tuyên bố của cuộc gặp, các bên dùng từ “liên minh linh hoạt” để mô tả về EU trong tương lai, hàm ý rằng tổ chức này sẽ cởi mở hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho những quốc gia ở khu vực chưa bắt kịp với tốc độ hội nhập của liên minh này. Mục tiêu của sự điều chỉnh này là nhằm ngăn chặn một kịch bản như Brexit có thể tái diễn ở một quốc gia khác EU.

Ngoại trưởng Đức khẳng định EU có thể vượt qua cú sốc của việc cử tri Anh lựa chọn nước này rời khỏi EU. Ông tuyên bố nhóm 6 nước sáng lập muốn gửi thông điệp rằng họ không muốn để ai lấy mất châu Âu.

Những người ủng hộ Brexit.

Tiến trình 2 năm

Tuy nhiên, việc đàm phán diễn ra sớm hay chậm cũng còn phụ thuộc vào đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh có sớm bầu được người thay thế Thủ tướng David Cameron, người đã thông báo ý định từ chức hay không? Mặt khác, theo thủ tục rời khỏi EU được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009, sẽ phải kéo dài đến 2 năm với các cuộc thương lượng giữa Anh với 27 nước thành viên còn lại của EU. Nói cách khác, Anh Quốc sẽ vẫn là thành viên EU cho đến năm 2018, trong thời gian thương lượng về các thể thức "chia tay" và về quan hệ mới giữa Anh và EU.

Từ nay đến thời gian đó, các luật lệ quy định và các hiệp ước châu Âu tiếp tục được áp dụng đối với Anh cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU bắt đầu có hiệu lực. Để có hiệu lực, thỏa thuận còn phải được đưa ra biểu quyết ở Nghị viện châu Âu và sau đó được Hội đồng châu Âu thông qua. Nhưng trong thời gian đó, Anh sẽ không được tham gia vào các quyết định ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, do chưa bao giờ có một quốc gia thành viên ra khỏi EU nên các thủ tục vẫn còn rất mơ hồ.

Kinh tế Anh hậu Brexit và các lựa chọn

Giới phân tích cho rằng rất có thể sau khi rời EU Anh sẽ đi theo mô hình kinh tế của Na Uy,  Iceland hoặc Liechtenstein. Trong nhiều cách, đây sẽ là lựa chọn ít để lại rắc rối nhất. Na Uy, Iceland và Liechtenstein là thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu (European Economic Area – EEA), một cơ chế cho phép các nước tiếp cận với thị trường chung châu Âu miễn là họ đồng ý hoạt động theo luật của EU.

Các quy tắc thỏa thuận sẽ được tự động sửa đổi chừng nào EU có sự thay đổi, do đó việc liên tục đàm phán lại sẽ không xảy ra. Cả ba quốc gia trên hiện đều thành công trong khối EEA. Tuy nhiên, nếu mục đích của Anh khi rời khỏi EU là để có được quyền dân chủ, đây sẽ không phải là cách phù hợp.

Các nước bên ngoài khối liên minh có thể tiếp cận kỹ thuật-công nghệ bên ngoài EU, nhưng trong thực tế họ vẫn còn chịu sự ảnh hưởng của Brussels, cũng như tiếng nói của các quốc gia này sẽ không có trọng lượng trong quyết sách của EU.

Những thành viên EEA phải chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của EU, bao gồm cả việc dịch chuyển lao động một cách tự do. Điều này có nghĩa là động lực chính của chiến dịch Brexit – sự lo ngại về người nhập cư – vẫn sẽ không được giải quyết.

Còn nếu đi theo cách của Thụy Sĩ, quốc gia có mô hình tương tự như EEA, trong đó Thụy Sĩ được EU cho phép tham gia giao dịch miễn là tuân theo quy tắc của EU. Nhưng Thụy Sĩ có được tính linh hoạt cao hơn, với các hiệp định song phương cho phép họ được chọn các đối tác thương mại mà họ muốn giao dịch và những quy định mà họ muốn tuân theo.

Trong năm 2014, các cử tri Thụy Sĩ được lựa chọn để áp đặt giới hạn về người nhập cư từ bên trong khối EU, đây là cái mà thành viên trong EEA không thể làm. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Thụy Sĩ như việc “gọi món ăn” mà mình thích, do đó khiến quá trình đàm phán sẽ xảy ra liên tục.

Một ví dụ là, cho dù tiếng nói của cử tri Thụy Sĩ có trọng lượng về việc xuất nhập cảnh của người lao động, các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ và EU vẫn chưa đi đến một thỏa thuận thống nhất về cách hạn chế người nhập cư, một việc đã kéo dài được 2 năm.

Cũng có ý kiến cho rằng Anh sẽ chọn mô hình kinh tế Canada. Nếu mô hình tại châu Âu chưa vừa ý, Anh có thể nhìn qua Đại Tây Dương để thấy Canada, người hàng xóm của Hoa Kỳ ở phía Bắc đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU, theo đó loại bỏ gần như tất cả thuế quan đối với hàng hóa và sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Boris Johnson, cựu thị trưởng London là một trong những người cổ xúy cho việc phát triển theo mô hình kinh tế của Canada và truyền lửa cho các đồng nghiệp nên giữ vững lập trường của mình cũng như không sợ hãi bởi những người chống đối. Johnson cho rằng Canada đã chứng minh họ có thể giao dịch thương mại với châu Âu trong khi vẫn kiểm soát được biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, tại Canada, phần lớn thỏa thuận thương mại của họ với châu Âu là dịch vụ. Và ngành tài chính của Anh Quốc có thể bị giáng một đòn đau nếu có được một thỏa thuận tương tự Canada. Bộ Tài chính Anh đã ước tính rằng nếu áp dụng mô hình Canada sẽ làm mỗi người dân Anh mất đi 2.500 USD doanh thu từ sản phẩm nội địa cũng như các hợp đồng kinh tế của Anh Quốc.

Xét cả trên bình diện khu vực và quốc tế, sự thiếu vắng của Anh, một trong hai thành viên EU là thành viên HĐBA LHQ là tổn thất lớn về uy tín của EU, nhất là trong thời điểm EU cần phải giải quyết một loạt thách thức nghiêm trọng. Việc Anh dứt áo ra đi cũng là lời cảnh báo đối với EU trong bối cảnh châu Âu đang cần sự đoàn kết, chung tay. Bài học Brexit một lần nữa cho thấy hợp tác liên kết chỉ có hiệu quả nếu biết gắn nó với lợi ích từng quốc gia.

Bảo Trân
.
.