Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ: Nước Mỹ làm được gì cho thế giới?

Thứ Sáu, 09/11/2012, 22:55

Thời sự thế giới những ngày gần đây được làm nóng bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đâu đâu người ta cũng bàn về chuyện ai sẽ trúng cử, nhưng ít thấy ai đặt câu hỏi lãnh đạo mới sẽ dẫn nước Mỹ đi về đâu và làm được gì cho thế giới. Nếu soi vào lịch sử bầu cử Mỹ, so sánh giữa những gì các ứng cử viên hứa và làm sau khi thắng cử, có lẽ người đọc sẽ đi đến kết luận rằng dù ai thắng cử đi chăng nữa thì thế giới khó mà có sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Thật ra, Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền hạn như thế giới thường nghĩ. Theo Hiến pháp, Tổng thống Mỹ phải chia quyền với Quốc hội và các quyết định về nội chính như xã hội, kinh tế và ngân sách còn bị hạn chế bởi Tối Cao pháp viện và một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương.

Nơi mà lãnh đạo Cơ quan hành pháp Mỹ có thể phần nào thi thố viễn kiến và tài năng chính là lĩnh vực đối ngoại. Nhưng ngay trong lĩnh vực đó, Tổng thống Mỹ vẫn phải dung hòa với hai thực tế khách quan. Thứ nhất là địa chính trị và quyền lợi trường cửu của Mỹ và thứ hai là sự tính toán của các quốc gia khác. Đã vậy, chủ nhân Nhà Trắng  còn bị ảnh hưởng, nhiều khi bất ngờ hoặc bất lường, từ chính sách của những người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, những giới hạn ấy vẫn bị khỏa lấp đằng sau khẩu hiệu tranh cử: "Nếu được ủng hộ, tôi sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, và nhất là không phạm vào lỗi lầm của vị tiền nhiệm". Việc phơi bày ra lỗi lầm đó là “thực đơn” tranh cử khiến dân chúng Mỹ có thể bị bội thực! Nhưng rồi mọi sự vẫn lại đâu vào đấy: sau cuộc bầu cử tổng thống cứ 4 năm một lần, lãnh đạo Mỹ rất khó “phát minh” ra sự lạ, hoặc làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Lần này liệu có khác. Khác như thế nào?

Khi tranh cử tổng thống năm 1980, cựu Thống đốc California là Ronald Reagan đả kích chính quyền Jimmy Carter là bang giao với Bắc Kinh năm 1979. Sau khi đắc cử, Tổng thống Reagan đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc tới mức chưa từng thấy, để cô lập hóa Liên bang Xôviết.

Năm 1992, khi tranh cử Thống đốc Arkansas là Bill Clinton cũng đả kích chính quyền George W. H. Bush (Bush-cha) là "xóa tội" cho Bắc Kinh trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Sau đó, ông lại thi hành chính sách hòa dịu với Trung Quốc chẳng kém gì ông Bush, còn dễ dãi mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)!

Khi tranh cử năm 2000, Thống đốc Texas là George W. Bush (Bush-con) phê phán chính quyền Clinton là can thiệp vào Kosovo và kiêu căng đòi xây dựng dân chủ cho xứ khác theo mẫu mực dân chủ của Mỹ. Sau khi đắc cử, ông Bush lãnh hậu quả bất ngờ từ vị tiền nhiệm là vụ khủng bố 9-11 và lại mở chiến dịch tấn công Iraq để xây dựng dân chủ tại đây nhằm có thể chuyển hóa các chế độ Hồi giáo. Đấy là điều mà Phó tổng thống Dick Cheney của ông rất ngần ngại khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng của ông Bush-cha nhiệm kỳ trước trong trận đánh Iraq năm 1991 để giải vây Kuweit.

Khi tranh cử năm 2008, nghị sĩ Barack Obama không ngớt lời đả kích chính quyền Bush-con về việc đôn quân vào Iraq để rút chạy. Khi đắc cử, ông thi hành chiến lược đó tại Afghanistan. Khác nhau chỉ ở cách đề ra thời điểm triệt thoái là năm 2014. Trong cuộc tranh cử năm nay, nguyên Thống đốc Massachussetts là Mitt Romney cũng đả kích chính quyền Obama về nhiều điểm trong đối sách ngoại giao, như với thế giới Hồi giáo hoặc với Trung Quốc hay Liên bang Nga. Nếu đắc cử, ông cũng không thể xoay 180 độ để đơn phương đưa Mỹ qua hướng khác.

Một số thí dụ ở trên cho thấy Tổng thống Mỹ vẫn phải nương vào thực tại chứ không thể “xóa bài làm lại”, hoặc vẽ lại bản đồ của thế giới. Nhưng lần này thế giới đã đổi khác.... Chưa đầy hai tháng sau vụ khủng bố 9/11/2001 làm cả thế giới bị chấn động, Tổng thống Bush đề nghị khởi động Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới để phát triển tự do ngoại thương và hợp tác kinh tế toàn cầu. Giao thương giữa các nước có thể đem lại thịnh vượng và đẩy lui nguy cơ xung đột. Mười năm sau, vòng đàm phán ấy thất bại và tiến trình toàn cầu hóa, hoặc "nhất thể hóa" luồng trao đổi kinh tế toàn cầu, bị đẩy lui. Đây là hiện tượng chưa từng thấy từ hai chục năm nay.

Lý tưởng tự do giao dịch tư liệu và công cụ sản xuất có thể đem lại thịnh vượng cho mọi người và mọi quốc gia, lý tưởng đó không thành: khối lượng ngoại thương giữa các nước đã giảm mạnh và lần đầu tiên từ 30 năm nay mà có đà gia tăng thấp hơn mức tăng trưởng vốn dĩ èo uột của kinh tế toàn cầu.

Dù ai trở thành Tổng thống Mỹ thì thế giới cũng chẳng nên hy vọng nhiều.

Trong từng nước, hoặc từng khối kinh tế, phản ứng bảo vệ quyền lợi nhất thời - làm mọi người đều nghèo đi - đang thành quy luật phổ biến, đầu tiên là tại Mỹ. Năm qua, nước Mỹ bị tụt hạng về tự do kinh tế, một tiêu chuẩn căn bản cho thịnh vượng và phát triển theo sát lý luận tư bản chủ nghĩa. Và mạng lưới kiểm soát kinh doanh gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ chết ngộp. Mà không chỉ có Mỹ.

Vụ khủng hoảng chưa lối thoát tại châu Âu đang cản trở luồng giao dịch tư bản tài chính và lao động hay di dân giữa 27 thành viên của Liên minh châu Âu. Rủi ro không chỉ giới hạn trong khối Eurozone, khiến đồng euro có thể bị sứt mẻ, mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc và phản ứng ly khai để đòi thêm quyền tự trị ngay tại mỗi quốc gia thuộc EU.

Sau phản ứng tự trị của cộng đồng Catalonia ở Tây Ban Nha, tuần qua, khi Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển nói thẳng là Hy Lạp nên ra khỏi khối euro và khi cử tri của nước Bỉ bỏ phiếu cho xu hướng ly khai của dân Flanders tại Anvers, người ta nhìn ra một mối nguy chưa từng thấy từ năm 1945. Tình thế này buộc người ta phải ngẫm nghĩ về sự khôi hài của giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Liên minh châu Âu!

Vừa rồi, nhân khóa họp hàng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại Tokyo, Nhật Bản, thế giới còn chứng kiến sự bất lực và thiếu thống nhất của các quốc gia, các định chế quốc tế và lãnh đạo các ngân hàng trung ương trong việc cứu nguy kinh tế toàn cầu. Khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ còn nhập cuộc và gián tiếp đả kích Trung Quốc là duy trì trị giá đồng nhân dân tệ quá thấp để trục lợi bất chính, thì người ta có thể đoán ra những mâu thuẫn rất khó hàn gắn.

Mâu thuẫn nặng nề nhất về cả kinh tế lẫn an ninh chiến lược là tranh chấp giữa hai nền kinh tế dẫn đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Vấn đề không chỉ là năm hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông mà còn là vị trí tương lai của một cường quốc đang lên và một cường quốc hải dương chưa ra khỏi chu kỳ khủng hoảng kéo dài hai chục năm. Cả hai nền kinh tế này đang giao dịch buôn bán với nhau mà vẫn có thể xẵng giọng và hy sinh sự ổn định và thịnh vượng vì những nguyên lý chính trị bên trong nội bộ.

Sau khi nhậm chức năm 2009, Tổng thống Obama tung ra quốc sách phát triển xuất khẩu để tạo thêm hai triệu việc làm trong 4 năm nhờ nhân đôi lượng hàng hóa bán ra ngoài. Cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu đó vẫn xa vời thế là ông thi đua cùng đối thủ Mitt Romney để đả kích Trung Quốc về đủ mọi tội và tung sáng kiến trừng phạt Bắc Kinh trong khuôn khổ WTO.

Suy từ kinh nghiệm quá khứ, người ta có thể cho rằng đấy chỉ là lập luận tranh thủ của hai ứng cử viên, chứ sau đó thì mọi chuyện đều sẽ lại như xưa. Nhưng lần này, mọi chuyện sẽ không được như vậy: lãnh đạo đang lên tại Trung Quốc có quá nhiều vấn đề bên trong, trước và sau Đại hội 18. Lãnh đạo Mỹ cũng vậy. Khả năng xoay trở của cả hai nước đều bị thu hẹp trong một thế giới ngặt nghèo và đa nghi hơn.

Nhìn về châu Á, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang được người dân châu lục này theo dõi sát sao để xem Mỹ sẽ áp dụng những chính sách nào đối với khu vực này trong thời gian tới.

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách đó vừa phải nâng tầm quan trọng chiến lược của Mỹ trong khu vực, vừa không làm hỏng các mối quan hệ kinh tế sâu rộng của Trung Quốc với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mặc dù có một vài quốc gia châu Á chia sẻ quan điểm với Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng chưa rõ nhận thức của các nước khác ra sao.

Thách thức đối với Washington là mở rộng thành viên TPP, kết thúc các cuộc đàm phán khó khăn với những nước như Nhật Bản và giải tỏa sự nghi ngờ của Trung Quốc rằng TPP là nhằm bổ sung cho chiến lược chuyển trục quân sự của Mỹ. Ngoài ra còn có sự va chạm ngày càng tăng về kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ủy ban Tình báo Hạ viện gần đây đã cảnh báo về các nguy cơ gián điệp liên quan đến công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei. Ông  Obama đã không cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện gần đơn vị Hải quân Mỹ ở Oregon vì những lý do an ninh quốc gia. Ông là tổng thống đầu tiên trong 22 năm qua làm như vậy. Ông cũng đệ đơn kiện Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu ôtô, và cùng với Nhật Bản kiện Trung Quốc về vấn đề đất hiếm lên WTO.

Về an ninh, cho dù ngân sách bị cắt giảm, Washington sẽ phải thể hiện khả năng thực hiện các cam kết quan trọng của mình. Romney đã tự chuốc lấy sự chỉ trích vì gọi Nga là "kẻ thù địa chính trị" số 1 của Mỹ. Trên trang web của chiến dịch tranh cử, ông ta hứa hẹn sẽ thực hiện "một chiến lược làm cho con đường bá chủ khu vực của Trung Quốc tốn kém hơn rất nhiều so với phương án trở thành một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tế". Mặc dù không hài lòng với Obama về chiến lược tái cân bằng, nhưng Bắc Kinh có thể nhận thấy rằng Romney sẽ thực hiện những chính sách ngăn chặn Trung Quốc mạnh mẽ hơn.       

Nhật Bản, một cường quốc khác trong khu vực sẽ không hài lòng với những câu nói "hớ" của Romney khi ông ta cho rằng nước này đang ở trong tình trạng suy giảm và kiệt sức. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, Tokyo có thể không được chú ý tới nếu Romney đắc cử, như vậy rất khó đánh giá liên minh Mỹ-Nhật có thể phát triển như thế nào. Nhật đã hoan nghênh mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng của Obama, mặc dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và đang xảy ra căng thẳng về việc tổ chức lại các lực lượng của Mỹ tại Nhật Bản.

Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hợp tác nhiều hơn với Triều Tiên, phòng thủ tên lửa và xây dựng hiệp ước an ninh với Mỹ vì Tokyo chuyển hướng tập trung phòng thủ tới các đảo xa của nước này. Ở khu vực Nam Á, tổng thống mới của Mỹ sẽ cần phải đưa Ấn Độ tham gia vào những thách thức chung như Mỹ rút khỏi Afghanistan, sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn về hạt nhân dân sự

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.