Hậu bầu cử ở Belarus: Kịch bản cũ lặp lại?
Ngày 9-8, Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố kết quả bầu cử tổng thống, theo đó ông Lukashenko giành chiến thắng với 80% số phiếu bầu. Phe đối lập chính, chỉ giành được 10%, tuyên bố ông Lukashenko gian lận. Các cuộc biểu tình xuống đường sau đó bắt đầu hình thành và lan rộng nhằm phản đối kết quả cuộc bầu cử và kêu gọi ông Lukashenko từ chức. Các cuộc biểu tình kéo dài suốt những ngày qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đoàn người xuống đường ở thủ đô Minsk, Belarus. |
Ngày 17-8, gần 5.000 công nhân ở nhà máy Minsk Tractor Works đã xuống đường tham gia biểu tình, yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức, chuyển giao quyền lực cho chính trị gia đối lập Svetlana Tikhanovskaya. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh cho đến nay đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và khoảng 7.000 người bị bắt. Ngoài thủ đô Minsk, người biểu tình cũng tràn xuống đường tuần hành tại một số thành phố và thị trấn lớn khác ở Belarus.
Không những thế, sức ép từ bên ngoài đối với Tổng thống Lukashenko cũng gia tăng cùng với sức nóng của các phong trào trong nước. Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu lên tiếng về tình hình tại Belarus hậu bầu cử. Ông Trump cho rằng những gì đang xảy ra tại Cộng hòa Belarus là rất tồi tệ và cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình để có những phản ứng kịp thời và chính xác. Đặc biệt Washington và đồng minh cảnh báo Nga không nên can thiệp vào Belarus, sau khi Moscow được cho là đã sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Minsk chống lại đe dọa đến từ bên ngoài - điều mà Tổng thống Trump mô tả là “một tình huống khủng khiếp”.
Những diễn biến trên đang tái hiện những gì đã xảy ra tại Ukraine vào năm 2004 với tên gọi “Cách mạng Cam” và vào năm 2014. Người biểu tình khi ấy được những người thất bại trong bầu cử hô hào xuống đường nhằm lật ngược tình thế. Điều mấu chốt cho các phong trào này lan rộng và “thành công” là sự hỗ trợ từ chính quyền các nước châu Âu và Mỹ cũng như không thể thiếu vai trò của giới truyền thông phương Tây. Người biểu tình Ukraine khi ấy cũng như Belarus bây giờ đều giơ cao khẩu hiệu “thoát Nga, theo phương Tây”...
Tình hình Ukraine sau khi “thoát Nga” thành công giờ vẫn vậy, thậm chí còn tồi tệ hơn với các cuộc nội chiến. Lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy. Người dân và lãnh đạo Belarus hẳn phải biết điều đó. Những năm gần đây, ông Lukashenko đã tỏ ra “trung lập”, vừa khéo giữ quan hệ với Nga, vừa bắt thân với các nước phương Tây. Ông làm vậy để tránh kịch bản Ukraine tái diễn. Ông Lukashenko từng nhận định lợi ích chính trị của Belarus đến từ cả hướng Đông và hướng Tây, song độc lập và chủ quyền quốc gia là quan trọng nhất.
Bà Svetlana Tikhanovsky và đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko. |
“Đối với tôi, không có giá trị nào lớn hơn một đất nước Belarus độc lập và có chủ quyền. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ cho đất nước này được nguyên vẹn”, Tổng thống Lukashenko khẳng định.
Nhiều nước kêu gọi hãy để tự người dân Belarus quyết định tương lai đất nước thông qua lá phiếu. Trớ trêu là lá phiếu ở đây không phải là phiếu bầu của họ mà là sự quyết định từ phương Tây. Nếu nói rằng ông Lukashenko gian lận thì tại sao phe đối lập không cho kiểm lại phiếu bầu? Nếu nói rằng phiếu đó đã bị chỉnh sửa thì tại sao không cho bầu lại vòng 2 và nếu như phe đối lập Belarus tin họ thắng thì chắc chắn dưới sự giám sát chặt chẽ của phương Tây thì bầu lại vòng 2 họ vẫn sẽ trúng cử! Cả 2 phương cách, phe đối lập và phương Tây đều không chấp nhận. Như vậy suy ra 80% dân Belarus bỏ phiếu cho ông Lukashenko là thật và ông Lukashenko trúng cử là hợp pháp. Thế là biểu tình, bạo loạn trên đường phố xảy ra.
Trước tình hình này, ngày 18-8, ông Lukashenko tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền lực nhưng điều này chỉ diễn ra sau một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp chứ không phải từ sức ép đường phố. “Chúng ta sẽ thay đổi bằng một cuộc trưng cầu dân ý và tôi sẽ chuyển giao quyền lực của mình theo hiến pháp. Điều này không xảy ra vì sức ép hay vì các cuộc biểu tình trên đường phố”, nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh. Nói trắng ra thì dù thông qua bầu cử hay trưng cầu dân ý, ông Lukashenko vẫn tự tin giành chiến thắng nhưng chắc chắn chiến thắng này sẽ không được phương Tây công nhận.
Ngày 18-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron và đã gửi đi yêu cầu các nước châu Âu ngừng việc can thiệp vào khủng hoảng ở Belarus. Điện Kremlin dẫn lời ông Putin nói trong cuộc điện đàm rằng, việc can thiệp vào nội bộ của Belarus hay gây áp lực đối với giới lãnh đạo nước này là “không thể chấp nhận được”. Điện Kremlin trước đó thông báo lãnh đạo Nga-Belarus đã nhất trí rằng Nga có thể hỗ trợ an ninh cho Belarus để đối phó khủng hoảng theo hiệp ước liên minh. Tức là một khi Belarus tuyên bố tình trạng bị tấn công thì Nga chắc chắn sẽ có hành động.
Ngày 19-8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên kênh truyền hình “Rossiya 1”: “Những gì chúng ta nghe được từ các thủ đô châu Âu, chủ yếu từ các quốc gia Baltic (Litva, Estonia), cũng như từ Ba Lan, Nghị viện châu Âu - không phải tất cả về Lukashenko, nhân quyền và dân chủ. Tất cả là về địa chính trị. Do chính các quy tắc đó, các đối tác phương Tây muốn áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày trên lục địa và các khu vực khác nhau trên thế giới”.
Theo Ngoại trưởng Nga, người dân Belarus sẽ tự giải quyết vấn đề theo cách của họ mà không cần sự cổ vũ của châu Âu hay bất cứ ai ở bên ngoài lãnh thổ của họ. “Tôi thực sự hy vọng người Belarus sẽ có thể tự giải quyết công việc của mình và sẽ không bị dẫn dắt bởi những người chỉ cần đến Belarus để phát triển không gian địa chính trị, để thúc đẩy logic hủy diệt nổi tiếng: hoặc với Liên bang Nga hoặc với châu Âu”, ông Lavrov nhấn mạnh và đề cập đến tình hình tương tự đã xảy ra ở Ukraine vào năm 2014.
Về tương lại sắp tới của Belarus, các chuyên gia cho rằng lãnh đạo các đảng phái đối lập đều đang ở nước ngoài và chưa thể thành lập một liên minh thống nhất chống lại Tổng thống Lukashenko. Về phần Nga, rút kinh nghiệm từ vấn đề Ukraine, chắc chắn Nga không muốn có một “cuộc cách mạng cam” ở quốc gia láng giềng, bởi phe đối lập Belarus không giấu giếm định hướng thân phương Tây.