Hậu quả từ vụ Israel tấn công hải đội cứu trợ Dải Gaza

Thứ Sáu, 11/06/2010, 19:35
Vụ tấn công hải đội chở hàng trăm nhà hoạt động đến từ 32 quốc gia mang hàng cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza sáng sớm ngày 31/5 vừa qua đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt chính trị, ngoại giao trong khu vực Trung Đông. Nhiều vấn đề đang được dư luận thế giới đặt ra, nhiều khó khăn mới cũng đang dồn chờ đợi đồng minh Mỹ.

Báo chí và dư luận quốc tế đều cho rằng, hành động tấn công đoàn tàu cứu trợ nhân đạo ngay trên hải phận quốc tế của Israel sẽ để lại những hậu quả rắc rối kéo dài. Hậu quả lớn nhất là khủng hoảng trong ngoại giao khu vực Trung Đông. Đoàn tàu được tài trợ bởi nhiều tổ chức và cá nhân thuộc nhiều nước, trong đó tổ chức Insani Yardim Vakfi của Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp nhiều nhất.

Vụ tấn công xảy ra trên tàu du lịch Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ, với phần lớn trong 600 người trên tàu và 10 người bị giết đều là người Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này được Ankara hiểu như một sự "khiêu khích" trắng trợn.

Do vậy, hành động của Israel đã làm tổn thương nghiêm trọng quan hệ song phương giữa 2 "đồng minh" Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã không mấy êm ấm trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Brazil ký thỏa thuận trao đổi hạt nhân với Iran - quốc gia bị Israel xem là "kẻ thù không đội trời chung".

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã giận dữ gọi vụ tấn công đó là một "cuộc tàn sát". Còn Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu thì so sánh "vụ tấn công này giống như vụ 11-9 của Thổ Nhĩ Kỳ". 

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ việc này không ai khác chính là Mỹ, đồng minh truyền thống của Nhà nước Do Thái. Sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 đồng minh chiến lược trong khu vực đang đặt nước Mỹ vào thế "thân này ví xẻ làm đôi", không muốn theo bên này, bỏ bên kia, nhưng cũng khó lòng ăn nói sao cho vừa lòng, để xoa dịu cơn tức giận của Ankara vì bị Tel-Aviv "vuốt mặt không nể mũi".

Sau khi Ankara triệu tập Đại sứ tại Israel về nước, ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm với Thủ tướng Reccep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng hội đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu. Cả 2 cuộc "năn nỉ" này đều diễn ra rất khẩn trương. Mỹ rất lo lắng, vì giữa Washington và Ankara cũng đang "khua răng" trong một số vấn đề về ngoại giao, chính trị mà Ankara theo đuổi trong 2 năm qua, và Washington đang cố tìm cách để mối quan hệ chiến lược này trở lại bình thường.

Hành động ngang ngược của Israel còn làm hỏng một số kế hoạch mà Washington trù tính trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestine cũng như sự thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo. Trong khi cả thế giới, kể cả Hội đồng Bảo an LHQ và Liên minh châu Âu, đều quyết liệt lên án Israel và yêu cầu điều tra hành động giết người của Nhà nước Do Thái thì Mỹ rất "kiệm lời", họa chăng chỉ là những câu nói xuôi theo quan điểm của Tel Aviv nhằm tìm cách đổ lỗi cho các nạn nhân trên tàu Mavi Marmara. Thái độ này khiến cho Mỹ đứng vào thế đối chọi lại với thế giới. 

Tàu Mavi Marmara sau khi bị biệt kích Israel tấn công.

Tấn công tàu Mavi Marmara, Israel đã tự mình ghi điểm giùm cho Phong trào Hồi giáo Hamas. Giờ đây, sau khi vụ việc xảy ra, Israel không chỉ bị cả thế giới lên án, mà làn sóng phản đối Israel phong tỏa cuộc sống của 1,5 triệu người Palestine ở Dải Gaza càng mạnh mẽ hơn.

Thế giới giờ đây không còn nhìn Hamas như một tổ chức Hồi giáo cực đoan hay một "mối đe dọa an ninh" đối với Nhà nước Do Thái như Tel-Aviv rao giảng, mà chỉ thấy tổ chức này cùng với 1,5 triệu đồng bào của mình trở thành "nạn nhân tập thể" của chính sách "khủng bố nhà nước" của Israel - từ dùng của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Không những thế, hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Israel còn đang khiến cho khối Arập phải xem xét lại mối quan hệ của mình với Nhà nước Do Thái, cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Tel-Aviv với thế giới Arập. Cơ hội xây dựng hòa bình trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vụ việc tấn công Hải đội Tự do một lần nữa cho thấy Israel đang ngày càng theo đuổi chính sách diều hâu, đơn phương, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Sau vụ điệp viên Mossad ám sát một lãnh đạo người Palestine tại Dubai, một nhà ngoại giao Do Thái đã bị trục xuất khỏi nước Anh do bị phát hiện sử dụng hộ chiếu giả. Tháng trước, đến lượt Australia, một đồng minh khác của Mỹ, lại trục xuất một nhà ngoại giao khác của Israel cũng vì lý do "giả mạo hộ chiếu". Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman, nhân chuyến thăm Nhật Bản hôm 12/5 đã tự cho mình quyền "phán quyết" khi gọi 3 nước Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên là "trục ác mới" và cho rằng 3 nước này "đe dọa an ninh thế giới".

Có ý kiến dư luận cho rằng, Israel có một dụng ý chứ không hề "vô tư" khi gây ra vụ việc tai hại này. Gần đây, Nhà Trắng đã có những nỗ lực mới thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình nhằm giải quyết dứt điểm xung đột giữa Israel-Palestine, từ đó tiến tới thành lập Nhà nước Palestine như mục tiêu của lộ trình hòa bình đặt ra. Với tất cả những hậu quả tai hại như đã phân tích ở trên, rõ ràng vụ việc biệt kích Israel tấn công Hải đội Tự do sẽ làm chậm lại tiến trình tái khởi động các cuộc đàm phán gián tiếp, từ đó kéo dài thêm thời gian giải quyết những gút mắc giữa người Israel và người Palestine.

Chừng nào người Palestine còn chưa có một Nhà nước chính thức, Israel còn dễ dàng áp đặt luật lệ đơn phương để kìm kẹp họ. Một khi Nhà nước Palestine được thành lập, Israel buộc phải tuân thủ nhiều luật lệ và công ước quốc tế, phải đối xử với người Palestine đúng quy tắc ngoại giao quốc tế và Hiến chương LHQ. Có lẽ đây chính là điều mà Tel-Aviv không mong muốn chăng?

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.