Hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên và những chuyển động tích cực
- Thế giới bừng sáng hy vọng hòa bình sau thượng đỉnh Mỹ – Triều
- Triều Tiên gọi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là "cuộc gặp thế kỷ"
- Ngày làm việc "đi vào lịch sử" của lãnh đạo Mỹ - Triều2
Nước Mỹ đã có thứ mình cần
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố văn kiện mà ông đã ký kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là thỏa thuận mà nước Mỹ có mọi thứ.
Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi đã ký một thỏa thuận mà chúng ta có mọi thứ". Ông cũng đồng thời thông báo, Bình Nhưỡng đã bắt đầu hoạt động trao trả hài cốt các binh sĩ Mỹ bị mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng dường như đáp trả những bình luận gần đây trên truyền thông Mỹ chỉ trích ông đã dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên sự thừa nhận và tôn trọng mà không mang lại được điều gì cho nước Mỹ.
Tổng thống Trump tuyên bố ông đã không gây sức ép với nhà lãnh đạo Triều Tiên vì không muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ông khẳng định mình "cơ bản đã giải quyết" được vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo Tổng thống Trump, ông đã thông báo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên số điện thoại trực tiếp của mình.
Trong một dòng trạng thái trên trang Twitter, Tổng thống Trump viết: "Mọi người hiện có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều so với hồi tôi vừa nhậm chức. Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên, ông Keith Luse đặc biệt nhấn mạnh, cái lợi lớn nhất mà hai nước thu được sau cuộc gặp thượng đỉnh, đó là thiết lập được đường dây liên lạc trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước. Chuyên gia cấp cao Sourabh Gupta thuộc Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ ở Washington nhấn mạnh các nguyên tắc quan trọng, bao quát và tiên tiến để thiết lập nền tảng lâu bền cho hòa bình, hòa giải và sự thịnh vượng đã được nhất trí.
Trưởng đoàn quân sự Hàn Quốc và phái đoàn Triều Tiên gặp nhau hôm 14-6. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. |
Cùng quan điểm, ông Avery Goldstein, giáo sư chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế Đại học Pennsylvania, coi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các đương kim lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là "bước đi đầu tiên" cho tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông Goldstein phân tích rằng hội nghị thượng đỉnh này ít nhất đã làm cho cuộc xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ "ít có khả năng xảy ra hơn trong tương lai".
Tuy nhiên, các chuyên gia đều tỏ ý hoài nghi trước việc sớm đạt được mục tiêu giải giáp hạt nhân Bán đảo Triều Tiên vì giữa Triều Tiên và các nước tham gia đàm phán 6 bên gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Triều Tiên vẫn còn quá thiếu lòng tin vào nhau. Để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phi hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington hy vọng Bình Nhưỡng sẽ "giải trừ một lượng lớn vũ khí” từ nay cho đến cuối 2020.
Kế hoạch kinh tế mới
Theo các nhà quan sát, "lộ trình kinh tế mới" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho Bán đảo Triều Tiên có thể nhận được xung lực cần thiết nếu quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đi đúng hướng. Chủ tịch Ủy ban tổng thống về hợp tác kinh tế miền Bắc của Hàn Quốc, ông Song Young-gil mới đây cho biết, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên ngày càng sáng sủa; kỳ vọng về một kế hoạch kinh tế mới cho Bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện.
Ông Song Young-gil hy vọng những dự án kinh tế với Bình Nhưỡng sẽ tạo đà phát triển nếu có một số bước đi tiếp theo có ý nghĩa sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.
Để bắt tay vào thực thi các công việc cụ thể, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đã cử một nhóm nhân viên và giới chức chính phủ đến thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên vào tuần tới để sửa chữa các cơ sở làm văn phòng liên lạc vốn được lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí trước đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết đang nghiên cứu những cơ hội mở các chuyến du lịch. Bộ trên đã thành lập đội chuyên trách nhằm tiến hành các bước chuẩn bị cho khả năng nối lại hoạt động trao đổi liên Triều trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Về nông-ngư nghiệp, các chuyên gia cho rằng đây có thể là ngành đầu tiên hai miền nối lại hợp tác khi Triều Tiên đang thiếu lương thực và hai bên từng hợp tác trong lĩnh vực này. Các ngân hàng Hàn Quốc cũng tăng cường thực hiện các bước chuẩn bị trước khả năng nước này nối lại các dự án kinh tế tại Triều Tiên.
Điều mà dư luận quốc tế biết hiện nay là lộ trình đó sẽ hướng tới phát triển cân bằng giữa hai miền Triều Tiên và sự thống nhất kinh tế có thể tạo ra một động lực tăng trưởng mới, dẫn tới khai thác một nền kinh tế hướng Bắc. Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu thống nhất đất nước của Hàn Quốc, Im Kang-taek cho biết "một thị trường thống nhất đồng nghĩa với hợp tác kinh tế tích cực giữa hai miền Nam-Bắc, sử dụng vai trò và các chức năng của thị trường và cuối cùng là thống nhất các thị trường của hai miền".
Để đạt được sự hội nhập về thị trường như vậy, cần mở một số tuyến đường giữa hai miền cho giao thông, thông tin liên lạc, các biện pháp quản lý người lao động và các khu chợ ở biên giới, cũng như Seoul và Bình Nhưỡng cần được bày bán sản phẩm của hai bên. Các vành đai hợp tác kinh tế sẽ được chia theo khu vực bờ biển phía Đông, phía Tây và khu vực biên giới, nhằm xây dựng các mạng lưới cụ thể.
Theo chuyên gia Im Kang-taek, bờ biển phía Đông sẽ dành để phát triển năng lượng và tài nguyên và kết hợp "tam giác phía Bắc", nối thành phố cảng Busan (Đông Nam Hàn Quốc), hai miền Triều Tiên, với Trung Quốc và Nga, trong khi "tam giác phía Nam" sẽ đi qua Busan, các khu kinh tế tự do Rajin-Sonbong ở Triều Tiên, tới cảng Niigata của Nhật Bản.
Vành đai bờ biển phía Tây sẽ nhằm phát triển mạng lưới công nghiệp, hậu cần và vận tải, kết nối các thành phố phía Tây Hàn Quốc với thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên, để liên kết với Bình Nhưỡng và Thượng Hải ở Trung Quốc.
Một hệ thống vận tải cao tốc sẽ kết nối Seoul với Bắc Kinh. Trong khi đó, vành đai biên giới sẽ dành cho phát triển môi trường và du lịch. Hai miền Nam - Bắc sẽ cùng hợp tác tổ chức các chuyến du lịch sinh thái và doanh nghiệp Xanh, đồng thời cùng nhau thực hiện nhiều dự án về nguồn nước.
Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc Lee Jae-young nhận định: "Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Nếu lộ trình kinh tế mới được hiện thực hóa và mang lại các thành quả kinh tế, thì việc nước này vươn lên vị trí là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới hoàn toàn nằm trong tầm tay", khi có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào Triều Tiên.
Theo kết quả thăm dò của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 17/6 cho thấy, có 80% số doanh nghiệp được hỏi mong muốn tham gia đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ. Cũng thông qua cuộc thăm dò này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị chính phủ đưa ra những chính sách mới để xây dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động trao đổi xuyên biên giới và những nỗ lực chung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn ở Triều Tiên, như đường sá, lưới điện và hệ thống cảng biển.
Loại bỏ nguy cơ chiến tranh
Liên quan tới vấn đề quân sự trên bán đảo này, người được đề cử giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cựu Đô đốc Harry Harris nhận định không cần triển khai THAAD nếu Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Ông Harris đưa ra phát biểu trên trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Khi được hỏi liệu có còn cần thiết đặt THAAD tại Hàn Quốc hay không nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa và hủy bỏ chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Đổi lại, các cuộc tập trận quân sự quan trọng giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ tạm ngừng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia quân sự Mỹ, ngay cả khi một số nội dung tập trận bị tạm ngưng thì “các cam kết của Mỹ với đồng minh Hàn Quốc vẫn bền chặt”.
Theo Tuyên bố Panmu-njeom 2018, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí nỗ lực làm giảm căng thẳng và "loại bỏ một cách thực tế nguy cơ chiến tranh" trên Bán đảo Triều Tiên. Và chỉ ít ngày sau Tuyên bố Panmunjeom, trong lĩnh vực quân sự, hai miền Triều Tiên đã nhất trí khôi phục hoàn toàn các đường dây liên lạc quân sự dọc các khu vực phía Đông và phía Tây trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều cấp tướng lần đầu tiên diễn ra, diễn ra hôm 14-6 trong hơn một thập kỷ qua.
Khu kinh tế chung Keasong sẽ sớm hoạt động trở lại? Ảnh: The Japan Times. |
Tuyên bố chung sau đàm phán nêu rõ trong quá trình thảo luận, hai bên cũng trao đổi quan điểm về việc phi quân sự hóa làng đình chiến Panmunjom trên cơ sở thử nghiệm nhằm giảm căng thẳng quân sự dọc khu vực biên giới luôn dày đặc các loại vũ trang này.
Seoul cũng đã đề xuất Bình Nhưỡng di chuyển lực lượng pháo binh tầm xa ra khỏi các vị trí ở biên giới trong nỗ lực xây dựng lòng tin và làm giảm những căng thẳng giữa hai bên. Các nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc ngày 17-6 cho biết tại cuộc họp quân sự nói trên, Seoul đã đưa ra một loạt đề xuất, bao gồm việc đưa các đơn vị pháo binh của Triều Tiên tới các khu vực cách Đường Ranh giới quân sự chia cắt hai miền từ 30 tới 40 km.
Theo Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc năm 2016, Triều Tiên có 14.100 khẩu pháo, bao gồm 5.500 pháo phản lực đa nòng, đa phần được triển khai gần biên giới với Hàn Quốc.
Trước những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ dự kiến sẽ thông báo quyết định ngừng các cuộc tập trận chung, trong bối cảnh tiến trình đối thoại với Triều Tiên đang diễn ra thuận lợi. Theo đó, Mỹ-Hàn có thể sẽ đưa thêm vào quyết định này điều khoản “rút lại,” nghĩa là hoạt động tập trận sẽ được nối lại nếu chính quyền Triều Tiên không thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.
Nguồn tin nêu rõ: “Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã tham vấn chặt chẽ về các cuộc tập trận chung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bị nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ ở Hàn Quốc có thể làm suy yếu sức phòng thủ của liên minh, tùy thuộc vào thời gian và phạm vi ngừng các cuộc tập trận. Song khả năng tổn thất về ngoại giao thậm chí có vẻ như lớn hơn.
Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Obama, tuyên bố "các cuộc tập trận đó cực kỳ quan trọng bởi đó là sự ngăn chặn".
Chặng đường dài hướng tới hòa bình
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, liệu chúng ta có thể tiến bao xa trên con đường hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên? Câu hỏi cần đặt ra là, bên cạnh vấn đề về vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hoặc ngay cả tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, làm thế nào để tạo ra một nền hòa bình mà các bên liên quan chủ yếu đều muốn duy trì?
Rõ ràng, đối với Triều Tiên, để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, họ cần phải được đảm bảo rằng sẽ được hỗ trợ không chỉ về an ninh mà cả về sự thịnh vượng. Để tạo ra được điều đó, điều quan trọng là các đối tác đàm phán cần đưa ra được tầm nhìn xác thực rằng một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân sẽ được an toàn như thế nào. Điều này có nghĩa, ngoài vấn đề hiệp ước hòa bình, cần có sự công nhận lẫn nhau và những đảm bảo về an ninh.
Nhìn qua trên bản đồ có thể thấy Triều Tiên nằm giữa Hàn Quốc và lục địa châu Á, phát triển Triều Tiên là vai trò luân chuyển giữa Hàn Quốc và lục địa Á-Âu, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là chủ đề bao trùm các cuộc tranh luận mang tính chiến lược tại châu Á.
Dù mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có được cải thiện đến thế nào đi chăng nữa thì Mỹ và Triều Tiên chắc chắn vẫn sẽ còn nhiều bất đồng về tiến trình cũng như định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa “hoàn toàn”. Mỹ, từ một quốc gia luôn tìm cách cô lập Triều Tiên và mong chế độ này sụp đổ, đã thay đổi thái độ.
Các nước khu vực cũng hành xử giống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới muốn nhanh chóng thiết lập quan hệ với Bình Nhưỡng. Các cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và với ông Donald Trump - tất cả diễn ra chỉ trong chưa đầy 2 tháng - đã phản ánh thực tế này. Nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Sergei Lavrov, thậm chí đã ngỏ lời mời ông Kim Jong-un tới Nga.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra thành công tại một nước thứ ba khiến người ta cho rằng cả thế giới có vẻ như đã sẵn lòng đón nhận Triều Tiên. Các nước láng giềng đều ngỏ ý sẵn lòng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên mà Liên Hiệp Quốc đề ra nếu quốc gia này giải giáp hoàn toàn các cơ sở và kho hạt nhân.