Hãy nhìn quá khứ bằng con mắt khách quan

Thứ Tư, 02/01/2019, 14:43
Mỗi phận đời, mỗi quốc gia, dân tộc dù ngắn hay dài đều có một lịch sử quá khứ với đầy đủ trạng thái: hào hùng sống động, thương xót bi ai... Dẫu là hậu thế hay người trong cuộc rọi tìm về quá khứ cũng phải bằng cái nhìn khách quan để đánh giá đúng hiện tượng sự vật, không được chủ quan thiên kiến để rồi “nhìn gà hóa cuốc”, bóp méo sự việc, gieo rắc nỗi hoài nghi...

Hiện tượng thời gian gần đây trên phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch; trên mạng xã hội của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, kể cả những cuộc tụ tập của một số người trong nước mang tính chất trao đổi, bình luận về tình hình đất nước thời hiện tại cũng như trong quá khứ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống chiến tranh phá hoại, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà với nhiều thông tin sai lệch tác động tư tưởng quần chúng.

Đáng tiếc là trong đó có cả những người đã từng là cán bộ, đảng viên; đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; đã từng chịu đựng bao khó khăn gian khổ của thời bao cấp.

Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ độc tài Pol Pot, trưa 7-1-1979. Ảnh: TLTT.

Xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân ta

Cuộc trường kỳ kháng Pháp kéo dài tới hơn 9 năm, cả nước một lòng đánh giặc, với súng kíp, gậy tầm vông, giáo mác... đương đầu với đội quân nhà nghề tinh nhuệ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã vượt qua bao gian khổ hy sinh để từng bước chiến thắng kẻ thù. Từ chiến dịch Biên giới năm 1950, tới chiến dịch Hòa Bình năm 1951 và cuối cùng là đại thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân đội Pháp dẫn tới Hiệp định Geneve được ký kết chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương. Chấm dứt một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp.

Riêng đối với Việt Nam, tạm thời chia thành 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc thuộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Miền Nam do chính phủ bù nhìn được Pháp dựng lên tạm thời quản lý. Sau 2 năm kể từ khi hiệp định ký kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Từ thực tế trên đã dẫn tới một cái nhìn méo mó, thiển cận của một số người cho rằng “chiến thắng của Việt Minh là nửa vời. Sao không tấn công trên cả 3 miền để giải phóng cả nước, để không có phân tuyến, để rồi chiến tranh phải kéo dài thêm mấy chục năm”...

Sao lại nhận thức mù mờ như thế? Xét về tương quan lực lượng, ta làm sao so sánh với quân liên hiệp Pháp - họ là đội quân nhà nghề với binh hùng tướng mạnh, với hỏa lực tối tân. Ta làm sao có đủ binh, hỏa lực mà rải ra khắp các chiến trường? Song, ta hơn họ là chiến tranh chính nghĩa, cùng với bộ tham mưu tài tình của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn, cùng với một vị Tổng Tư lệnh đầy mưu lược và lòng dân dù ở vùng giải phóng hay trong vùng địch tạm chiếm đều nhất lòng ủng hộ kháng chiến, hướng ra tiền tuyến... tất cả tạo thành sức mạnh làm nên chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn biển “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng nghĩa với chiến thắng hoàn toàn chế độ thực dân Pháp.

Vấn đề sau 2 năm sẽ hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước không được thực thi, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của nó: Pháp thua, Mỹ thế chân, nuôi dưỡng chính quyền Nam Việt Nam, kích động phá hoại Hiệp định Geneve, hô hào “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải” nhằm tiêu diệt chế độ cộng sản... đồng thời chính quyền Ngô Đình Diệm mở nhiều chiến dịch “lùng diệt” những người cộng sản, những cơ sở cách mạng ở miền Nam, máy chém lê đi khắp nơi, tàn sát, thanh trừng không nương tay. Điển hình là vụ tàn sát tại trại giam Phú Lợi...

Rồi, Mỹ đưa cố vấn vào, đưa nhiều sư đoàn quân tinh nhuệ vào, có lúc lên tới hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu, cùng tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, các chiến lược tân kỳ nhất nhằm giành thế thượng phong trên chiến trường miền Nam. Đồng thời, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng nhiều toán biệt kích xâm nhập, bằng lực lượng không quân hiện đại: Máy bay ném bom chiến lược B-52, máy bay phản lực tiêm kích, cường kích F-4H, F-105...

Bởi thế, toàn dân ta thêm một lần nữa phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm, cùng lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của địch; đồng thời dồn hết sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, với hơn hai mươi năm trường kỳ kháng chiến, phải gánh chịu bao đau thương tang tóc, để rồi kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Mỹ thất bại hoàn toàn trên chiến trường Việt Nam; quân đội Sài Gòn tan tác, tổng thống “Việt Nam cộng hòa” tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông quy về một mối.

Đại thắng huy hoàng ấy kết tinh từ lòng yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc ta cùng với sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ, sự khích lệ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Sự thật hiển nhiên như thế cớ sao một số người đã từng đồng cam cộng khổ với dân tộc để làm nên chiến thắng. Nay, ngấm phải nọc độc “Diễn biến hòa bình” đã tự diễn biến, tự chuyển hóa tư tưởng lại hàm hồ cho rằng “Đó chỉ là nội chiến, nếu hai bên hòa giải với nhau thì người Việt cả hai phía không đến nỗi tổn thất như vậy”.

Thật là sự suy nghĩ khù khờ, ngớ ngẩn! Thử hỏi 58.032 người lính từ Tây bán cầu đã chết trong cuộc chiến ở Việt Nam, chẳng lẽ họ là binh lính của “quân lực Việt Nam cộng hòa”!

Xuyên tạc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và nghĩa cử cứu Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng

Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là tới kỷ niệm lần thứ 40 ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cũng là ngày quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đập tan chế độ diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary (7-1-1979 – 7-1-2019).

Vậy mà thời gian gần đây vẫn có một số người nhìn nhận sự việc một cách méo mó, hời hợt rằng: “Ta đã thắng Mỹ rồi, đối với bọn Pol Pot thì đáng gì phải tốn công sức, tiền của như vậy. Cứ đánh cho nó bại trận, rút về bên kia biên giới là xong. Cùng lắm là truy kích tới Phnom Penh, bàn giao cho lực lượng cách mạng chân chính của bạn rồi rút quân về nước ngay. Đồn trú thêm mấy năm làm gì để mang tiếng là xâm lược”. Để đả phá quan điểm tư tưởng tự diễn biến này, xin lược ghi điểm lại một số diễn biến tình hình như sau:

- Bị các thế lực thù địch, phản động nước ngoài kích động, từ những năm đầu thập niên 70 (1970 - 1975) quân Pol Pot đã tiến hành một số vụ tấn công, bắt cóc, giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia.

Bộ đội Việt Nam giải thoát người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Nguồn: Báo Cựu chiến binh.

- Tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pol Pot đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Ta đang vui mừng chiến thắng 30 tháng 4 thì Pol Pot xua quân xâm lược một số đảo của Việt Nam như Phú Quốc (ngày 30-5-1975), đảo Thổ Chu (ngày 10-5-1975), bắt và giết hơn 500 dân thường trên đảo Thổ Chu. Trên đất liền, chúng xua quân xâm chiếm dọc tuyến biên giới từ Kon Tum tới biên giới Tây Nam tàn sát hàng vạn dân lành, đốt phá nhà cửa, buôn làng; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, tuyên truyền phá hoại tư tưởng nhằm gây chia rẽ tình đoàn kết lâu đời giữa hai nước; vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; coi Việt Nam là “kẻ thù số 1”, “kẻ thù truyền kiếp”.

Pol Pot tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn chiến lược sống còn, không thể điều hòa được, không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”.

Để đẩy mạnh hoạt động xâm lấn biên giới Việt Nam và đàn áp nhân dân Campuchia, tập đoàn phản động Pol Pot đã tăng cường lực lượng quân sự, từ 7 sư đoàn lên 12 sư đoàn quân chính quy, cùng hàng vạn địa phương quân, đưa gần một phần hai lực lượng chính quy cùng với hàng trăm xe tăng, pháo binh áp sát biên giới Việt Nam.

- Cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam với quy mô lớn của tập đoàn phản động Pol Pot trên toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang diễn ra vào đêm 30/4/1977, vừa tròn 2 năm sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.

- Trên đất nước Campuchia, tập đoàn phản động  Pol Pot - Ieng Sary, thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, tra tấn hành hạ dã man, giết dân của chúng bằng rìu, bằng búa hơn cả thời trung cổ. Chỉ trong hơn 3 năm, từ tháng 4-1975 tới cuối năm 1978, chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đã giết gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội với đủ thành phần xã hội. Biết bao nhiêu hố chôn người tập thể. Xương người, đầu lâu người ngổn ngang trên nhiều “cánh đồng ma”.

Chưa hết, bọn diệt chủng đã thực hiện chính sách ngu dân - nhà chùa, trường học biến thành nhà tù. Trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, thầy thuốc, nhà giáo... bị đàn áp, giết hại vô cớ. Mọi cơ sở xã hội bị xóa bỏ - xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ tiền tệ... biến Campuchia thành đất nước đứng trên bờ vực của thảm họa diệt vong.

- Dẫu biết dã tâm của tập đoàn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đối với Việt Nam là vậy, song Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì chính sách hòa bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia dân chủ. Thiện chí vậy mà tình hình biên giới Tây Nam chẳng hề thuyên giảm.

- Ngày 3-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập (bao gồm những người Campuchia yêu nước, chống chế độ diệt chủng Pol Pot).

- Đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận mở cuộc tổng tấn công phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân Pol Pot ở vòng ngoài. Ngày 6-1-1979 tấn công thủ đô Phnom Penh và ngày hôm sau (7-1-1979) giải phóng Phnom Penh, đồng nghĩa với tập đoàn phản động diệt chủng  Pol Pot - Ieng Sary bị sụp đổ hoàn toàn.

- Sở dĩ, sau chiến thắng, quân tình nguyện Việt Nam còn trụ lại ở Campuchia là do yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, để giúp bạn củng cố chính quyền cách mạng non trẻ từ trung ương tới địa phương, đề phòng đòn phục thù của tàn quân Pol Pot. Khi bạn đã đủ sức đảm bảo an ninh, trật tự đất nước, quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đã rút toàn bộ về nước trong nước mắt đầy vơi lưu luyến của nhân dân Campuchia dành cho những người bạn ân tình với tên gọi Việt Nam.

Chừng đó thôi, ngẫm đã đủ để gọi là đôi lời đàm luận với những ai còn lăn tăn về sự kiện trên.

Thái Dương
.
.