Hệ lụy từ cuộc “cách mạng hoa nhài”

Thứ Tư, 23/02/2011, 22:25
Không chỉ người dân Ai Cập vui mừng trước việc Tổng thống Mubarak ra đi. Dư luận Tunisia cũng rất vui sướng đón nhận tin này. Báo chí Tunisia nhận thấy là cuộc “cách mạng hoa nhài” đã đâm chồi nảy lộc. Một số tờ báo còn nêu lên câu hỏi: Sau Ai Cập, sẽ đến những quốc gia nào? Và đằng sau cơn sóng gió vừa tràn qua Ai Cập, lại lừng lững bóng dáng của người Mỹ.

Đừng xem thường cách mạng đường phố!

Tại Yemen, chính quyền nước này tuyên bố "tôn trọng nguyện vọng của người dân Ai Cập và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của quân đội nước này để đáp lại khát vọng tự do, dân chủ và an ninh của dân chúng một đất nước anh em" với Yemen. Trong khi đó, từ tối hôm 11/2 và cho đến sáng 12/2, trên đường phố Sanaa, hàng nghìn thanh niên Yemen đòi Tổng thống Ali Abdallah Saleh noi gương ông Hosni Mubarak, rút lui khỏi chính quyền. Ngày 13/2 vừa qua, hàng chục nghìn người thuộc phe đối lập đã xuống đường đòi Tổng thống Yemen từ chức sau 32 năm liên tục cầm quyền.

Còn tại Algeria, nơi mà một số các nhà phân tích lo ngại hiệu ứng domino của Tunisia và Ai Cập lan tới: bất chấp lệnh cấm tụ tập, vào hôm 12/2 có khoảng 2.000 người biểu tình trên đường phố Alger đòi "thay đổi chế độ". Để phòng ngừa hiểm họa làn sóng dân chủ Ai Cập lan tới Algeria, chính quyền đã huy động 3.000 nhân viên cảnh sát theo dõi chặt chẽ đoàn người tuần hành tại thủ đô Alger vào trưa 12/2. Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành trong ngày 12/2 đã được dự trù từ ngày 21/1 sau vụ xung đột đẫm máu giữa người biểu tình với cảnh sát làm 5 người chết và 800 người bị thương.

Nhìn từ Iran, chính quyền Tehran chào mừng cuộc cách mạng Ai Cập thành công, và coi ngày 11/2 là ngày đánh dấu sự thất bại của Mỹ tại Trung Đông. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 11/2 tiên đoán phong trào nổi dậy của người Ai Cập báo trước việc một "Trung Đông mới" sẽ sớm được hình thành và tại đó sẽ không có chỗ cho Mỹ và Israel.

Trong diễn văn nhân lễ kỷ niệm lần thứ 32 Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 11/2, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng, người dân trên toàn thế giới sẽ sớm thấy một thế giới không còn chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cũng như không có sự thống trị và áp bức. Về những diễn biến gần đây tại Ai Cập, ông Ahmadinejad kêu gọi người dân Ai Cập đoàn kết và cảnh giác với ý đồ của chính quyền Mỹ, đồng thời khẳng định Tehran ủng hộ quyền lựa chọn của người dân Ai Cập. Tổng thống Ahmadinejad kêu gọi chính quyền Mỹ không nên can thiệp vào khu vực Trung Đông, bao gồm cả những diễn biến gần đây tại Tunisia và Ai Cập.

Cuối cùng nhìn từ Israel, Tel-Aviv thận trọng trước tình hình Ai Cập. Theo giới phân tích, sự sụp đổ của chính quyền Mubarak đang đẩy Israel vào một tình thế đầy bất trắc. Israel lo ngại quyền lực tại Cairo rơi vào tay tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo thân cận với phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas của người Palestine, biến Ai Cập thành một quốc gia thù nghịch, tương tự như kịch bản đã từng xảy ra 32 năm trước đây với cuộc cách mạng Hồi giáo Iran.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Erdogan đã bày tỏ quan điểm rất gần với Mỹ khi ông kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng "tổ chức bầu cử tự do và công bằng" và chuyển giao quyền lực lại cho một chính quyền do người dân bầu lên. Cách đây 10 ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lãnh đạo đầu tiên tại khu vực đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mubarak lắng nghe nguyện vọng của người dân.

Giới phân tích nhấn mạnh: Sau khi thảo luận qua với Nhà Trắng, ông Erdogan là một trong những lãnh đạo hiếm hoi tại khu vực Địa Trung Hải đã mạnh dạn lên tiếng ủng hộ đòi hỏi tự do và dân chủ của người dân Ai Cập. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglue hoan nghênh thái độ của quân đội Ai Cập trong những ngày vừa qua. Đồng thời, chính quyền Ankara hy vọng các cuộc cách mạng tại Tunisia cũng như Ai Cập sẽ đem lại dân chủ và tự do nhưng tránh gây bất ổn định cho khu vực.

Biến cố diễn ra tại Ai Cập là một cuộc cách mạng theo lối mới, của thế kỷ XXI và do giới trẻ phát động. Chàng thanh niên Wael Ghonim được coi như một anh hùng vì đã dùng hệ thống Internet của Google, mà anh ta là đại diện thương mại trong vùng, để giúp các thanh niên liên lạc với nhau bằng Twitter, sau khi chính quyền tìm cách ngăn không cho những người biểu tình sử dụng. Các cuộc biểu tình đã được huy động, tổ chức và phối hợp bằng xa lộ thông tin điện tử; cũng giống như những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Tunisia trước đó. Năm 2009, thanh niên Iran đã dùng Facebook, Twitter để tổ chức biểu tình chống chính phủ. Theo giới quan sát, thanh niên sống trong các nước độc tài sẽ còn tiếp tục dùng các kỹ thuật thông tin này để tổ chức xuống đường trong thời gian sắp tới.

Ảnh hưởng lớn nhất của cuộc cách mạng tại Ai Cập sẽ thấy tại thế giới Arập và Hồi giáo. Vùng này có những quốc gia vừa giàu có, vừa độc tài, tham nhũng và bất công. Nhờ những đồng đôla do dầu lửa mang lại, họ có thể "hối lộ" dân chúng bằng những chính sách trợ cấp rất rộng lượng. Đổi lại, người dân không được hưởng những quyền tự do căn bản, không được phát biểu ý kiến tự do.

Sau biến cố ở Tunisia và Ai Cập, một làn sóng cách mạng đã bắt đầu, sẽ lan tràn qua khắp các quốc gia Arập và Hồi giáo trong mấy năm tới. Hiện tượng dây chuyền này có thể giống như những cuộc cách mạng màu tại một số nước SNG thuộc Liên Xô cũ.

Nhiều tiểu vương quốc trong vùng đã thay đổi thể chế chính trị từ mấy năm nay để giảm bớt sự bất mãn của người dân. Kuwait là nước Arập đã cải tổ chính trị sớm nhất; trong Quốc hội đã có nhiều dân biểu đối lập. Với ngân sách lớn nhờ tiền bán dầu lửa, để kỷ niệm 50 năm độc lập, trong tháng này chính quyền đã phát cho mỗi người dân một số phiếu mua thực phẩm trị giá 3.600USD. Nhưng một nhóm thanh niên Kuwait đã dùng Twitter kêu gọi nhân dân nổi dậy đòi thêm các quyền tự do khác. Nhóm này đã mời mọi người đi biểu tình trước trụ sở Quốc hội; nhưng họ hoãn lại tới một ngày trong tháng 3, sau khi ông Bộ trưởng Nội vụ đã bị sa thải để an lòng dân.

Cảnh sát Algeria xô xát với người biểu tình ở Algiers, ngày 12/2.

Tại Bahrain, cải tổ chính trị đã bắt đầu từ năm 2002, với một bản Hiến pháp mới cho phép đảng đối lập được hoạt động và phụ nữ lần đầu tiên được đi bầu và được ứng cử. Nhưng trong tuần qua, nhiều thanh niên đã dùng Facebook và mạng lưới kêu gọi biểu tình vào ngày 14/2/2011 để bày tỏ ý kiến công khai chống những chính sách của nhà nước.

Giới trẻ thường không tranh đấu vì tham vọng quyền bính. Họ chỉ có những khát vọng sống tự do dân chủ. Họ sẽ không nhất thiết lo ra tranh cử và lên nắm quyền hành pháp hay lập pháp. Họ đòi hỏi  những quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tranh cử, bầu cử, tín ngưỡng... phải được tôn trọng triệt để.

Theo kinh tế gia Lahcen Achy thuộc Trung tâm nghiên cứu Carnegie khu vực Trung Đông, nếu domino Ai Cập sụp đổ thì không ai có thể chặn đứng hệ quả lây lan. Vấn đề là các chính quyền khác trong vùng có khả năng thích nghi đến đâu để cải cách kịp thời trước khi dân chúng nổi dậy.

Vai trò của Mỹ

Từ 30 năm nay, Mỹ viện trợ trung bình 2 tỉ USD/năm cho Ai Cập để bảo vệ trật tự Mỹ tại Trung Đông. Xuất thân là một sĩ quan không quân ưu tú, Mubarak đã cùng Anwar Sadate đưa Ai Cập giảng hòa với Israel đồng thời ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, muốn cai trị quốc gia bằng giáo luật Shariah. Thành tích không nhỏ của một lãnh đạo có bản lĩnh trong một khu vực có nhiều sóng gió. Nhưng khi luống tuổi, ông không chịu chuyển quyền cho êm ả và sự bất mãn của dân chúng không chỉ đe dọa chế độ mà đe dọa cả quốc gia, nằm giữa thùng thuốc súng và kho dầu Trung Đông.

Giữa cơn khủng hoảng từ ngày 24 đến 28/1/2010, giới chức Mỹ cũng có dịp tiếp xúc với Tham mưu trưởng quân đội Ai Cập đến Mỹ tham dự một hội nghị về quân sự. Tức là những ai quyết định về chính sách của Mỹ đã phải biết rõ tình hình tại chỗ ra sao, và Mỹ có những giải pháp gì để đạt mục tiêu lý tưởng là dân chủ hóa Ai Cập trong thế giới Arập Hồi giáo và mục tiêu thực tiễn là giữ Ai Cập trong khối thân Mỹ nhằm gìn giữ ổn định tại Trung Đông.

Nếu quả như vậy thì sau khi cho bài binh bố trận, ông Obama chỉ cần nói đi nói lại cho dân Mỹ và thế giới - kể cả thế giới Hồi giáo trong đó có Ai Cập, hai chuyện: một là hàng ngày và hàng giờ lãnh đạo Mỹ quan tâm theo dõi việc này, hai là muốn dân Ai Cập và mọi dân tộc khác phải có quyền quyết định về đời sống của họ. Rồi sau đó cứ khoanh tay quan sát sự vận hành của các thế lực trong cuộc, tại Ai Cập và các quốc gia khác. Quan sát nhằm kịp thời tác động nếu sự vận hành xoay ra khỏi những kịch bản hay kế hoạch của Mỹ.

Các cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh tại thủ đô Sanaa của Yemen đã bước sang ngày thứ ba.

Điều kỳ lạ là Tổng thống Mỹ lại cuống cuồng nhảy từ vị trí của người quyết định về chính sách qua vị trí của người tạo ra dư luận. Ông lên truyền hình đòi Tổng thống Mubarak phải ra đi, ngay lập tức! Phát ngôn viên của ông còn châm thêm rằng, Quốc hội Ai Cập phải có đại diện của các xu hướng thần quyền - mà ai cũng hiểu là MB - Tổ chức huynh đệ Hồi giáo.

Tác dụng của lời tuyên bố chỉ gây khó khăn cho tiến trình chuyển hóa quyền lực và cản trở hai mục tiêu mâu thuẫn của Mỹ: mục tiêu lý tưởng là nền dân chủ và quyền tự do đầu phiếu của dân Ai Cập; mục tiêu thực tiễn là giữ cho xứ này khỏi trôi vào quỹ đạo của Hồi giáo cực đoan.

Thay vì để cho các phù thủy ngầm thi thố pháp thuật, Tổng thống Mỹ lại lộn vai lộn vở, trở thành khuôn mặt lãnh đạo biểu tình cho Ai Cập! Quả nhiên là mâu thuẫn trong nội các dần dần được lộ ra ngoài, qua phản ứng của Ngoại trưởng Hillary Clinton từ Munchen tại Đức, và lời phát biểu của Đặc sứ Frank Wisner vừa được gửi qua Ai Cập tuần trước: không thể đòi Mubarak đi ngay lập tức vì ông ta vẫn còn vai trò quan trọng!

Thực tế thì Ai Cập có quân đội được lòng dân, có các tướng lĩnh đang xoay trở - mà không đảo chính - để Tổng thống ra đi trong trật tự. Nhưng hạt mầm dân chủ có thể mọc hay không lại do người trồng, là các chính đảng. Ngoài đảng đối lập mạnh nhất là MB và đảng cầm quyền NDP đang bị phân hóa - lãnh đạo vừa từ chức - Ai Cập còn 5 chính đảng khác...

Được ngọn sóng dân chủ đưa lên, lãnh đạo các chính đảng này vẫn tập trung vào mục tiêu đánh đuổi Mubarak mà chưa thống nhất về những gì sẽ thực hiện và thực hiện ra sao. Họ chưa thống nhất ngay trong ngắn hạn khi đối thoại về thủ tục giao thời với Phó tổng thống Suleiman. Và sau đối thoại đến khi tranh đấu thật thì nhiều phần họ sẽ kèn cựa giành ghế của nhau.

Trong làn sóng hỗn loạn, tính chất tài tử của các đảng đối lập là một yếu điểm khiến Ai Cập có thể lâm thế kẹt. Một là lâm vào hỗn loạn khiến quân đội sẽ thực sự cầm quyền và... xây dựng nền móng cho một chế độ quân phiệt sau này. Hai là lực lượng chống Mỹ có tổ chức nhất - với nhiều phương tiện chưa ai thấy rõ - là MB, sẽ đánh tỉa và chiếm đa số.

Nhưng sau đó có khi MB lại vỡ đôi, giữa xu hướng Hồi giáo xã hội và xu hướng cực đoan bảo thủ, tác giả của nhiều vụ bạo động trong quá khứ. Vì vậy, tương lai Ai Cập không chỉ tùy vào cách ứng xử khéo léo hay không của Mỹ mà còn nằm trong tay các lãnh đạo chính trị, quân và dân sự. Nếu cứ tưởng rằng khẩu hiệu dân chủ sẽ tạo ra phép lạ, có khi họ chỉ là những kẻ lót đường cho quỷ dữ. Và nếu cứ tin rằng mình được Mỹ yểm trợ, họ sẽ mất lòng dân và không thể lãnh đạo được nữa, cho đến ngày lãnh đạo Mỹ đổi ý...

Dân chủ là loại cây khó mọc, và không thể mọc nếu sống nhờ phân bón phức hợp mang nhãn hiệu "Mỹ viện trợ". Phức hợp vì nay nói thế này, mai đòi thế khác

N.Bảo - Q.Hùng (tổng hợp)
.
.