Hệ thống tên lửa tầm trung, đằng sau những tính toán

Thứ Năm, 17/10/2019, 11:00
Với việc rút khỏi INF, Mỹ hiện "tự do đối đầu" với Trung Quốc - quốc gia sở hữu kho vũ khí với nhiều loại bị cấm dưới Hiệp ước INF nhưng không phải là một bên ký kết hiệp ước này.

Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Theo Karl Bernd Esser, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử đương đại của Viện Nghiên cứu Munich, Đức, lý do cốt yếu của việc Mỹ chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là nhằm vào Trung Quốc. Mỹ cho rằng, trong khi Mỹ và Nga thực hiện INF thì Trung Quốc lại đang phát triển hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung một cách không kiểm soát trong nhiều năm qua.

Không chỉ Mỹ mà cả Nga cũng hết sức lo ngại về sự phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhất là việc triển khai các tên lửa hành trình với hệ thống dẫn đường chính xác đến 5m. Tên lửa tầm trung (SLCM) được bắn từ tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc tại cảng Piraeus (Hy Lạp) có thể chạm tới tất cả các thành phố của châu Âu. Nếu bắn tới Berlin thì Thủ tướng Angela Merkel chỉ có thể được cảnh báo trước vài phút.

Tàu ngầm lớp Tấn là tên định danh của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho các tàu ngầm chiến lược (SSBN) 3-5 lớp Type 094 của hải quân Trung Quốc. Những tàu này có chiều dài 140 m và trọng lượng 12.000 tấn, mang tới 12 tên lửa đạn đạo Ngưu Lang 2, mỗi tên lửa có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân nhắm đến các mục tiêu độc lập (MIRV).

Những cố gắng của chính quyền Mỹ trong việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung sẽ đẩy nhanh tốc độ leo thang căng thẳng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc nhanh chóng chấm dứt INF là để Mỹ có cơ hội chính thức thúc đẩy việc triển khai hệ thống tên lửa này.

Ngày 6-8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Canberra, Australia, để đàm phán về việc triển khai hệ thống tại nước này. Dự kiến, đến hết năm 2019, Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung.

Theo thông tin của Cơ quan đối ngoại Đức, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành phát triển tên lửa tầm trung mới từ tháng 10-2018, với các nhà thầu chính là các công ty Raytheon, Lockheed Martin, Boeing của Mỹ, BEA System của Anh và Thales của Pháp. Ngoài Australia, Mỹ cũng đang thảo luận với Nhật Bản về việc đặt hệ thống tên lửa tầm trung mới ở đây.

Tướng Mark A. Milley, người kế nhiệm tướng F. Dunford làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã khẳng định với Ủy ban Trang bị vũ khí của Thượng viện Mỹ rằng Trung Quốc là thách thức chính đối với an ninh của Mỹ trong 50-100 năm tới và việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung là một trong những bước đi của Mỹ trong lĩnh vực quân sự để ngăn chặn ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) cùng vợ ông được đón tại sân bay Sydney của Australia, ngày 3-8.

Không thể thiếu những đồng minh

Về phía châu Âu, NATO cũng đang xem xét kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung mới ở Romania và Ba Lan. Cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng các nước NATO vào tháng 10 và Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 12 tới sẽ đưa ra quyết định cụ thể về kế hoạch này.

NATO cũng đã có những hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ Mỹ thực hiện chiến lược tại khu vực. Trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ thăm và làm việc tại Australia từ ngày 3 đến 5 tháng 8, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng có mặt và cùng tham gia làm việc. Sau đó, ông Stoltenberg tiếp tục ở lại Canberra từ ngày 6 đến 8 tháng 8 để hội đàm với Chính phủ Australia bàn về việc mở rộng hợp tác giữa NATO với Australia.

Theo Stoltenberg, mục đích đặc biệt của sự hợp tác này là nhằm khẳng định vị thế của NATO sau cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga nhưng mục tiêu xa hơn là Trung Quốc.

Đức là nước đứng đầu trong việc hỗ trợ mở rộng hợp tác giữa NATO và Australia trong một vài năm trở lại đây cũng như tăng cường hợp tác quân sự song phương Đức-Australia. Ngày 28-1-2013, Australia và Đức đã ký một bản ghi nhớ về quan hệ đối tác chiến lược bao gồm nội dung đối thoại chiến lược về chính trị và hợp tác quốc phòng.

Theo lời cựu Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, mục đích của Đức là xây dựng quan hệ với Australia như là bàn đạp chiến lược cho Đức và NATO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chính quyền Tổng thống Trump đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc rút Mỹ khỏi INF và triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ nhiều tháng nay để triển khai thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” nhằm ngăn chặn Trung Quốc về quân sự và chính trị.

Những động thái này cho thấy Mỹ đang thuyết phục Australia để họ đặt hệ thống tên lửa mà Mỹ và NATO đã chuẩn bị từ trước ở nước này trong năm 2019. Điều này có khả năng sẽ thành hiện thực vì Australia đáp ứng được các tiêu chí về quân sự và chính trị của Mỹ và NATO.

NATO đang có điều chỉnh lớn về chiến lược do ưu tiên số một về đối tượng tác chiến của khối này đã thay đổi khi Mỹ chuyển trọng tâm thực sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc NATO thay đổi nhiệm vụ cốt lõi, kết nạp các thành viên mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng chức năng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động sang châu Á-Thái Bình Dương cùng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ sẽ làm thay đổi cơ bản và sâu sắc tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc thế giới quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, căng thẳng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ đối đầu toàn diện ở khu vực này là có cơ sở. Khi đó, việc hình thành hai chiến tuyến sẽ tác động sâu sắc đến các nước trong khu vực; việc cạnh tranh, lôi kéo và tập hợp lực lượng sẽ diễn ra gay gắt và khốc liệt hơn, tác động mạnh mẽ đến sự ổn định chính trị và an ninh của từng nước.

Hiện nay, tại Đức đã có nhiều tranh luận về việc Mỹ sẽ rút quân ở Đức (và sau đó có thể là châu Âu). Đây là động thái cho thấy khá rõ việc Mỹ sẽ bố trí và cấu trúc lại lực lượng để phục vụ những mục tiêu đã thay đổi, trong đó có mục tiêu phục vụ chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.