Hiểm họa IS ngày càng tăng ở Đông Nam Á

Thứ Năm, 11/08/2016, 10:15
Chỉ một vài vụ việc đơn lẻ chưa đủ để khẳng định IS đã thật sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á như chúng đang hoành hành ở Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Nhưng, từng ấy vụ cũng đã đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo hiểm họa IS đã bắt đầu ló dạng trong khu vực. Vấn đề chỉ là thời gian.

Có thể xem vụ việc mới nhất xảy ra tại Indonesia và Singapore là một dấu hiệu lớn dần của hiểm họa IS ở Đông Nam Á. Báo chí khu vực vừa cảnh báo, ngày 5-8, cơ quan an ninh của Indonesia đã ngăn chặn thành công một âm mưu tấn công khủng bố bằng tên lửa nhắm vào Vịnh Marina của Singapore.

Cảnh sát Batam, Indonesia, bố ráp nơi trú ẩn của các phần tử âm mưu tấn công tên lửa sang Vịnh Marina, Singapore.

6 nghi can khủng bố đã bị bắt giữ, có độ tuổi từ 19 đến 46, gồm Gigih Rahmat Dewa (31 tuổi), Trio Syafrido (46 tuổi), một nhân viên ngân hàng, cùng 4 công nhân nhà máy là Eka Saputra (35 tuổi), Tarmidzi (21 tuổi), Hadi Gusti Yanda (20 tuổi), và M Tegar Sucianto (19 tuổi). Cả 6 nghi can này đều thuộc một nhóm khủng bố nhỏ có tên gọi là KGR@Katibah GR, trong đó Rahmat Dewa được xem là thủ lĩnh và là kẻ chủ mưu cuộc tấn công hụt.

Ngoài ra, cảnh sát Indonesia cũng cho biết nhóm này còn thu nạp 2 người Duy Ngô Nhĩ đến từ Trung Quốc, tham gia nhóm để hoạt động khủng bố và có khả năng trở về Trung Quốc gây án. Boy Rafli Amar, phát ngôn viên Cảnh sát quốc gia Indonesia cho báo chí biết, cảnh sát đã phát hiện bản kế hoạch tấn công của nhóm này, nhưng kế hoạch đã không thành hiện thực do cảnh sát phát hiện kịp thời.

Phát ngôn viên Boy Rafli cho biết cảnh sát vẫn chưa xác định được động cơ của âm mưu tấn công tên lửa sang Vịnh Marina của nhóm KGR@Katibah GR hoặc khi nào thì nhóm này thực hiện vụ tấn công vì cảnh sát vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho hoạt động chuẩn bị tấn công. Các nghi can hiện vẫn đang bị tạm giam tại nhà giam của đơn vị chống khủng bố Densus 88. Về phía Singapore, sau khi nắm được thông tin về âm mưu khủng bố, Bộ Nội vụ đảo quốc sư tử đã tăng cường các biện pháp an ninh trong đất liền và dọc biên giới quốc gia nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ khủng bố.

Theo báo chí Indonesia, kế hoạch tấn công tên lửa từ Batam sang vịnh Marina của nhóm KGR@Katibah GR đã được ấp ủ từ vài tháng qua, với sự giúp đỡ của Bahrun Naim - được an ninh Indonesia xem là một chiến binh của IS tại đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, từng tham gia chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Syria trở về. Còn Gigih Rahmat bị nghi đã nhận tiền tài trợ từ Bahrun Naim và chuyển số tiền đó cho các hoạt động của nhóm.

Hiện trường vụ tấn công lựu đạn tại quán bar ở Malaysia tháng 6-2016.

Âm mưu tấn công tên lửa tại Singapore là vụ mới nhất trong loạt vụ việc đơn lẻ gần đây do các phần tử liên quan đến IS ở Đông Nam Á gây ra. Dư luận vẫn còn nhớ trong loạt vụ tấn công khủng bố bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq của IS cuối tháng tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, có một vụ ở Đông Nam Á.

Đó là vụ tấn công bằng lựu đạn tại một quán bar ban đêm ở gần Kuala Lumpur, Malaysia, không làm ai bị thương, nhưng đó là vụ đầu tiên IS thực hiện thành công trên đất Malaysia, nơi được xem là “cấm địa” đối với các phần tử liên quan đến IS. Vụ tấn công được thực hiện theo lệnh của Muhammad Wamdy Mohamed, một chiến binh Malaysia từng tham gia chiến đấu cùng IS ở Syria. IS đã nhanh chóng hoan nghênh vụ tấn công này. Vụ việc nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ tấn công tại trung tâm Jakarta làm chết 8 người xảy ra hồi tháng 1-2016. Bahrun Naim bị tình nghi tham gia chủ mưu, là người đã vạch kế hoạch chi tiết cho vụ tấn công.

Sau các vụ tấn công xảy ra ở Jakarta và Malaysia, các chuyên gia an ninh khu vực và trên thế giới bắt đầu lo lắng điều khó tránh khỏi là tư tưởng cực đoan của IS đã bắt đầu lan sang Đông Nam Á và sẽ trở thành mối họa lớn trong khu vực.

Theo giới chuyên gia, hiểm họa IS bắt đầu xuất hiện tại Đông Nam Á và lớn dần khi người ta nhìn thấy hình ảnh các tay súng người Đông Nam Á chiến đấu dưới lá cờ màu đen của IS cách đây 2 năm. Vùng đất Đông Nam Á đang được đánh giá là vùng đất “màu mỡ” còn giàu tiềm năng cho IS khai thác.

Vì nhiều lý do, các tay súng đi theo IS từ vùng đất này dễ dàng được tuyển mộ và đưa sang Iraq hoặc Syria. Kẻ được xem là đầu tàu trong việc tuyển mộ chiến binh từ Đông Nam Á đưa sang Syria là Bahrun Naim. Hồ sơ cảnh sát Indonesia cho biết, Bahrun Naim xuất thân từ Pekalongan ở Trung Jakarta, từng là một kỹ thuật viên công nghệ thông tin và làm chủ một tiệm cà phê Internet ở Surakarta. Tháng 11-2010, y từng bị đơn vị tinh nhuệ chống khủng bố Densus 88 bắt giữ. Densus 88 đã tịch thu hàng trăm viên đạn tại nhà của y.

Năm 2011, y bị tuyên án hai năm rưỡi tù giam vì tàng trữ đạn dược. Đến năm 2013, sau khi được ra tù, Bahrun Naim tập hợp các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Indonesia và Malaysia vào nhóm Katibah Nusantara đưa sang Syria để cùng y tham gia chiến đấu dưới lá cờ của IS. Đây là nhóm chiến binh Đông Nam Á chiến đấu rất tích cực cùng IS ở Syria.

Cũng giống như các châu lục khác trên thế giới, các chiến binh Đông Nam Á tham gia cùng IS ở Syria sau khi trở về nước sẽ trở thành những thủ lĩnh tại chỗ để trực tiếp hoặc chỉ thị cho các nhóm cực đoan ở địa phương thực hiện các hành động khủng bố. Vài nơi trong khu vực Đông Nam Á trở thành những địa bàn trú ngụ của bọn khủng bố IS. Giới chuyên gia chỉ rõ, do đặc điểm nhiều hòn đảo rải rác khắp khu vực, các quốc gia có đông dân Hồi giáo ở Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia rất khó kiểm soát hoạt động của các phần tử cực đoan.

Muhammad Bahrun Naim, kẻ được cho là đã hỗ trợ và chỉ đạo nhóm KGR@Katibah GR lập kế hoạch tấn công tên lửa.

Chẳng hạn, chuỗi đảo Sulu, nơi tập hoạt động của bọn khủng bố cực đoan Đông Nam Á, là một phần trong vùng bộ lạc phức tạp, bao gồm cả lãnh thổ miền Đông bang Sabah của Malaysia và đảo Sulawesi của Indonesia, cách biệt nhau bởi các vùng biển Sulu và Celebes. Đặc điểm địa lý này tạo thuận lợi lớn cho các phần tử cực đoan dễ dàng di chuyển và thực hiện các hoạt động khủng bố của mình. Để đối phó với vấn đề này, cơ quan an ninh các nước liên quan như Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore đã thường xuyên hợp tác chia sẻ thông tin nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị tấn công.

Ở một địa bàn phức tạp khác trong khu vực, Philippines lâu nay cũng được xem là nơi có nhiều nguy cơ bị tấn công khủng bố liên quan đến IS, do nhóm Abu Sayyaf thực hiện. Ngay sau vụ tấn công tại Jakarta do phần tử IS thực hiện trung tuần tháng 1-2016, Abu Sayyaf đã lên tiếng “liên minh với IS” để khoa trương thanh thế. Dù chỉ được xem là một nhóm tội phạm ô hợp, chuyên bắt cóc tống tiền hơn là khủng bố đích thực, nhưng những hành động gần đây của Abu Sayyaf sau khi tuyên bố đi theo IS đã khiến cho giới chức an ninh Philippines và cả khu vực lo lắng.

Sau nhiều năm trấn áp, tìm mọi cách dập tắt, kể cả biện pháp thương lượng để giải tán, Abu Sayyaf vẫn tồn tại, không hề yếu đi mà thậm chí còn mạnh hơn. Sau vụ hành quyết các con tin người Canada vào trung tuần tháng 6-2016, Abu Sayyaf đã làm cho Đông Nam Á chấn động, và hồi chuông báo động về nguy cơ IS hóa toàn khu vực lại được gióng lên mạnh hơn.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.