Hiệp định TPP còn ải cuối
- Nên hành xử thế nào với TPP?1
- Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp
- Việt Nam được lợi gì khi tham gia TPP?
- TPP và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam
- Hiệp định TPP hay Con đường tơ lụa kiểu mới?
- TPP không phải là quà tặng của người hảo tâm
- Vì sao Trung Quốc đứng ngoài hiệp định TPP?
Mọi sự chú ý về TPP hiện tập trung vào nước Mỹ, đầu tàu khởi xướng hiệp định thương mại này. Hiện giờ đã có sự chống đối đáng kể từ một số các thượng nghị sĩ có ảnh hưởng ở Mỹ, trong đó có cả những người trong đảng Dân chủ của Tổng thống Obama.
Ngày 5/10, bộ trưởng của 12 quốc gia trong vành đai Thái Bình Dương đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với giới chức chuyên môn, công việc còn lại chỉ là chuẩn bị chi tiết kỹ thuật, pháp chế và phiên dịch để có một văn kiện thống nhất cho các nước duyệt xét và phê chuẩn theo pháp chế riêng của từng nước. Và đây mới là ải cuối quan trọng để TPP chính thức đi vào hiện thực.
Trước khi bản hiệp định được công bố chi tiết và trình quốc hội các nước phê chuẩn, giờ là lúc các chính trị gia, các nhóm lợi ích và công chúng tại 12 nước tham gia TPP phân tích các chi tiết của hiệp định. Một số sẽ thấy những điều khoản mà họ không hài lòng. Và điều đó sẽ gia tăng áp lực lên các nhà lập pháp, khi họ cân nhắc việc thông qua hiệp định này.
Đây không phải là lần đầu bà Clinton "quay mặt" với Tổng thống Obama. |
Trước khi nói đến tiến trình phê chuẩn tại Mỹ, hãy điểm qua 11 nước thành viên còn lại của TPP. Số phận của TPP ở Canada có thể sẽ phải phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử liên bang vào ngày 19/10. Ngoài ra, còn có sự chống đối lớn đối với TPP ở Australia và New Zealand, mặc dù có nhiều khả năng hiệp định này sẽ được Quốc hội của cả hai nước thông qua.
Đảng Lao động New Zealand, hiện không thuộc thành phần của chính phủ, cũng bất mãn về một điều khoản của TPP cấm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đất đai và nhà ở. Và Chile cũng là một nước khác mà TPP sẽ vấp phải sự chống đối lớn tại Quốc hội, vì những quan ngại về thuốc men với giá cả phải chăng.
Hiện cũng chưa rõ liệu TPP có được thông qua tại Nhật Bản hay không. Tuy nhiên, lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét hiệp định, và chính phủ đang cân nhắc tổ chức thêm một phiên thảo luận vào đầu năm tới. Những quyết định đáng kể của Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến một số nhóm nông gia chống đối việc thông qua thỏa thuận.
Tại Malaysia, nhà lập pháp đối lập Charles Santiago đã chỉ trích TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại nguy hiểm nhất khi xét về vấn đề thuốc men với giá cả phải chăng, nhất là tại các nước đang phát triển”. Ông Santiago nói rằng, Chính phủ Malaysia đã cam kết sẽ chỉ hành động sau khi TPP nhận được chấp thuận tại Quốc hội.
Nhưng Chính phủ Malaysia có quyền thông qua hiệp định kể cả khi đa số các nhà lập pháp phản đối TPP. Họ có thể làm điều đó vì trên nguyên tắc, hiến pháp cho phép nội các ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, và họ từng làm như vậy. Nhưng vì áp lực từ xã hội, các liên đoàn lao động, từ các nhóm doanh nghiệp, trong đó có các ngành công nghiệp nhỏ và vừa, nên chính phủ đã nói rằng “Nếu Quốc hội không ủng hộ thỏa thuận này, thì chúng tôi cũng không ủng hộ nó”.
Australia, Brunei, Mexio, Peru, Việt Nam và Singapore cũng là các thành viên của TPP. Tại những nước này, cả chính phủ lẫn các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận thương mại toàn cầu, TPP dự kiến sẽ được chấp thuận.
Như vậy có thể thấy việc thông qua TPP tại quốc hội 11 nước thành viên trừ Mỹ xem ra sẽ không vật vã. Mọi sự chú ý về TPP hiện tập trung vào nước Mỹ, đầu tàu khởi xướng hiệp định thương mại này. Hiện giờ đã có sự chống đối đáng kể từ một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng Mỹ, trong đó có cả những người thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Cựu Ngoại trưởng đồng thời hiện là ứng viên tổng thống, bà Hillary Clinton, là một trong những người phản đối TPP.
Câu chuyện về bà Hillary Clinton và ông Obama đang khiến dư luận các nước thành viên khác của TPP cảm thấy lo ngại. Trả lời phỏng vấn trong chương trình NewsHour của Truyền hình PBS, bà Cinton nói: “Tôi nghĩ rằng hãy còn nhiều điều chưa được giải đáp về hiệp định TPP và do đó hiện nay tôi không tán thành đối với những gì chưa rõ”.
Bà Clinton lên tiếng phản đối hiệp định TPP hôm 8/10. |
Khi còn làm Ngoại trưởng, bà đã hàng chục lần cổ vũ TPP trong những lần xuất hiện bên cạnh Tổng thống Obama. Một lần vào năm 2012, bà đã gọi TPP là “khuôn mẫu vàng về các thỏa hiệp mậu dịch”. Bây giờ trong cuộc phỏng vấn của Truyền hình PBS, bà giải thích: “Hiệp định chưa phù hợp với chuẩn mực như tôi đã muốn liên quan đến việc tạo ra việc làm, tăng lương và bảo vệ an ninh quốc gia”.
Bà nêu lên mối quan tâm về việc Trung Quốc có thể làm giá đồng tiền cũng như những điều khoản trong thỏa hiệp chỉ làm lợi cho các đại công ty dược phẩm và thiệt hại cho giới tiêu thụ.
Các giới chức chính quyền Obama và Ủy ban tranh cử của bà Hillary Clinton đã nhiều lần cho rằng, tới một lúc bà phải khẳng định chính sách riêng của mình và có thể, gián tiếp hay trực tiếp, chỉ trích tổng thống. Họ không coi chuyện này là bất thường và có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, các cố vấn tranh cử của bà Hillary Clinton giải thích rằng sự chỉ trích tổng thống là điều rất tế nhị, vì hầu hết chiến lược tranh cử dựa trên sự thu hút khối cử tri trung thành gồm dân Mỹ gốc Phi, gốc Latinh, phụ nữ và giới trẻ – những người đã hai lần bỏ phiếu cho Tổng thống Obama.
Nhưng bà Hillary Clinton cũng cần phải xác định được vị trí của mình và đánh đổ các chống phá của phía Cộng hòa cho rằng bà chỉ là nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Obama. Hôm 7/10, phát biểu trước cử tri tại Davenport, Iowa, bà Hillary Clinton tuyên bố: “Tôi không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba cho chồng tôi hay Tổng thống Obama. Tôi tranh cử nhiệm kỳ đầu của tôi”.
Tất cả các ứng viên của đảng Dân chủ tranh chức tổng thống hiện nay đều phản đối TPP. Trong khi đó Tổng thống Obama và nhiều nhà lập pháp Cộng hòa tán thành TPP, nói rằng hiệp định này giúp cho kinh tế quốc gia vì sẽ làm gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ.
“Sự bội bạc” của bà Hillary Clinton sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình phê chuẩn TPP trong Quốc hội Mỹ, bởi lẽ Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố “ủng hộ và sẽ giúp TPP được thông qua ở Quốc hội”.
Theo luật, Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện và có vai trò bỏ lá phiếu quyết định khi cuộc biểu quyết không phân thắng bại. Các tổ chức công đoàn đã cảnh cáo ông Biden rằng: “Chúng tôi sẽ không quên việc này nếu ông ứng cử tổng thống”. Phó Tổng thống Biden dự trù sẽ nói chuyện trước đại hội thượng đỉnh của giới lao động tại Nhà Trắng vào tuần tới, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo công đoàn.
Nếu quyết định tranh cử, ông Biden có lẽ là ứng cử viên duy nhất trong đảng Dân chủ ủng hộ TPP. Phó Tổng thống Biden vốn là người được lòng các công đoàn. Hồi tháng trước, khi ông tham gia cuộc diễu hành ngày lễ Lao động cùng với Chủ tịch Tổng Nghiệp đoàn AFL-CIO, ông Richard Trumka, các đoàn viên công đoàn đã hoan hô ông “Run, Joe, Run” (Hãy tranh cử đi ông Joe).
Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Biden đã bỏ phiếu ủng hộ NAFTA (Thỏa hiệp Mậu dịch tự do Bắc Mỹ), mặc dù các nghiệp đoàn chống, nhưng sau đó ông kêu gọi thương lượng lại. Dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, ông chống lại thỏa hiệp mậu dịch với Trung Mỹ, Chile, Singapore và Oman.
Ứng cử viên nào của đảng Dân chủ cũng cần phiếu ủng hộ của các nghiệp đoàn trong cuộc bầu cử sơ bộ. Galen Munroe, một phát ngôn viên của Công đoàn Teamsters, nói rằng, chống TPP có thể được xem như một yếu tố quan trọng để đánh giá ứng cử viên. Cố vấn chiến lược Eric Hauser của AFL-CIO cho là TPP chiếm một phần quan trọng trong dự án lương cao và sẽ được tổ chức này dùng để phán đoán ứng cử viên.
Biểu tình chống TPP tại Mỹ. |
Một số nhà quan sát nhận định rằng việc thông qua, nếu có, ở Mỹ sẽ chỉ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm sau. Deborah Elms, một người phản đối TPP, là Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Á châu tại Singapore, nói: “Tôi nghĩ rằng nếu Mỹ không thể hoặc sẽ không thực thi thỏa thuận này thì các nước khác có thể vẫn quyết định xúc tiến và về cơ bản sẽ ra một phiên bản mới của thỏa thuận này mà không có Mỹ”.
Nếu tất cả các nước tham gia không phê chuẩn TPP trong vòng 2 năm thì 6 quốc gia ký thỏa thuận ban đầu, vốn chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội của khối này, sẽ phải phê chuẩn hiệp định này. Điều đó có nghĩa là việc chấp thuận của Mỹ cùng với Canada hoặc Nhật Bản là điều hết sức quan trọng.
Các vòng đàm phán tiếp theo của TPP dự kiến sẽ thu hút được một số nước khác như Trung Quốc và Thái Lan, nhưng các quốc gia nhiều khả năng tham gia hơn là Colombia, Costa Rica, Hồng Kông, Panama, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan.
TPP phản ánh bức tranh quan hệ quốc tế mới Theo giới phân tích, việc tìm được tiếng nói chung giữa hai quốc gia vốn đã khó, chứ chưa nói đến sự thống nhất giữa 12 quốc gia. TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tiến trình thông qua hiệp định này tại từng quốc gia thành viên được dự báo mất nhiều thời gian và những cuộc tranh cãi chính trị không kém phần nảy lửa này không những cam go mà nó còn phản ánh quan hệ quốc tế mới. TPP ban đầu không phải là “phát minh” của Mỹ. Đó là một hiệp định thương mại nhỏ giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei. Tuy nhiên, khi Mỹ nhận thấy cần phải đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực, chí ít là để trấn an các đồng minh của mình nếu không nói là để tránh bị tụt hậu về thương mại, TPP đã trở thành một cơ hội để Washington đề xướng một sáng kiến khu vực. Người “thai nghén” sáng kiến này không phải là chính quyền của Tổng thống Barack Obama, mà là chính quyền Tổng thống George W. Bush trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, khi Washington không còn toàn tâm toàn ý với Trung Đông nữa và có thể chú trọng trở lại khu vực châu Á. “Xoay trục” là một sự công nhận rằng bức tranh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh cho tới nay, trọng tâm của thế giới không ngừng chuyển dịch, từ châu Âu và Bắc Đại Tây Dương về phía tây, trong đó Thái Bình Dương có tầm quan trọng ngang bằng rồi sau đó vượt Đại Tây Dương xét về thương mại quốc tế, và do đó đặt nước Mỹ vào đúng vị trí trung tâm. Sự nổi lên của Trung Quốc, tiếp nối các con hổ châu Á và Nhật Bản, tương phản mạnh mẽ với tình trạng gần như “giậm chân tại chỗ” của nền kinh tế châu Âu. Địa vị thống trị thế giới mà nước Mỹ giành được sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh bị thách thức. Mặc dù tiềm lực quân sự của Trung Quốc chưa thể sánh được với Mỹ, song nước Mỹ đã nhận thấy không thể lơ là trước những tác động mà lực lượng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc gây ra tại khu vực. TPP - cùng với sự can dự của Mỹ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, khôi phục quan hệ với Myanmar, khuyến khích Nhật Bản “bình thường hóa” (quân đội) và tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam và Philippines - là một phần của chiến lược đối phó với những thay đổi trên bàn cờ chính trị quốc tế. Việc Trung Quốc từ chối gia nhập TPP vô hình trung giúp Mỹ thắt chặt các mối quan hệ thương mại trên toàn khu vực đồng thời thúc đẩy cái gọi là chiến lược xoay trục sang châu Á. Hiện quan chức Trung Quốc đã phát tín hiệu muốn gia nhập hiệp định này trong tương lai. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường được mô tả như một cường quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện đang được đặt trong bối cảnh mới của thế giới, đó là những thị trường toàn cầu được gắn kết với nhau, sự tương tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cựu thù, và những thay đổi trong cách định nghĩa cũng như áp dụng “quyền lực” trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Bảo Trân (tổng hợp) |