Hiệp ước toàn cầu về di cư đang gây chia rẽ

Thứ Tư, 12/12/2018, 13:22
Mặc dù đã được khoảng 150 nước chính thức thông qua ngày 10-12 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Marrakesh, Morocco, song Hiệp ước toàn cầu về di cư, văn kiện quốc tế đầu tiên đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, lại đang gây tranh cãi nảy lửa, thậm chí có nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc trong lòng châu Âu và Mỹ.

Những lợi ích cùng tác động nhiều - ít khác nhau đối với mỗi nước có lẽ là nguyên nhân chính gây bất đồng, thậm chí xáo trộn xã hội.

Hiệp ước toàn cầu về di cư ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2, trong khi đó làn sóng di cư tại Trung Mỹ cũng đang trở nên nghiêm trọng hơn cho thấy mức độ cần thiết phải giải quyết vấn đề này ở các nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cùng nhau đàm phán một thỏa thuận về di cư theo cách toàn diện như vậy. Tổng thống Pháp Emanuel Macron cho rằng hiệp ước sẽ cải thiện mức độ hợp tác giữa các nước thành viên trong vấn đề kiểm soát di cư.

Dù vậy, tại thời điểm được chính thức thông qua, vẫn có nhiều quốc gia “nối gót” Mỹ rời bỏ thỏa thuận này. Đến nay, đã có hơn 10 quốc gia thành viên của LHQ tuyên bố họ không có ý định kí hiệp ước hay cân nhắc làm điều này. Trong những tuyên bố của mình, Washington đã gọi Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên là “một nỗ lực của LHQ nhằm tăng kiểm soát toàn cầu và giảm quyền tự quyết của các nước đối với hệ thống nhập cư của chính mình”.

Tuyên bố của Mỹ thậm chí còn liệt kê một số quan điểm phản đối mà nước này cho rằng mâu thuẫn với luật pháp Mỹ. Washington lo ngại hiệp ước của LHQ đang xem nhẹ tác động của di cư đối với các nước điểm đến, chẳng hạn như mất cơ hội việc làm với người bản xứ, đặc biệt đối với nhóm người lao động kỹ năng thấp và gia tăng áp lực đối với ngành dịch vụ công.

Trong khi đó, tại châu Âu, lục địa vốn bị coi là chịu nhiều thiệt hại nhất từ cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát từ năm 2015, hiệp ước di cư này được đón nhận với những thái độ khác nhau. Đức, quốc gia đầu tàu trong EU, ủng hộ mạnh mẽ hiệp ước này. Bà Angela Merkel lên tiếng bảo vệ văn kiện, cho rằng cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư là “đáp án đúng” để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Hội nghị về di cư của Liên Hiệp quốc ở thành phố Marrakech của Morocco.

Có lẽ cuộc khủng hoảng người tị nạn với những tác động không thể thống kê hết được đã chỉ ra tầm quan trọng của việc cần tìm ra một giải pháp chung giải quyết vấn đề di cư  trong bối cảnh không quốc gia nào có thể tự mình xử lý được. Và cũng có thể vì không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, Đức nhận thấy sự hợp tác này là cùng có lợi và hoàn toàn đúng đắn.

Dù nhận được sự đồng thuận thông qua của nhiều nước song Hiệp ước Toàn cầu về di cư của LHQ lại đang tạo ra làn sóng xáo động ở “lục địa già”, đặc biệt là ở Pháp và Bỉ. Sự phản đối hiệp ước tại những quốc gia châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy của các phe phái cực hữu. 8 quốc gia thành viên EU gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia (nhóm Visegrád), cùng Croatia, Slovenia, Bulgaria, Áo và quốc gia ngoài EU là Thụy Sĩ đã tuyên bố không ký hiệp ước này. Nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra, thậm chí biểu tình bạo loạn xảy ra, có nguy cơ gây ra khủng hoảng xã hội.

Ở Pháp, vấn đề này không được tranh luận ở cấp quốc gia. Song, hiệp ước bị một số thành viên của phong trào “áo ghi-lê vàng” cáo buộc là cách để Paris trút bỏ chủ quyền.

Tại Bỉ, vấn đề đã kéo theo một cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng, đe dọa sự tồn tại của liên minh cầm quyền, sau khi đảng Liên minh Flamand mới (N-VA) tuyên bố  rút khỏi chính phủ để phản đối hiệp ước này. Những người dân tộc chủ nghĩa phát động một chiến dịch bài xích hiệp ước và ngay lập tức bị các tổ chức giúp đỡ người di cư lên án. Chính phủ của Thủ tướng Charles Michelt thậm chí rơi vào vị thế thiểu số sau khi một loạt bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng N-VA từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với Hiệp ước Toàn cầu về di cư của LHQ.

Vốn luôn có thái độ chống người di cư, Ba Lan không có ý định phê chuẩn hiệp ước ở Marrakech. Trong một tuyên bố, chính phủ nước này cho biết đang thảo luận về những lo ngại nảy sinh từ khi Mỹ bác bỏ văn bản này, viện dẫn tài liệu không đáp ứng đòi hỏi của Ba Lan về những đảm bảo liên quan tới quyền tự quyết cho phép ai ở lại trong lãnh thổ của nước mình và trong việc phân biệt giữa người di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho rằng hiệp ước này “sẽ chỉ tăng thêm khủng hoảng”.

Ý định không ký văn bản của Slovakia đã gây xáo trộn trong nội bộ chính phủ nước này. Ngoại trưởng Miroslav Lajcák đã xin từ chức vì Slovakia muốn rút khỏi hiệp ước.

Áo là một quốc gia vận động chống lại thỏa thuận. Vấn đề phân biệt người di cư hợp pháp và bất hợp pháp cũng được chính phủ đưa ra như một lý do chính để từ chối hiệp ước.

Tại Italy, cuộc tranh cãi cũng khiến chính phủ phải tìm kiếm sự trợ giúp từ quốc hội. Dưới áp lực mạnh mẽ của cánh hữu, nhất là Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini của đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc, Rome đã không tham gia vào cuộc họp ở Marrakech. Ông Matteo Salvini lập luận hiệp ước “đánh đồng người nhập cư và người tị nạn bất hợp pháp”. Thủ tướng Giuseppe Conte, thành viên Phong trào 5 sao, cho biết ông “ủng hộ” hiệp ước, song vẫn muốn chờ quyết định của Quốc hội.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy, hiện là Giám đốc Quỹ Delors Enrico Letta kêu gọi EU cần “tước vũ khí” của những lãnh đạo cực hữu như Salvini, Le Pen hay Wilders và phát động thúc đẩy tinh thần đoàn kết thực sự giữa các nước châu Âu trong vấn đề nhập cư. Ông cũng kêu gọi các bên hợp tác nhiều hơn trong chủ đề “cốt yếu” này vì tương lai của EU.

Thực tế cho thấy vấn đề hiện nay gần giống với những gì đã xảy ra ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2015, khi Italy, Hy Lạp và Đức không thể tin tưởng vào các đối tác của họ trong EU.

Dù đã có hơn 150 quốc gia thông qua Hiệp ước Toàn cầu về di cư, song những lợi ích trong vấn đề an ninh và biên giới của các quốc gia xuất phát, quá cảnh hay đích đến,  việc thực thi văn kiện toàn cầu này quả là một thử thách lớn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.