Hộ chiếu giả, công cụ hữu hiệu của những kẻ khủng bố

Thứ Bảy, 28/01/2006, 08:52

Kết quả điều tra trong các vụ tấn công khủng bố lớn ở Mỹ năm 2001, Indonesia năm 2002, Tây Ban Nha năm 2004, Anh năm 2005... đều khẳng định thủ phạm là người nước ngoài, nhập cảnh  bằng các hộ chiếu giả.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), trong 3 năm gần đây, 1,5 triệu giấy tờ giả trong đó có hộ chiếu đã bị ăn trộm hoặc biến mất không rõ lý do; khoảng 80.000 hộ chiếu trống đã bị đánh cắp ở 36 quốc gia khác nhau trên thế giới trong đó có Italia, Đức, Thụy Điển...

1001 cách làm giả

Hộ chiếu giả thường có ở hai mức độ. Mức độ đầu tiên là những cuốn hộ chiếu đã được tẩy xóa tên họ và một số đặc điểm nhận dạng. Công nghệ làm giả cho loại hộ chiếu này không mấy phức tạp mà giá bán lại rẻ. Nguồn cung cấp hộ chiếu này phần lớn là loại hộ chiếu đã bị đánh cắp tại sân bay, khách sạn, nhà hàng, các công ty du lịch hoặc được chủ nhân đem bán lấy tiền tiêu xài.

Mức độ thứ 2 phức tạp hơn được gọi là "hàng giả cao cấp". Với giá tiền càng cao, hàng giả lại càng giống hàng thật. Công nghệ làm hàng giả cao cấp này giống như làm một hộ chiếu bình thường. Những kẻ buôn bán hộ chiếu giả đã dùng hộ chiếu còn trống mua lại được của những kẻ ăn cắp, rồi dán ảnh, điền tên vào. Loại hàng này thường được những kẻ tội phạm đang bị truy nã hoặc thành viên các nhóm khủng bố ưa dùng vì chúng ít bị phát hiện. Mỗi năm có đến hàng trăm nghìn phôi hộ chiếu bị đánh cắp tại nhiều quốc gia.

Hộ chiếu giả bị thu giữ.

Một lý do quan trọng khiến hộ chiếu giả được sử dụng mà không bị phát hiện là cơ chế đi lại tự do giữa các nước. Chẳng hạn, tại các quốc gia thuộc EU, việc đi lại qua biên giới rất đơn giản, không cần làm các thủ tục rườm rà. Đối với Mỹ, tuy liên tục có những cảnh báo về nguy cơ bị tấn công khủng bố cao nhưng việc Chính phủ thông qua quy định cho phép công dân của 27 nước vào Mỹ mà không cần visa nếu chỉ ở Mỹ trong vòng 90 ngày cũng là một lỗ hổng cho bọn khủng bố lợi dụng.

Giới chức FBI cho biết, hộ chiếu Pháp "là mối quan tâm đặc biệt nhất" vì Pháp là một trong 27 nước nói trên. Theo điều tra của FBI thì trong hơn 1 năm qua, hàng nghìn tấm hộ chiếu Pháp đã bị đánh cắp. Mới đây, lực lượng cảnh sát quốc tế lại phát hiện ra rằng Thái Lan đang là một trong những nguồn cung cấp hộ chiếu giả lớn nhất thế giới. Chỉ cần 245 USD, người ta có thể mua được một cuốn hộ chiếu giả trong vòng 2 tiếng đồng hồ và giá của những cuốn hộ chiếu tẩy xóa chỉ dao động từ 25 USD - 50 USD.

Trong  năm 2004 và 2005, cảnh sát Thái Lan đã tịch thu tổng cộng 1.275 hộ chiếu giả và bắt giữ 12 người nước ngoài. Hộ chiếu giả ở đây có một số đặc điểm như chất lượng giấy và mực kém, nhựa ép dễ bóc, lỗi chính tả và một số lỗi in ấn khác. Một điều lạ là 90% hộ chiếu giả ở Thái Lan đều được đưa sang Anh để tiêu thụ.

Hộ chiếu công nghệ cao

Bắt đầu từ năm 2006, một số nước thuộc Liên minh Châu Âu như Anh, Pháp... và Nhật Bản, Mỹ sẽ sử dụng hộ chiếu sinh trắc học. Các dữ liệu liên quan đến người chủ sở hữu hộ chiếu sẽ được lưu vào trong một con chíp điện tử nhỏ chứa hình ảnh kỹ thuật số chủ nhân cùng các thông tin khác và có gắn thêm một ăng ten. Loại hộ chiếu này khác với các hộ chiếu thông thường ở chỗ nó có thêm một dải băng từ MRZ ở chân mỗi trang để các thiết bị có thể đọc được từ xa. Chúng bao gồm các hàng mật mã chứa tên tuổi, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu, ngày hết hạn và nhiều con số đối chiếu khác.

Khi du khách nước ngoài đến những nước đang sử dụng loại hộ chiếu này, hải quan sẽ chụp ảnh kỹ thuật số khuôn mặt của khách, quét thông tin từ con chíp điện từ và chạy một chương trình phần mềm nhận dạng để so sánh hai hình ảnh. Đây không phải là một so sánh đơn thuần về hình dạng bên ngoài của người chủ hộ chiếu mà thực ra nó là các phép tính so sánh về sinh trắc học để đảm bảo hộ chiếu không bị làm giả với một chiếc ảnh khác dán ở bên ngoài và người cầm hộ chiếu ở cửa khẩu với chủ nhân đích thực của hộ chiếu chỉ là một người. Trên lý thuyết, các hộ chiếu sinh trắc học bị thất lạc, bị mất hoặc bị đánh cắp sẽ không thể tái sử dụng mà chỉ có thể vứt đi.--PageBreak--

Cho đến thời điểm này, phương pháp sử dụng hộ chiếu sinh trắc học đã được nhiều quốc gia hưởng ứng. Hà Lan đã thử nghiệm hộ chiếu và thẻ căn cước theo phương pháp sinh trắc học trong vòng 6 tháng từ 1/9/2004 ở 6 vùng với 15.000 người tham gia. Tại Pháp, hơn 7 triệu loại "hộ chiếu an toàn", đọc được nhờ các đầu quang học (bước đầu tiên để phát triển hộ chiếu sinh trắc học) cũng đã được cung cấp cho dân chúng.

Tranh cãi quanh hộ chiếu sinh trắc học

Có thể nói, hộ chiếu sinh trắc học đang là một giải pháp tối ưu của ngành an ninh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi. Nước Anh cho rằng nên đưa ra các dữ liệu mống mắt vào con chíp bởi điều này sẽ được thực hiện dễ dàng nhờ một công nghệ đã được công ty Iridian của Anh đăng ký bản quyền và sản xuất. Nhưng rắc rối là đa số các nước Châu Âu lại từ chối công nghệ nhận diện với độ chính xác cao này.

Các dữ liệu sinh trắc học còn lại là võng mạc, giọng nói, hình dáng khuôn mặt, tay hoặc tai... vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đều có những phức tạp khiến việc phổ biến chúng bị hạn chế. Chính vì vậy, các nước Châu Âu trong đó có Pháp dẫn đầu đang bảo vệ quan điểm sử dụng dấu vân tay kỹ thuật số.

Kỹ thuật này đã được một nhà bác học người Pháp tên Alphonse Bertillon (1853-1914) phát hiện và sáng tạo. Trên mỗi chíp điện tử, các dấu vân tay được số hóa và nén lại. Khi qua cửa kiểm tra, mỗi người đều phải đưa hộ chiếu sinh trắc học vào đầu đọc đồng thời đưa cả ngón tay vào để kiểm tra. Nếu dữ liệu trùng khớp, đèn xanh sẽ bật lên và người đó được đi qua.

Lọt thông tin?

Với những tính năng ưu việt nói trên, hộ chiếu sinh trắc học chắc chắn sẽ là sự lựa chọn số 1 của các quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo rằng công nghệ nhận dạng thông qua hệ thống điện tử cũng có thể mắc lỗi với tỷ lệ lên tới 50%. Hơn nữa, việc không đảm bảo bí mật thông tin trong con chíp điện tử cũng là vấn đề đáng phải bàn.

Các thông tin này dễ lọt vào tay người khác nếu người ấy (có thể là một tên tội phạm, một tên khủng bố hoặc mật vụ theo dõi những đối tượng đáng ngờ) đứng gần cửa khẩu hải quan ở sân bay, hải cảng, sử dụng bộ đọc RFID (radio frequency indentification)- một tần sóng radio nhận dạng không dây. Và khi đó, người cầm hộ chiếu, dù không mở ra, vẫn bị các máy đọc này quét mà không biết. Một khi bí mật cá nhân bị lộ, nó có thể bị lợi dụng vào những chuyện phi pháp khác, thậm chí cả việc cải trang để khủng bố

Huyền Chi
.
.