Hộ chiếu vaccine: Cứu cánh cho ngành du lịch?

Thứ Hai, 29/03/2021, 20:43
Sự xuất hiện của các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã đưa đến những ý tưởng mới về cách thức từng bước mở cửa xã hội trở lại thông qua vaccine. Chính phủ và các tổ chức tư nhân có thể phát hành các loại thẻ và ứng dụng chứng nhận tình trạng tiêm chủng vaccine, đồng thời cho phép những người đã tiêm chủng được đến các địa điểm công cộng như phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và nhà hàng...


Việc Trung Quốc phát hành Chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế hôm 8-3 là một tin tốt lành đối với những người hay đi du lịch. Người dân Trung Quốc có thể dễ dàng tải chứng nhận này trên WeChat - một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến. Chứng nhận này hiển thị tình trạng COVID-19 hiện tại, kết quả xét nghiệm gần đây và hồ sơ tiêm chủng của người sở hữu nó. Là một trong những hộ chiếu vaccine đầu tiên trên thế giới, nó có thể cách mạng hóa ngành du lịch trong tình trạng hiện nay. Nhưng...

Tuy nhiên, người có chứng nhận này đi ra nước ngoài, khi về chính đất nước Trung Quốc đại lục thì vẫn phải cách ly 2 tuần tại một cơ sở của nhà nước và phải làm xét nghiệm COVID 2 lần mỗi ngày. Mặc dù giấy chứng nhận sức khỏe giúp đơn giản hóa tiến trình xin thị thực đối với người nước ngoài nhưng những du khách đã được tiêm phòng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như bất kỳ ai đi du lịch đến Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu được miễn cách ly khi du lịch quốc tế vẫn là điều bất khả thi trong tương lai gần.

Các hãng hàng không và vận tải hành khách Mong chờ hộ chiếu vaccine được thông qua trên quy mô lớn.

Nhen nhóm tương lai cho ngành lữ hành

Bất chấp những trở ngại trước mắt, tấm chứng nhận sức khỏe vẫn gieo rắc ý tưởng về việc khởi động lại các hoạt động di chuyển và du lịch như bình thường trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong năm 2020, các hãng hàng không đã thiệt hại 371 tỷ USD doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách. Đồng thời, theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, ngành du lịch có thể thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD.

Sự xuất hiện của các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã đưa đến những ý tưởng mới về cách thức từng bước mở cửa xã hội trở lại thông qua vaccine. Chính phủ và các tổ chức tư nhân có thể phát hành các loại thẻ và ứng dụng chứng nhận tình trạng tiêm chủng vaccine, đồng thời cho phép những người đã tiêm chủng được đến các địa điểm công cộng như phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và nhà hàng. Một số nước như Israel đang thực hiện điều này.

Vấn đề phức tạp hơn liên quan đến hoạt động du lịch quốc tế. Các thỏa thuận giữa các chính phủ có thể từng bước mở rộng hộ chiếu vaccine xuyên biên giới, tạo thuận lợi cho người dân có được những trải nghiệm du lịch bình thường. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ phát hành phiên bản hộ chiếu vaccine của riêng mình trước khi mùa du lịch hè bắt đầu như một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của nhiều quốc gia thành viên. EU gọi đây là “chứng nhận xanh kỹ thuật số”. Nó có thể sẽ được sử dụng trong khối và một số nước lân cận như Na Uy.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết chứng nhận này sẽ tổng hợp thông tin về tiêm chủng, tình trạng phục hồi sau khi mắc COVID-19 và các kết quả xét nghiệm gần đây cho những người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Chứng nhận sẽ này cho phép công dân tự do di chuyển một cách an toàn, có trách nhiệm và đáng tin cậy. Mỹ cũng đang xem xét tính khả thi của việc phát hành chứng nhận sức khỏe COVID-19.

Câu chuyện của những sắc màu

Việc thực thi hộ chiếu vaccine đương nhiên không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, có lẽ trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi hộ chiếu vaccine lại được cho là vấn đề chính trị. Không ít người coi đây vốn dĩ là một hình thức phân biệt đối xử. Nhiều người cũng bày tỏ những quan ngại về mặt đạo đức trước tình trạng thế giới bị phân chia thành nhóm người được tiêm chủng và nhóm người chưa được tiêm chủng. Bàn về vấn đề này, tạp chí khoa học của Đại học Oxford (Anh) bình luận: “Rủi ro lớn nhất là việc các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu không đến tay những người không chấp nhận tiêm chủng, không được xét nghiệm hoặc không được tiếp cận vaccine”.

Cuộc tranh cãi về hộ chiếu vaccine vẫn chưa đến hồi kết.

EU đang xem xét những ý kiến phản đối như vậy. Họ cho biết sẽ cung cấp chứng nhận tiêm chủng cũng như kết quả xét nghiệm âm tính cho những người đã khỏi COVID-19 được 180 ngày để ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử. Didier Reynders, Cao ủy châu Âu về tư pháp cho biết, chứng nhận này sẽ không phải là điều kiện tiên quyết để di chuyển tự do và sẽ không tạo ra tình trạng phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, câu hỏi mang tính quyết định được đặt ra là: Hộ chiếu vaccine có hiệu quả không? Năm 2020, chính phủ nhiều nước đã thảo luận sôi nổi về “bong bóng du lịch” khi nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể đi lại mà không bị cách ly giữa các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp. Thế nhưng, cho đến nay, giải pháp này vẫn chưa thực hiện trên quy mô lớn bởi những lo ngại về rủi ro không thể kiểm soát.

Cuối cùng, các chuyên gia cho biết hộ chiếu vaccine chỉ có thể đảm bảo được cho cá nhân người sở hữu nó, chứ không thể đảm bảo được cho nước tiếp nhận nó - người sở hữu nó đến vì du lịch hay công tác - có bị lây nhiễm từ người đó hay không. Một cách dễ hiểu hơn, vaccine hiện mới chỉ được cho là giúp cho người được tiêm phòng không bị mắc COVID-19, còn việc người đó có làm lây lan virus hay không thì chưa ai dám khẳng định. Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho biết: “Chúng tôi chưa có đủ bằng chứng quan trọng về khả năng lây nhiễm hay khả năng tiếp tục truyền bệnh của những người đã được tiêm chủng”.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.