Hòa đàm Mỹ - Triều Tiên: Mọi việc đã sẵn sàng

Thứ Hai, 16/04/2018, 14:05
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ngày càng rõ nét. Ngày 10-4, lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên trong một cuộc họp đảng, công khai đề cập đến viễn cảnh đối thoại với Washington.

Việc ông Kim Jong-un công khai nói đến chiến lược xích lại gần Mỹ là dấu hiệu khẳng định cuộc gặp lịch sử này đang được chuẩn bị. Hôm 9-4, Tổng thống Trump đã khẳng định dự tính gặp ông Kim trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Theo Nhà Trắng, Bình Nhưỡng đã trực tiếp tỏ cho Mỹ thấy quyết tâm đặt hồ sơ hạt nhân lên bàn đàm phán. Gần đây các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã có những cuộc tiếp xúc bí mật, trong đó Bình Nhưỡng trực tiếp khẳng định sẽ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh chưa có tiền lệ.

Theo Sue Mi Terry, chuyên gia thuộc CSIS, từng là cựu nhân viên CIA thì đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan tình báo hai bên. Kênh liên lạc bí mật này đã được Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA vừa được bổ nhiệm Ngoại trưởng Mỹ, khởi xướng và chủ yếu để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh tới.

Một nhà ngoại giao Mỹ tháng trước đã có các cuộc trao đổi với các quan chức Bình Nhưỡng tại Phần Lan còn khẳng định rằng lần này Triều Tiên rất nghiêm túc xem xét sự việc.

Theo chuyên gia chính trị Abraham Denmark thuộc trung tâm Wilson Centre, lãnh đạo Bình Nhưỡng có sáng kiến mở ra một giai đoạn mới trong thời của mình nhằm tái hòa nhập Triều Tiên với quốc tế.

Bình Nhưỡng nói với Washington rằng họ sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo Le Figaro, Triều Tiên đang thăm dò qua các đồng minh về những đề nghị đàm phán với Tổng thống Mỹ. Ngày 10-4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho công du Nga để tìm kiếm sự hậu thuẫn của Moskva trước các cuộc đối thoại thượng đỉnh với Seoul và Washington. Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bảo đảm chắc chắn về an ninh đối với chính quyền Bình Nhưỡng, trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Hồi tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên đã có chuyến thăm Trung Quốc để thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Ngoài ra, vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thương đỉnh cũng là một vấn đề nhạy cảm và đau đầu trên phương diện ngoại giao cũng như an ninh. Mặc dù khu phi quân sự hai miền Triều Tiên có thể là địa điểm mang tính biểu tượng cao, nhưng Washington dường như lại thích chọn một nước thứ ba để khỏi mang tiếng lệ thuộc vào người “môi giới” Hàn Quốc.

Tờ báo cho biết, Thụy Điển, Thụy Sĩ đã sẵn sàng cho mượn địa điểm. Tuy nhiên, một vị trí gần với Bán đảo Triều Tiên chẳng hạn như Oulan Bator của Mông Cổ hay Vladivostok (Nga) có thể tiện hơn cho việc di chuyển bằng xe lửa của ông Kim Jong Un.

Trước khi cuộc gặp thượng đỉnh trên diễn ra, quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc đã họp buổi đầu tiên vào ngày 5-4 tại Bàn Môn Điếm để chuẩn bị cho thượng đỉnh ngày 27-4 giữa lãnh đạo hai miền tại Nhà Hòa bình Hàn Quốc ở khu vực phi quân sự.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.