Hòa đàm về Syria: Đổ vỡ và bế tắc

Thứ Bảy, 22/02/2014, 15:45

Vòng đàm phán thứ 2 về hòa bình cho Syria đã kết thúc trong thất bại. Điều này chả có gì là lạ bởi lẽ các bên tham gia hòa đàm vẫn thích đấu võ hơn đối thoại. Chừng nào các thế lực bên ngoài còn bơm tiền và vũ khí cho các phe phái kình địch chống nhau bên trong Syria thì còn loạn.

Vòng hai của Hội nghị hòa bình cho Syria do Mỹ và Nga cầm trịch (còn được gọi là Geneve 2) đã kết thúc ngày 14/2 mà không đạt bất cứ kết quả gì. Các bên trước khi ra về còn "giơ nắm đấm dọa nhau".

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, người cầm trịch các cuộc đối thoại giữa các phe phái của Syria tại Geneve, hôm 15/2 đã lên tiếng xin lỗi dân chúng Syria. Ông Brahimi nói rằng, người dân Syria trông đợi cuộc đàm phán mang lại một phương cách để thoát khỏi "cuộc khủng hoảng khủng khiếp", nhưng hai vòng đàm phán đã không mang lại kết quả đáng kể. Hiện chưa rõ khi nào vòng đàm phán thứ ba mới diễn ra.

Ông Brahimi bày tỏ hy vọng hai phía suy nghĩ kỹ hơn và quay lại đàm phán để thực thi thông cáo Geneve - do các cường quốc đưa ra hồi tháng 6/2012 - được coi là kế hoạch giải quyết, thông qua con đường chính trị, xung đột đã kéo dài gần 3 năm nay tại Syria.

Cư dân thành phố Homs di tản sau khi chạm súng lại nổ ra.

Sự thất bại của hội nghị này đã được tiên liệu vì đây là “cuộc đàm phán giữa những người điếc với nhau”. Phe đối lập Syria đưa ra một tài liệu gồm 22 điểm về giai đoạn quá độ chính trị ở Syria, chủ yếu đề nghị thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với trách nhiệm bầu ra một quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, tiến hành ngừng bắn, trả tự do cho tất cả các tù nhân, tạo điều kiện cho trợ giúp nhân đạo đến được mọi nơi, và lính "ngoại bang" phải rời khỏi lãnh thổ Syria. Phe đối lập không hề nhắc đến đương kim Tổng thống Syria Assad, không muốn ông có bất cứ một vai trò gì trên chính trường Syria trong giải pháp của họ.

Phe chính phủ Damascus  không thể chấp nhận đề nghị trên mà muốn dành ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố, trước khi bàn đến các vấn đề khác, và cáo buộc phe đối lập không hợp tác thực sự.

Tình trạng bế tắc không thể được phá vỡ ngay cả khi vào những giờ chót, một cuộc họp kín giữa Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov đã diễn ra với hy vọng các bên gây được sức ép lên hai phe nhằm giải tỏa tình hình.

Người đàn ông Syria ôm xác một đứa trẻ sau cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy ở thành phố phía bắc của Aleppo vào ngày 12/2/2014.

Kết thúc cuộc hòa đàm thứ 2, các bên ra về và tiếp tục đổ lỗi, chỉ trích nhau. Còn tại Syria, các phe phái vẫn tiếp tục đấu súng. Hôm 16/2, Anh và Pháp đã lên tiếng chỉ đích danh chính quyền Damas là thủ phạm chính của thất bại trên. Ngoại trưởng Anh William Hague cáo buộc chính quyền Syria "tránh né thảo luận về các chủ đề căn bản liên quan đến khả năng vãn hồi nền hòa bình", cụ thể là vấn đề thành lập một chính phủ quá độ. Về phần mình, người đồng nhiệm Pháp Laurent Fabius cũng khẳng định Damascus đã "ngăn chặn mọi khả năng đàm phán tiến triển".

Trước đó, ngày 15/2, Tổng thống Obama cảnh báo rằng đất nước ông có thể bắt đầu gia tăng áp lực với Damascus để đẩy nhanh tốc độ quá trình giải quyết khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không nói rõ đó là những biện pháp nào. Ông  nhấn mạnh rằng ông không tin sẽ nhanh chóng hoạch định được giải pháp cho vấn đề Syria.

"Chúng tôi không cho rằng vấn đề này có thể được giải quyết trong triển vọng ngắn. Vì thế chúng tôi sẽ phải thi hành những biện pháp để cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria" - ông Obama lý giải.

Cùng ngày, chính quyền Syria đã cáo buộc Israel và Mỹ phá hoại cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian và cho rằng việc phe đối lập Syria từ chối giải quyết vấn đề "khủng bố" đã làm bế tắc cuộc hòa đàm.

Ngày 17/2, phát biểu khi đang ở thăm Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: Nga đang tạo điều kiện cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad mở một chiến dịch "khủng bố" chống lại chính nhân dân của ông ta. Ngoại trưởng Kerry cho rằng việc lực lượng Assad liên tục sử dụng các quả bom thùng nhắm vào thường dân Syria chứng tỏ chính phủ của ông ta vẫn theo đuổi một giải pháp quân sự cho hơn 3 năm bạo động.

Phát biểu với các phóng viên sau một cuộc họp với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ông Kerry nói: "Tôi rất lấy làm tiếc mà nói rằng họ đang làm như vậy với sự hỗ trợ ngày càng nhiều của Iran, của Hezbollah và của Nga. Nga cần phải tham gia vào giải pháp chứ không nên góp phần cung cấp thêm nhiều vũ khí và hỗ trợ mà thật ra đã giúp cho ông Assad thêm bội phần". Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đổ vấy trách nhiệm về thất bại của Hội nghị Geneve 2 cho Nga khi nói rằng các nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị cho bạo động cho đến nay đã thất bại một phần bởi vì Nga không có đủ biện pháp để hỗ trợ cho các cuộc hòa đàm ở Geneva.--PageBreak--

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov “độp lại” chính những người ủng hộ phe đối lập, trong số đó có cả Mỹ, là những người đang gây trì hoãn cho tiến bộ bằng cách tập trung một cách thiếu thực tiễn vào việc buộc Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực. Ông Lavrov nói, khi những người ủng hộ phe đối lập tham gia vào các cuộc đàm phán này kêu gọi thực thi Thông cáo Geneve một cách toàn diện, thì họ chỉ có một ý nghĩ trong đầu - là thay đổi chế độ. Khi không hoàn thành được điều đó thì những người ủng hộ đối lập khựng lại.

Ông Lavrov nói có nhiều cớ được đưa ra để tìm cách gây trở ngại cho các cuộc hòa đàm. Theo ông, thoạt đầu, những người ủng hộ phe đối lập muốn ngăn chặn một giải pháp hòa bình về vấn đề vũ khí hóa học. Khi việc đó thất bại, họ đã tìm cách chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Cùng trong ngày 17/2, theo ông Lavrov, Moskva đang nắm thông tin về việc các nhà tài trợ bên ngoài của phe đối lập Syria đang cố gắng thành lập một cấu trúc đối lập mới ở Syria từ những nhóm đã tách khỏi Liên minh Dân tộc. Mục đích của họ là ngăn chặn quá trình đàm phán cho một giải pháp hòa bình. Ông lưu ý rằng, phía Nga đã kiểm tra những dữ liệu này.

Ngoại trưởng Nga bày tỏ lo ngại khi các nhà tài trợ bên ngoài của phe đối lập Syria muốn dùng cấu trúc mới này để thay thế Liên minh dân tộc đối lập Syria, hiện đang tham gia vào các cuộc đàm phán Geneve 2. "Nói theo cách khác là chọn hướng để ra khỏi lộ trình đàm phán và một lần nữa đặt cược vào kịch bản quân sự, cũng như vào việc lại sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía bên ngoài" - người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhận định.

Trong lúc này, các cuộc đấu súng tại Syria vẫn diễn ra căng thẳng. Ngày 8/2, Thống đốc thành phố Homs Talal Barazi cho biết, phiến quân Syria đã phá vỡ lệnh ngừng bắn vừa được ký kết với quân chính phủ khi nã pháo vào một đồn cảnh sát ở khu vực này. Còn tại mặt trận Aleppo, ngày 13/2 lại có thêm ít nhất 50 người thiệt mạng, mà chủ yếu là thường dân khi quân chính phủ đấu súng với lực lượng đối lập. Xung đột nổ ra tại Syria kể từ tháng 3/2011, từ đó đến nay có hơn 136.000 người thiệt mạng và biến gần 10 triệu người thành dân tị nạn.

Đại diện Nga và Iran tham dự hòa đàm Geneva.

Sau một loạt những thất bại của lực lượng nổi dậy trước các cuộc tấn công của quân đội chính phủ, ngày 17/2, Hội đồng Quân sự Tối cao, cơ chế lãnh đạo Quân đội Syria Tự do, một lực lượng nổi dậy thân phương Tây tại Syria, đã quyết định cách chức Tham mưu trưởng Idriss, và đưa tướng Abdelilah al-Bashir, người đào ngũ, lên thay. Tướng Idriss bị phê phán về nhiều sai phạm trong đó có việc phân phối vũ khí một cách sai lầm, bên cạnh các sai sót trong chiến đấu.

Theo phát biểu của lực lượng đối lập Syria, việc thay thế này là rất cần thiết để lực lượng nổi dậy thân phương Tây được nhận thêm thiết bị quân sự, nhất là sau thất bại của cuộc đàm phán hòa bình tại Geneve. Được phương Tây hỗ trợ, và được coi là thuộc phái ôn hòa, Quân đội Syria Tự do đã bị chia rẽ nội bộ làm suy yếu. Trên chiến trường, thành phần được cho là ôn hòa này đã bị các nhóm thánh chiến và liên minh nổi dậy khác qua mặt.

Xin dẫn lời Đặc sứ Lakhdar Brahimi phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế ở Munich, Đức, về tình hình Syria thay cho lời kết bài này: "Vấn đề ở Syria là vấn đề về sự can thiệp của nước ngoài, cung cấp tiền bạc và vũ khí nước ngoài. Nếu chúng ta ngăn chặn được hiện tượng này, thì Syria sẽ tự giải quyết vấn đề nội bộ của nước mình, và khi đó chẳng cần đến bất kỳ hội nghị Geneve hoặc cuộc thương lượng nào nữa. Còn nếu không thì có đến 10 hội nghị Geneve cũng chịu"

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.