Hòa giải dân tộc và hòa bình quốc gia cho Palestine

Thứ Ba, 17/10/2017, 10:59
Lãnh đạo đảng Fatah và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine ngày 12-10 đã đạt được một thỏa thuận hòa giải tại thủ đô Cairo của Ai Cập, chấm dứt sự chia rẽ kéo dài một thập kỷ giữa hai phong trào này. Tuy nhiên, kết quả hòa giải dân tộc đó chưa chắc đã có lợi cho tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel.

Cuộc đàm phán để đi tới thỏa thuận trên được mở ra tại Cairo, Ai Cập, từ ngày 10-10. Thỏa thuận đạt được là kết quả tất yếu của quá trình cố gắng từ tất cả các phía tham gia đàm phán và nhà trung gian Ai Cập. Cuộc đối thoại tại Cairo được tổ chức sau khi phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 9-2017 thông báo giải tán Ủy ban hành chính kiểm soát Dải Gaza.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tuần trước đã cử Thủ tướng Chính phủ đoàn kết Palestine Rami Hamdallah, các quan chức trong nội các và người đứng đầu cơ quan an ninh Palestine tới Dải Gaza để tiếp quản quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này từ tay phong trào Hamas.

Sau cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 1-2006, phong trào Hồi giáo Palestine Hamas đã giành được đa số và đứng ra lập chính phủ. Do Hamas chủ trương bạo lực, xóa bỏ Nhà nước Israel, không công nhận các thỏa thuận đã ký kết trước đó giữa Palestine và Israel, các nước phương Tây đe dọa cắt viện trợ cho Palestine.

Khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự giữa Hamas và Fatah đã nổ ra. Tháng 6-2007, Chủ tịch Abbas quyết định giải thể chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sau đó, phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát dải Gaza, còn tổ chức Fatah chiếm giữ Bờ Tây. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine này đã thất bại.

Việc Hamas kiểm soát Gaza đã khiến dải đất này bị phong tỏa cả về kinh tế lẫn ngoại giao, đẩy 2 triệu người dân tại đây vào cảnh khó khăn. Từ tháng 3-2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian trong cuộc đàm phán hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine. Thỏa thuận hòa giải vừa được ký kết ngày 12-10-2017 do Ai Cập soạn thảo năm 2009.

Ngày 12-10, Tổng thống Mahmoud Abbas hoan nghênh thỏa thuận hòa giải đạt được giữa đảng Fatah của ông với phong trào Hồi giáo Hamas, đồng thời coi đây là "thỏa thuận cuối cùng" nhằm chấm dứt sự chia rẽ kéo dài một thập kỷ giữa hai phong trào này. Tuy nhiên, ông Abbas không tiết lộ chi tiết về các điều khoản trong thỏa thuận. AFP dẫn lời một quan chức trong Chính phủ Palestine tiết lộ, trong vòng 1 tháng tới, Tổng thống Abbas dự kiến có chuyến thăm đầu tiên tới Dải Gaza trong một thập kỷ.

Giới chức cấp cao của nhóm Fatah Azzam Al-Ahmed (trái) bắt tay với thủ lĩnh nhóm Hamas Moussa Abu Marzouq sau khi công bố thỏa thuận tại Cairo.

Vị quan chức cho biết thêm, sau thỏa thuận 12-10, chính quyền Palestine sẽ tiếp quản tất cả các vai trò trong các lĩnh vực an ninh và dân sự, theo đó Palestine sẽ triển khai 3.000 cảnh sát trở lại Gaza. Số cảnh sát trên chỉ là một phần nhỏ so với số cảnh sát do Hamas triển khai tại Dải Gaza.

Cho đến giờ có thể nói tình trạng chia cắt Palestine tạm thời được giải quyết nhưng nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có được hòa bình thực sự bên cạnh Israel. Nếu như trước đây, Israel chỉ coi phong trào Fatah của Tổng thống Abbas là đối tác duy nhất cho tiến trình hòa bình giữa hai nước thì nay hiệp định hòa giải giữa các phe phái Palestine gây lo ngại cho Israel và chứng tỏ sự bất lực của Mỹ trong việc thúc đẩy cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.

Cho đến nay, Mỹ, châu Âu và Israel vẫn coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Từ lâu, Hamas đã giao tranh với Israel trong những vụ tấn công xuyên biên giới gây nhiều chết chóc. Ngày 27-7-2017, Tòa án Công lý châu Âu đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định của EU đưa phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine vào danh sách các tổ chức khủng bố. Danh sách các tổ chức khủng bố của EU bao gồm 13 cá nhân và 22 tổ chức.

Ngày 12-10, Israel đã phản ứng một cách gay gắt đối với thông báo về thỏa thuận giữa các phe phái ở Palestine. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: "Chúng tôi đang tìm cách khởi động lại cuộc điều đình với Palestine. Lần nào cũng vậy, khi chúng tôi tới được điểm đó, thì ông Abbas lại đặt ra thêm những điều kiện mà ông ấy biết rõ là Israel không thể chấp nhận. Thay vì làm hòa với Israel, ông ấy làm hòa với Hamas. Và ông ấy phải chọn lựa. Ông ấy muốn hòa bình với Hamas hay hòa bình với Israel? Ông ấy chỉ có thể chọn một. Tôi hy vọng ông ấy chọn hòa bình, nhưng cho tới giờ ông ấy đã không làm như vậy”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thông báo của Palestine gây tổn hại cho tiến trình dễ vỡ của cuộc hòa đàm Trung Đông. "Chính phủ nào của Palestine cũng phải cam kết một cách công khai và rõ ràng là không theo đuổi bạo động, công nhận quốc gia Israel, chấp nhận những thỏa thuận và nghĩa vụ trước đây giữa các bên. Thông báo này, thời điểm được chọn để đưa ra, gây bất an cho mọi người, và dĩ nhiên, chúng tôi thất vọng đối với tin này".

Tuy nhiên, nhiều người Palestine, vốn chán ngán với tình trạng chia rẽ, đã vui mừng đón nhận tin này và mong muốn hai phần đất của họ được thống nhất trở lại.

Quan hệ giữa Fatah và Hamas kể từ năm 2007

- Tháng 6-2007: Hamas giành được quyền kiểm soát Gaza từ tay Fatah. Fatah vẫn còn kiểm soát Bờ Tây.

- Tháng 3-2008: Hai phe đồng ý tái tục các cuộc đối thoại nhưng không đạt được tiến bộ.

- Tháng 6-2008: Hai bên gặp gỡ và đồng ý thương thảo, nhưng việc này không xảy ra.

- Tháng 3-2009: Hai bên bắt đầu thảo luận tại Cairo, Ai Cập.

- Tháng 11-2010: Thảo luận tại Damas nhưng không đạt được thêm tiến bộ nào.

-  Tháng 5-2011: Fatah và Hamas ký thỏa thuận hòa giải.

- Tháng 2-2012: Fatah và Hamas đồng ý thành lập một chính phủ đoàn kết.

- Tháng 10-2017: Fatah và Hamas ký thỏa thuận hòa giải cuối cùng và Hamas chuyển giao quyền quản lý Dải Gaza cho Fatah.

M.T. (tổng hợp)
.
.