Họa phước vì giá dầu

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:30
Giá dầu mỏ thế giới giảm liên tiếp trong mấy tháng qua đang khiến kẻ mừng người lo. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Cách thức xử lý của OPEC trái với tiền lệ đang tạo ra nhiều ngờ vực về mưu đồ chính trị đằng sau việc cố tình giảm giá dầu.

Giá dầu giảm vì đâu?

Kể từ tháng 6/2014, giá dầu thế giới đã giảm từ 115USD xuống còn 85USD cho một thùng dầu thô Brent, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Giới nghiên cứu kinh tế cho rằng dầu thô trên thế giới đang bị dư thừa. Tình trạng này là kết quả của thực tế cung đang vượt cầu, xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, sản lượng khai thác dầu tăng. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới chậm lại.

Từ tháng 7/2014, Mỹ bơm thêm sản lượng dầu một ngày tăng gần nửa triệu thùng. Chiều hướng tăng cung tại Mỹ bắt đầu từ năm 2012, mỗi năm lượng dầu một ngày lại thêm triệu thùng và đà này còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Một yếu tố đóng góp cho sức bật đó là cuộc cách mạng về kỹ thuật khai thác năng lượng ghìm trong đá phiến nằm sâu dưới lòng đất (fracking), dù đắt hơn phương pháp cổ điển thì vẫn còn có lời nếu giá dầu còn cao. Tóm lại, nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật khai thác mà sản lượng dầu thô ở Mỹ đã tăng lên 47% trong 3 năm qua.

Bên cạnh đó, lượng cung của các thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện nay đều lên tới mức cao nhất kể từ 2 năm nay. Tiếp đến là sự trở lại thị trường thế giới của các nước sản xuất dầu mỏ như Iran, Iraq, Libya. Tại Iraq, bất chấp tình hình bất ổn do phải đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xuất khẩu dầu từ khu vực phía Nam trong tháng 10 vừa qua chạm ngưỡng kỷ lục, với 2,55 triệu thùng/ ngày (mức kỷ lục là 2,58 triệu thùng/ ngày). Hay quốc gia Bắc Phi Libya luôn chìm trong bất ổn, nhất là từ khi diễn ra cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Muhammad Gaddafi, cũng đã phục hồi khai thác dầu đạt mức 900.000 thùng/ ngày vào cuối tháng 9/2014 và được dự báo sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ ngày vào cuối năm nay. Ngoài ra, các nước Nigieria, Angola cũng đẩy mạnh lượng khai thác dầu của mình.

Yếu tố tỷ giá đồng đôla Mỹ cũng phần nào tác động tới giá dầu. Giao dịch dầu được thực hiện bằng đồng USD trên toàn thế giới. Khi đồng USD mạnh hơn (trong vài tháng trở lại đây), nó làm cho dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua ở ngoài nước Mỹ. Điều đó dẫn đến nhu cầu giảm đi và gây áp lực lên giá dầu.
Diễn biến của giá dầu từ tháng 1 đến tháng 10/2014.

Trong khi lượng cung từ mọi nguồn đều tăng thì lượng tiêu thụ khắp nơi lại giảm. Giảm vì tăng trưởng kinh tế chậm nên nhu cầu giảm. Giảm vì các nước đã có những cải tiến tiết kiệm năng lượng.

Từ 15 năm qua, Bắc Mỹ lặng lẽ thay đổi hiệu năng lượng tiêu thụ, dùng ít dầu khí hơn để đạt cùng một sản lượng kinh tế. Châu Âu và Nhật Bản cũng vậy, có cải tiến hiệu năng dù chậm hơn. Tức là khối công nghiệp hóa đang thoát dần khỏi sự phụ thuộc về xăng dầu nhờ phương pháp sản xuất thuộc loại "hậu công nghiệp". Hiện tượng đó làm giảm lượng cầu trong dài hạn.

Trong tương lai trung hạn thì các nước châu Âu và Nhật còn chật vật về kinh tế, và rủi ro của khu vực đồng tiền chung châu Âu - euro, cùng nạn suy thoái tại Pháp, Ý, Ðức càng khiến số cầu về năng lượng sẽ phải giảm. Ngày 5/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro năm 2014 từ mức 1,2% xuống còn 0,8%. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy kinh tế khu vực EU vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy suy thoái. Ðã vậy, một quốc gia vẫn ngốn dầu như rồng cuốn là Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn sau khi đạt mức tăng trưởng lên tới đỉnh vào năm 2008. Nước này bị nguy cơ khủng hoảng, và nếu khéo lách thì cũng phải giảm đà tăng trưởng để cải cách. Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 21/10 vừa qua công bố số liệu cho thấy, quý III năm nay, nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Như vậy, trong mọi trường hợp thì cầu sẽ vượt cung do đó giá dầu khí giảm ít ra trong một hai năm tới.

Phản ứng khác thường của OPEC

Trước đây, đối phó với sự giảm sút của giá dầu lửa trên thị trường thế giới, OPEC mà cả Arập Xêút lẫn Venezuela đều là thành viên, thường thống nhất giảm khối lượng khai thác hằng ngày, có nghĩa là giảm cung để ngăn giảm giá. Nhưng tình hình hiện nay lại hoàn toàn khác. OPEC không giảm cung mà còn mạnh ai nấy làm, mỗi thành viên phản ứng theo cách riêng của mình.

Trong OPEC, chỉ có Arập Xêút, Kuweit và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) là có thể tự ý giảm bớt số cung để làm giá; các nước khác như Algeria, Iran, Iraq, Libya, Nigeria và Venezuela đều cần tiền và cố sản xuất để bán. Vì thế, số cung từ nhóm này khó giảm trong thời gian tới. Nhìn trên tổng thể thì người ta phải chú ý đến một sự thể khác. Chìm trong khói lửa và biến động từ hơn 10 năm nay, khu vực Trung Ðông có nhiều quốc gia như Iraq, Iran và Libya đang hồi phục lại khả năng sản xuất để kiếm tiền nhưng số cung của họ cũng có hạn. Chính là các nước Bắc Mỹ, như Mỹ, Canada và cả Mexico mới thật là các nhà sản xuất có thể chi phối số cung.

Có 3 quốc gia trong OPEC hiện đang "bán phá giá" dầu. Arập Xêút, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thành viên có ảnh hưởng nhất OPEC cho biết, với lượng dự trữ lớn, ước tính là 700 tỉ USD, họ có thể chống đỡ được nếu giá dầu tiếp tục giảm và hài lòng với giá dầu ở mức 80-90 USD/ thùng. Quốc gia Vùng Vịnh này cho rằng sự giảm giá dầu có thể nhằm vào việc hãm bớt đầu tư của các đối thủ cho việc khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vốn rất đắt đỏ. Iraq cũng đã tuyên bố hạ giá bán dầu, theo sau động thái tương tự từ Arập Xêút và Iran. Mới bắt đầu quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới sau những năm bị cấm vận đầy gian nan, Iran cũng nhanh chóng hạ giá dầu để thu hút khách hàng. Mặc dù mức giá dưới 100 USD/ thùng không hề có lợi, nhưng Iran buộc phải bán để giữ khách.
Lượng cung dầu thô trên thế giới đang vượt xa nhu cầu sử dụng.

Lý do mà các quốc gia này đưa ra là dù có giảm sản lượng dầu đi bao nhiêu cũng không thể hỗ trợ giá dầu khi nguồn cung ngoài OPEC đang tăng mạnh mà nhu cầu lại thấp.

OPEC không chỉ càng ngày càng suy giảm vai trò tác động tới chiều hướng biến động của giá dầu mà nội bộ tổ chức còn bị phân hóa sâu sắc. Arập Xêút thường hành động theo suy tính lợi ích riêng chứ không theo quyết định chung của OPEC. Arập Xêút chủ ý tạo sự đã rồi trước hội nghị thường kỳ ngày 27/11 của OPEC, khiến cho hội nghị được tổ chức nhưng không có tác dụng thực tiễn gì. Với quyết định tiếp tục bán dầu cho Mỹ với giá thấp, Arập Xêút đã sa vào cuộc chơi không còn đường lùi trên thị trường Mỹ. Chắc hẳn OPEC vẫn chưa quên được bài học từ những năm 1980, khi Arập Xêút giảm một nửa sản lượng từ 30 triệu thùng/ ngày xuống còn 16 triệu thùng đã khiến quốc gia này thâm hụt ngân sách trong hơn 15 năm và nợ chồng chất.

Ai lợi ai thiệt?

Khi hàng được giá thì nhà sản xuất có lời và khi xuống giá thì người tiêu thụ thấy dễ thở. Sự thể cũng tương tự trên bình diện chiến lược của các nước, dù bên trong từng quốc gia lại có nhà sản xuất và giới tiêu thụ phản ứng khác nhau.

Vốn thiếu năng lượng tự túc, lại mới bị thiên tai đánh vào hệ thống sản xuất nguyên tử năng lượng, Nhật phải thường xuyên lo về giá dầu, nhất là khi kinh tế trải hơn 20 năm bị suy sụp 6 đợt. Ngày nay, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vất vả tiến hành cải tổ cơ chế kinh tế xã hội, đồng thời kích thích sản xuất để vượt qua khủng hoảng. Một trong các biện pháp táo bạo là tăng thuế tiêu thụ lần thứ nhì với kết quả sẽ chứng kiến lập tức, và chi phối uy tín chính trị của Thủ tướng. Ðấy là lúc dầu thô sụt giá. Kết quả là hai mặt. Doanh nghiệp sản xuất bớt phí tổn năng lượng. Giới tiêu thụ mua hàng rẻ hơn và nhiều hơn sẽ kích thích sản xuất, như ông Abe kêu gọi. Nhưng hậu quả bất ngờ là nhờ dầu giảm giá mà kinh tế khó đạt tiêu chí lạm phát 2%. Lý do rắc rối là chính quyền muốn bơm tiền kích thích và khuyến khích tiêu thụ khi nói trước là nên mua hàng mau mau vì giá sẽ tăng. Nếu lạm phát không lên tới 2% mà thế giới còn nguy cơ giảm phát, thì chính sách kinh tế của ông Abe, được gọi là "Abenomics" sẽ gặp trở ngại.

Tại Ðông Á, dầu thô giảm giá là tin mừng cho Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc bị nhiều khó khăn cùng cực vì giá nhà và đầu tư về địa ốc hay xây cất đều sụt giá nên bám lấy hy vọng xuất khẩu để bù vào khoảng trống. Nhờ giá dầu thô, sản phẩm xuất khẩu có thể rẻ và dễ bán hơn. Cũng nhờ giá dầu giảm mà các loại hàng như xe hơi, đồ điện gia dụng... sẽ rẻ hơn trong tương lai và góp phần nâng sức tiêu thụ nội địa như chủ trương của chính quyền Trung Quốc. Nhưng sự thể bên trong lại rắc rối hơn. Ba đại gia dầu khí là PetroChina, Sinopec và CNOOC đều đầu tư vào năng lượng tại nước khác và thành... nhà sản xuất nên sẽ mất lời khi dầu thô sụt giá.

Tại Ðông Nam Á, dầu giảm giá lại là tin vui. Nhiều chính quyền như Thái Lan hay Malaysia bớt tiền trợ giá xăng và khỏi bị dân chửi trong khi ngân sách cứ bội chi...

Các nước thiệt là những nhà xuất khẩu dầu lớn. Dễ bị tổn thương nhất là Venezuela, Iran và Nga. Nước có khả năng gục ngã đầu tiên có thể là Venezuela. Ngân sách của Venezuela dựa trên giá dầu ở mức 120USD/ thùng. Ngay cả trước khi giá giảm, nước này đã phải chật vật để trả nợ. Cùng với đó, dự trữ ngoại tệ giảm dần, lạm phát hoành hành và Venezuela đang phải chịu đựng tình trạng thiếu nhu yếu phẩm như bột mì và giấy vệ sinh. Iran cũng đang ở một vị trí khó khăn. Nước này cần dầu ở mức giá khoảng 140USD/ thùng để cân bằng ngân sách với các chương trình chi tiêu xa hoa của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad. Các lệnh cấm vận được thiết kế để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương.

So với hai nước trên, Nga có thể có nhiều thời gian hơn. Một đồng tiền mất giá đồng nghĩa với việc giá trị đồng rúp của doanh thu bán dầu đã giảm xuống thấp hơn giá trị đồng đôla thu được từ cùng một sản lượng dầu, làm đệm cho doanh thu từ thuế và hạn chế thâm hụt ngân sách. Nga có thể có khả năng đối phó với mức giá hiện nay trong khoảng thời gian từ 18 tháng đến 2 năm. Các lệnh cấm vận đang khiến nền kinh tế trở nên ngột ngạt và làm cho việc vay vốn trở nên khó khăn. Những người có gia cảnh khó khăn tại Nga sẽ ít có khả năng mua hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu.

Âm mưu địa chính trị?

Theo một số nhà phân tích thì đằng sau thực tế giá dầu hạ có mưu đồ chính trị, dùng dầu mỏ như một vũ khí của cuộc chiến chính trị và kinh tế. Có giả thiết cho rằng, Washington đã thuyết phục Arập Xêút tăng sản lượng để làm sụp giá dầu, hy vọng trừng phạt Nga vì các sự kiện trên bán đảo Crimea và ở miền Đông Ukraina. Đây là một giả thuyết có thể xảy ra, nhưng không hoàn toàn ăn khớp với thực tế vì giá dầu hạ cũng khiến cho chính người Mỹ bị tổn thất. Mỹ cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn.

Theo giới chuyên gia, tình hình thị trường dầu mỏ thế giới trong thời gian tới rất khó đoán. Có thể giá dầu sẽ trở lại mức 100 USD/ thùng hoặc cũng có thể sẽ rớt giá xuống mức 60 USD. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cuộc chiến kinh tế và chính trị xung quanh các thùng dầu sẽ ngày càng ác liệt.

Đan Kô - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.