Hoàng hậu Raina và sự nghiệp giải phóng phụ nữ Hồi giáo Arập

Thứ Tư, 22/06/2005, 16:25

Xuất thân từ tầng lớp bình dân, Rania sớm thấu hiểu những nỗi vất vả của người dân, nhất là thân phận của người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo Arập. Sau khi lên ngôi hoàng hậu Jordani, cô nhanh chóng bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ Hồi giáo Arập tại Jordani và các nước Trung Đông.

Con đường trở thành Hoàng hậu Jordani của Rania Al Abdullah diễn ra như một câu chuyện cổ tích của cô bé lọ lem. Cô không được sinh ra trong một gia đình quyền quý hay giàu có. Bố mẹ cô chỉ là dân thường người Palestine. Do xung đột căng thẳng tại Trung Đông, gia đình cô phải di tản đến Kuweit vào năm 1967. Ngày 23/8/1970, Rania chào đời. Cô và gia đình sống tại Kuweit cho đến khi chiến tranh xảy ra năm 1990 thì chạy nạn sang Amman, thủ đô của Jordani. Trong thời gian này, cô tiếp tục theo học ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Quốc tế Mỹ ở Cairo, Ai Cập.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1991, cô quay về Amman. Tại đây, cô lần lượt làm việc trong phòng marketing của Tập đoàn Citibank rồi Công ty máy tính Apple trước khi gặp Thái tử Abdullah trong một buổi tiệc năm 1992. Vẻ đẹp và sự thông minh của Rania đã nhanh chóng chinh phục trái tim chàng Thái tử trẻ tuổi. Ngay năm sau, hai người tổ chức đám cưới. Tuy nhiên khi đã là phu nhân của Abdulah, Rania vẫn không hề nghĩ rằng mình sẽ trở thành hoàng hậu. Bởi vì thái tử kế vị lúc đó là Hoàng tử Hassan chứ không phải là Abdullah. Chỉ đến giờ phút lâm chung, Nhà vua Hysayn mới đưa ra quyết định bất ngờ: phế truất Hassan và truyền ngôi cho Abdullah. Năm 1999, Abdullah nhiếp chính và Rania chính thức trở thành hoàng hậu.

Rania cùng nhà vua Abdullah và các con.

Không giống như những hoàng hậu và đệ nhất phu nhân tại các quốc gia Hồi giáo Arập khác, thường chỉ khép mình sau bóng phu quân hoặc cùng lắm chỉ tham gia vào một số chương trình từ thiện, Rania đã dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy các chương trình nghị sự nóng bỏng mang tính tiến bộ.

Người ta thường thấy cô trong những bộ trang phục hiện đại và không mang khăn trùm đầu theo truyền thống đạo Hồi, xuất hiện khi thì ở các trường học, khi thì tham gia các hội thảo về sự tiến bộ phụ nữ do cô phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước khởi xướng.

Rania lập luận: “Một trong những vật cản chủ yếu kìm hãm sự phát triển của các quốc gia Arập chính là loại trừ vai trò người phụ nữ trong tiến trình này”. Vì vậy, Hoàng hậu Rania lặng lẽ đứng sau hậu trường vận động chồng và các chính trị gia cấp tiến có uy tín tiến hành cải cách từng bước chính trị xã hội, trong đó tập trung phần lớn vào cải thiện vị trí của người phụ nữ. Những nỗ lực không mệt mỏi của cô đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó, nổi bật nhất là số lượng phụ nữ tham gia chính trường nhiều chưa từng có vào năm 2003: 7 nữ thượng nghị sĩ trong 55 ghế Thượng viện và trong chính phủ 21 thành viên có 3 bộ trưởng là nữ.

Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong nước, Rania còn năng nổ trong các chương trình hành động quốc tế. Ngay sau trận động đất thảm khốc tại thành phố Bam, Iran, tháng 12/2003, đích thân cô đứng ra vận động người Jordani quyên góp hàng cứu trợ giúp người dân vùng bị nạn. Sau đó, Rania trực tiếp sang Iran trao hàng cứu trợ và an ủi những nạn nhân của trận động đất.

Rania còn là thành viên người Arập duy nhất nằm trong Hội đồng điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Năm 2003, cô cùng với WEF và Tập đoàn Công nghệ Cisco Systems đưa ra sáng kiến giáo dục Jordani nhằm phổ cập Internet đến học sinh các quốc gia Trung Đông. Với lợi thế là nhân vật rất được các phương tiện truyền thông phương Tây ưa thích, Rania đi nhiều nơi trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ tại đất nước cô nói riêng và phụ nữ các nước thế giới thứ ba nói chung.

Rania hiện đang là phát ngôn viên cho Phong trào thế giới nâng cao vai trò người phụ nữ tại các nước thế giới thứ ba của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức hỗ trợ cộng đồng có trụ sở tại Washington. Ngoài ra, cô còn thường xuyên tổ chức các buổi tiệc trong đó có sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh, nghệ thuật để gây quỹ cho các chương trình xã hội mà cô tham gia.

Tuy nhiên, những hoạt động tích cực của cô cũng gặp không ít khó khăn thử thách, chủ yếu xuất phát từ tầng lớp chính khách bảo thủ trong nước. Rania như là cái gai trong mắt những người này. Họ gọi cô là người làm đảo lộn các giá trị truyền thống của đạo Hồi. Trên thực tế hàng loạt đề xuất tiến bộ của cô như quyền bình đẳng của phụ nữ trong ly hôn, tăng tuổi kết hôn ở nữ giới từ 15 lên 18, trừng trị tội phạm “cái chết danh dự” đều bị lực lượng chính trị bảo thủ chiếm đa số trong Quốc hội bác bỏ. Họ chỉ trích cô can thiệp vào công việc của Nhà vua. Niềm đam mê thời trang và những chuyến đi nước ngoài thường xuyên của cô cũng là những đề tài mà họ đem ra đàm tiếu.

Nhưng rất may mắn cho Rania, cô luôn nhận được sự ủng hộ của Nhà vua. Vua Abdullah thừa nhận: “Tôi thường phải tham khảo ý kiến cô ấy về những vấn đề mà tôi nghĩ Hoàng hậu am hiểu hơn tôi như giáo dục hay y tế”. Trong cung điện, Nhà vua dành hẳn cho Rania một văn phòng với 20 nhân viên để giúp cô thực hiện hoạt động của mình. Ngoài ra, cô được toàn quyền sử dụng một chiếc máy bay riêng - Chalenger để thuận tiện cho các chuyến đi nước ngoài.

Rania thổ lộ: “Thực sự nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc. Nhưng thật may mắn Nhà vua rất hiểu tôi. Abdullah dạy cho tôi một bài học quý giá, đó là không thể thay đổi cả một xã hội qua một đêm được”. Rania kết luận: “Chừng nào xã hội còn cho rằng vị trí của người phụ nữ là ở nhà thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả”

Chu Anh Tuấn (Theo Time)
.
.